Tuesday, March 23, 2021

Câu hỏi: Thế nào là chuyên tu về hình thức? - TT Giác Nguyên giảng

 Câu hỏi:Thế nào là chuyên tu về hình thức? 

Minh Hạnh chuyển biên 

TT Giác Nguyên:Tu và không tu là khác nhau và trong cách tu cũng có người chuộng về hình thức, có người chuộng về tinh thần, nội dung, thì cũng đã có sự khác biệt rồi. Đời sống của người tu và không tu là khác nhau. Giữa những người chuyên tu về hình thức cũng khác với những người chuyên tu về tinh thần.

Thế nào là chuyên tu về hình thức? Ví dụ người cư sĩ, bàn thờ lúc nào cũng đẹp, mua sắm những cốt Phật thật là đắc tiền. Cái lư hương, chân đèn cũng là đồ tốt, đồ đắt tiền, đồ đẹp. Nhang thì không xài nhang thường mà xài nhang trầm. Hoa chưng là hoa quí như hoa lan, trái cây là lọai đắc tiền v.v. Mình có bàn thờ ngon lành như vậy nhưng trong nội tâm mình không có Phật. Như vậy mình chỉ thờ Phật bên ngòai, thờ Phật bằng mắt, chứ mình không thờ Phật bằng tâm. Mà nếu như vậy thì đến giờ phút lâm chung, phút tắt thở ra đi thì mình cũng chỉ mang theo tượng Phật đã thờ bằng mắt thôi chứ mình không có tượng Phật trong tâm. Mà cái mình cần chính là một tượng Phật trong tâm.

Người xuất gia cũng vậy. Y áo chỉnh tề. Đi đứng đường bệ, đỉnh đạc trang nghiêm nhưng nếu nội tâm không có gì thì cái mình đạt nhiều lắm chỉ là lời ngợi khen của Phật tử, lòng tín mộ, kính mến của Phật tử. Nhưng nội tâm của mình ra sao thì chính mình biết rất là rõ. Cũng tham, cũng sân, cũng si, cũng trời ơi đất hỡi, cũng bất tịnh, không trong sạch ở nội tâm. Thì chính cái mình mang theo vào quan tài chính là cái nội dung, tâm hồn mình, chứ những dáng vẻ bên ngòai thì lúc bấy giờ nằm ngòai quan tài hết. Những cái đó nó không đi theo mình vào quan tài, đi vào cuộc sinh tử luân hồi. Cái gì là hình thức thì muôn thuở nó thuộc về hình thức. Mà cái gì là tinh thần thì nó thuộc về tinh thần. Cái gì là nội dung thì muôn thuở nó là nội dung. Chúng ta thường lẫn lộn những thứ đó.

Giống như một chiếc xe bò không chạy thì mình đánh con bò, chứ mình không đánh thùng xe, bánh xe. Mình phải kiểm tra lại phép tu của mình, cách tụng niệm của mình. Coi cách làm phước cúng dường của mình. Coi cách đi chùa của mình. Coi cách mình đi nghe pháp. Coi cách mình xem kinh thuộc về hình thức hay nội dung. 

Nếu mình xét thấy thuộc về nội dung thì tốt. Còn nếu những việc làm của mình, việc tu hành của mình mà nặng về hình thức hơn là nội dung thì có lẽ ta nên điều chỉnh lại. Vì sao? Vì cái mà ta cần thiết chính là nội dung chứ không phải là hình thức. 

Một người không có nội tâm trong sạch thanh tịnh thì không xứng đáng khóac lên người lá y vốn được xem là lá cờ của vị A La hán, được xem là biểu tượng phước điền của chư thiên và nhân lọai. 

Nhưng hiểu sâu, hiểu xa hơn thì nội dung quan trọng hơn hình thức. Nếu hình thức mà thiếu nội dung thì mình bị rơi vào trường hợp mà ông bà Việt Nam mình nói là "Tốt mã rả đám" hoặc một câu khác cũng có nội dung giống tương tự như vậy, đó là "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn". Ngay trong đời sống này chúng tôi vẫn thường nhớ, sư phụ của chúng tôi cũng thường hay nói mình tu làm sao từ trong nếp sống thường nhật cho đến những lễ nghi mình phải nhớ lấy hoa tô điểm Phật, chứ đừng lấy Phật tô điểm hoa, tức lấy cái phụ mà tô điểm cái chính, chứ đừng lấy cái chính mà tô điểm cái phụ. Mình tu thì mình theo luật, chứ mình không theo lệ. Người thời này thường theo lệ chứ không theo luật. Luật là điều đức Phật dạy để lại cho mình, mình không để ý.

