Chữ nghiệp trong đạo Phật.
Minh Hạnh chuyển biên, trích đoạn trong băng giảng "Chữ nghiệp trong đạo Phật" do HT Giới Đức Giảng.
HT Giới Đức: Thời pháp hôm nay Thầy nói về nghiệp nặng nghiệp nhẹ của mỗi người, trong dòng tâm của mình đi như thế nào, điều đó là quan trọng nhất, giả dụ như chúng ta không biết, đôi khi tạo những nghiệp không tốt thì rất nguy hiểm. Đời người sống chết đôi khi chỉ một hơi thở, hít vô mà không thở ra là ra đi rồi, có bốn điều mình không làm chủ được và hầu như là bất lực trước hiện tượng như sanh già bệnh chết và cả nghiệp nữa là 5 điều hoàn toàn chúng ta không làm chủ được, sự chết ra đi lúc nào chúng ta không biết.
Đức Phật Ngài dạy, tất cả chúng sanh có bốn nghiệp quyết định: thứ nhất là thường nghiệp, thứ hai là trì nghiệp, thứ ba là trọng nghiệp, thứ tư là cận tử nghiệp.
Nghiệp thứ nhất, Thường nghiệp
Thường nghiệp là nghiệp chúng ta làm hàng ngày thành thói quen, có khi thường nghiệp thiện, có khi thường nghiệp ác, đơn cử nhìn chung trong đạo tràng này, không khí đạo tràng này, mọi người đến đâychưa biết như thế nào, một thói quen tu học, thói quen tu học đó tạo thành thường nghiệp tốt.
Nếu như, thường nghiệp tốt được huân tập có một năng lực sức mạnh đẩy chúng ta đi, ví dụ như thường nghiệp tốt thì đẩy lên cõi trời. Thường nghiệp ác thì đẩy xuống đường ác đạo.
Thường nghiệp tốt, những người làm việc thiện trên đời này, những người thường hay săn sóc người bệnh đau ốm tật nguyền, những nhà giáo, những bác sĩ giúp đỡ bệnh nhân, hoặc các nhà giáo dục văn hóa nghiên cứu, làm những việc nhẹ nhàng luôn luôn đặt giá trị luân lý đạo đức làm người lên trên, như vậy họ tạo những thường nghiệp rất tốt. Hoặc những người thường đến chùa lễ bái, tới chùa quét lá, nghe kinh nghe kệ, hoặc trang trí bàn thờ Phật in kinh sách v.v... đều là những thường nghiệp tốt, lâu ngày chày tháng tích lũy một sức mạnh đẩy người đó lên cõi người cõi trời.
Ngược lại những thường nghiệp xấu ác thì nguy hiểm vô cùng.
Thuở nhỏ, cách khoản 7, 8 nhà từ nhà của Thầy, có bà tên là bà Quỳnh, làm nghề mổ heo, mổ heo là thường nghiệp của bà, nên khi bà sắp chết suốt ba ngày ba đêm bà rống như tiếng heo bị chọc tiết không chịu chấm dứt hơi thở, có một thầy tụng có lẽ ông kinh nghiệm, ông đi ngang nhà và chỉ cho người trong nhà để một cái thau và để trong đó một con dao, sau đó bà Quỳnh đó thổ huyết trong cái thau, khi đó bà chấm dứt hơi thở và ra đi.
Một người mổ trâu tương tự như vậy, rống 7 ngày 7 đêm, sau phải thổ máu trong cái chậu có đặt con dao khi đó mới chấm dứt hơi thở, cảnh giới của người đó là địa ngục ngay tức khắc, địa ngục trong tâm thức thường giết quá nhiều sinh mạng chúng sanh phải đền nợ, cái nghiệp do tâm sát là, tâm sân tâm hận, tâm quá độc ác, khi đó đọa địa ngục liền.
Vậy thì thường nghiệp chúng ta phải lựa chọn việc gì nhẹ nhàng thanh lương, nếu như thanh niên thanh nữ ở đây, làm việc về văn hóa, về nghiên cứu, về thông tin điện tử, về những việc trong văn phòng nhẹ nhàng thì, thường nghiệp đó rất nhẹ nhàng thanh thản. Nghiệp gì đừng đụng chạm đến sát sanh mạng của chúng sanh, nghiệp gì đừng đụng chạm đến ví dụ như, độc dược, súng ống, vũ khí, hoặc là ma túy xì ke v.v.... hoặc là buôn bán, người buôn bán nô lệ, buôn bán trẻ em, những nghề đó quá nặng không ai cứu nổi, mỗi người phải lựa chọn thường nghiệp cho mình thật là tốt để an lành sau này khỏi ăn năn hối quá.
Nghiệp thứ hai là, tích lũy nghiệp.
