Tuesday, February 23, 2021

Câu hỏi. Bảy thứ tài sản người trí cần có - TT Giác Nguyên giảng

 Câu hỏi: Bảy thứ tài sản người trí cần có là gì?

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Nguyên: Thí dụ, như mình có kiến thức nhiều ai đó phủ nhận bài bác, khen chê dèm xiểm thị phi kiến thức của mình thì mình chịu không được. Bởi vì sao? Bởi vì lúc đó mình đã xem kiến thức của mình là, con của mình, tài sản của mình. Chúng ta vẫn thường nghe các văn nghệ sĩ nói sách vở thi ca văn học những tác phẩm của họ là đứa con tinh thần của họ, nếu một người tích lũy thủ đắc tài sản, họ xem tài sản đó là con cái của họ là, gia tài của họ, là máu xương của họ, thì họ vẫn cũng bị khổ trong đó. 

Cho nên trong kinh "Xà Dụ" Đức Phật Ngài dạy rằng; ngay cả đối với một người thủ đắc được kiến thức Phật Pháp, tức là Phật ngôn, mà họ không khéo thì cũng giống như một người vụng dại, không có kinh nghiệm khôn ngoan trong chuyện bắt rắn, họ nắm con rắn không đúng chỗ thì sẽ bị con rắn cắn lại, thì đối với một người đam mê danh lợi, bị khổ vì danh lợi đã đành rồi, mà với một người bị vướng mắc trong sở kiến Phật học của mình,  tri kiến trí tuệ của mình cũng là cái khổ.

Đức Phật Ngài còn dạy rằng trong giòng sanh tử luân hồi, một người hiền trí phải biết đầu tư trong bảy thứ tài sản đó là tín, thí, giới, văn, tàm, qúi, trí là như thế nào?

 Tín tức là niềm tin vào chánh pháp, niềm tin vào nghiệp lý nhân quả.

 Giới là giới của samôn hay là giới của cư sĩ.

Văn tức là sự học rộng nghe nhiều về kiến thức đời, kiến thức đạo. 

Ngài nói rằng một người mà chỉ biết kiến thức đời hay biết kiến thức đạo thì bị xem như là người chột, một người phải biết cả hai con đường lợi ích cho mình đời này và đời sau cho mình cho người, lợi ích cho cả hai lãnh vực đời đạo thì người đó mới gọi là người sáng mắt, cả hai con mắt đều đầy đủ. Đó là văn.

Tàm qúi tức là sự sợ hãi trong tội lỗi, sự hổ thẹn trong tội lỗi, sự biết liêm sỉ trong tội lỗi. Sợ hãi tội lỗi là gì, sợ hãi tội lỗi là chúng ta sợ hãi tội lỗi qua bốn khía cạnh:

Thứ nhất là sợ bị cắn rứt lương tâm nên không làm

Thứ hai là sợ dư luận của thế gian, sợ bị người đời chê trách nên không làm

Thứ ba sợ pháp luật trừng trị không nên làm

Thứ tư tức là sợ bị sa đoạ ác thú không nên làm

Có nhiều người bản thân họ thì không sợ cắn rứt lương tâm nhưng ít ra họ cũng sợ dư luận, mà nếu cũng bất chấp dư luận thì ít ra mình cũng còn sợ pháp luật trừng trị, mà nếu không sợ pháp luật, có một số tội lỗi không ảnh hưởng đến pháp luật thì ít ra mình cũng sợ bị sa đoạ, bởi vì có nhiều cái tội pháp luật không bắt chẹt mình được, mình không bị người ta bỏ tù nhưng mà với tội đó mình hoàn toàn có thể đi vào cõi sa đọa ác thú, ví dụ như là mình đi nói xấu người khác, ở Mỹ này mình đi nói xấu còn bị người ta kiện ra toà, còn ở Việt Nam mình ngôi lê đôi mách đầu đường xó chợ rồi mình đi nói người này người kia không ai bỏ tù mình, nhưng mà mình kéo dài cái khẩu nghiệp đó thì vẫn bị đi vào địa ngục, hoặc mình thường xuyên suy tư về người khác bằng tâm hận thù thì không có pháp luật nào bỏ tù mình được nhưng chính tâm tư đó, chính nội tâm đó sẽ đưa mình vào địa ngục. Với một người có tàm có qúi thì nhiều khi có những tội đủ khiến cho mình bị cắn rứt lương tâm thì mình sợ đã đành, nhưng có những tội không có đủ để cho mình cắn rứt lương tâm thì ít ra mình cũng sợ bị tiếng đời dị nghị, hoặc mình cũng sợ bị sa đọa thì trường hợp đó được xem là có tàm, hễ ở đâu có tàm trường hợp đó có qúi, qúi tức là sợ còn tàm tức là hổ thẹn, mà ở đâu có qúi thì ở đó có tàm, mà ở đâu có tàm thì ở đó có qúi.

Thì bảy tài sản thánh nhân, bảy tài sản của bậc hiền trí tín, thí, giới, văn, tàm qúi, trí.

Trí tức là trí tuệ, trí tuệ ở đây chúng ta có nhiều cách kể: trí tuệ về pháp học, trí tuệ về pháp hành cũng là trí tuệ, hoặc là trí văn, trí tư, trí tu cũng là trí tuệ. Trí tuệ về thế gian tức là thế học cũng là trí tuệ. Trí tuệ về Phật Pháp cũng là trí tuệ. Thì dầu là trí tuệ nào nếu chưa phải là thánh trí thì trí tuệ đó cũng chỉ là tài sản một thứ hành trang, một thứ thức ăn mà chúng ta mang theo trong đường sanh tử mà thôi, chúng ta không nên xem đó là cứu cánh rồi ôm ấp chấp thủ trong đó.

Nếu mình cứ khư khư chấp thủ tất cả thí dụ như bảy pháp mà chúng tôi vừa kể: Tín, thí, giới, văn, tàm, qúi, trí, mình sở đắc mình thủ đắc được bảy pháp này và xem đó là toàn bộ là những tài sản của mình, rồi đam mê chấp thủ trong đó, mình tự tán phỉ tha thì trong trường hợp đó cũng bị xem là mình ôm ấp tài sản. Thí dụ như nghĩ mình có nhiều trí tuệ, nghĩ rằng mình đa văn, nghĩ rằng mình có đức tin trong sạch rồi mình không đi xa hơn nữa thì trong trường hợp đó cũng có thể gọi là mình ôm ấp tài sản rồi. Khi chúng ta tu tập được bảy pháp này và chúng ta có được kết quả nào đó tốt đẹp trong giòng sanh tử luân hồi, thí dụ như người có đức tin nhiều thì họ cũng đều sanh vào thiện thú. Người đa văn hiểu biết Phật Pháp nhiều thì với quả phước sanh ra họ là người thông minh. Có tàm có qúi nhiều thì sanh ra chúng ta cũng có được quả báu liên quan, thí dụ như tàm qúi trong giới luật, tàm qúi ở trong tam nghiệp thì chắc chắn chúng ta cũng được sanh về thiện thú, nếu sanh về trong cảnh giới nhân gian này thì cũng sanh vào con nhà quyền qúi. Thì nếu nói rộng ra thì bảy tài sản này nó vừa là nhân và khi mà nó tạo ra quả thì nó cũng làm cho mình được an lạc thoải mái, và một người mà bây giờ trong đời sống này được giàu sang có trí tuệ, có nhan sắc, thì mình phải hiểu rằng tất cả những điều mình có đó nó từ bảy thứ tài sản kia nhưng mình phải tiếp tục tu học nữa chứ không phải chỉ ở chừng đó./.


No comments:

Post a Comment