Thursday, March 4, 2021

Tại sao đi chùa hoài mà không thấy phước trổ, mà toàn nhận được những sự xấu xảy ra? - HT Bửu Chánh giảng

 Câu Hỏi : Tại sao đi chùa hoài mà không thấy phước trổ, mà toàn nhận được những sự xấu xảy ra?

Minh Hạnh chuyển biên

HT Bửu Chánh: Mục đích của mình đi chùa là mong được điều đó cho nên mục đích của mình là không phải đi chùa để tạo một sự thanh thản ở trong tâm hồn, đúng không?

Mục đích qúi vị đến chùa không phải để sống được an lạc, phải không?

Nhưng qúi vị đến ngồi đây qúi vị thấy an lạc không? Ở đây không ai nói nặng nói nhẹ gì mình, không ai chửi chó đánh mèo, mình thấy khoẻ, nhưng về nhà mình hàng xóm đánh con bà, mình không thấy an lạc, bà cũng không đánh con mình bà đánh con bà thôi, nhưng vì mình ở xóm đó và xóm đó nhiều chuyện dữ lắm, cha đánh con, vợ đánh chồng, anh em đánh nhau, mình ở thì đâu có hạnh phúc. Do vậy mình đến chùa để tìm sự an lạc, tìm sự hạnh phúc, mình đến chùa ngồi thiền, mình nghe pháp, nghe kinh, mình hạnh phúc và an lạc. Vậy mục đích mình đến chùa là để được sự an lạc và hạnh phúc, chứ không phải đến đây để được cầu phước.

Như qúi vị đến đây mục đích để cầu công việc kia được thì không nên đến đây làm chi. Tại công việc kia thành tựu hay không thành tựu là do một điều kiện khác quyết định chứ không phải do thiện duyên hôm nay quyết định. Thí dụ như có một người kiếp này sanh ra ngồi xét duyệt hồ sơ người ta mà khó khăn dữ lắm, hồ sơ nào cũng không được, hồ sơ nào cũng không được, thì kiếp sau bị quả gì biết không? đó là tại tâm của mình không có tùy hỉ không có mát mẻ, không có hoan hỉ nhiều cho nên vì cái nhân đó trong kiếp này sanh ra thì khi mình xin đi làm gặp khó khăn dữ lắm, thí dụ vậy.

Có nhân thì có quả chứ không phải tự nhiên mà mình không được công việc mình muốn, không phải chuyện do đi chùa mà là do một nhân khác quyết định, và nhân đó thì ở một quá khứ ở một chỗ khác chứ không phải ở chỗ này, chứ không phải do nhân đi chùa mà mình không được cái kia. Cái nhân này không đẻ ra cái kia, mà cái kia là cái quả xấu, quả xấu đó là do một nhân xấu và nhân xấu đó mình đã tạo ở chỗ khác thì xin thí dụ như vậy.

Cho nên mình tạo một nhân lành thì không thể nào cho quả xấu được mà là nhân xấu cho quả xấu, còn nhân lành này là việc khác nữa cho quả lành. Trong khi mình tạo nhân lành này mình đòi được cái kia, mà cái kia là cái quả xấu mình phải trả do cái nhân mình đã tạo trong quá khứ. Quả đó do một cái nhân khác nó trổ quả. Còn nhân lành mình đi chùa nghe kinh nghe pháp mình được an lạc là quả trổ hiện tại. Mình có trí tuệ do nhờ mình đi chùa tụng kinh nghe pháp, tâm mình vui hoan hỉ mát mẻ đó là quả trổ ngay hiện tại rồi chứ đừng nói tới quá khứ, tới tương lai, còn cái vị lai nó còn trả nhiều hơn nữa. Chứ không thể mình lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia được. Người mình có câu thành ngữ là "lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia," tức là lấy cái này cắm vào cái kia, mình tự cắm mình tự hiểu vậy, mình tự lấy râu ông này cắm cằm bà kia tức là mình lấy nhân này để chỉ cái quả kia, nhân này nhân lành, quả kia là quả xấu, nghiệp đen kết quả đen, nghiệp trắng kết quả trắng, không thể nào nghiệp trắng mà kết quả đen được.

