Wednesday, March 3, 2021

Câu Hỏi: Làm sao phân biệt được niềm tin và chánh tín? - TT Giác Nguyên giảng

 Câu Hỏi: Làm sao phân biệt được niềm tin và chánh tín

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Nguyên: Trước hết chỉ nên nói một cách vắn tắt về định nghĩa chữ chánh tín thôi, phần còn lại thì qúi vị tự hiểu lấy.

Chánh là đúng, chánh tín là niềm tin đúng. Ở trong Pali có hai chữ để chỉ cho niềm tin:

Một là chữ Saddha là niềm tin,

Một chữ nữa là pasàda là niềm tịnh tín.

Thì chữ Saddha có hai nghĩa: Một là tất cả niềm tin nào ở trong đời, chỉ cần mình có niềm tin thôi. Chữ Saddha này từ cái chữ tiếng Pali là Saddahati là sự tin tưởng.

Còn chữ pasada có nhiều nghĩa là niềm tịn tín, chữ pasada có nghĩa là trong sạch, làm cho tin tưởng, nó từ chữ Pali là pasàdeti có nghĩa là chọn ra để mà tin.

Ở đây chúng ta tạm thời dùng một khái niệm ở bên Khổng giáo họ có dùng chữ "Chiết Trung" có nghĩa là mình lựa chọn cái gì tinh hoa cốt lõi của vấn đề rồi mình chọn ra để mình giải quyết thì gọi là "Chiết Trung". Thì hiểu ở đây chữ pasàdeti này cũng gần giống nghĩa chữ "Chiết Trung" là mình lựa ra cái gì tinh yếu cốt lõi của vấn đề.

Chữ saddha có lúc nó được dùng ở nghĩa rộng ở bất cứ niềm tin nào đúng sai cũng gọi là saddha.

Còn pasada chẳng hạn như ở trong kinh nói về bốn pháp dự lưu phần thì thứ nhất là vị đó phải là niềm tin bất động vào Phật bảo, niềm tịnh tín bất động Pháp bảo và Tăng bảo, nghiệp lý nhân quả thì gọi là pasada là niềm tịnh tín.

Đó là nãy giờ chúng tôi nói về chữ nghĩa, bây giờ nói về nội dung.

Trong cuộc tu để tự mình làm Thầy cho mình, tự mình có khuôn thức để mà kiểm soát niềm tin của mình, mình chỉ dựa vào một bài kinh mà bà Kiều Đàm Di Mẫu hỏi Đức Phật làm sao mà chúng con có thể biết được đâu là lời Phật, đâu không phải là lời Phật. Thì Phật dạy rằng:

"Này Kiều Đàm Di Mẫu, cái pháp nào mà càng tu càng trau dồi thì người ta càng thấy an lạc, người ta càng tu càng trau dồi người ta càng thấy thích sống viễn ly một mình. Càng tu càng trau dồi người ta càng thấy nhàm chán đám đông ồn ào. Càng tu càng trau dồi thì người ta càng thấy mình trở nên dễ nuôi đời sống trở nên giản dị hơn. Càng tu càng trau dồi càng tinh tấn siêng năng hơn. Càng tu càng trau dồi càng thấy mình trở nên an lạc hơn. Thì đó chính là lời dạy của Như Lai."

Còn những pháp môn nào mình càng tu càng trau dồi mà nó lại không được những điều vừa nói, không nhàm chán đám đông, không thích sống viễn ly, mà càng tu càng đâm ra lười biếng bỏ rơi trách nhiệm bản thân, bỏ rơi trách nhiệm đối với người khác, càng tu càng thấy đau khổ về thân về tâm v.v.... thì tất cả những pháp môn đó không phải là lời dạy của Như Lai.

Cho nên chánh tín là ở đây nói gọi lại theo bài kinh mà nói, ở đây chúng tôi chỉ trích dẫn từ trong kinh mà thôi thì chánh tín là niềm tin vào điều gì có lợi cho mình, có lợi cho người, có lợi cho đời này, có lợi cho đời sau. Chẳng hạn như chuyện tái sanh luân hồi, chuyện luân hồi nghiệp báo kiếp trước kiếp sau hoặc là làm thiện được vui làm ác bị khổ, chuyện đó làm sao mà mình biết có luân hồi quả báo mà mình tin thì ít nhất người có trí tuệ cũng hiểu rằng nếu không có mà mình tin thì mình đâu bị hại gì đâu, tối thiểu cũng là như vậy, nếu bản thân mình không có điều kiện trau dồi Phật Pháp để hiểu sâu hiểu rộng về chuyện luân hồi nghiệp báo, tối thiểu mình cũng nên hiểu như vậy. Tức là nếu chuyện luân hồi quả báo có hay không mình chưa xác định được thì chỉ cần có niềm tin là trong đời sống hiện tại mình không có làm bậy, không nói bậy, không chửi bậy thì đối với pháp luật mình cũng ok, đối với bản thân mình cũng ok, đối với gia đình, đối với xã hội, đối với láng giềng bè bạn mình cũng ok. Còn nếu như mình không tin tưởng vào việc luân hồi nghiệp báo rồi mình tha hồ làm bậy, nói bậy, nghĩ bậy, thì luân hồi quả báo đó có không chưa biết mà ngay trong đời hiện tại một là bị chúng đánh chúng giết chúng bỏ tù.

Cho nên điều quan trọng đó là chánh tín là tin vào điều gì mà có lợi cho mình, cho người đời này, đời sau thì đó là chánh tín, không cần phải hỏi từng điều là tôi làm như vậy có tội hay không, tôi làm điều đó có phước hay không, tôi nói như vậy có tội hay không, tôi suy nghĩ như vậy có tội hay không, thì trong kinh cho mình cái mực thước rất là đơn giản.

Ngay cả Đức Dalai Lama Ngài cũng có một câu nói rất là thú vị:

"Thiện ác được đánh giá qua động lực của nó, điều gì mình nói, mình làm, mà do động lực bất thiện tham sân si có hại cho mình cho người đó là điều bất thiện"

Lời nói nào hành động nào mà được thúc đẩy bởi từ bi trí tuệ vị tha bác ái thì hành động đó lời nói đó là thiện, mình tin vào những điều như vậy đó được gọi là chánh tín, chứ mình không cần thiết phải hỏi thêm là tin ông Tư, bà Tám, đạo chìm, đạo nổi, đạo ớt, đạo khoai thì cái đó tốt hay không. Không cần thiết phải bàn vì trên đời này có biết bao nhiêu đạo để mà hỏi. Cho nên mình chỉ cần dựa vào Phật Pháp để mà hiểu vấn đề đó. Đó là điều nào mà có lợi cho mình cho người đời này sau.

Ngay cả Đức Phật trong một lần ở khu rừng sala Ngài nói với Chư Tăng:

"Này các tỳ kheo, nếu những cây sala này mà nó biết giữ giới thì nó cũng sanh vào cõi trời chứ đừng nói chi là con người.

Đó là câu trả lời của chúng tôi. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ./.


No comments:

Post a Comment