Tuesday, March 2, 2021

Câu hỏi: câu nói: Đường tu bố thí đứng đầu" có đúng lời Phật dạy không? - HT Chánh Minh giảng

 Câu hỏi: câu nói: Đường tu bố thí đứng đầu" có đúng lời Phật dạy không?

Trích đoạn trong bài giảng "1 pháp thấp kém, 1 pháp thù thắng" HT Chánh Minh giảng trong lớp Phật Pháp Nhiệm Màu

Minh Hạnh chuyển biên

HT Chánh Minh: Có những vị giảng sư giảng: "Đường tu bố thí đứng đầu". Xin thưa, không phải.

 Người Phật tử thường thực hiện 3 pháp, bố thí, trì giới và, tu thiền, đó là 3 điều căn bản của người Phật tử chúng ta, ngay cả những vị Sa Môn, nhưng, bố thí không phải đứng đầu, bởi vì cho dù bố thí như thế nào chăng nữa thì chỉ có áp chế được tâm tham mà thôi, hay là tạm thời xa lánh được tâm tham, chứ không hẳn là diệt trừ được tâm tham hay diệt trừ được tâm bỏn xẻn, mà chỉ một phút giây nào đó, ở một thời điểm nào đó thì áp chế được tâm tham, buông bỏ được tâm bỏn xẻn.

Cho nên, pháp bố thí không phải là pháp đứng đầu, mà pháp bố thí là pháp trước tiên, điều căn bản này dẫn dắt tới sự giữ giới.

 Bởi vì, bố thí là kết hợp bởi đức tin với sự buông bỏ và, để làm cho tăng trưởng sự buông bỏ này thì phải giữ gìn, thân, ngữ, ý không cho rơi vào bất thiện, đó là giữ giới.

Nhưng chưa đủ, nó chỉ áp chế được phần thô bên ngoài về thân với ngữ mà thôi, tức là ở bên ngoài thôi, cho nên phải đào bứng tận bên trong bởi sự tu thiền.

Nhưng, người ta nói bố thí là pháp đứng đầu, xin thưa, chính vì văn cú này bị đảo ngược.

- Trước tiên khác với đứng đầu. Mình không thể nói lớp một là lớp đứng đầu của thạc sĩ hay tiến sĩ được, không thể nói như vậy, nhưng, lớp một là năm đầu tiên để từ đó lên lớp hai, lớp ba, rồi lớp 12, rồi tiếp theo những năm đại học. Nhưng phải có học lớp một, mà lớp một được xếp đầu, xếp trước tiên chứ không phải là lớp đứng đầu, gọi là năm trước tiên thì được, không thể nói là đứng đầu, cái đứng đầu là cái rất quan trọng. 

Một người đứng đầu là người quan trọng, người trước tiên không phải là người quan trọng, thí dụ, trong một buổi họp, có thể người tới phòng họp trước nhưng người đó không phải là người quan trọng, có thể ông A hay ông B là người tới trước tiên, nhưng người đứng đầu cuộc họp đó thí dụ như vị chủ tịch, hay vị được ủy nhiệm bởi vị chủ tịch hội đồng quản trị, người đó mới là quan trọng. 

Cho nên, khi nói tới văn cú đảo ngược thì ý nghĩa bị sai lệch, trong pháp học chúng ta có rất nhiều trường hợp như vậy. 

Tại sao, bởi vì không khéo tác ý, chúng ta không nghiệm suy được chi tiết phát hiện trong lời dạy của Đức Phật, chứ hành trình từ người phàm nhân cho đến chứng đắc được đạo quả, trước tiên là pháp bố thí, tiếp theo là trì giới, tiếp theo là pháp buông bỏ tức là nekkhamma là pháp xuất gia, tiếp theo là pháp khổ hành, điều này ở đâu, chính Đức Bồ Tát của chúng ta, khi Bồ Tát Sumedha được Đức Phật Nhiên Đăng (Dipanikara) thọ ký rằng còn 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất nữa thì vị thiện nam tử này sẽ trở thành vị Chánh Đảng Chánh Giác với hồng danh là Gotama, tộc họ là Sakya. Khi được Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký thì quả địa cầu rung chuyển. 

Sau khi Đức Phật Nhiên Đăng (Dipanikara) cùng Chư Tăng ra đi, Đức Bồ Tát Sumedha ngồi lại và Ngài ngồi trên đống hoa, Ngài tự tìm hiểu rằng: nếu ta muốn thành vị Chánh Đẳng Chánh Giác trước tiên ta nên thực hiện pháp nào và Ngài thấy rằng pháp bố thí trước tiên, mà thành tựu được đạo quả Chánh Đẳng Chánh Giác không phải chỉ là pháp bố thí không thôi, mà phải là thêm pháp trì giới, rồi Ngài tìm ra 10 pháp độ.

