Saturday, March 13, 2021

Câu hỏi: tại sao Đức Phật lại giảng bộ Vi Diệu Pháp để báo hiếu mẹ ở cung trời Đao Lợi? - HT Chánh Minh giảng

Nhị Tường ghi chép 

4. Kính thưa sư tại sao Đức Phật lại giảng bộ Vi Diệu Pháp để báo hiếu mẹ ở cung trời Đao Lợi trong khi hoàng hậu Māyā không ở cung trời Đao Lợi, Đức Phật đi bằng thân nào để lên cung trời thuyết pháp ạ.

Mặc dầu vị thiên tử Māyā ở cung trời Đâu Suất nhưng tại sao Đức Thế Tôn lại thuyết giảng trên cung trời Đao Lợi, đây cũng câu hỏi hay, và câu hỏi tiếp theo, bằng cách nào Đức Thế Tôn ngự lên cung trời Đao Lợi. Xin thưa, bản sớ giải sau khi dùng song thông lực để nhiếp phục ngoại đạo trên cội cây xoài có tên Ganda. Cây xoài này có tên Ganda bởi do chàng thanh niên Ganda này trồng. Chuyện trước đó cũng khá dài nên chúng tôi không thuật lại chỉ nói ngắn gọn. Sau khi Ngài thi triển song thông lực rồi Ngài quán xét rằng sau khi chư Phật quá khứ dùng thần thông lực nhiếp phục ngoại đạo rồi đi đâu, Ngài thấy rằng chư Phật quá khứ lên cung trời Đao Lợi để tế độ hoàng hậu thân mẫu của Ngài.

Năng lực thần thông của Đức Thế Tôn và uy đức của Đức Thế Tôn từ cội xoài đó lên cung trời Đao Lợi chỉ ba bước: Bước thứ nhất, Ngài  bước chân lên thì cái núi Yugaṃdhara (Trì Song Sơn) dường như cúi xuống để Đức Thế Tôn bước lên. Hội chúng mà thấy giống như Ngài bước một bước lên đỉnh núi Yugaṃdhara. Bước thứ hai, từ đỉnh núi Yugaṃdhara Ngài bước lên đỉnh núi Sineru (Tu Di Sơn) là cung trời  Đao Lợi. Với năng lực thần thông của Đức Phật là Ngài có thể thâu lại đoạn đường đó. Chính trong Kinh Tạng Đức Phật nói, người có thánh trí, có thể vuốt rờ mặt trời mặt trăng, tức là thâu mặt trời mặt trăng tới gần rồi xoa giống như mình vuốt gương vậy, nói chi Đức Thế Tôn có thần lực siêu đẳng để rút đường lại. Đỉnh núi Sineru có vương quốc Đao Lợi. Mặt bằng Vương quốc Đao Lợi này (theo bản Chú giải Người và Cõi, do đại đức Thiên Phúc dịch) này rộng 84 ngàn do-tuần và kinh thành Đao Lợi trước tiên rộng 10 ngàn do-tuần thôi, nhưng từ khi thanh niên Makkhava sanh lên cùng với 32 người bạn của mình sanh lên thì từ lúc đó kinh thành này có tên là Tāvatiṃsa (Cõi 33). Đứng đầu là vua trời Đế Thích. Nói cách khác, vương quốc Đao Lợi gồm có 33 vị chúa trời mà vị trưởng đoàn của 33 vị chúa trời đó là vua Trời Đế Thích, nên cung trời đó có tên là Tāvatiṃsa. Từ khi thanh niên Makkhava sanh lên, do phước của thanh  niên Makkhava cùng và 22 người bạn của mình thì vương quốc đó nới rộng thêm 10 ngàn do-tuần nữa. Chúng ta cứ tưởng tượng hình vuông rộng 84 ngàn do-tuần thì vương quốc nằm ở giữa chỉ có 20 ngàn do-tuần thôi. Cho nên bước chân thứ ba của Đức Phật từ đỉnh núi Sineru (Tu Di Sơn) Ngài bước tới ngai vàng của vua trời Đế Thích, tức là một tảng đá gọi là ‘paṇḍukambala’ màu vàng. Ngài ngồi lên đó. Đó là cách thức mà Ngài ngự lên cung trời Đao Lợi bằng năng lượng thần thông.

