Tuesday, March 9, 2021

Câu Hỏi: Phân biệt phước phóng sanh và các loại phước khác. - TT Pháp Chất giảng

 Câu Hỏi: Phân biệt phước phóng sanh và các loại phước khác.

Minh Hạnh chuyển biên

TT Pháp Chất: Lễ phóng sanh hay phước phóng sanh này bắt nguồn từ bên Trung Hoa, theo truyền thống Phật giáo Bắc Tông. Người ta khuyến khích tất cả người ở thế gian trong đó có các Phật tử Bắc Tông, tổ chức làm phước bằng phương tiện này, bằng phương tiện kia, để tổ chức phóng sanh. Mục đích và động cơ để thực hiện lễ phóng sanh hay nghi thức phóng sanh ngày xưa, là đối với những nhà tu hành khi thấy một chúng sanh bị giam cầm, nhất là những loài thú, rất là đau khổ, mà loài thú bị giam cầm ngoài vấn đề đau khổ theo thông thường của chúng sanh bị tù hãm giam giữ, còn bị giết hại mất mạng v.v... Chính vì đó mà những bậc thiện nhân ngày xưa thấy tội nghiệp, thấy thương, do đó không phải là tự mình phóng sanh để giúp đỡ chúng sanh thóat khỏi sự giam hãm, thoát khỏi tù đày, thoát khỏi sự giết hại đó, và từ đó về sau đương nhiên qúi Sư, hay Thầy, hay Sư Cô khuyến khích thì các Phật tử hành theo.

Điều đó, nếu đánh giá theo Phật giáo, thì đó là một loại phước. Thì việc nào thuộc về phước chúng ta cũng khuyến khích, cũng tán thán. Nhưng đối với Phật giáo, Đức Phật dạy các loại phước chúng ta làm, phước nào ra phước nấy, đủ loại phước mà chúng ta phải xác định là thuộc loại phước gì, mục đích để làm chi v.v...

Thì đối với Phật giáo, việc phóng sanh Đức Phật không phải là khuyến khích theo nghĩa một pháp hành giống như bây giờ. Mà là khuyến khích hay khích lệ, Đức Phật chỉ dạy chúng ta phải giữ giới, chứ không phải dạy chúng ta phóng sanh. Bởi nếu phóng sanh thì chỉ phóng sanh có một lần thôi, và người học phóng sanh chỉ được một lần đó mà thôi, nhưng cả đời của họ về sau có thể trong hoàn cảnh nào họ sát sanh hại vật, tạo rất nhiều tội lỗi và khó vượt qua được điều đó.

Đức Phật dạy giữ giới, bản thân chúng ta giữ giới là khuyến khích những người khác cùng giữ giới theo. Thì coi như một chúng sanh giữ giới, nguyện trọn đời giữ giới sát sanh, không sát hại sinh vật nữa, thì người đó không phải là phóng sanh có một cái mạng đó trong một đợt đó mà thôi, mà có thể phóng sanh luôn suốt cả đời suốt cả kiếp. Có thể đời này và có những đời sau. Mà không phải chỉ có một chúng sanh đó, tức là một người tu đó, không sát sanh mà họ còn khuyến khích nếu được hai người, được ba người, bốn năm người. Thì chúng ta có thể nói phóng sanh không phải là một lần giống như bây giờ qúi vị đã làm, mà có thể phóng sanh nhiều lần, có thể phóng sanh trọn đời trọn kiếp. Hay nói một cách khác là chúng ta phóng sanh luôn chứ không phải là mỗi đời mỗi kiếp như chúng ta làm phóng sanh giống như bây giờ.

Đó là lý do chánh, Đức Phật không khuyến khích phóng sanh theo nghĩa trở thành một pháp hành, mà phóng sanh đó thuộc về một thiện pháp. Là thiện pháp thì tùy duyên lúc nào chúng ta làm được thì làm, chứ không phải là pháp hành để tu tập. Pháp hành để tu tập chính là pháp hành giữ giới, đó là phước báu rất lớn. Bởi vì nếu phóng sanh, có thể nói một tháng chúng ta phóng sanh có một ngày, nhưng giữ giới thì chúng ta giữ giới luôn cả một tháng, thậm chí có thể cả trọn đời.

