Friday, March 5, 2021

Câu hỏi: Định nghĩa tâm là gì? - TT Giác Nguyên giảng

 Câu hỏi: Định nghĩa tâm là gì? 

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Nguyên:Trong kinh Đức Phật Ngài nói tâm là một cái rất khó thấy, bởi vì  chỉ trong một tiếng đồng hồ chúng ta có thể suy nghĩ rất nhiều chuyện. Trong một tiếng đồng hồ đó chúng ta có thể là thiên thần, cũng có thể là ác quỷ. Trong một tiếng đồng hồ đó, chúng ta có thể rất từ bi và cũng có thể rất hung bạo như một tướng cướp hoặc một kẻ sát nhân. Nội tâm của chúng ta khó thấy là như vậy. Đức Phật nói rằng không có thứ vật chất nào trên đời này có biến đổi nhanh chóng như nội tâm. Cho nên Đức Phật nói, hành giả tu tâm với các đề mục như đất, nước, lửa, gió hay các đề mục bất tịnh, từ bi, niệm hồng danh Phật, niệm về các tùy niệm. 

Dùng các đề mục đó giống như cây trụ hay cây cột để cột cái tâm mình lại. Chánh niệm hay sự tập trung tư tưởng tức là định, giống như sợi dây, ràng tâm vào đó. Tâm giống như con khỉ hay con bò, chạy lung tung, chạy hoang, nên mình phải cột tâm vào cây cột đó. 

Như Phật giáo bắc truyền cũng như Thiên chúa giáo có cách lần chuỗi, Phật giáo nguyên thủy không đặt nặng vấn đề lần chuỗi nhưng dùng những phương cách như niệm Phật hay theo dõi hơi thở ra vào, để cột tâm. Khi cột tâm như vậy, mình mới thấy rõ nó. Cũng giống như một mặt hồ khi có sóng to gió lớn hay có rác rến, cặn cáo nhiều quá mình không thấy được đáy hồ, không thấy được nước trong hồ, không thấy trong lòng hồ chứa gì trong đó. Nhưng khi sóng lặng gió yên hay được vớt bỏ những lá cây những cỏ rác bập bềnh trên mặt hồ, làm cho hồ được sạch sẽ và nếu có cách nào làm cho nước trong được, chúng ta có thể nhìn thấy trong lòng hồ đây là nhánh cây, đây là gốc cây, đây là sạn sỏi, cá bơi lội v.v….

Nội tâm cũng vậy, khi không tu học, mình cứ buông xuôi thả nổi nó, cho nó ra sao thì ra. Nhưng khi có tu học, có một đề mục để cột, để ràng tâm vào thì mình mới có dịp nhìn thấy được ít nhất ba điều:

1 -Điều thứ nhất, tâm chỉ biết cảnh, bản thân nó không ác kkhông thiện. Nhưng vấn đề là do cách mình nhìn ngắm, đánh giá ngoại cảnh, chứ bản thân tâm không phải là thiện, không phải là bất thiện. Thí dụ như cũng một người, hôm qua mình không thương không ghét, nhưng sáng nay người đó gây gỗ với mình. Thế là chiều nay khi gặp người đó, mình ghét. Đôi khi một người hôm qua không quen không biết nhưng chiều nay mình nhìn người đó như là một cái gì đó bực mình. Vấn đề chính ở tâm của mình. Cũng như một người láng giềng cách đây năm ba năm không liên hệ đến, nhưng hôm qua người láng giềng có giúp đỡ mình việc gì đó. Thế là từ đó khi gặp người láng giềng mình thấy có cảm tình. Như vậy do nghĩa rằng do tâm của mình ghi nhận, đánh giá đối tượng như thế nào, từ đó mới biến thành sân, tham, thiện, ác v.v… Vấn đề đầu tiên vị hành giả tu thiền thấy rằng, tự nhiên nếu để tâm chỉ biết cảnh thôi thì nó không thiện không ác, nhưng tùy thuộc vào sự đánh giá mà nó có thiện có ác

2 -Điều thứ hai hành giả khi tu thiền sẽ thấy sự vô thường của tâm cực kỳ mau lẹ. Chỉ trong một tiếng đồng hồ, chúng ta có thể trải qua rất, rất nhiều tâm  trạng, có thể thiện như một thiền sư, mà cũng có thể ác như một tướng cướp, cũng có thể thiện như một vị Bồ-tát, mà cũng có thể ác như một kẻ sát nhân. Chuyện đó không lạ vì tâm sanh diệt rất nhanh. 

Nói một cách tận cùng, dòng sanh tử luân hồi có hai hình thức phô diễn. Một là từ kiếp này đầu thai sang kiếp khác. Hình thức thứ hai là trong mỗi giờ đồng hồ mỗi phút, mỗi giây như vậy, chúng ta trải qua rất nhiều đời sống. Đời sống về nội tâm, đời sống về hình hài. Cái hình hài vật chất của chúng ta luôn luôn thay đổi. Những tế bào cũ phải bị đào thải rồi từ đó có những biến chuyển khác trong cơ thể vật chất của mình.

