Sunday, March 28, 2021

Câu hỏi: Mỗi một tâm gồm ba giai đoạn sanh-trụ-diệt hay chỉ gồm hai giai đoạn sanh-diệt? - TT Giác Nguyên

 Câu hỏi: Mỗi một tâm gồm ba giai đoạn sanh-trụ-diệt hay chỉ gồm hai giai đoạn sanh-diệt?

Chánh Hạnh chuyển biên

TT Giác Nguyên: Hỏi rằng bản thân trong một sát-na đại tâm có đủ  ba sát-na tiểu sanh-trụ-diệt hay không? Ba cái sanh-trụ-diệt là ba giai đoạn đó có thật trong thực tính pháp của A-tỳ-đàm hay nó chỉ là một phương tiện trình bày bản chất vô thường của các pháp?

Theo chỗ UM được biết khái niệm sát-na đại và sát-na tiểu, vốn chưa được nhắc đến trong buổi sơ kỳ của Phật giáo. Nói như vậy không có nghĩa là không có.Trong kinh tạng Đức Phật Ngài từng xác định mức độ sanh diệt chớp nhoáng và thần tốc của tâm,

“Ta không  thấy một cái gì trong đời này có một tốc độ nhanh hơn là tâm”

Còn chuyện trong thời gian một khảy móng tay, một nháy mắt tâm sanh diệt bao nhiêu triệu triệu sát-na, chúng ta chỉ thấy được trong kinh điển hậu thời Phật giáo, tức là sau ngày Phật viên tịch. Nhân tiện chúng tôi cũng xin thưa một chuyện, từ xưa đến nay chúng ta vẫn nghĩ rằng 121 tâm hay 89 tâm hoặc 52 sở hữu hoặc 28 sắc pháp, đó là cách trình bày các pháp theo giáo lý A-tỳ-đàm, tức là đề cập đến sự hiện hữu của các pháp theo mức độ rốt ráo nhất. Thay vì trong kinh tạng luật tạng gồm có người có thú, có chư thiên, có phàm có thánh có nam có nữ, có đẹp có xấu, nhưng trong giáo lý A-tỳ-đàm chỉ có tâm, sở hữu và sắc pháp mà thôi. Có một điều ngay trong bản thân con số 28 đó, chúng ta phải xét lại tức là trong thực tính chân đế pháp paramattha dhamma con số đó chỉ có 18 sắc pháp chân đế tức là 18 thành phần tinh tuý của cái gọi là  vật chất, cái gọi là sắc pháp. Còn 10 sắc còn lại chỉ là phương tiện diễn dịch, giải thích sự vừa sinh diệt và cũng vừa sinh diễn của các sắc pháp. Thí dụ chúng ta thấy trong 28 sắc pháp có nhóm sắc gọi là sắc tứ tướng là sanh-tiến-dị-diệt. Trong chân đế pháp vốn không có bốn cái này, đây chỉ là bốn giai đoạn của sắc pháp.Ví dụ bản thân sắc nam tính và sắc nữ tính có bốn giai đoạn, xuất hiện- tiến triển- già cỗi- biến mất. Đó chỉ là phương tiện trình bày chứ trong chân đế pháp, vốn không có bốn giai đoạn này của sắc pháp. Chứ không phải là những sắc pháp riêng biệt như sắc đất nước lửa gió.

