Monday, March 8, 2021

Câu hỏi: Làm sao nhận diện để biết được những lời tụng kinh hoặc sám hối linh nghiệm? - HT Chánh Minh giảng

 Câu Hỏi :Làm sao nhận diện để biết được những lời tụng kinh hoặc sám hối linh nghiệm?

Minh Hạnh chuyển biên

HT Chánh Minh: Xin thưa, nếu những lời tụng kinh chính là những bài kinh những bài giảng pháp của Đức Phật mà chúng ta tụng tức là chúng ta trùng tuyên lập lại. Mà lời của Đức Phật hay của những vị Thánh Tăng dạy chúng ta trùng tuyên lại trước tiên là có phước. Còn sự sám hối không có nghĩa là hết tội nhưng có mãnh lực làm ngăn đi hay chận bớt những ác nghiệp mà mình đã tạo ra, điển hình như vua A Xà Thế vì chưa được sám hối cho nên tâm cứ bức rức ăn năn do lỗi giết cha mình hay việc a tùng với Đề Bà Đạt Đa, nhưng khi sám hối rồi từ lúc đó ông ngủ ngon, tức là làm cho mãnh lực an tâm và cũng đồng thời nhờ sám hối đó ngăn chận bớt những mãnh lực của ác nghiệp. Tuy nhiên, lời tụng kinh an lành hoặc nó chỉ có tác dụng khi có ba điều; điều thứ nhất là không bị ác nghiệp trổ (điều này chúng ta phải lưu ý), hàng ngàn hàng vạn bài kinh đi chăng nữa có năng lực như thế nào đi chăng nữa nhưng một khi ác nghiệp nó trổ rồi thì cũng phải chịu thôi (chúng ta nên lưu ý phần này). Như vị thiện nam Makhala thọ trì bát quan trai giới tốt đẹp vậy mà do ác nghiệp ở quá khứ vu khống cho người khác trộm cắp để chiếm đoạt vợ người ta, khi nó trổ rồi thì cũng chịu thôi bị đánh chết tại bờ hồ khi đi xúc miệng. Những lời tụng kinh hoặc sám hối nó chỉ có tác dụng có hiệu năng khi ác nghiệp chưa trổ, một khi ác nghiệp nó đã trổ rồi thì bó tay, giòng Thích Ca đến khi ác nghiệp mà đã trổ rồi chính Đức Phật Ngài cũng đành chịu, Ngài chỉ cản ba lần thôi, cản là khi ác nghiệp chưa tới, đến khi mà trổ rồi thì cũng chịu.

Điều thứ hai nữa những lời tụng kinh tức là những lời an lành hay xin sám hối có tác dụng khi tâm không phiền não, một khi tâm bị phiền não rồi tụng mà không nhớ lời kinh nào hết, tụng thì tụng vậy đó nhưng mà tâm cứ lo âu sầu muộn, bồn chồn khó chịu, bị phiền não chi phối, hay bị ái dục chi phối, tụng kinh là tụng kinh vậy mà cứ nhớ tưởng tới những chuyện gì khác, như con công tụng bài kinh Hộ Kinh bảy trăm năm không bị bắt, mà chỉ vì phiền não nhớ tiếng con công cái gáy, bữa đó bị thợ săn bắt.

Điều thứ ba là tụng kinh hay là sám hối chỉ có năng lực khi tâm được bình tỉnh tức là tâm không bị phóng dật, an trú trong lời kinh đó, an trú trong lời sám hối đó, bài kinh sám hối thường tình ví dụ Chư Phật tử ở Việt Nam những bài sám hối "Cúi đầu lạy trước bửu đài", miệng tụng vậy nhưng tâm không nhớ mình có phạm cái lỗi đó không, hoặc tụng "Sát sanh hại vật chẳng tình xót thương, giết ăn hoặc bán không lường", tụng thì tụng vậy nhưng tâm không để ý đến lời kinh đó. Hay những vị tỳ khưu tụng kinh cầu an cho Phật tử, vị Trưởng Lão bắt bài nào thì tụng bài đó, tụng thì tụng bởi vì quen rồi, tụng không sai nhưng không an trú tâm ở trong bài kinh thì mãnh lực cũng không có được.

Cho nên câu hỏi làm sao nhận diện được? Nhận diện được khi có những điều kiện thì vị đó sẽ thấy rõ, có những người bịnh tụng kinh xong thì tự nhiên yên vì nhờ chư tăng đến tụng kinh thoát khỏi tử thần cũng có. Hôm nào mà về Việt Nam tôi dẫn đến gặp một vị cư sĩ thuần thành và chính ông ta chứng kiến được sự việc này xảy ra khi con ông sắp sửa chia tay với cuộc đời này mà nhờ Chư Tăng các vị Trưởng Lão ngày xưa như Ngài Phật Lạc, Ngài Tịnh Sự tụng kinh nhờ đó con ông đã thoát khỏi nguy hiểm và được sống tồn tại đến hôm nay.

Cho nên chúng tôi vừa trình bày với ba điều kiện như vậy.

Có một cô Phật tử hỏi rằng: "Đôi khi nằm mơ thấy ác mộng, nhưng trong tiềm thức lại kêu phải niệm Phật thì cô ấy niệm "Namo tassa" ba lần, có khi không thấy ác mộng nữa, nhưng phải khi lập lại nhiều lần như vậy thì mới không thấy." Tức là khi mình tụng "Namo Tassa" ba lần thì lúc đó tâm lực mình mạnh tưởng niệm đến ân đức Phật thì những ác mộng kia không có, tức là những ác mộng chúng tôi vừa trình bày giống như một ác nghiệp trong quá khứ mình đã tạo, bây giờ mình niệm Phật như vậy, niệm "Namo Tassa" tâm lực mình mạnh như vậy nó làm cản trở những ác nghiệp, cho nên ác mộng đó mình không thấy. Nhưng mình phải tụng nhiều lần như vậy mới dứt được là chứng tỏ lúc đó tâm lực mình yếu cho nên mình phải gom tâm chú ý nhiều hơn nữa thì nó sẽ hết. Chúng tôi giải thích như vậy để đại chúng cùng nắm bắt. Namo Buđdhaya./.


No comments:

Post a Comment