Monday, February 22, 2021

Câu hỏi: Gặp nghịch cảnh khó khăn trong cuộc đời có nhất thiết là đều do nhân duyên trước đây mà có không?. HT Chánh Minh

 Câu Hỏi: Thưa Sư, tất cả những nghịch cảnh khó khăn chúng ta gặp trong cuộc đời có nhất thiết là đều do nhân duyên trước đây mà có không?. Có cái gì là nghiệp chướng để thử thách sự tu tập của ta không?

Minh Hanh chuyen bien

HT Chánh Minh: Xin thưa tất cả những nghịch cảnh khó khăn chúng ta gặp trong cuộc đời đều do nhân duyên - Đúng. Nhưng do nhân duyên trước đây - Không. Chữ nhân duyên tức là từ sự kiện này, từ điều kiện này, từ nguyên nhân này nảy sanh kết quả này, nhân duyên không hẳn chỉ do trong quá khứ mà ngay trong hiện tại cũng có, tất cả mọi pháp sanh lên đều do nhân duyên - Đúng. Nhưng bảo rằng tất cả các pháp của nghịch cảnh mà gặp trong cuộc đời này do nhân duyên quá khứ - Sai. Nó có quá khứ, cũng có, mà nó ở trong hiện tại, cũng có, và chính điều này Đức Phật bác bỏ lý thuyết của ngoại đạo Nigantha ở đây chúng ta dùng từ nhân duyên thì nằm trong những nhân duyên cũng nằm trong trường hợp đó là nghiệp báo, vì nghiệp báo cũng nằm trong nhân duyên, là một lãnh vực nhỏ của nhân duyên. Đức Phật bác bỏ trong bài kinh Thiên Tý (Devadaha) - Trung Bộ Kinh 3. Chủ thuyết của Nigantha Nàtaputta nói rằng phàm lạc khổ có hiện nay cũng do nghiệp quá khứ, Đức Phật Ngài bác bỏ điều này. Nếu do nghiệp quá khứ thì trước đây một người không tu tập họ không khổ, tức là họ không hành thiền họ không khổ rồi bây giờ họ hành thiền họ mới khổ, như vậy lạc khổ này do nghiệp của quá khứ, thì nghiệp quá khứ người này làm gì mà bây giờ hành thiền chi cho khổ vậy. Điều này sai lầm.

Hoặc giả thí dụ khác là chẳng lẽ cái gì xảy ra trong hiện tại này là do nhân duyên quá khứ hết thì qúi vị đi bố thí làm phước hay trì giới cũng do nhân duyên quá khứ hay nghiệp của quá khứ bắt qúi vị phải đi bố thí. Hay qúi vị sát sanh, trộm cắp, tà dâm chẳng hạn cũng do nhân duyên quá khứ sao? Những điều này cho chúng ta thấy chính là nhân duyên trong hiện tại, điều kiện trong hiện tại. Không phải cái gì cũng do quá khứ.

Thì những chướng ngại chúng ta có trong đời sống; có trong quá khứ, trong hiện tại cũng có. Không phải nhất thiết đều do quá khứ cả. Nếu không khéo hiểu thì cái gì cũng đổi thừa cho số mệnh, thiên mệnh hoặc nghiệp báo. Biến thuyết nghiệp báo của nhà Phật trở thành thuyết thiên mệnh hay định mệnh nào khác, điều này không đúng.

Đức Phật thuyết nguyên nhân sanh ái giữa người nam và người nữ có hai nguyên nhân: nguyên nhân thứ nhất trong quá khứ cũng đã từng là thân bằng quyến thuộc với nhau, đó là nhân duyên trong quá khứ. Nguyên nhân trong hiện tại là do thân cận lâu dài với nhau. Chúng ta thấy rằng anh công nhân thì tự nhiên kết với cô nữ công nhân, anh giáo viên thì kết với cô giáo viên, hoặc người bác sĩ thì kết với y tá. Đó là do nhân thân cận chứ không phải là do nhân duyên trong quá khứ.

Cho nên khi có nghiệp cảnh nào khó khăn thì chúng ta phải suy quán, do nhân gì do duyên gì trong hiện tại này khởi lên, bây giờ cho dù trong qúa khứ có tạo nghiệp đi chăng nữa mà trong hiện tại không có điều kiện thì nghiệp kia cũng không trổ. Nói về bịnh, không phải bịnh gì cũng do nghiệp quá khứ. Đức Phật Ngài bị nhức đầu cũng do trong tiền nghiệp quá khứ, nhưng duyên trong hiện tại là do Ngài đứng ngoài nắng cản vua Vidùdabha tiêu diệt giòng Thích Ca, do duyên thời tiết chứ không phải do duyên nào khác, vua Vidùdabha sát hại giòng Thích Ca đã đành rồi, nhưng sự chết của đoàn quân Lưu Ly Vương là do nước sông dâng lên, đó là duyên. Nhân là ác nghiệp, mà duyên là nước sông đó là trong hiện tại chứ không phải trong quá khứ nữa. Chẳng hạn vua Vidùdabha ( Lưu Ly Vương) giết giòng Thích Ca là giết trong hiện tại và trả nghiệp trong hiện tại, chướng ngại đó có trong hiện tại chứ không phải trong quá khứ mà có.

Do đó chúng ta thấy rằng khi gặp những nghịch cảnh khó khăn chúng ta suy quán là nhân duyên trong hiện tại trước đã, còn quá khứ thì không ai biết được. Nếu nói rằng là do quá khứ hết thì điều đó là sai lầm, sai lầm ở đâu thì dễ dàng dẫn đến tà kiến. Cái gì gọi là nghiệp chướng? nghiệp chướng do ai tạo? Không ai tạo nghiệp chướng mà chính do mình tạo nghiệp chướng, do đắm nhiễm, do tham sân si, nghiệp chướng của chúng ta là tham sân si. Nói rằng vì nghiệp chướng nên tu không được vì vậy phải hoàn tục. Xin thưa rằng vì bị cám dỗ bởi phiền não rồi không chống đỡ nổi nên phải hoàn tục, phiền não này không phải do quá khứ mà phiền não này là do hiện tại.

Xin trả lời gọn lại là những nghịch cảnh khó khăn mình gặp trong cuộc sống đều do nhân duyên - Đúng, mà nhân duyên cũng có trong quá khứ, trong hiện tại cũng có, không phải nhất thiết đều là của quá khứ. Và những nghiệp chướng chính là tâm lực của chúng ta yếu trong sự tu tập chứ không có nghiệp chướng gì trong quá khứ mà ngay trong hiện tại vậy. Xin trả lời là như vậy./.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.


No comments:

Post a Comment