Quán Niệm cái Chết: Thiền Minh Sát
Trích đoạn trong bài Các chủ đề thiền định căn bản của Ngài Ajaan Lee Dhammadharo
Tức là, giữ cái chết trong tâm. Đây là nơi tâm tiến tới sự phát triễn tuệ giác giải thoát, lấy cái chết làm chủ đề của nó. "Chết" ở đây đề cập đến cái chết xảy ra trong hiện tại — những cảm giác thể chất sinh và diệt, những hành động tinh thần sinh và diệt, tất cả đều trong một khoảnh khắc của nhận thức. Chỉ khi bạn nhận thức được ở mức độ này thì bạn mới có thể được xếp loại là quán niệm về cái chết.
Bây giờ chúng ta đã đề cập đến chủ đề về cái chết, chúng ta phải quán chiếu về sinh ra, xem có bao nhiêu cách cảm giác được sinh ra và bao nhiêu cách hoạt động tinh thần được sinh ra. Đây là điều mà một người với tâm tĩnh lặng có thể biết.
A. Cảm giác có đến năm mức độ tinh tế:
1. Hina-rupa: cảm giác thô thiển, cảm giác khó chịu, nhức mỏi và đau đớn. Khi những cảm giác này phát sinh, tập trung vào những gì gây ra chúng cho đến khi chúng biến mất.
2. Panita-rupa: cảm giác tinh tế làm cho thân cảm thấy dễ chịu, nhẹ nhàng, và tinh tế. Tập trung vào những gì gây ra chúng cho đến khi chúng biến mất...
3. Sukhumala-rupa: cảm giác tinh tế, dịu dàng, năng suất, và lanh lẹ. Khi chúng phát sinh, tập trung vào những gì gây ra chúng cho đến khi chúng biến mất.
4. Olarika-rupa: cảm giác thể chất mang lại cảm giác tráng lệ, hăng hái, tươi sáng, và vui sướng: "Mukhavanno vipassidati." Khi chúng phát sinh, tập trung tìm hiểu nguyên nhân gây ra chúng cho đến khi chúng biến mất...
Cả bốn cảm giác này sinh ra và biến mất bởi bản tánh của chúng; và có thể tìm thấy nơi chúng xuất hiện lúc ban đầu.
5. "Mano-bhava": những trạng huống tưởng tượng xuất hiện qua năng lực của tâm. Khi chúng phát sinh, tập trung theo dõi chúng cho đến khi chúng biến mất. Một khi bạn có thể biết theo cách này, bạn bước vào lĩnh vực của quán niệm thật sự về cái chết.
Giải thích về loại cảm giác này: Khi tâm yên tĩnh và tập trung đều đặn, nó có sức mạnh tạo ra hình ảnh trong trí tưởng tượng (cảm giác bên trong, hay cảm giác trong cảm giác). Bất cứ hình ảnh nào nó nghĩ đến sẽ xuất hiện theo ý nó; và một khi chúng xuất hiện, tâm có khuynh hướng bước vào chúng và ở đó. (Nó có thể đi rất xa). Nếu tâm bám vào những cảm giác này, nó được cho là có sinh — chỉ vì nó không có cảm giác về cái chết.
Những cảm giác này có thể xuất hiện theo một trong năm cách:
a. phát sinh từ tư thế của thân thể, biến mất khi tư thế thay đổi;
b. phát sinh từ những suy nghĩ nhiễm tham, sân, hay si — phát sinh, thể hiện lập trường, rồi tan rã;
c. phát sinh với hơi thở vào và tan rã với hơi thở ra;
d. phát sinh từ việc làm sạch máu trong phổi — xuất hiện và biến mất trong một khoảnh khắc;
e. phát sinh từ việc tim bơm máu vào các bộ phận khác nhau của thân thể, áp suất của máu gây ra các cảm giác phát sinh tương ứng với hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, và cảm giác xúc giác. Những cảm giác kiểu này phát sinh và tan rã trong từng khoảnh khắc.
