Sunday, February 21, 2021

Câu hỏi: Tu tập như thế nào để tâm được an tịnh, an lạc? - TT Giác Nguyên

 Câu hỏi: Tu tập như thế nào để tâm được an tịnh, an lạc?

Minh hạnh chuyển biên

 TT Giác Nguyên:Hễ làm thiện thì tối mình ngủ yên, còn mình làm ác thì tối ngủ mình nghe chó sủa, nghe xe cảnh sát hoặc khi ra đường nghe tiếng còi thổi, tiếng chân người chạy huỳnh huỵch sau lưng mình cũng sợ. Điều này là điều hiển nhiên trong đời sống này rồi, tuy nhiên đôi khi trong đời này mình từ nhỏ đến lớn ở với cha mẹ, mình đi học rồi lớn lên mình có công ăn việc làm mình không làm gì tội lỗi nên không nhận ra chuyện đó, cái cảm giác dễ sợ này, hoặc mình cũng chưa làm chuyện phá gia cang ai, chưa đốt nhà cướp của giết người nên tạm thời mình không thấy cái tội khổ, tội quả âm thầm của tội lỗi ấy, chứ thực ra đối với những người làm những tội lỗi bậy bạ đó thì chuyện cắn rứt lương tâm nó theo họ đến mấy chục năm ở trong đời. Như câu chuyện tâm bệnh của một nhà triệu phú Nhật Bổn sau khi ông chiếm đọat số tiền đúc tượng của một nhà sư rồi giết nhà sư và ông trở về làm triêu phú. Sau đó ông có giàu có cách mấy đi chăng nữa thì ông cũng không an lạc. Mỗi lần ông nhắm mắt ông ngủ thì ông nhớ hình ảnh nhà sư bị ông xô xuống biển rồi lặn rồi hụp rồi dở sống dở chết ở trên biển, thì ông ngồi trên đống vàng ông cũng không an lạc. Người làm tội khổ như vậy không có an lạc.

Đối với một hành giả tu tập thiền tứ niệm xứ, vị này có thể sẽ gặp rất khó khăn trong việc duy trì chánh niệm tỉnh giác nếu như có một lỗi lầm nào đó mà mình chưa có sám hối, mình cứ tìm thấy được một suy tư để dứt khóat nó thì mình sẽ bị phân tâm. Ví dụ như mình đã lỡ nói một câu nào làm buồn lòng người bạn đồng tu trong thiền viện mà mình chưa kịp sám hối với người ta thì có thể đêm hôm mình ngồi sếp bằng hành thiền bị vọng động mà mình không biết. Mình chưa hành thiền tâm mình chưa có tịnh thì mình có làm bao nhiêu lỗi lầm đi nữa có khi mình không để ý, nhưng nếu mình giữ tâm tịnh rồi thì chỉ cần mình lỡ làm một điều bậy thì nó cũng để lại cho mình một sự xốn xang, một sự bứt rứt.

 Một trong những tác dụng của thiền định là giữ cho tâm được an tịnh. Một ví dụ mà chúng tôi rất tâm đắc là, một người không có tu thì tâm của họ như cái nền nhà bằng đất, có bao nhiêu bụi ở ngòai đường thổi vô mình cũng không phát hiện được. Vì sao? Vì bụi ở ngòai đường với cái nền nhà của mình là họ hàng bà con với nhau. Có gì đâu mà lạ? vì nền nhà của mình là nền nhà bằng đất, những ai sinh trưởng ở Hoa Kỳ thì chắc sẽ không biết nền nhà đất, chứ còn những ai sống ở nông thôn Việt Nam thì biết cái nền nhà đất nó như thế nào, tức là đất sét người ta tô, người ta đắp thành cái nền rồi dựng nhà trên đó, không có thêm miếng gạch, miếng xi măng nào lên đó hết thì được gọi là nền đất, thì nếu có bụi bặm ở ngòai đường tấp vô trong  nền nhà đó thì mình cũng không thể nhận ra được. Nhưng đối với một nền nhà gạch bông càng bóng càng loáng, được lát bằng đá marble của Ý, bằng đá granite chẳng hạn, thì khi có một chút xíu bụi bay tấp lên đó, khi mình đi mình nghe nhám nhám, rất là khó chịu. Không có gì khó chịu cho bằng mình đi chân không và mình cảm nhận rằng ở trên nền gạch của ngôi nhà này có bụi, cái cảm giác kỳ cục khó chịu. Nhưng vì sao mà mình nhận ra? Bởi vì bụi bặm ở ngòai đường nó không đồng tánh với nền gạch. Nền gạch là một cái gì đó khác biệt hẳn hòi với bụi cát ở bên ngoài, nên khi có một chút xíu bụi cát tắp vào trong nền nhà đó thì người ta lập tức thấy ngay.