Nên vị Phật tử mà cảm thấy rằng đi chùa mà toàn nghe tin xấu rồi họ không đi chùa nữa, không đi chùa vậy tin xấu có đến không? nó có đến nữa chứ không phải là không. Mà nhiều khi không đi chùa mà tin tốt nó đến, đến thời kỳ mà tin tốt đến cùng lúc không đi chùa thành ra người này nói "oh, mình không đi chùa thì tin tốt nó đến còn đi chùa hoài tin xấu nó đến," tức là mình lấy cái này cắm vào cái kia nữa, lấy cái nắp này ốp vô cái nồi kia, không đúng. Như vậy mình không đi chùa tin xấu cũng có thể đến, mà đi chùa tin xấu đến thì mình đổ tại đi chùa.

Tin xấu là cái quả, cái quả của mình phải trả.

Còn đi chùa là cái nhân.

Tin xấu là cái quả xấu của một cái nhân xấu.

Còn đi chùa là một cái nhân tốt cho quả tốt.

Cho nên người vừa tạo nghiệp đen vừa tạo nghiệp trắng tốt hơn là người tạo nghiệp đen không, nếu so sánh ra thì cái người nghiệp đen kết quả đen - nhân xấu kết quả xấu và nhân tốt kết quả tốt, nhân vừa tốt vừa xấu kết quả vừa xấu vừa tốt v.v... Thì người tạo nhân tốt và bên cạnh cũng có tạo nhân xấu so với người chỉ tạo nhân xấu không, thì người vừa nhân tốt nhân xấu thì tốt hơn người chỉ có nhân xấu, đúng không?, nhưng mà ở đây không phải, đây là quả xấu còn đây là nhân tốt, nhân tốt là mình đi chùa nghe kinh nghe pháp là nhân tốt và nó chưa trổ quả chứ không phải nó trổ quả xấu này, quả xấu này là do một nhân xấu khác trổ, nghĩ như vậy thì tự nhiên mình mạnh dạn đi chùa, nó xấu tới đâu mình chấp nhận tới đó, quả xấu tới đâu mình chấp nhận tới đó, vì mình phải trả quả và mình hãy hoan hỉ trả quả chứ không thể nào mình nói tôi không chịu trả quả, quả này là do cái nghiệp của mình làm do cái nhân mình đã làm điều đó chứ không phải ai làm.

Nên chủ trương của Sư là khuyến khích các Phật tử ta tạo nhiều nhân tốt bên cạnh đó thì thỉnh thoảng mình cũng có nhân xấu, còn nếu mình không tạo được nhân tốt thì nhân xấu cứ xuất hiện thì mình không có gì để trợ duyên hết, một người mà tạo một nghiệp đen hay là tạo một nhân xấu. Giống như một người cầm cục đá lớn nặng đem liệng xuống nước thì chìm, nhưng nếu như có một chiếc thuyền mà liệng cục đá này lên chiếc thuyền đó dầu đá nặng cỡ nào mà nếu có chiếc thuyền thì đá vẫn còn nổi, trừ khi thuyền lủng nước tràn vào thì đá chìm. Như vậy nếu mình tạo nhân xấu nhưng bên cạnh đó mình tạo nhân tốt thì nhân tốt này cũng giúp cho mình một lúc nào đó chớ không phải không. Thậm trí một người không có nhân tốt nào chỉ có nhân xấu nhỏ như hạt sỏi nhỏ liệng xuống nước nó vẫn chìm như thường nếu không có nhân tốt.

Cho nên chúng tôi khuyến khích qúi vị phải tạo nhiều nhân tốt để chạy đua với nhân xấu, nhưng khi quả trổ rồi thì mình phải chịu thôi.

"Cho dù bay vút lưng trời

Cho dù đáy biển trốn thời được đâu

Cho dù núi thẳm hang sâu

Không nơi nào thoát quả sầu đã gieo."