Một loại cảm giác khác được gọi là "gocara-rupa" — những cảm giác luân lưu trong thân thể. Có năm loại — ánh sáng, âm thanh, mùi, vị và cảm giác xúc giác — mỗi loại có năm mức độ. Ví dụ, ánh sáng thông thường truyền chậm; trong chớp mắt nó chạy được vài dặm rồi biến mất. Mức độ thứ nhì, ánh sáng tinh tế, đi xa hơn; và mức độ thứ ba còn xa hơn nữa. Mức độ thứ tư và năm có thể du hành toàn bộ vũ trụ. Điều này cũng đúng đối với âm thanh, mùi, vị, và cảm giác xúc giác. Mối quan hệ giữa tất cả những tiềm năng trong vũ trụ tương tác ở mọi khoảnh khắc, chỉ khác biệt ở chỗ liệu chúng nhanh hay chậm. Đây là sự không đồng đều được gọi là "anicca-lakkhana" — tính hay thay đổi cố hữu. Ai thiếu hiểu biết hẳn sẽ nghĩ rằng tất cả những điều này là không thể, nhưng thật ra đây là cách mọi thứ vốn đã là do bản chất của chúng. Chúng ta sẽ biết điều này qua vijja — kỹ năng nhận thức — không phải qua các nhãn hiệu và khái niệm thông thường. Đây gọi là biết đúng, mà các thiền giả phát triễn con mắt nội tâm sẽ tự mình nhận ra: biết sự phát sinh của những cảm giác này, sự kiên trì của chúng và sự tan rã của chúng, về những phẩm chất chủ yếu của chúng và tính thường xuyên căn bản của chúng.
Biết thật tánh của vạn vật.
Giải thoát, thanh tịnh, bình tĩnh, tan rã;
Nibbanam paramam sukham:
Niết bàn là sự bình an tối thượng.
B. Đối với các hành động tinh thần phát sinh và tan rã, thời gian của chúng nhanh hơn gấp ngàn lần so với thời gian của cảm giác. Để có thể theo dõi sự phát sinh và tan rã của chúng, nhận thức của chúng ta phải tĩnh lặng. Có bốn loại hành động tinh thần:
— Vedana: kinh nghiệm của tâm về cảm giác vui sướng, đau đớn, và thờ ơ.
— Sañña: nhận biết và đặt tên các đối tượng của tâm.
— Sankhara: tâm ngụy tạo hay cấu thành tốt và xấu.
— Viññana: ý thức rõ ràng hay hiểu biết các đối tượng.
Một loại của những hành động tinh thần này ở tại chỗ, phát sinh và tan rã liên quan đến hiện tại trước mắt. Một loại khác được gọi là "gocara vedana" "gocara sañña,", v.v., đi ra ngoài để tham khảo thế giới. Mỗi loại có năm mức độ, khác nhau về việc liệu chúng thông thường, khôn khéo, hay tinh tế, chậm hay nhanh. Năm mức độ này liên kết với nhau, chạy ra theo từng giai đoạn, và sau đó quay trở lại điểm xuất phát của chúng, tan rã và rồi phát sinh lại — tất cả đều không có kết thúc.
Khi chúng ta không có kỹ năng để phân biệt các cảm giác chủ yếu và hành động tinh thần ở tại chỗ, chúng ta không thể nhìn vào các cảm giác "gocara" và các hành động tinh thần đang diễn ra xung quanh. Đây gọi là "avijja - vô minh," sự thiếu hiểu biết mở đường cho việc kết nối ý thức (patisandhi viññana), dẫn đến hành vi cấu thành (sankhara - hành uẩn), vốn là cốt lõi của kamma - nghiệp. Điều này mang lại kết quả như là cảm giác và cảm xúc theo sau bởi ham muốn, và sau đó là hành động đặt tên, dẫn đến một mức độ khác của ý thức — các đối tượng giác quan — và rồi chu kỳ tiếp tục luân hồi. Đây gọi là "khanda-vatta," chu kỳ của các uẩn, luân hồi và thay đổi không đồng đều và không tương xứng. Việc nhìn thấy điều này được gọi là aniccanupassana-ñana, kiến thức theo dõi tính hay thay đổi (vô thường) khi nó xảy ra. Điều này được biết qua con mắt nội tâm, tức là, kỹ năng phân biệt chính xác.