Thì khi nói pháp bố thí trước tiên chúng ta phải hiểu trước tiên chứ không phải là đứng đầu, nhưng, người ta thường bẻ cong bởi vì bố thí có lợi cho người nhận, cho nên thường cổ súy như vậy.

Họ có thể biện luận là, do kiếp chót của Bồ Tát là Bồ Tát Vessantara thực hiện pháp bố thí để tròn đủ pháp Balamật.

Xin thưa, lại là một vấn đề không khéo tác ý ở điểm này. Mặc dầu trong câu chuyện bổn sanh kiếp cuối còn nhân loại của Ngài gọi là Bồ Tát Vessantara, Ngài đã bố thí vợ, bố thí con, bố thí tài sản, sự kiện này người ta cho rằng pháp bố thí là pháp rất quan trọng, là pháp đứng đầu. 

Thật ra không phải, khi người ta nói Ngài tu tập cho nó hoàn mãn được 10 pháp độ, tức là vòng đai 10 pháp độ đó được khép kín lại không còn kẽ hở nữa. 

Thí dụ, chúng ta đi từ điểm A đến điểm B thì nó còn một khoản cách, để làm cho nó trọn vẹn chúng ta đi lại cho đến đầu điểm A, như chúng ta vẽ vòng tròn tới điểm áp chót rồi cái điểm áp chót vẫn còn khoản cách nhỏ, nó phải đi tới điểm ban đầu, khi nào chạm điểm ban đầu thì vòng tròn đó được khép kín.

Hoặc giả, trong những cuộc làm lễ kiết giới Sima, những vị chư tăng đi từ dấu hiệu của Sima là một tảng đá chẳng hạn ở hướng đông, từ đó đi tới hướng nam, rồi tới hướng tây, rồi tới hướng bắc, tới đó chưa xong vòng đai của kiết giới sima chưa được khép kín, nó còn bị hở từ hướng bắc cho tới hướng đông, nên các Ngài phải đi tới hướng đông lần nữa thì như vậy vòng đai được khép kín. 

Cũng vậy. Nếu nói về lục độ, pháp bố thí trước tiên, rồi tới trì giới, tới tinh tấn, tới thiền định, rồi tới nhẫn nại, rồi tới trí tuệ, nhưng tới đó chưa, vòng đai của lục độ chưa được khép kín, mình phải đi trở lại pháp bố thí nữa. Chúng ta phải hiểu như vậy, chứ không phải pháp bố thí là pháp đứng đầu mà nó là pháp trước tiên và, cũng là pháp cuối cùng, cũng giống như điểm đầu tiên cũng chính là điểm cuối cùng, thì vòng đai đó phải được khép kín. 

 Thì trong bố thí chúng ta thấy mục tiêu của pháp bố thí là, mình áp chế lòng bỏn xẻn, áp chế được tâm tham, nhưng vì không khéo tác ý cho nên bố thí nhiều khi do tâm tham dẫn tới bố thí chứ không phải là thứ bố thí được loại trừ được tâm tham. Muốn áp chế được tâm tham chính là do tâm tác ý khéo. Thí dụ, một người cúng dường bông hoa đến Đức Phật nguyện rằng:  

- "Xin cho con được tái sanh làm chư thiên, được tái sanh làm người giàu sang." 

Như vậy rõ ràng là không áp chế được tâm tham.

Pháp bố thí có nhiều cách, cách tốt nhất vẫn cứ làm phải có tác ý khéo. Ta thực hiện pháp này nhằm mục đích không cho tâm tham dính mắc. Nhưng khi ước nguyện thì ước nguyện như thế nào cho phù hợp với ý ban đầu. Nơi nào tham không thể có mặt, nơi nào sân không thể có mặt được, nơi nào si không thể có mặt được, xin thưa, nơi nào trong tam giới này cũng có mặt tham sân si hết, không nơi nào mà không có mặt tham sân si, cho dù rằng cảnh giới phi tưởng phi phi tưởng, cảnh giới cao nhất ở trong tam giới này thì vẫn cứ có mặt tham và si trong đó, mặt dù cảnh giới không có sân trong đó nhưng vẫn có tham và si trong đó, chính vì còn có tham có si nên phải còn trở lại luân hồi, cho nên nơi nào không có tham không có si không có sân, xin thưa, chính là Niết-bàn, những gì thuộc về hữu vi, những gì thuộc về còn dính mắc tới luân hồi, có tác ý khéo chúng ta mới loại trừ được cái tác ý không khéo này, còn không thôi chúng ta sẽ bị lòng tham dính mắc. 

