Friday, March 12, 2021

Câu hỏi: Tại sao trong Thắng Pháp không có câu "Như vầy tôi nghe?" - HT Chánh Minh giảng

 3. Tại sao kỳ kết tập lần thứ nhất và thứ hai không có tạng Thắng Pháp, và tại sao không có câu ‘như vầy tôi nghe’ trong tạng Thắng Pháp?

Nhị Tường ghi chép

Chúng ta nhớ là trong kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ nhất với mục đích của các ngài là loại trừ những lời nói phi pháp của vị tỳ kheo già có tên là Subhadda. Khi Đức Thế Tôn mới vừa viên tịch ở thành Kusinārā, một số vị tỳ kheo còn phàm buồn tủi khóc lóc, lúc bấy giờ có vị tỳ kheo già mới xuất gia tên là Subhadda (đừng nhầm lẫn với vị đệ tử cuối cùng của Đức Thế Tôn cũng tên là Subhadda) nói rằng:

- "Này chư hiền, đừng khóc làm chi, hồi còn Đức Thế Tôn, mình làm cái gì thì Ngài nói này tỳ kheo việc này nên làm việc này không nên làm, giờ Ngài niết-bàn rồi, mình muốn làm gì mình làm". 

Đức Kassapa nghe như vậy mới nói:

- "Đức Thế Tôn mới niết-bàn mà có tư tưởng như vậy thì không được. Nhưng bây giờ thì đang trong thời điểm quan trọng phải lo đại sự cho sự viên tịch của Đức Thế Tôn."

Nên sau đó thì với sự hỗ trợ (bảo trợ) của vua A-Xà-Thế ngài kết tập Tam Tạng lần thứ nhất, tức là kết tập toàn bộ Phật ngôn, với mục đích là như vậy. 

Và như chúng tôi trình bày khi nãy, trong thời Đức Thế Tôn thì không có tạng Luận – không có tách riêng mà chỉ có Pháp và Luật, những quy định, những thể thức, cách thức, cách hành xử trong chư tăng cũng như chư tăng đối với Phật tử, điều nên làm, điều không nên làm, những nghi thức. Ví dụ như người xuất gia không nên đi tới những  những thanh lâu, nhà của các sương phụ, gái lỡ thời v.v... Những gì còn lại ngoài những nghi thức, ngoài những hành xử những điều được làm và không được làm, toàn bộ những cái còn lại được gọi là pháp. Như vậy trong kỳ kết tập lần thứ nhất thì không có phân chia ra. Sau kỳ kết tập lần thứ ba thì các ngài mới phân ra thành ba giỏ Kinh, Luật và Luận. 

Tại sao trong tạng kinh có “như vầy tôi nghe” mà trong tạng Diệu Pháp không có, và ai là người trùng tuyên? 

Xin thưa cũng chính là đức Ānanda trùng tuyên tạng Diệu Pháp. Còn câu “Như vầy tôi nghe” ở trong tạng Kinh, thứ nhất, là do đức Ānanda xác nhận “bài kinh này tôi nghe.” Trong thời Đức Phật, những vị muốn học tạng Diệu Pháp thì không có sách vở như chúng ta, ngoại trừ 500 vì mà chúng tôi giới thiệu quí vị khi nãy, thông tạng Thắng Pháp đầu tiên là đức Xá Lợi Phất. 

Tạng Diệu Pháp này thực tình mà nói, như nhiều người nói thì khô khan, nhưng thật ra  không có khô khan, mà đòi hỏi chúng ta phải nghiền ngẫm rất là nhiều. Cho nên những tạng Kinh thì được sâu rộng, và những bài kinh có thể là bị sai lệch nên đức Ānanda trùng tuyên lại “như vầy tôi nghe, một thời”. Đức Ānanda  xác nhận “tôi nghe từ Đức Thế Tôn, không nghe từ vị nào khác nữa hết”, vì Đức Thế Tôn thuyết ở đâu đó, về thuyết lại cho đức Ānanda nghe. Cho nên nói “như vầy tôi nghe” tức là có những bài kinh bị cải biên hoặc những bài kinh thiếu từ, mất từ hoặc đoạn trước nói sau, đoạn sau nói trước v.v..., nên đức Ānanda trùng tuyên trở lại từ đu đến cuối, bởi vì đức Ānanda có một trí nhớ tuyệt vời, và xác nhận “tôi nghe từ Đức Phật”.

 Chữ ‘một thời’ này có giá trị không xác định. Ví dụ một thời Đức Thế Tôn ngự ở tại Kỳ Viên Tịnh xá, vào cái thời Đức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên tịnh xá thì nhiều lắm, khoảng 19 hạ. Hoặc một thời Đức Thế Tôn ngự tại Đông Phương tự, thời gian này cũng nhiều lắm, khoảng 6 hạ. Chữ ‘một thời’ này không có tính chất xác định ở hạ nào, mà chỉ nói chung chung, đại khái là có lần Đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên tịnh xá, có lần Đức Thế Tôn ở tại thành Vương Xá. Một thời tức là “bài kinh này tôi nghe từ Đức Thế Tôn, có lần Đức Thế Tôn ngự tại đó đó.” 

Còn trong tạng Diệu Pháp thường thường được gọi là “tasmiṃ samaye” (trong khi ấy), và lúc này thì không có “một thời” nữa, vì rõ ràng là hạ thứ bảy và Ngài ở trên cung trời Đao Lợi. Bài pháp này Đức Thế Tôn cũng có thể thuyết lại đức cho Ānanda mà đức Xá Lợi Phất cũng có thể thuyết lại cho ngài. Đức Ānanda là vị thủ khố Tam Tạng, đức Ānanda rất là thương kính Đức Thế Tôn và rất là cung kính đức Xá Lợi Phất luôn cả đức Kassapa. Cho nên có những lúc đức Ānanda ngại Đức Thế Tôn mệt nhọc, Đức Phật thuyết giảng trên đó ba tháng trời, mà giờ thuyết Đức Thế Tôn giảng lại cho đức Ānanda cũng phải ba tháng trời, liên tục như vậy, thì quí vị sẽ thấy như thế nào? Cho nên đức Ānanda có thể nghe từ Đức Thế Tôn và có thể học tập từ nơi đức Xá Lợi Phất bởi đức Xá Lợi Phất không bao giờ giảng sai. Tướng quân chánh pháp mà, cũng có trí nhớ tuyệt vời. 

Vậy cho nên, trong đó là “như vầy tôi nghe” mà rõ ràng là đức Ānanda cũng trùng tuyên tạng Thắng Pháp nhưng không cần nói, người ta cũng hiểu. Bởi vì rõ ràng tạng này chính thức là Đức Thế Tôn thuyết giảng không còn bàn cãi nữa. Không có một thánh đệ tử nào có trí tuệ mà có thể phân tích được 24 duyên, trùng trùng duyên sinh điệp điệp duyên khởi đó. Cũng không có một vị thánh thượng thủ Thanh văn nào mà có thể lý thập nhị duyên khởi sâu rộng tận cùng như trong tạng Thắng Pháp. Điều này chắc chắn của Đức Phật rồi, nhất là phần Duyên hệ, bộ Paṭṭhāna - bộ thứ 7. Chắc chắn phần này là của Đức Phật rồi, còn có ai khác nữa, không cần phải nói “như vầy tôi nghe, một thời” nữa, mà là “trong khi đó” (tasmiṃ samaye) bởi vì tạng Thắng Pháp chỉ thuyết trong hạ thứ 7 mà thôi, ngoài ra không thuyết chỗ nào nữa, không cần phải nhắc tới là như vậy.


No comments:

Post a Comment