Có một số sách nói rằng bà Māyā tái sanh về cõi Đao Lợi, xin thưa không phải, theo Nam truyền, do phước ba-la-mật của bà, mà có cõi Đâu Suất (Tusita) là nơi hưởng quả của phước ba-la-mật. Những quả phước thường thì sanh về cõi Dạ Ma, người làm việc với tâm hoan hỉ thì có thể tái sanh về cõi Dạ Ma vì chỗ đó không có buồn phiền, tâm lúc nào cũng vui, cũng hân hoan. Cõi thấp hơn là cõi Đao Lợi, làm việc phước một cách tốt đẹp nhưng còn ước nguyện hưởng phước nhân thiên thì tái sanh về cõi đó. Còn người nào làm việc phước chỉ ước mong đạt tới đạo quả niết-bàn thì khi đủ phước ba-la-mật sẽ tái sanh về cõi Đâu Suất. Tiền thân hoàng hậu làm phước ba-la-mật nên tái sanh về cõi Đâu Suất, theo Nam Truyền. Vậy tại sao Đức Thế Tôn không ngự vào cõi Đâu Suất để tế độ? Xin thưa, nói là tế độ bà Māyā nhưng thật sự Ngài tế độ những người hữu duyên chứ không phải chỉ riêng hoàng hậu Māyā. Chúng ta biết rằng, vị Bồ tát Chánh Đẳng Giác thực hành Bồ tát hạnh với ba mục tiêu:

-Thực hành pháp ba-la-mật để đắc được vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác

-Thực hành pháp ba-la-mật để tế  độ quyến thuộc

-Thực hành pháp để chứng được Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác để tế độ chúng sanh, và Ngài thấy  duyên lành của chư thiên Đao Lợi nhiều, phước nhiều, còn Ngài ngự lên cung trời Tusita chỉ tế độ được thiên tử Māyā mà thôi. Nhưng tại cung trời Đao Lợi thì chư thiên được tế độ rất nhiều, trong đó có vị thiên tử Māyā. Biết được ý nghĩ của Đức Thế Tôn như vậy nên vua trời Đế Thích đã tự thân tới cung trời Tusita để cung thỉnh vị thiên tử Māyā: Thưa ngài, con của ngài ở trong kiếp trước nay đã thành bậc Chánh Đẳng Giác đang ngự tại kinh thành Đao Lợi, có ý định sẽ giảng pháp đến cho ngài, xin ngài hãy ngự xuống dưới cung trời. Vị thiên tử hoan hỷ nói: Ồ vậy con của ta kiếp trước đã thành Phật rồi a, hoan hỷ. Chính với ý nghĩ này mà vị thiên tử đó đã chứng đắc được quả Dự Lưu, sau khi vị này nghĩ là không còn phải là con của ta nữa.

Bởi vậy Thắng Pháp này đem tới đạo quả cho tới 800 vị chư thiên, trong đó có thiên tử Māyā nữa. Thời pháp này đem tới lợi ích cho nhiều thính chúng. Tuy là mục đích tế độ vị thiên tử mà tiền kiếp là thân mẫu của mình nhưng Thế Tôn đâu có làm chuyện không mang tới lợi ích cho nhiều người đâu. Ngài thấy duyên lành của nhiều người cho nên Ngài ngự về đó và tế độ những người hữu duyên tức những vị thiên tử. Những vị thiên tử đó phần lớn cũng chính là những nam nữ cư sĩ khi còn thân nhân loại đã đặt niềm tin nơi Ngài rất nhiều, nhưng chưa đủ cận y duyên nên sau mệnh chung tái sanh về cõi đó. Điển hình chúng ta thấy rằng, trước khi vị thiên tử Māyā đi tới để nghe pháp thì có hai vị thiên tử là Indaka và Anruka, khi chư thiên đến ngự đông thì vị thiên tử Anruka này phải lui xa lui xa tới 12 do-tuần, trong khi thiên tử Indaka chỉ ngồi tại chỗ. Đức Thế Tôn hỏi vì sao, thiên tử Indaka nói: “Bạch Thế Tôn, trong tiền kiếp con chỉ cúng dường đức Anuruddha (A-na-luật/A-Nậu-Đà-La), nhờ phước đó con sanh lên đây có uy lực như vậy.” Ngài Anuruddha là đệ tử của Đức Thế Tôn, cúng dường cho đức Anuruddha sau khi mệnh chung tái sanh lên, nhóm chư thiên còn lại đa phần là những thiện nam tín nữ thời Đức Phật khi còn tại tiền cúng dường cho Đức Phật, hoan hỉ với phạm hạnh của Đức Phật Gotama, do đó thân hoại mệnh chung tái sanh về cõi đó. Thành ra bây giờ họ đang tụ họp ở đó. Những người này có niềm tin nơi Đức Thế Tôn. Ngài tế độ, luôn tiện nhân đó Ngài tế độ luôn. Đó là việc làm có ích cho nhiều người. Có thế thôi. 

Nhị Tường ghi chép    


No comments:

Post a Comment