Bây giờ chúng ta nói: Pháp bố thí là pháp bố thí, pháp tri ân là pháp tri ân, hai pháp này không dính dáng gì với nhau.

Mình muốn tri ân nhớ ơn người hướng dẫn mình, mình phải cúng dường, không phải như vậy, sự tri ân nhớ ơn là khác sự cúng dường là khác, hai pháp này khác nhau, cho dù không có cơ hội cúng dường mình vẫn tri ân được, còn cúng dường mình chỉ biểu thị bằng tâm mình được rồi, cái quả của tri ân khác với cái quả của bố thí.

Có hai hạng người khó tìm trên đời:

- Hạng người thứ nhất là người ra ân mà không cần báo đáp.

- Hạng người thứ hai là hạng người tri ân, nhớ ân.

Hai hạng người này khó tìm trên đời. Nhưng người để mình bố thí không phải là hạng người khó tìm trên đời, đưa tay ra là hốt được một nắm những người để bố thí, chứ không phải là khó tìm.

Thì rõ ràng như vậy nhưng vì văn cú bị đảo lộn nên ý nghĩa này bị đảo lộn, để thể hiện pháp tri ân mình phải cúng dường bố thí, xin thưa, Đức Phật không dạy như vậy. Đức Phật Ngài dạy người nào tri ơn, biết ơn Như Lai, thành kính đối với Như Lai thì người đó nên tu tập theo lời dạy của Như Lai, người cung kính Như Lai là người biết ơn Như Lai.

Trong Phật Giáo Nam Truyền có những buổi lễ như thọ đầu đà Rằm Tháng Giêng hay Rằm tháng Tư, trong đó có một ý nghĩa là mình tri ân Đức Phật, bởi Đức Phật dạy cho mình những giáo pháp biết lánh xa những tội lỗi, thực hiện những hạnh lành, tu tập những điều tốt đẹp để thoát khỏi cõi khổ. Pháp Dhutaṅgakathā là pháp Đầu Đà, nhằm bứng đi những phiền não, những ô nhiễm, những điều ác xấu, mình thực hành có lợi cho mình và, đồng thời thể hiện pháp tri ân. 

Như vậy, trong đêm đầu đà có thể có những Phật tử cúng dường và, có những Phật tử không cúng dường nhưng có thực hành pháp. Câu chuyện này của chính Đức Phật:

Khi nghe tin Đức Phật còn 3 tháng nữa viên tịch, các vị tỳ khưu ngồi than thở: "Ánh sáng của thế gian sắp tắt, bóng tối sẽ tràn ngập trên thế gian này, vị cứu tinh của nhân loại và chư thiên sắp viên tịch". Ngồi than thở, than vắn than dài, đó chính là tác ý không khéo.

Có một vị tỳ kheo tên là Tissa nghĩ rằng:

- Đức Phật sắp tịch diệt Niết Bàn, ta vẫn còn phàm nhân, tham ái chưa diệt đoạn tuyệt được. Vậy ta nên cố gắng tinh tấn thực hành thiền tuệ để chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán, khi Đức Phật hiện đang còn trên thế gian”.

Cho nên thay vì ở một chỗ cùng với Chư Tăng bàn luận, vị Tỳ Khưu Tissa tìm nơi thanh vắng ngồi tu tập thiền định, các vị tỳ khưu khác trình lên Đức Phật: 

- Bạch Đức Thế Tôn, Tỳ Khưu Tissa nghe tin Đức Thế Tôn sắp viên tịch, ông lánh xa chỗ Đức Thế Tôn, thong dong tự tại không có đau buồn.

 Đức Thế Tôn Ngài muốn dạy các Tỳ Khưu, nên cho gọi Ngài Tissa đến hỏi:

-   Này Tissa, tại sao con làm như vậy?

- Bạch Đức Thế Tôn, con nghĩ rằng còn 3 tháng nữa Đức Thế Tôn Ngài viên tịch, nhưng một đạo quả con không có, con nhủ rằng con phải chứng đắc trước khi Đức Thế Tôn viên tịch, cho nên con không có tham dự vào trong những cuộc than khóc, con tìm nơi thanh vắng để con tu thiền định.