Nếu so sánh cả hai loại phước này, phước phóng sanh chúng ta chỉ làm được trong một lúc đó mà thôi, phước đó rất là nhỏ bé, chỉ có một tiếng đồng hồ, hay nửa tiếng, hay trong giây phút nào chúng ta quyết định để thực hiện việc phóng sanh đó. Nhưng việc giữ giới khi chúng ta phát nguyện rồi, phước giữ giới đó không có nghĩa là một lần đó chúng ta có, mà có thể là nguyện giữ giới trong trọn ngày đó chúng ta sẽ được hưởng phước giữ giới trọn ngày đó. Và không phải chỉ trọn ngày đó mà có thể chúng ta đã nguyện giữ giới như năm giới, nguyện trọn đời, là phước chúng ta sẽ có trọn đời. Trừ ra khi nào bị đứt thì khi đó chúng ta thọ giới lại. Nói chung thì phước giới chúng ta sẽ có một cách liên tục cả ngày cả tháng cả năm cả đời cả kiếp, thì phước báu này nếu so sánh giữa hai loại phước thì phước phóng sanh này chỉ tích tắc mà thôi.

Nếu so sánh về kết quả về sau lại khác nữa.

Người làm phước phóng sanh chưa chắc chết được sanh lên thiên đàng, chưa chắc chết mà vượt khỏi địa ngục, bởi phước đó chỉ làm trong một giây khắc ngắn ngủi, nó không đủ sức hộ trì giữ được cho người này còn tái sanh lại làm người, hay được phước sanh thiên, hay giữ người đó không tái sanh sa đoạ địa ngục.

Phước giữ giới ngăn được bốn đường ác đạo, có thể ngăn chặn người ta không đọa địa ngục, ngạ qủi, súc sanh, atula, mà có khả năng giúp cho người ta được sanh về thiên giới. Do đó cổ đức người ta có nói câu "Ngũ giới bất tri nhân thiên lộ triệt", tức là năm giới mà không giữ thì đường người đường trời bị đóng rồi, mà đường người đường trời bị đóng tức là chúng ta phạm giới thì đương nhiên bốn đường ác đạo, đường địa ngục, đường ngã quỉ đường súc sanh, atula chúng ta sẽ bị đoạ vào.

Do đó phước phóng sanh có thể kể huộc loại bố thí, thuộc về bố thí mạng sống. Phước phóng sanh này không phải tự nhiên làm được, chúng ta phải bỏ tiền bỏ của mua các loài thú rồi thả chúng ra, phước này muốn làm thì đòi hỏi phải có tiền của, chúng ta không thể nào có đủ tiền mua hết tất cả chúng sanh trên thế gian để phóng sanh để chúng sanh được toàn mạng. Khi được phóng sanh rồi thì có thể chúng sanh đó còn nghiệp báo của cái sát sanh của nó phải trả, có thể vừa phóng sanh nó ra rồi có những loài thú còn cái nghiệp phải trả thì chúng sanh khác nhảy vô sẽ bắt nó giam hãm, có thể giết hại nó, hay có thể bán tiếp tục.

Do đó một số người trí thức ở đời thấy điểm nàysẽ phê phán: phóng sanh là tiếp tay cho người làm việc ác bất thiện. Hỏi tại sao người ta nói vậy? Bởi vì người ta nói mình mua chim rồi thả, thì nhóm nuôi chim sẽ đi bắt lại và bán lại cho người ta. Như vậy có khác nào chúng ta phóng sanh càng nhiều là chúng ta khuyến khích người đó tiếp tục bắt cho nhiều chúng sanh để bán. Bởi vì có CẦU thì đương nhiên phải có CUNG. Và chính vì đó mà thấy có nhiều điểm bất thiện, những điểm không tốt trong việc mua bán chúng sanh để phóng sanh như thế này, thành ra một số bậc trí thức phê phán chỉ trích, khuyên không nên mua theo kiểu dặn hay đặt hàng, và nhất là làm thành một cái lễ thì coi như điều đó chúng ta khuyến khích nhau, và người ta tham gia vào nghiệp bắt giữ những chúng sanh để đem bán cho chúng ta. Ở Việt Nam, chúng ta nghe có một số người nuôi thú chuyên nghiệp, chẳng hạn như loài chim chóc chẳng hạn, người ta thả nó ra rồi nó bay trở về tổ của người nuôi, và người ta bắt đem bán lại. Điều này không biết quí vị có từng nghe không? ở bên Thái Lan chúng tôi cũng nghe, về những người nuôi loài chim, họ dùng một loại ma túy pha loãng cho uống hàng ngày quen, thành ra nó có bay đi đâu cũng trở về chỗ đó, khi người ta thả rồi nó bay đã rồi cũng trở về chỗ đó ăn, đó là chim. Còn loài cá cũng vậy, họ cho ăn cũng trộn với ma túy, thả xuống sông vùng chuyên môn phóng sanh, hễ thả xuống chỗ đó nó bơi một hồi rồi cũng trở lại chỗ đó, giống như người ta nuôi là chúng sanh để cho phóng sanh. Thành ra điều này người ta thấy người ta phê phán cũng có lý.