Vấn đề sanh-trụ-diệt của tâm cũng vậy. Trong chân đế pháp chỉ có tâm, có sở hữu. Chính sở hữu tâm hay các tâm sở đã kết hợp lại để làm nên cái gọi là tâm, còn chuyện sanh- trụ- diệt ở đây là sự phân tích của đời sau. Bởi vì rõ ràng tâm sanh lên thì nó phải biến mất. Nếu nó không biến mất thì làm sao chúng ta có thể ghi nhận được cái nghiệp trần bên ngoài một cách linh hoạt và sinh động được. Thí dụ như có lúc chúng ta ngủ, có lúc chúng ta thức, có lúc con mắt làm việc, có lúc lỗ tai làm việc, có lúc cái lưỡi, cái mũi chúng ta làm việc, có lúc thần kinh xúc giác làm việc. Cho nên bắt buộc các tâm không thể nào chỉ là một. Chúng ta sống trong thế giới nào cũng phải có một tâm thức tương ứng. Cho nên đó là lý do tại sao các dòng tâm thức phải luôn sanh diệt. Các dòng tâm thức, các chuỗi lộ tâm sinh diệt đã đành rồi mà bản thân mỗi sát-na trong dòng tâm thức đó cũng sanh diệt. Các Ngài trình bày cho chúng ta  thấy rõ rằng, trong mỗi sự sanh diệt đó có ba giai đoạn là sanh-trụ-diệt. Đó là cách phân tích cho các hành giả thấy rõ mỗi sát-na tâm là một đơn vị cực vi, một đơn vị bất khả phân của tâm pháp vậy mà trong đó nó cũng tiếp tục có sự kết hợp combination của ba giai đoạn cực vi khác. Vốn đã cực vi mà lại có thêm ba cực vi nữa đó là sanh-trụ-diệt. Đó chỉ là phương tiện của đời sau mà thôi. Chứ còn trong A-tỳ-đàm  nguyên thuỷ thời  Đức Phật không chia chẻ sâu rộng như vậy, mà chỉ nói vắn tắt rằng tất cả sát-na tâm, đã sanh ra thì phải biến diệt.

Và nếu có ai hỏi rằng, “Nếu phân tích tâm sanh diệt nhanh như vậy dựa vào đâu để nói rằng cách trình bày sát- na tâm đã được đức Phật nói đến?”. Xin thưa có một chứng minh rất hùng hồn đó chính là sát-na thánh đạo. Bởi vì chúng ta biết rằng có một loại tâm duy nhất trong cuộc đời này chỉ xuất hiện một lần từ vô thuỷ luân hồi cho đến vô chung, chỉ xuất hiện một lần là các tâm thánh đạo. Còn tâm tái tục hay tâm tử, mỗi kiếp sống nó chỉ xuất hiện một lần nhưng ở kiếp sống khác lại tiếp tục tái hiện. Riêng tâm thánh đạo chỉ xuất hiện có một sat-na và chỉ xuất hiện một lần mà thôi cho mỗi cá nhân chúng sinh.

Chúng ta dựa vào tâm thánh đạo này để có một niềm tin xác chứng rằng Đức Phật từng nói đến sự tồn tại của một sát-na của chứ không phải chuyện sát-na mới chỉ có đời sau nêu lên. Tuy nhiên riêng về cái sanh-trụ-diệt theo UM được biết đó là sự phân tích của đời sau, sự phân tích này không có gì chống tráivới giáo lý A-tỳ-đàm nguyên thuỷ. Nghiã là một sát-na khi nó xuất hiện thì nó phải có sự biến mất. Khái niệm thời gian từ xưa đến nay bị gò bó trong năm tháng, trong bốn mùa xuân hạ thu đông, trong ngày đêm, trong giờ phút giây sao. Chúng ta không ngờ cách đây  25 thế kỷ Đức Phật  từng nói đến một loại thời gian khác vượt khỏi thời gian chúng ta có thể suy lượng bằng các phương tiện vật lý. Đó là không một loại đồng hồ nào, kể cả đồng hồ thể thao có thể ghi nhận được tốc độ vận hành sinh diễn của sắc pháp và danh pháp theo như hệ thống A-tỳ-đàm đã trình bày.

Tóm lại:

- Từ thời Đức Phật, Ngài đã nói đến bản chất của tâm pháp vốn dĩ chỉ là sự kết nối của vô số sát-na tâm

-Đức Phật đã từng nói đến đơn vị nhỏ nhất của tâm pháp và sắc pháp, đó là sát-na.

-Cái gọi là sanh-trụ-diệt chỉ là sự phân tích của đời sau, nhưng cách phân tích này hoàn toàn không có gì là chống trái với lý tưởng của A-tỳ-đàm nguyên thuỷ.

Còn chuyện chúng ta phân tích sự sanh diệt của sát-na tâm hay sát-na sắc gồm ba giai đoạn  (sanh-trụ-diệt) hay hai giai đoạn (sanh-diệt) đều không sai, miễn là luôn luôn    không quên rằng có sanh ắt phải có diệt.

Chúng tôi xin ngừng tại đây.

Namo Buddhaya


No comments:

Post a Comment