Sunday, March 21, 2021

Câu hỏi: Tại sao một việc xấu con người dễ lập đi lập lại hơn một việc thiện? ghi chép

 Câu hỏi: Tại sao một việc xấu con người dễ lập đi lập lại hơn một việc thiện?

Minh Hạnh ghi chép

Quí vị cứ tưởng tượng như một ngày nào đó chúng ta bỗng dưng quên mình và,  làm ai đó buồn lòng, khi trở về chúng ta thường có thói quen nhớ đi nhớ lại điều đó trong lòng mình, để làm gì? Để tự tìm xem có một phần nào, một chỗ nào mình có thể nghĩ có lý do chánh đáng để mình hành xử như vậy hay không? Thái độ tự biện hộ và thái độ tự vuốt ve bản ngã, tự cứu vớt mặc cảm của mình là nguyên nhân khiến cho rất nhiều hành vi bất thiện lập đi lập lại. Và một điều còn tệ hại hơn nữa về phương diện tâm lý, nhiều lúc trong sự cố gắng biện minh cho chính mình thì mình tìm thấy được một ý nghĩa mới và ý nghĩa mới làm chúng ta ưa thích cảm thấy việc làm đó có lý. Đối với Đức Phật Ngài rất đơn giản, Ngài khuyên đừng ưa thích những chuyện đó như vậy nữa vì chứa ác thì tất khổ.

Ngày xưa khi Đức Bồ Tát là một vị vua. Một hôm Ngài đi ra khỏi bờ thành, trên đường Ngài nhìn thấy trên cây xoài có rất nhiều trái, gần đến độ chín. Một cây xoài tốt như vậy, tươi như vậy, ngon lành như vậy, nhưng Ngài chỉ nhìn rồi tiếp tục đi. Chiều hôm đó Ngài trở về Hoàng cung, khi đi ngang cây xoài, nhìn thấy cây xoài đó xơ xác hết, không còn được nguyên trạng như lúc sáng. Lúc bấy giờ Ngài hiểu  đã có một nhóm người đi ngang đây nhìn thấy cây xoài và bởi vì cây xoài có trái ngon nên họ đã bẻ và phá hại cây xoài.

 Ý nghĩ khởi lên đầu óc của Ngài rằng, “Ở đâu có danh và ở đó có lợi thì ở đó có lòng tham, ở đâu có mật ở đó có ruồi, ở đâu có lòng tham thì ở đó có phiền não và, người nào có những thứ đó giống như cây xoài có trái vậy, sẽ gặp muôn vàn bất hạnh”.

Trong bài kinh Khởi Thế Nhân Bổn, Đức Phật Ngài đưa ra một hiện tượng về xã hội, hiện tượng này cho chúng ta thấy một việc rất rõ là một khi xã hội đã có khuynh hướng bị chi phối bởi phiền não, bởi những ác quấy, những ác hạnh rồi thì những ác hạnh này lại kéo theo những ác hạnh khác và dần dà ở trong xã hội đầy dẫy loạn lạc nhân tâm ly tán.

Đức Phật dạy: "Ở đâu có đao trượng thì ở đó có sát sinh. Sát sinh sanh khởi thì trộm cắp sanh khởi thì nhiều thứ khác cũng sanh khởi". Nó là thế cờ domino nghĩa là cái này sụp đổ thì cái kia cũng sụp đổ. Hiện tượng xã hội, hiện tượng tâm lý và bất cứ việc gì phạm tội chúng ta được biết trong xã hội này chung qui có thể hết 50% cơ sở nằm lên trên điều chúng ta đang nói ở đây. Bởi vì một vị khi vào tu thì mong mỏi đời sống của mình hoàn hảo, một đời sống hoàn thiện, và khi mình đã làm điều lầm lỗi rồi thì cảm nhận thất vọng với chính mình, bất mãn với chính mình, và trong sự thất vọng bất mãn đó thì nghĩ rằng mình có làm gì đi nữa thì mình cũng không hoàn hảo được, mình có làm gì đi nữa thì mình cũng vậy thôi và mình tiếp tục lầm lỗi.

Đây là tâm trạng đã dẫn con người đi từ sai lầm này sang sai lầm khác, đi từ đọa lạc này sang đọa lạc khác. Lời dạy của Đức Phật như một lời kêu gọi và lời kêu gọi này không phải là một lời kêu gọi đơn thuần mà là một sự cảnh tỉnh lay động rất lớn.

Một khi chúng ta làm một điều sai lầm thì điều lầm đó không phải chỉ để hậu quả trực tiếp như chúng ta nói là sát sanh thì bị chết yểu hoặc giả trộm cắp thì bị mất của, những quả báo đó thấy lớn nhưng thật sự nó không lớn so với những thói quen mà nó tạo nên.

Đơn giản là mỗi chúng ta đều có một ngã tính riêng của mình và khi mình làm việc gì sai lầm thì thông thường chúng ta phải tìm một cái gì đó để biện hộ, ít nhất cho mình cảm thấy yên lòng không mặc cảm về điều này và, sự vuốt ve xoa dịu đó lâu ngày cho chúng ta một thứ dễ chịu giả tạo, do sự giả tạo này lập đi lập lại một trạng thái có khuynh hướng dễ dàng để chúng ta lập đi lập lại./.


No comments:

Post a Comment