Nếu chúng ta muốn thực hiện phóng sanh thì lúc nào rảnh rỗi, lúc năm khi mười hoạ, chúng ta thực hành, thì điều đó có lẽ nó không dính dáng gì tới điều này, nhưng mà tổ chức và khuyến khích theo nghĩa trở thành một phong trào thì coi chừng nó sẽ có cái tác hại, người ta lên tiếng phê phán. Qúi vị lên mạng internet xem, không phải ai cũng tán đồng việc phóng sanh của chúng ta, mà người ta còn phê phán điều đó. Mà cách phóng sanh này người ta phê phán, nếu nói rằng Đức Phật dạy thì coi chừng người ta phê phán Đức Phật là sai, Đức Phật không có dạy điều này, Đức Phật dạy chúng ta hành thiện, làm những thiện sự, chứ không dạy chúng ta phóng sanh. Đức Phật dạy chúng ta giữ giới là cấm sát sanh cho bản thân chúng ta, nếu chúng ta giữ được điều đó thì có thể nói là chúng ta đã phóng sanh trọn đời cho tất cả chúng sanh này, chúng ta không còn giết hại nó nữa. Hai nữa là chúng ta khuyến khích thành phong trào giữ giới, một người, hai người, ba người, bốn người năm người, thì việc này không có bậc trí thức nào phê phán chúng ta cả, mà không phê phán chúng ta tức là không phê phán về Đức Phật.

Do đó nếu so sánh về phước thì chúng ta thấy về phước phóng sanh này sẽ được phước gì?

Trước hết động cơ phóng sanh là do lòng từ bi, thì chúng ta kể đó là phước đức. Phước từ bi tội nghiệp thương chúng sanh, do phước này nhân này, đời sau chúng ta sanh ra nếu bị giam hãm bị cầm tù thì có những người thương và tội nghiệp chúng ta. Chúng ta thả chúng sanh này thì nhân nào quả nấy, chúng ta giả xử sanh làm loài thú thì nhân nào quả nấy, chúng ta chỉ hưởng được quả sẽ có những người giải thoát chúng ta khỏi sự giam cầm, khỏi tù tội, đó là chúng ta nói về nhân quả theo thông thường. Chúng ta chỉ thấy được có tới đây thôi, đó là điểm chính.