Tích lũy nghiệp là nghiệp chứa tích lũy từ lúc từ lúc, khi làm rồi quên, làm rồi bỏ qua, ví dụ, thấy cái gai mình lượm cái gai quăng vô trong bụi hoặc trong thùng rác chỗ nào đó để mọi người không dẵm đạp, hành động đó làm xong rồi thôi không trụ tâm lắm, không cố ý lắm, làm như tình cờ, làm như tự nhiên, đó cũng gọi là tích lũy nghiệp.
Người thấy một ổ kiến lấy bình xịt coi đó như tự nhiên, làm xong rồi cũng không để ý tới, vì làm xong rồi quên. Hoặc là giả dụ như một lúc nào đó mình lấy cắp của người một cách tự nhiên, thấy người ta bày 100 chậu hoa nhỏ đi ngang thấy thích thú lấy một cái về chơi, thì điều đó đều tích lũy nghiệp thành chủng tử ngấm ngầm.
Thỉnh thoảng chúng ta làm nói năng đụng chạm người này, nói năng đụng chạm người khác rồi quên, thỉnh thoảng trong cuộc tranh sống chúng ta có mưu kế thủ đoạn gì đó để lấy cho bằng được lợi nhuận về phía mình, làm xong rồi quên.
Thì tất cả chúng dù thiện dù ác đều là sự tích lũy nghiệp, sự tích lũy lâu ngày mạnh, nếu năng lực thiện thì trong kiếp này mình có duy may vô cớ không biết người đó chẳng quen biết gì mà giúp đỡ mình, tự nhiên có người trúng độc đắc, có người thì bị họa, có người thì gặp rủi, có người thì gặp may, may rủi họa phước xảy ra bất thường giống như tình cờ đó tất cả đều do tích lũy nghiệp.
Hoặc, đôi khi mình có một nỗi buồn, đôi khi mình cảm thấy không yên, mình muốn đi một chỗ khác, tất ca điều đó là năng lực của tích lũy nghiệp, một sự tích lũy tình cờ vô tình, mà nó tàng trữ trong tâm giống như cặn bã, nhưng đôi khi cặn bã lâu dài nó có một sức mạnh thì nó trồi vọt ra khỏi tiềm thức, gặp duyên gặp hiện cảnh xuất hiện, gặp một cái nghiệp đôi khi nó hổ trợ cho cái nghiệp khác.
Cho nên ngay cả tích lũy nghiệp chúng ta cũng phải để ý, nó không có sức mạnh lộ hiện rõ ràng, nhưng thường nó có sức mạnh giúp đỡ hổ trợ hoặc là cản ngăn những thường nghiệp đó.
Thứ ba là, cực trọng nghiệp.
Cực trọng nghiệp có 2 loại: thiện cực trọng nghiệp và ác cực trong nghiệp.
Ác cực trọng nghiệp theo kinh văn Đức Phật dạy có 5 cực trọng nghiệp là giết cha, giết mẹ, giết Alahán, làm Phật đổ máu và chia rẽ tăng. Thời kỳ Phật có 5 ác cực trọng nghiệp, thời kỳ bây giờ chỉ còn 3 vì trên đời này không còn vị Alahán, không có Phật, cho nên giết cha giết mẹ chia rẽ tăng rất nguy hiểm, nếu mình làm việc thiện rất nhiều, nhưng nếu phạm vào trọng nghiệp ác thì đọa địa ngục ác.
Thiện của trọng nghiệp là thiền định, hoặc làm một việc phước quá lớn nhận được quả phước tức khắc, bởi vì trong lộ trình tâm có 7 sát na tức là sát na thứ nhất sát na thứ hai, người đó nhận quả phước ngay chính đời này.
Việc thiện cực trọng thứ hai là thiền định, nếu như một năm trước đây mình lỡ giết người hoặc phạm tội nặng nhưng một năm sau đó mình tu tập đắc định thì giây phút lâm chung mình đắc định thì năng lực đó đưa mình lên cõi Phạm Thiên cái đã, mình chạy lên Phạm Thiên tức khắc còn những nghiệp khác không chạy theo kịp. Nhưng, những ác trọng nghiệp như giết cha giết mẹ và chia rẽ tăng cái đó không ai cứu nổi, Đức Phật có cứu cũng không nổi.
Nghiệp thứ tư là, cận tử nghiệp.
Cận tử nghiệp là nghiệp mình làm trước khi lâm chung, cái nghiệp gần nhất lúc lâm chung, nghiệp này rất quan trọng, ví dụ như sát na lâm chung mình đang đọc kinh mình chấm dứt hơi thở là lên cảnh trời liền, sát na này mình nghĩ tưởng đến những điều tốt đẹp, những điều lành sanh thiên tức khắc, sát na cận tử nghiệp này mình thấy tượng Phật, mình thấy quyển kinh hoặc mình thấy tượng Đức Phật, mình thấy cảnh một ngôi chùa, mình thấy một rừng hoa trắng nhiều như vậy thì mình sanh thiên tức khắc.