Tu theo lệ là sao? Tức là tu theo thị hiếu, coi đại chúng cần gì. Rốt cuộc mình tu một hồi mình không ngó tới Phật nữa, không nhớ tới Phật nữa mà ngó tới đại chúng, coi đại chúng cần cái gì, họ khóai cái gì, họ thích cái gì thì mình theo cái đó. Rốt cuộc cả đời mình chỉ làm mọi không công cho thiên hạ, tức là mình làm sao cho thiên hạ vui thì thôi. Còn mình làm cho thiên hạ buồn thì dù điều đó có đúng với pháp, với luật mình cũng không dám làm. Mình cứ làm cho thiên hạ vui, thiên hạ hoan hỉ là được rồi.

Trong Tăng Chi Bộ kinh, khi nói về đức tánh của một vị pháp sư, Đức Phật có nói thế nào là pháp sư không chân chánh, vị tỳ kheo với ác dục suy nghĩ rằng với tấm thân pháp thọai này ta sẽ làm cho tứ chúng hoan hỉ. Sau khi ta làm cho họ hoan hỉ thì họ sẽ làm điều gì đó ngược lại để cho ta hoan hỉ. Đức Phật dạy rằng một vị pháp sư khi thuyết giảng chánh pháp mà với tâm suy nghĩ như vậy thì được coi là một vị pháp sư không có nội tâm thanh tịnh. Đó là pháp thọai có động cơ không thanh tịnh mong rằng ta thuyết pháp làm cho đại chúng hoan hỉ và sau khi họ hoan hỉ họ sẽ làm cho ta được hoan hỉ. Hoan hỉ bằng những cái gì? Hoan hỉ bằng những cái danh, cái lợi, đắc cung kính, lợi dưỡng, hoặc cúng dường, không thanh tịnh. Như vậy rõ ràng lúc bấy giờ mình tu cho người ta chứ không phải là tu cho mình. Nếu nói một cách nôm na thì đó là tu theo tinh thần vụ lợi, tu vì đại chúng. Nhưng thực sự không phải như vậy vì trong Tiểu Bộ Kinh đức Phật ngài dạy rằng: “Một người mà còn bị kẹt, bị lún trong sình thì đừng có hy vọng cứu ai đó thóat khỏi bùn lầy”. Bởi vì chính mình còn đang kẹt trong bùn lầy mà. Cho nên nếu bản thân mình dù chưa phải là thánh nhân đi nữa nhưng mình không có hướng tâm, không quan trọng vấn đề nội dung chỉ sống về hình thức thì mình không thể nào làm gương mẫu để mà mình giúp cho ai đó tu tập một cách đúng mức theo lời Phật dạy được đâu.

Thời buổi này có máy computer, có máy in, có máy scan. Trong vòng năm phút là có hết, có hết, không thiếu gì hết đâu. Nhưng cái khó là làm sao là một vị xuất gia cho đúng nghĩa, làm sao là một người cư sĩ cho đúng nghĩa. Vì sao? Vì cái mà ta mang đi theo người của mình sau khi mình tắt thở không phải là những hình thức mà chính là những giá trị nội tại, nội hàm, nội dung là những giá trị tinh thần mà chúng ta có được dù ít, dù nhiều, dù sâu, dù cạn, dù rộng, dù hẹp mà chúng ta đã hàm dưỡng, đã huân tập trong thuở bình sinh của mình. Bây giờ mình còn khỏe, còn trẻ, mình còn giàu có, mình còn xinh đẹp, mình còn có địa vị thì mình chưa thấy ra điều đó. Nhưng một ngày nào đó, một ngày gần là hơi xa, chứ mình chưa biết rõ là khi nào đâu. Bây giờ nói theo Việt Nam là tai biến mạch máu não, còn nói theo Mỹ là stroke thì mau lắm. Nháy mắt cái là mình xụi một bên, mình không đi đứng được, mình ngồi xe lăn. Khi mình ngồi xe lăn thì chức vụ mà mình đang giữ đâu có tiếp tục giữ nữa. Rồi những tình cảm nam nữ, khả năng thu nhập của mình v.v , những thứ đó có thể là đi theo chiếc xe lăn của mình luôn, chứ đừng có tưởng là mình chỉ ngồi xe lăn rồi mỗi thứ nó còn nguyên. Không hẳn đâu./.


No comments:

Post a Comment