Nhưng phước giữ giới là khác, phước giữ giới này nếu chúng ta phát triển thấp thì cũng là phước từ bi, từ bi này khác. Từ bi kia là tội nghiệp chúng sanh bị giam hãm cầm tù. Nhưng từ bi này là tội nghiệp chúng sanh bị sát hại, bị mình giết hại trong hiện tại và bị người khác giết hại trong hiện tại ,hoặc là kể cả tương lai, thành ra mình nguyện như thế này là có thể mình chấm dứt sự sát sanh trong tương lai cũng dựa trên lòng từ bi, giữ giới cũng là lòng từ bi. Nó khác nhau ở chỗ là phóng sanh chúng ta phải phải tiền dùng tài sản của mới thực hiện được phước đó. Còn đối với phước giữ giới thì chúng ta không cần tốn tiền tốn bạc chúng ta giữ được điều này, đó là nói theo thông thường giữ giới, phước giữ giới. So sánh giữa hai cái phước về sanh thiên, phước phóng sanh thì năm khi mười hoạ lúc nào phước mà tới bất chợt bởi chúng ta làm mong manh trong cả một đời sống chúng ta không biết làm được bao nhiêu lần, thành ra phước này bấp bênh không đủ sức giải quyết trong lúc chúng ta cận tử hấp hối lâm chung để nó có thể chận bốn đường ác đạo hay có thể giúp chúng ta sanh lên thiên giới. Do đó phước này nói một cách khác hơn, đôi khi chúng ta có phước này nhưng phước này không đủ sức để chúng ta sanh lại làm người hay không đủ sức sanh làm chư thiên, mà chúng ta bị một nghiệp ác khác, phước này không đủ sức chận nghiệp ác thì nghiệp ác kéo chúng ta sanh vào cõi thú chẳng hạn, thì chết sanh làm cõi thú chúng ta trả nghiệp ác đó, nhưng nếu chúng ta bị chúng sanh bắt bớ giam hãm cầm tù ăn thịt hay hãm hại, thì lúc bấy giờ phước phóng sanh mới giúp cho chúng ta, thì người ta mới thả chúng ta giống như chúng ta đang thả chúng sanh vậy thôi. Nhưng riêng phước giữ giới thì khác, khi chúng ta giữ giới như thế này thì phải nói là nó đủ sức chận ngang tất cả những nghiệp ác nào, tất cả những nghiệp bất thiện nào mà nó có thể khiến chúng ta đoạ bốn đường ác đạo, cái phước giữ giới mà nó mạnh như thế đó, phước giữ giới còn giúp cho chúng ta có thể sanh được về các cõi trời.

Nói đặc biệt đây là chúng ta nói giữ giới theo nghĩa giữ giới để kiếm phước, chứ chưa phải giữ giới theo nghĩa đoạn trừ phiền não, giữ giới cao cấp hơn. Giữ giới theo cấp đoạn trừ phiền não chúng ta có thể đắc được thiền định. Trước hết nói về công năng đắc thiền định, thiền định thì chuyện này dễ dàng, người ta nói "giới năng sanh định, định năng sanh tuệ." Nhưng đặc biệt của giới nhà Phật không phải chữ năng đắc định không đâu, giữ giới của nhà Phật có khả năng đoạn trừ phiền não và có thể đắc thành quả thánh Tu Đà Hườn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, Alahán. Do đó Đức Phật mới khuyến khích chúng ta giữ giới, chẳng hạn giới không sát sanh chẳng hạn, bởi chúng ta giữ giới không phải chỉ một giới không sát sanh, chúng ta còn nhiều giới khác. Nhưng ở đây chúng ta muốn nói là so sánh giữa giới không sát sanh và sự phóng sanh, hai cái khác nhau. Và hai cái phước trổ quả báo ra sao kết quả như thế nào, thì chúng ta so sánh thấy quả báo của giữ giới này trong khi giữ giới chỉ kể một giới không sát sanh mà phước thù thắng to lớn nhiều hơn đặc biệt hơn tất cả chúng sanh.

Và đây là lý do Đức Phật không chủ trương không thuyết giảng một đề tài một pháp nào khuyến khích làm việc phóng sanh, nhưng điều đó không có nghĩa là Đức Phật cấm làm. Đức Phật không cấm nhưng không khuyến khích. Tức là Đức Phật kể cái này là loại hành thiện, thì hành thiện này là tùy theo chúng ta muốn làm thì làm còn không làm thì điều đó không quan trọng. Không phải là chúng ta người tu hành mà không phóng sanh là chúng ta không đầy đủ phước, không đầy đủ đức để tu hành. Nói như vậy là sai, là không đúng. Bởi vì so sánh giữa hai cái, người phóng sanh và người giữ giới thì người giữ giới cao thượng, người giữ giới cả ngày cả tháng cả năm cả đời cả kiếp còn cái này phóng sanh thì lâu lâu năm mười bữa nửa tháng hay ba bốn tháng mới làm được một lần, nó không phải là cái hạnh, không phải là nguyện, không phải là pháp để tu tập, thì đó là lý do mà chúng ta thấy hai cái khác nhau. Thì trong hai cái khác nhau chúng ta đã thấy phước báu rõ ràng là phước giữ giới cao thượng qúi giá hơn. Chúng ta giữ được bản thân và khuyến khích trở thành một phong trào giữ giới thì quả thật phước báu lớn. Chúng ta đã tự mình giác ngộ và khuyến khích cho người khác giác ngộ theo trong con đường tự giác giác tha giác hành viên mãn.