Tuy nhiên, tương tự như chuồng bò chỉ có một cánh cửa, buổi sáng người chăn bò mở cửa ra thì con bò nào mạnh nhất khỏe nhất nó tông cửa ra trước, vậy ở trong những cái nghiệp đó, trong những thường nghiệp này, tích lũy nghiệp này, cực trọng nghiệp và, cận tử nghiệp này, giống như một cái nghiệp mà không đủ sức mạnh thì đôi khi một thường nghiệp lâu ngày mà mạnh quá, giống như con bò lớn nó chạy tới tông thường nghiệp qua một bên mà vọt đi để dẫn đi tái sanh.
Cho nên chúng ta để ý như vầy là, thường nghiệp nếu mang năng lực lớn thì nó quyết định tâm thức tái sanh, nếu như tích lũy nghiệp có một tích lũy nào quá mạnh thì nó có khả năng tông cửa chuồng dẫn đi tái sanh, còn nếu như thiện cực trọng nghiệp và ác cực trọng nghiệp đã làm rồi thì tự nhiên nó mạnh nhất nó sẽ tuông ra và ra đi, vậy thì quan trọng nhất là cận tử nghiệp.
Khi người sắp lâm chung, có 3 giai đoạn:
- Thứ nhất của nghiệp là sức mạnh của nghiệp,
- Thứ hai là nghiệp tướng.
- Thứ ba là, thú tướng.
Nghiệp tướng là tướng nghiệp hiện ra, và thú là cảnh giới. Tướng cảnh giới hiện ra.
Thì nghiệp, phân tích thì thường nghiệp, tích lũy nghiệp, cực trọng nghiệp, ba nghiệp này:
Nếu việc lành thì nghiệp tướng hiện ra rất đẹp, trong tâm của người sắp lâm chung hiện ra những hình ảnh đẹp, nào là đường lên cảnh trời, nào thấy kiểng chùa, hoặc thấy cảnh núi rừng xanh mướt, hoặc thấy quyển kinh quyển sách, hoặc là thấy mình đang đọc một đoạn kinh, hoặc mình đang thưởng ngoạn một đoạn văn, hoặc mình đang đọc một đoạn thơ, hoặc mình đang tụng kinh, hoặc mình đang ngồi thiền, hoặc mình đang cắm hoa, hoặc mình đang tôn trí bàn Phật, hoặc mình đang lau chùi bàn thờ Phật. Tất cả những tướng đó hiện ra nếu mình có làm việc lành.
Còn tướng nghiệp người làm ác hiện ra ví dụ. như cây đao, chậu máu, lửa cháy, hoặc thấy mình đi vào cảm thấy hầm sâu hun hút, hoặc đi ra một vùng tanh tưởi, hoặc mình thấy giòng sông máu, giòng sông mủ v.v... Nghiệp tướng như vậy là coi chừng, không địa ngục thì cũng ngã qủy, súc sanh.
Cảm thấy đi vào một hầm sâu hun hút tối tăm tanh tưởi đó là hình ảnh tâm thức tái sanh của chúng ta tìm vào thai bào của các loài động vật, hoặc mình thấy hình ảnh mình đi vào sâu hun hút mà chung quanh nóng lửa hoặc chung quanh là băng hà thì đó là dấu hiệu mình đi xuống địa ngục,
hoặc thấy chiến tranh chết chóc, thấy đao kiếm, không khí nóng rực xung quanh mình thì coi chừng chúng ta tái sanh cảnh giới Atula.
Ngược lại mình thấy là thanh thản nhẹ nhàng, thấy hào quang, thấy ánh sáng, thấy tượng Phật, thấy cây bồ đề, quyển kinh quyển sách v.v... thì dấu hiệu người đó tối thiểu là cõi người, mà thường thường là cõi trời.
Khi nghiệp tướng phát sanh thì tâm thức tái sanh nắm bắt lấy và đi đầu thai, hoặc tái sanh cảnh giới tương ưng ngay tức khắc, như con sâu đo từ bỏ chiếc lá này nó búng mình qua nắm bắt chiếc lá khác ngay tức khắc.
Bây giờ khoa học ngày nay người ta phát hiện dãy ngân hà có khả năng có 1 triệu mặt trời, có khả năng 1 triệu mặt trời thì có khả năng 1 triệu Thái Dương Hệ, một triệu Thái Dương Hệ thì có khả năng 1 triệu quả đất, như vậy có khả năng 1 triệu nhân loại trong dãy ngân hà. Đức Phật Ngài nói là vô lượng ngân hà bằng một thiên hà, vô lượng ngân hà bằng một thiên đạo, vậy thì nhân loại trên vũ trụ mênh mông tam thiên đại thiên thế giới này rất là nhiều, biết bao nhiêu là quả đất, bao nhiêu là nhân loại, vậy khi nào tâm thức tái sanh vừa vọt đi thì có chỗ nó tái sanh ngay tức khắc.
hết phân đoạn thứ nhất.
còn tiếp
No comments:
Post a Comment