Điều đó như thế nào thì tâm tánh, tâm tư của một hành giả tu tập tứ niệm xứ, thường xuyên chánh niệm tỉnh giác thì cũng giống như một nền nhà có lót gạch granite hay marble, tức là khi có một chút nào đó ác nghiệp về thân, về khẩu, về ý xuất hiện ở trong nội tâm thì hành giả dễ dàng nhận ra. Giống như một hồ nước càng trong trẻo yên ắng chừng nào thì có một chút xíu bụi, chút xíu rác hay lá nằm ở dưới đáy mình cũng thấy. Còn hồ nước đã đục, bị gợn sóng nữa thì chúng ta không thể nào thấy được những rác rưởi ở bên dưới. Điều đó như thế nào thì trong nội tâm của một người không có tu tập thì nhiều khi cả đời mình nói bậy nói bạ, làm bậy làm bạ, nghĩ bậy nghĩ bạ, mình không phát hiện, vì tâm mình đã đục như cái hồ nước rồi mình không thấy, hoặc giống như cái nền nhà bằng đất rồi thì nó đã đồng tính với bụi bặm ở ngoài đường thì làm sao chúng ta có thể nhận ra được, phát hiện ra được những bụi bặm phiền não vây phủ trên đó. 

Cho nên phải nói rằng sau khi mình làm một ác nghiệp rồi thì trước khi mình phải lãnh lấy cái quả khổ, nặng nhất là bị sa đọa thì bản thân người làm ác nghiệp cũng phải chịu sự đau khổ giằng xé đày đọa âm ỉ hết ngày này qua ngày khác. Điều thứ hai là sau khi họ bị sa đọa rồi càng đau khổ hơn.

Chỉ cần nghĩ đến ác nghiệp của mình là mình đã khổ tan nát ở trong đời này rồi, nó khó chịu dằn xé lắm. Nói thì nói chứ nếu như người làm ác không bị cắn rứt lương tâm thì không phải cắn rứt theo kiểu của người thiện, nhưng cũng có sự đau khổ của người ta. 

Khi người thiện làm điều xấu người ta cũng có sự đau khổ cắn rứt của người ta dằn xé người ta tiếc nuối tại sao mình làm điều đó làm chi. 

Đối với người ác, họ không có sự dằn xé mang tính cách đạo đức như vậy nhưng mà họ lại bị dằn xé theo cái hướng khác. Ví dụ như làm ác rồi thì họ có cái sự lo sợ, họ lo sợ người khác báo thù, lo sợ pháp luật phanh phui, lo sợ dư luận, cái đó cũng là cái đau khổ riêng tư của người không có tàm không có quý, thì họ cũng có cái lo sợ của họ.

Đối với người tu tập,  trước hết họ không đi tìm danh tìm lợi, nhưng khi có danh có lợi rồi thì họ sẽ tận dụng nó, khai thác nó triệt để, dùng nó làm một phương tiện lợi tha, lợi sinh. Như vậy trước hết họ không khổ về việc tìm danh tìm lợi, nhưng khi có danh có lợi rồi họ cũng chỉ dùng nó như một phương tiện để lợi sinh, lợi tha mà thôi.

 Như vậy họ càng không khổ, càng an lạc./.

No comments:

Post a Comment