Quả sầu đã gieo nhân, mình ở đâu cũng vậy, dù ở trên núi cao hay dưới đáy biển bất cứ ở đâu khi đã tạo nhân rồi thì khi nó trổ quả thì nó vẫn trổ quả. Trước đây mình làm công việc gì đó, mình khó khăn, ai đến xin việc làm mình chỉ là người xét việc thôi, nhưng mà rất là khó, đó là mình tạo nhân, kiếp này sanh lên mình đi xin chỗ nào người ta cũng không nhận mình, hồ sơ nộp chỗ này chỗ kia không ai nhận mình hết, nó có cái nhân của nó. Qúi vị thấy nhiều người tánh tình dễ thì hồ sơ thiếu chút đỉnh họ cũng nhận, có người thì họ quá khó, đủ họ cũng không nhận, chẳng hạn như vậy, tất cả đều là nhân là nghiệp, tất cả đều là nghiệp. Có người thi một lần đậu có người thi bốn lần chưa đậu, có nhiều người thi mặc dầu trình độ cũng khá nhưng thì không đậu, như có vị xuất gia đi tu rồi đi thi để học trường Phật học, có nhiều trường hợp thi ba lần mới đậu, vừa rồi trường Phật học Vạn Hạnh có tuyển sinh có người thi ba lần rồi không đậu, tội nghiệp quá nên Sư nói thôi bây giờ làm đơn đi rồi Sư trình cho học viện để nhờ người ta xét cho, Sư cũng làm ơn vậy đó, mà nhiều khi bài cũng không khó nhưng mình làm sao nó không trúng ý của người chấm, còn nếu qua tay người chấm mà trúng ý họ thì lại khác, cho nên bôn ba không qua thời vận là vậy, nhiều khi mình cũng làm bài cũng được mà qua người giám khảo này họ chấm thì chấm được điểm cao, điểm trên trung bình, nhưng qua một giám khảo khó tánh quá thì họ chấm mình dưới trung bình thì sẽ rớt. Ba lần như vậy người này đều rơi vào giám khảo khó tánh nên bị rớt. Nhận xét trình độ thì người này vẫn có khả năng đậu, nếu bài đó mà họ rơi vào người giám khảo dễ chấm thì họ sẽ đậu, cho họ 6 điểm hoặc 5 điểm thì người giám khảo khó cho có 3 điểm 4 điểm. Nên có những người cũng có trình độ có thể đậu nhưng mà rồi cũng không đậu tại họ đã tạo một nhân gì đó như gây trở ngại cho những người khác trên đường học tập chẳng hạn, họ chê bai những người đi học, học hành, đọc kinh sách họ chê bai họ nói đọc chi cho mệt, họ nói vậy đó, học cho nhiều cũng vậy, họ chê bai bằng khẩu nghiệp, họ chê bai bằng âm, họ chê bai bằng sự suy nghĩ thì đó là tạo nghiệp rồi, nên sanh ra việc học hành của họ gặp trở ngại.

Chẳng hạn qúi vị đi nghe pháp là phát sanh trí tuệ, nhưng có người nói đi nghe chi cho mệt vậy ở nhà tụng kinh cho rồi đi chi cho mệt, chỉ một câu nói vậy thôi cũng tạo nghiệp rồi. Đi nghe pháp thì phát sanh trí tuệ mà bây giờ mình nói vậy tức là mình ngăn cản trí tuệ người khác thì tự nhiên là mình sẽ tạo một cái nghiệp, nghiệp đó là ngăn cản trí tuệ người khác, đời sau mình sẽ gặp trở ngại đó, và có thể điều đó không làm cho mình sanh vào khổ cảnh hay sanh làm qủi atula hay địa ngục, nhưng khi sanh làm người mình sẽ gặp trở ngại cái đó, còn chuyện đi nghe pháp làm chi ở nhà cho rồi thì câu nói đó cũng không tạo nghiệp gì nặng lắm, trừ khi mình phỉ báng pháp thì mang nghiệp nặng. Còn nói thôi khỏi đi nghe làm chi, mình chỉ nói câu đó thôi thì đã tạo nghiệp rồi chứ không phải đơn giản. Mỗi lời nói phát ra đều có nghiệp, mỗi suy nghĩ đều có nghiệp, và nỗi hành động bằng thân đều có nghiệp, thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Và thí dụ như bây giờ người ta đi nghe pháp qúi vị cản thôi đừng có đi đó là nghiệp xấu, nghiệp này không đến độ phải sanh vào khổ cảnh, sanh vào địa ngục nhưng tạo một nghiệp khác ngăn trở trí tuệ người khác nên kiếp này sanh lên thi ba lần cũng không đậu là vậy, có nhiều người thi ba bốn lần mà cũng không đậu, nên những người nào chịu khó có công mài sắc có ngày lên kim tức là nếu cố gắng nhẫn nại thì có kết quả, chứ không phải nói như vậy rồi không làm gì hết, nếu người đó chuyển nghiệp được quả vậy nghiệp chuyển nghiệp bằng cách là mình tinh tấn cố gắng siêng năng ba lần không được thì bốn lần gọi là cần cù bù thông minh tức là mình chịu khó nhẫn nại cần cù thì bù cái thông minh, thì trước sau cũng đậu, qúi vị đi nghe pháp là qúi vị cũng hiểu, nghe nhiều hiểu nhiều./.


No comments:

Post a Comment