 Vì sao có chuyện đó? Vì nếu không có chuyện đó thì  làm sao chúng ta có thể từ trẻ đi qua già, từ một đứa bé đi qua hình hài của một thanh niên trưởng thành. Bắt buộc trong cơ thể chúng ta trong từng phút từng giây phải có sự biến chuyển dù rất chậm nhưng phải có biến chuyển để đưa một cậu bé trở thành một người thanh niên và, biến một người thanh niên thành một người trung niên và, biến một người trung niên thành một ông cụ. Thân thể hình hài vô thường đã đành, nhưng tâm cũng sanh diệt liên tục. Như vậy điều thứ hai hành giả tu tâm phải thấy là tâm vô thường một cách rất nhanh chóng.

3 -Điều thứ ba, hành giả thấy được  vạn pháp là vô ngã. Bởi nhiều khi không tu thiền không có chánh niệm, chúng ta không thấy được cái vô thường vô ngã. 

Xin lưu ý chúng tôi dùng chữ tu thiền tại đây không có nghĩa là chúng ta phải đi vào trong những thiền viện hay mình phải ngồi xếp bằng và con mắt phải nhắm lại, nói chung là phải chọn một tư thế nào đó mới gọi là thiền. 

Chúng tôi không nói như vậy. 

Bởi vì thiền là vấn đề nội tâm chớ không phải là vấn đề hình thức. Nếu chúng ta ngồi giữa thiền viện, ngồi ngay dưới chân thiền sư, mắt nhắm nghiền lại mà tâm chúng ta nghĩ chuyện trên trời dưới đất thì vẫn không gọi là thiền. 

Nhưng nếu chúng ta ngồi ngoài văn phòng nhưng làm gì biết nấy. Nghĩa là ông Boss đến nói chuyện, mình vẫn có thể trình bày mọi vấn đề ổng cần biết. Đến khi ổng đi mình vẫn ngồi làm việc bình thường nhưng vẫn luôn luôn biết rõ, khi nào mình có ý hại người mình biết rõ, “ Ồ, mình có ý hại người”. Khi nào mình có tâm tốt mình biết mình có tâm tốt. Chỉ như vậy thôi đã là tu thiền rồi.

Điều thứ ba khi tu tâm chúng ta sẽ thấy vạn pháp là vô ngã. Là vì sao? 

Vì đâu có ai muốn mình phải lo lắng, đâu có ai muốn mình phải buồn giận, phải sợ hãi nhưng thử hỏi chúng ta có thể nào chận đứng được tất cả những buồn lo, sợ hãi, giận hờn hay không? 

Dứt khoác trả lời rất khó khăn, thậm chí là không được. Chỉ trừ người tu thiền nhiều năm nhiều tháng, có căn cơ nhiều đời nhiều kiếp, may ra có một phần nào đó trong việc kiểm soát nội tâm bản thân của mình, còn ngoài ra phải nói rằng chúng ta chịu thua. Ngay các bậc Thánh nhân sự kiềm chế của các Ngài chỉ trong tinh thần giới học, tuệ học, định học mà thôi chứ còn tâm sanh diệt ngay cả Đức Phật Ngài cũng không thể nào ngăn chận được. Hết tâm này đến tâm khác, hết sát-na này đến sát-na khác.

 Nhưng sự vô thường vô ngã trong nội tâm Thánh nhân khác với sự vô thường vô ngã trong nội tâm phàm nhân ở chỗ, dầu có biến đổi từ tâm này sang tâm kia cũng không có bất thiện xen trong đó, tức là chỉ hết cái A nó sang cái B, hết cái B nó sang cái C v.v… cứ hết cái này nó sang cái kia nhưng trong sự thay đổi đó không có bất thiện. 

Còn sự thay đổi của mình có hai cách , một là thay đổi từ tâm A sang tâm B, tâm A diệt tâm B mới sanh, đó là cách vô ngã vô thường thứ nhất. Cái vô ngã vô thường thứ hai lúc nó thiện lúc nó bất thiện. Nói như vậy có nghĩa nội tâm của mình, nói là “của mình” nhưng thật ra mình phải có công phu thiền định thì mới thấy được nó một cách tương đối còn nếu không có công phu thiền định thì chịu thua, nó ra sao mình phải chịu vậy.

Nói tóm lại,

-Một là, bản chất của tâm không có thiện bất thiện, mà vấn đề là cách đánh giá ngoại cảnh.

-Hai là, tâm luôn luôn sanh diệt cực kỳ mau chóng.

-Ba là tâm vô ngã.

Hành giả có tu thiền mới thấy được ba điểm này, còn nếu không tu thiền mà mình cứ vừa cắm cúi đọc sách vừa nghe giảng thì có thể nói muôn đời không thấy được tâm của mình. 

Sau khi nghe chúng tôi nói quý vị hãy làm thử, không làm gì hết ngồi yên lắng nghe hơi thở của mình. Thở ra biết thở ra, thở vào biết thở vào tròng vòng 15 phút, nếu có đồng hồ reo để kế bên. Chúng tôi cam đoan với các vị rằng không biết bao nhiêu thứ vừa ngọc ngà vừa rác rến nảy sinh trong nội tâm của mình. Chúng ta mới thấy nội tâm của mình cực kỳ phức tạp, khi đó quý vị mới hiểu được tại sao Đức Thế Tôn nói tâm khó thấy và tế nhị.

No comments:

Post a Comment