Đức Thế Tôn tán thán: "Lành thay, lành thay, này các Tỳ Khưu, người nào mà tôn kính Như Lai, nên noi gương như Tissa. Tôn kính Như Lai không phải là cúng dường bằng hương thơm, tràng hoa, mà thực hành tu tập pháp của Như Lai là cúng dường Như Lai, người nào thực hành pháp của Như Lai là tri ân Như Lai."

Thì rõ ràng Đức Phật Ngài dạy như vậy, đâu phải cúng dường bằng hương thơm, tràng hoa là thể hiện sự tri ân, mà là tu tập thực hành theo lời dạy của Đức Thế Tôn một cách đúng đắn là tri ân Đức Phật. Đó là người tri ân.

Người hành pháp là người khó tìm trên đời, mà người hành pháp chứng đắc đạo quả càng khó tìm trên đời, vào thời Đức Thế Tôn, Chư Thiên và nhân loại chứng đắc đạo quả rất nhiều, nhưng số lượng nhiều đó so với thời bây giờ, nhưng so với số lượng chúng sanh số lượng không có nhiều chút nào, trong suốt cuộc đời của Đức Phật chỉ có các vị Thánh đại để tử thôi mà nhân loại nhiều biết bao nhiêu, cả tỉ người mà chỉ có 80 đại đệ tử, thành ra số lượng những vị Thánh từ Anahàm trở xuống cũng không có bao nhiêu, nhiều thì nhiều thật nhưng so với tỉ lệ nhân loại thì ít, cho nên khó tìm, như thời đại này chúng ta thấy rằng trên thế gian này có trên 4 tỉ người có thể lên tới gần 5 tỉ người, tìm một vị Thánh Alahán rất khó, mà vị Thánh Alahán là người tri ân Đức Phật, tìm được vị Thánh Anahàm là người tri ân Đức Phật, tìm một vị Thánh đắc quả Dự Lưu thôi, là người tri ân Đức Phật, đâu có dễ, cho nên cứ bẻ cong giáo pháp của Đức Phật, mục đích là gì, mục đích là thể hiện tâm tham, mà tâm tham đó do tác ý không khéo, như vậy trở thành phỉ báng giáo pháp, nó cực kỳ nguy hiểm. 

Thành ra pháp bố thí người học Phật là phải khéo tác ý.  Đôi khi bố thí nhờ khéo tác ý đi chung với trí tuệ, một khi đi chung với trí tuệ thì thấy rõ được nhân, thấy được quả.

Nói tới trí tuệ là thấy được nhân này cho quả này, và quả này lớn hay nhỏ do tùy theo đối tượng, rồi quả lớn hay nhỏ do tùy tâm thí trong sạch hay không trong sạch, những người có tâm ý trong sạch cúng dường đến Đức Thế Tôn vào buổi tối buổi sáng trở thành vị trưởng giả, không phải may mắn mà là do phước trổ, nó trổ là do tâm ý trong sạch, đối tượng được trong sạch được tốt đẹp, như câu chuyện của balamôn Culekasataka muốn cúng dường tấm khăn choàng đầu hôm nhưng lòng bỏn xẻn ngăn lại, giữa đêm muốn cúng dường lòng bỏn xẻn nổi lên ngăn cản lại, buổi gần sáng áp chế được lòng bỏn xẻn cúng dường mảnh khăn choàng là phát sanh ngay giàu có, được vua ban thưởng coi bốn ngôi làng.

Muốn áp chế được tâm tham tâm bỏn xẻn là tâm phải có trí tuệ để nhận thức được, tâm đó rất trong sạch không ao ước cái gì hết vẫn có quả. Đó là những câu chuyện cho chúng ta suy ngẫm,vì khi có kết quả là do pháp buông xả, do pháp bố thí, dĩ nhiên phát sanh tài sản. Nhưng tài sản đó có đáng hài lòng hay không, đó là vấn đề khác. 

Còn tác ý khéo sự bố thí cúng dường dẫn tới kết quả đáng hài lòng, đáng mong mỏi.

 Giống như người gieo hạt giống nhờ có tác ý khéo đi chung với trí quan sát mảnh ruộng có màu mỡ hay không, có bị chướng ngại gì hay không, có những cỏ dại hay không, khi thấy mảnh ruộng này không có cỏ dại, có nhiều chất bùn phù sa, chúng ta gieo hạt giống lên đó dù ít nhưng kết quả đáng hài lòng, đáng mong mỏi. Nếu mảnh ruộng xấu, đầy cỏ dại, nhiều chất phèn chua, gieo hạt giống xuống thì sẽ thất bại, đó là pháp căn bản./.


No comments:

Post a Comment