Còn nếu so sánh theo một nghĩa nữa của phóng sanh, thường thường người ta phóng sanh để cầu phước. Thì nếu nói cầu phước cũng sai. Vì nếu cầu phước thì cầu phước gì? Nếu người ta cầu phước từ bi tội nghiệp chúng sanh bị giam hãm cầm tù, thì nghĩa là nếu tôi sau này có bị giam hãm cầm tù thì xin người ta thả ra, thì thấy rõ ràng nếu làm phước với mục đích này thấy uổng công mất thì giờ, chưa gì hết mà chúng ta sợ bị đoạ bị bắt bị giam cầm tù. Bởi làm sao vậy? Người phóng sanh này họ không có pháp tu, họ không có được giữ giới không có phước giữ giới. Thì đương nhiên giống như người đời không biết làm được phước gì thì thôi làm đại phước phóng sanh cho có phước này hộ trì cho chút định. Thì nếu so sánh giữa hai phước, thì phước phóng sanh người ta chỉ hiểu theo nghĩa là thả chúng sanh để nữa chúng sanh giải thoát thôi, còn nếu mà trưởng dưỡng về lòng từ bi thì trưởng dưỡng lòng từ bi này thì có lúc đó thôi. Còn giữ giới, đã giữ giới liên tục rồi thì phước từ bi chúng ta cũng là phước liên tục, tâm từ bi chúng ta liên tục.

Nếu tu hạnh từ bi đúng hạnh từ bi thì lại khác. Người ta tu không phải là lâu năm khi mười hoạ hay nửa tháng nào đó người ta tu tập về hạnh từ bi, thì như vậy giữ giới sát sanh này nhiều khi người ta lại nghĩ là phóng sanh để cầu phước cho gia đình mạnh khỏe và an vui, thì chẳng qua chúng ta suy nghĩ là phước sẽ đem lại cho chúng ta những điều đó thôi, chứ chưa phải là cái chính.

Nếu mà gọi là làm phước theo nghĩa cầu lợi cầu tài có phước báu nhiều trong đời sống để giàu sang, thì phước đó không phải là phước phóng sanh, mà phước muốn cầu tài giàu sang thì ngoài vấn đề cúng dường cho Tam Bảo hay cúng dường cho Đức Phật hoặc cúng dường cho Chư Tăng thì phước này mới đúng là người cầu phước. Giả xử qúi vị muốn cầu phước để phước trổ hiện tại được giàu sang, được sung sướng, được có tiền, có của, thì không có phước nào ngoài phước cúng dường cho Tam Bảo, mà Tam Bảo cụ thể nói về Chư Tăng hiện tại, bởi việc cúng dường cho Chư Tăng hiện tại là cúng dường bằng đồ ăn, thức uống, bằng tứ sự đến cho Chư Đại Tăng, qúi vị cúng dường đúng pháp thì cầu phước có thể trổ cho qúi vị sanh ngay trong đời hiện tại, có thể trổ cho qúi vị giàu sang sung sướng có tiền có của, đạt địa vị. Ngày xưa người ta làm phước thì phải nói người ta được giàu sang thành những vị trưởng giả, giống như bây giờ trở thành những người triệu phú, trở thành những người tỷ phú, và thậm chí người ta còn đạt được những địa vị quan quyền, thậm chí địa vị vua chúa cũng vẫn còn đạt được. Đó là phước báu bố thí để cầu phước. Nếu chúng ta gọi là cầu phước thì cụ thể hơn là làm phước cúng dường đến Chư Tăng.

