Friday, February 19, 2021

Câu hỏi: Câu nói “Chiếc áo không làm nên thầy tu” nghĩa như thế nào? - TT Giác Nguyên giảng.

 Câu hỏi: Câu nói “Chiếc áo không làm nên thầy tu” nghĩa như thế nào? - TT Giác Nguyên giảng. 

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Nguyên: Câu đó, nếu chỉ nghĩ theo nghĩa hạn hẹp là một vị tu sĩ có đời sống không thanh tịnh, không trong sạch thì không xứng đáng với lá y, thế thì cũng đúng thôi, không có gì là phải bàn cải, phàn nàn nữa hết. Tuy nhiên,  không riêng gì đối với chư tăng mà đối với người cư sĩ cũng vậy. Cho dù chúng ta có thụ giới, được qui y Tam Bảo trước mặt tăng chúng, có được gọi là Phật tử, có được trao pháp danh chữ Pali đi nữa, pháp danh ấy có hay cách mấy đi nữa mà nếu mình không phải là người Phật tử trong sạch, không làm tròn trách nhiệm của người Phật tử thì danh xưng Phật tử kia cũng không có nghĩa lý gì hết. Chúng tôi cũng có được biết một số Phật tử mỗi khi tiếp xúc với những vị trẻ, nhỏ như chúng tôi thì họ hay dùng chính sách gọi là thị uy. Họ nhát ma chúng tôi. Họ kể xa gần là ngày xưa là học trò của ngài Hộ Tông, học trò cùa ngài Giới Nghiêm hoặc là họ từng quy y với Hòa thượng này, Hòa thượng kia; thầy của họ từng đi du học nước ngòai, từng đi họp hội nghi quốc tế v.v. và v.v. Năm nay là họ đã quy y Tam Bảo được 40 năm rồi, 30, 20 năm rồi v.v và v.v. Có nhiều Phật tử họ rất lấy làm hãnh diện là họ đã biết Phật pháp lâu như vậy. Nhưng họ quên một chuyện là họ có thể là không xem hoặc là có xem mà không nhớ bài kệ này:

Ai mặc áo cà sa

Tâm không rời uế trược

Thì không xứng mặc áo cà sa

Đức Phật dạy rằng với người mà mang nội tâm không thanh tịnh, sống bằng một lý tưởng không lành mạnh, không trong sạch thì không xứng đáng với áo cà sa. Bởi vì chúng ta cũng được biết rằng lá y của chư tăng vốn đã được đức Phật chọn làm màu giáo phục cho tòan thể tăng già của ngài thì được xem là lá cờ của vị A la hán.

Lá y chư tăng cũng còn được gọi là phước điền. Sở dĩ quí vị thấy chư tăng đắp y mà trong lá y có nhiều miếng vải được ghép lại bởi nhiều miếng vải khác nhau chứ không phải là một miếng liền. Quí vị có dịp nhìn kỹ sẽ thấy lá y mà chúng tôi đắp lên người là có nhiều mảnh nhỏ ghép lại, từ chuyên môn gọi là điền, điền là những ô ruộng. Duyên sự nói rằng Đức Thế tôn có một lần duyên hóa ngang xứ Ma Kiệt Đà, đi ngang một cánh đồng thì ngài mới hỏi ngài Anan là có thấy cánh đồng này rất là đẹp mắt hay không, đã được những người nông dân phân ra thành từng ô ruộng rất đẹp mắt. Ngài A Nan nói

"Dạ thấy"

Thì đức Phật dạy rằng: "Lá y của tăng chúng nên đựơc may, được sắp xếp, được phân bố theo từng ô, từng điều như vậy đó, với ý nghĩa là lá y đó tượng trưng cho phước điền của chư thiên và nhân lọai."

Người mặc lá y đó, bản thân người đó phải là phước điền. Người đó phải trang nghiêm tam nghiệp của mình như thế nào để bản thân người đó được lợi lạc đã đành rồi, mà những ai nhìn ngắm người đó, cúng dường người đó cũng thu gặt được những quả báo lớn, vì mình càng trong sạch thì người làm phước sẽ được phước báo nhiều hơn. Cũng là một vị tỳ kheo, nhưng nếu vị ấy có giới hạnh trong sạch thì công đức cúng dường của Phật tử sẽ được tăng trưởng hơn là nếu vị đó có một đời sống bê bối, thì sự cúng dường kia sẽ có quả báo ít hơn. Cũng là một vị tỳ kheo trong sạch nhưng trong lúc thí chủ họ cúng dường thực phẩm chẳng hạn, hoặc là họ dâng cúng, họ đảnh lễ hoặc là họ cúng dường cái gì đó mà trong lúc đó nội tâm của vị tỳ kheo an trú bốn pháp vô lượng tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả thì công đức của Phật tử càng tăng trưởng bội phần. Đó là lý do tại sao Đức Thế Tôn gọi tăng chúng đệ tử của ngài là phước điền của chư thiên và nhân lọai.

Điều đó đối với hàng xuất gia. Cho dù mình có nổi tiếng, có khóac lên mình lá y đẹp, lá y đắc tiền, vải tốt lắm, lắm lắm đi nữa, nhưng không có được một giá trị nội hàm, một giá trị nội tại thì coi như mình cũng như một pho tượng sơn phết đẹp đẽ mà thôi. Cái giá trị đó để cho người khác hưởng, thiên hạ hưởng, thuộc về thiên hạ thôi, chứ bản thân pho tượng ấy không được hưởng gì hết.

No comments:

Post a Comment