Wednesday, March 17, 2021

Câu Hỏi : Nếu người Phật tử không tiện xin - HT Chánh Minh giảng

 Câu Hỏi : Nếu người Phật tử không tiện xin giới, nhưng không phạm một trong những giới luật Phật thì người đó có được lợi ích không?

Minh Hạnh chuyển biên

HT Chánh Minh: Xin thưa, dù rằng mình không vi phạm giới nhưng vẫn xin giới thì rất có lợi ích. Lợi ích như thế nào? Thứ nhất mặc dù mình biết là mình không phạm giới nhưng khi mà mình xin giới thì đó là sự nhắc nhở cho mình, và một khi nhắc nhở thì tâm thiện sanh khởi lên và khi mình xin giới và quán xét lại tất cả những giới mình không vi phạm thì tâm hân hoan sinh khởi, mà hễ tâm hân hoan sinh khởi thì nó sẽ dễ dàng dẫn chứng tới những gì mình cần dẫn chứng. Trường hợp này có một vị tỳ khưu giữ giới rất trong sạch, vị thọ thần (vị chư thiên) ở đó không hài lòng cho nên nhập vào đứa bé làm cho nó sôi bọt mép, cả nhà lo sợ. Vị thọ thần này mới nhập vào người khác nói rằng:

"Muốn trị bịnh hết thì ta chỉ cho, ngày mai có một ông Sư đi bát tới nhà thì xin ông thuốc trị bịnh ông sẽ cho thuốc thì đứa bé sẽ hết, mà nếu ông sư này nói không biết thuốc trị bịnh thì xin nước rửa bát của ông cho đứa bé uống thì cũng hết."

Qua ngày hôm sau vị tỳ khưu đi bát tới người nhà mới mừng quá vì thấy vị cứu tinh tới, đứa bé nằm mê mang bởi vì nó bị thần lực của vị Chư Thiên hành hạ nó, người nha xin trị bịnh, thì Ngài mới nói là:

"Ta đâu biết làm thầy thuốc."

Người nhà mới nói:

"Xin Ngài cho nước rửa bát của Ngài để cho đứa bé uống."

Thì Ngài cũng nghĩ nước rửa bát đâu có phạm giới gì, đâu phải là trị bịnh, bèn cho nước rửa bát đứa bé uống hết bịnh. Ngài thọ thực xong thì đi về. Chư Thiên hiện ra nói với Ngài rằng:

"Này ông tỳ khưu ông đã phá giới."

Ngài Trưởng Lão mới nói "Ta đâu có phá giới gì."

Vị thọ thần bèn nói:

"Ông mới vừa cho thuốc trị bịnh cho đứa bé, ông phạm vào giới của nhà Phật."

Vị tỳ khưu này ngồi quán xét lại thấy mình không phạm giới gì hết nên hoan hỷ vô cùng và phát triển thiền quán chứng đắc quả A La Hán.

Chúng tôi mới vừa trình bày như vậy để cho thấy rằng mình không phạm giới nhưng vẫn nên xin giới một hình thức để nhắc nhở mình, thứ hai nữa khi đó tâm thiện của mình sinh khởi lên, và khi quán xét mình xin giới mình mới không được vi phạm, không bị đứt sự trong sạch, tâm hân hoan tâm hỉ lạc phát sanh lên làm tăng trưởng phước báu chứ không phải không.

Trường hợp nói rằng "Tôi không phạm giới tôi không cần xin giới", như anh Nhân nói "Phàm nhân làm gì mà không phạm giới". Chúng tôi xin điển hình là vào thời vua A Xà Thế, bà hoàng hậu vợ vua A Xà Thế cứ mỗi nữa tháng mời Chư Tỳ khưu đến giảng đường để tụng giới bổn, thì bấy giờ Ngài Mahakhatina là một vị thánh tăng A La Hán mới suy nghĩ rằng: "Ta là người trong sạch, ta giữ giới rất trong sạch, thôi ta khỏi đi tụng giới bổn." Thì Đức Phật Ngài mới phóng hào quang xuất hiện trước mặt Ngài Mahakhatina, Ngài mới dạy rằng "Này Mahakhatina, một vị trưởng lão như thầy mà không đi tụng giới bổn thì ai là người đi tụng giới bổn, Ngài hãy làm gương cho hậu thế." Cho nên dù mình có trong sạch chăng nữa thì mình cũng làm gương cho những người khác, những người không được trong sạch, chứ không phải nói là tôi trong sạch rồi tôi khỏi cần xin giới.

Đó là những điều lợi ích, thứ nhất là mình mang tới sự lợi ích cho người chưa được trong sạch giới để họ cùng nhau xin giới, thứ hai nữa mình tự nhắc nhở tâm mình, thứ ba nữa mình quán xét giới hạnh của mình, đó là một điều rất lợi ích chứ không phải là không lợi ích./.




No comments:

Post a Comment