Và nếu so sánh giữa hai loại phước, phước đến do phóng sanh là phước từ bi tế độ, tức là chúng ta thương hại chúng ta giúp cũng giống như làm phước cho người nghèo khổ thì hai cái phước Chư Tăng này thì chúng ta không thể nào nói chúng ta làm phước bằng từ bi bằng cái nghèo khổ được bởi Chư Tăng không phải là đối tượng thiếu phước hay đối tượng nghèo khổ để chúng ta từ bi thương hại chúng ta cho. Chư Tăng là bậc tu hành có ân đức lớn đạo đức cao thì chúng ta cúng dường đến mục đích là cúng dường cầu phước, thì chúng ta cúng dường này bằng sự tôn kính, cúng dường này cũng giống như cúng dường cha mẹ là bậc đáng tôn đáng kính. Vậy chúng ta cúng dường bằng cách như thế này thì phước tôn kính, phước quả báu cúng dường đưa đến chúng ta sẽ được quả báu tôn kính. Thì chính quả báu tôn kính này làm đúng, sở dĩ ta được phước làm vua được làm trưởng giả là nhờ ta tôn kính Chư Tăng, tôn kính đến đâu thì phước người ta được tôn kính đến đó, mà chúng ta tôn kính Chư Tăng nhất hạng thì đương nhiên chúng ta được mọi người tôn kính nhất hạng, mọi người tôn kính nhất hạng lại là chúng ta đã đứng trong địa vị của vua chúa rồi. Đó là phước báu tôn kính đến Chư Tăng đem lại bằng sự lễ vật bằng sự cúng dường. Khi chúng ta xuất tiền của để cúng dường cầu phước thì nếu cầu phước bằng cách cúng dường Chư Tăng thì chúng ta mới cầu phước giàu sang có tiền có của đem lại chúng ta. Còn chúng ta bố thí bằng cách mua chúng sanh để phóng sanh thì chúng ta muốn cầu phước này như muối bỏ sông bỏ biển chứ đừng hi vọng cầu phước nào được ngay trong hiện tại, bởi phước này không đem lại, bởi chúng sanh này nếu nói theo Đức Phật nghĩa là cho con thú một trăm lần không bằng cho người ác một lần, mà cho con thú nghĩa là phải nói rằng bất quá chúng ta chỉ hưởng được có một trăm đời trăm kiếp mà thôi, còn khi cúng dường mà cho người nghèo khổ những người lỡ đường người bịnh hoạn mà chúng ta từ bi tội nghiệp người ta cơ nhỡ hay thiếu thốn bất hạnh gì đó thì chúng ta cúng dường hay là bố thí cho họ thì phước chúng ta vẫn còn hơn con thú cả chục lần. Từ đó mà chúng ta so sánh đến cái hạng đắc thiền rồi hướng đến Tu Đà Hườn Tu Đà Hàm A Na Hàm, A La Hán, từ từ tới Chư Tăng phước báu cúng dường Chư Tăng là phước báu tối thượng để chúng ta cầu phước được.

Do đó người nào nói rằng phóng sanh để cầu phước được có tài sản có tiền của có được may mắn có gì đó, thì chẳng qua người đó chủ trương về phóng sanh khuyến khích người ta nói vậy thôi, còn đúng hay sai thì không ai kiểm tra không ai biết. Còn nếu mà nói Đức Phật thuyết thì Đức Phật không thuyết. Thành ra chúng ta không thể nào tin những lời người ta nói phóng sanh để được giàu sang, phóng sanh được sung sướng, cái đó chẳng qua là lời của mấy vị tổ nói mà thôi chứ không phải là Đức Phật nói.

Đó là điểm quan trọng nhất để chúng ta so sánh về từng loại phước, phóng sanh phước như thế nào, phước bố thí cúng dường như thế nào. Nếu giả xử như chúng ta muốn trưởng dưỡng lòng từ bi thì chúng ta phóng sanh cũng được, chúng ta làm phước điều đó cũng được, nhưng nếu chúng ta cầu phước thì chuyện phóng sanh này không phải là chuyện cầu phước của chúng ta, mà chúng ta cúng dường Chư Tăng là chuyện cầu phước, cúng dường Chư Tăng là chúng ta được phước cúng dường mà được thêm phước về tôn kính đem theo. Còn nếu chúng ta gọi là cầu phước theo nghĩa để chặn bốn đường ác đạo, hay để được sanh thiên, hay được phước đặc biệt quí báu về đời sau, thì phải nói nhờ phước của giữ giới đem cho chúng ta tất cả. Qúí vị chỉ phóng sanh bình thường thôi nghĩa là nghiệp ác chưa từ bỏ, cái giới qúi vị không giữ, qúi vị phạm đủ cách thì đời sau qúi vị sanh ra có thể được là mình khi nào bị cầm tù thì người ta sẽ giải thoát cho mình, còn nếu người ta không cầm tù thì phước đó không sanh không còn trổ cho chúng ta, và khi chúng ta trong lúc bị cầm tù đôi khi không phải chúng ta được may mắn có tay chân mắt mũi đầy đủ ngũ quan, bởi vì nếu chúng ta không giữ giới mà giới khiếm khuyết nó có thể sanh chúng ta đui mù tàn tật câm điếc v.v.... và chúng ta cũng sẽ bị giam hãm cũng giống như tất cả các chúng sanh khác, nhưng phước giữ giới thì sẽ đưa ngũ quan hoàn hảo cho chúng ta, chúng ta sẽ có tay chân mắt mũi không khuyến tật bộ phận nào hết, nó đem đến cho chúng ta một thân thể đầy đủ của một chúng sanh, nhất là thân thể của loài người chẳng hạn, và nó giúp cho chúng ta có thêm về trí tuệ để chúng ta được giải thóat. Còn phước phóng sanh thì bất quá phước đó là phước thông thường để cứu mạng của một chúng sanh để nuôi nấng lòng từ bi theo nghĩa người ta không biết có từ bi thôi. Chứ Phật Giáo là từ bi giữ giới, từ bi đó cao thượng hơn qúi giá hơn.

Tuy nhiên hôm nay qúi vị làm phước phóng sanh thì chúng tôi cũng chỉ qúi vị làm cách này nữa, bây giờ mình đã làm rồi hay lỡ làm rồi hay mình đã thường làm rồi, thì thôi cũng được, bây giờ qúi vị làm phước xong qúi vị có thể nguyện như thế này, chẳng qua nó tạo duyên cho chúng ta thôi thì chúng ta nghĩ là nhờ làm phước mà phóng sanh cho chúng sanh này được thoát khỏi giam hãm thoát khỏi tù đày, thì thôi do nhờ phước báu này cho tôi nguyện cho tôi giải thoát được ngục tù tham ngục, tù sân ngục, tù si, tức là giải thoát khỏi tham sân si. Thì nếu nguyện như thế đó thì từ phước vật này nó sẽ chuyển qua thành phước trí cho qúi vị. Hay phần phước đức này chuyển qua phước trí thì nó trợ duyên phước này sẽ có một tác dụng khác không phải tác dụng phóng sanh, mà nó có tác dụng nhờ phước này đời sau chúng ta có thể giải thoát được tham sân si. Chúng sanh bây giờ bị tham sân si giam hãm, chúng ta là người đang bị nô lệ của tham sân si, ở trong ngục tù của tham sân si, nghĩa là quản lý hay hành hạ chúng ta hàng ngày, chúng ta chưa được giải thoát, chúng ta bị chịu nhiều đau khổ giống như một chúng sanh ở trong ngục tù chịu đau khổ. Như vậy thì chúng ta tác ý khéo qua thì chúng ta vẫn được phước nguyện giải thoát, nhưng phước này chẳng qua là phước phụ thuộc, hay phước trợ duyên. Giống như ngày xưa trong kinh thấy câu chuyện của một ông sa di đi đổ rác, rồi một ông Tỳ Khưu quét rác đổ rác, thì phước thông thường thôi, nhưng người ta cũng biết khéo chuyển phước này, "do phước này đời sau cho tôi có nhiều trí tuệ hay có thể tôi tu hành tôi giải thoát" v.v.... Thì người ta chuyển phước qua thành phước để giải thoát thì cũng được. Trong kinh còn kể một có một ông đi quét lá bồ đề bình thường thôi, ông nhờ quét lá này ông mới dùng tác dụng quét đó ông nguyện cho sau này ông có được trí tuệ giống như cây trổi quét sạch tham sân si này. Người ta khéo chuyển những phước vật đi qua thì người ta cũng có được lợi ích, mà phước này chỉ có trong Phật giáo dạy cho chúng ta mới được, còn nếu không có thì giống như người đời làm phước phóng sanh chẳng qua là phước thông thường của người đời chỉ có phước nhân quả tương quan trả lại cho thôi.

Thời pháp đến đây cũng vừa phải lẽ trước khi dứt lời chúng tôi xin hồi hướng đến tất cả Chư Thiên, nhất là Chư Thiên hộ pháp Đức Trời Đế Thích Tứ Đại Thiên Vương .....


No comments:

Post a Comment