Vì vậy, những ai thực hành tu tập thiền minh sát nên sử dụng sự nhạy cảm và thận trọng của họ trọn vẹn nếu họ hy vọng được giải thoát khỏi sự thiếu hiểu biết. Hành vi cấu thành, trong bối cảnh này, giống như những làn sóng trên biển. Nếu chúng ta ở trong một chiếc thuyền trên biển khi sóng lớn, tầm nhìn của chúng ta bị hạn chế. Các giác quan thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác, và thức giác của chúng ta đều bị hạn chế. Chúng ta sẽ không thể nhận thức được ở khoảng cách xa. Điều này có nghĩa là khi tâm chúng ta bị đắm chìm trong các Chướng ngại, chúng ta sẽ không thể nhận thức được cái chết. Nhưng một khi chúng ta có thể khống chế Chướng ngại, nó giống như đi thuyền trên biển khi không có sóng. Chúng ta sẽ có thể nhìn thấy cảnh vật ở rất xa. Mắt chúng ta sẽ nhìn rõ, tai chúng ta sẽ nghe rõ, khứu giác, vị giác, xúc giác và thức giác của chúng ta sẽ rộng mở. Nước sẽ trong, và ánh sáng rực rỡ. Chúng ta sẽ có thể biết tất cả xung quanh chúng ta.
Tương tự như vậy, những ai muốn biết rõ cái chết thì phải bắt đầu bằng cách thực hành thiền định như một nền tảng cho việc phát triễn tuệ giác giải thoát. Năm loại cảm giác đề cập ở trên phát sinh như thế nào? Nguyên nhân của chúng là gì? Chúng biến mất như thế nào? Những cảm giác thể chất và tinh thần phát sinh như thế nào? Chúng biến mất như thế nào? Nguyên nhân của chúng là gì? Nhãn hiệu và khái niệm phát sinh như thế nào? Nguyên nhân của chúng là gì? Chúng biến mất như thế nào? Những sự cấu thành tinh thần phát sinh như thế nào? Nguyên nhân của chúng là gì? Chúng biến mất như thế nào? Ý thức phát sinh qua cách của thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác, và thức giác như thế nào? Nguyên nhân của nó là gì? Nó biến mất như thế nào?
Nói chung có bốn mức độ cho mỗi một trong năm uẩn (khandhas): bên ngoài và bên trong, ở tại chỗ và truyền ra ngoài. Những điều này có thể biết được vào mọi lúc, nhưng chỉ những người có tuệ phân biệt đến từ việc rèn luyện tâm trong sự tĩnh lặng và thiền minh sát mới có thể biết cái chết ở mức độ này.
Tuệ phân biệt phát sinh theo cách này được gọi là pubbenivasanussati-ñana, tức là, hiểu biết các cảm giác trong quá khứ, cảm giác trong tương lai và cảm giác trong hiện tại. Những cảm giác này khác nhau về cách chúng phát sinh và biến mất. Để biết điều này là đã tinh thông kỹ năng nhận thức.
Cutupapata-ñana: Với tuệ phân biệt kiểu này, chúng ta có thể theo dõi các trạng thái của tâm chúng ta khi chúng phát sinh và biến mất, đôi khi tốt khi chúng phát sinh và tốt khi chúng biến mất, đôi khi xấu khi chúng phát sinh và xấu khi chúng biến mất, đôi khi tốt khi chúng phát sinh và xấu khi chúng biến mất, đôi khi xấu khi chúng phát sinh và tốt khi chúng biến mất. Để có thể theo dõi bằng cách này là để biết các trạng thái của sự hiện hữu và sinh ra.
Asavakkhaya-ñana: Khi tuệ phân biệt kiểu này phát sinh, nó dẫn đến tỉnh ngộ với cách cảm giác và hành động tinh thần phát sinh và biến mất rồi lại phát sinh, chỉ đơn giản quay vòng: cảm giác thô hơn trải qua chu kỳ chậm, cảm giác tinh tế hơn thì đi nhanh; hành động tinh thần thô thì đi chậm, hành động tinh thần tinh tế hơn thì đi nhanh. Khi bạn có thể theo dõi điều này, bạn biết một dạng căng thẳng. Bây giờ tập trung sự chú ý trở lại tâm của bạn để xem liệu nó có trung tính vào thời điểm đó hay không. Nếu tâm chấp nhận kiến thức của nó hay những thứ nó biết, đó là kamasukhallikanuyoga — mê đắm trong niềm vui. Nếu tâm không chấp nhận kiến thức của nó hay những thứ nó biết, đó là attakilamathanuyoga, mê đắm trong việc tự hành hạ. Một khi bạn nhìn thấy điều này, làm tâm trung tính với bất cứ thứ gì nó có thể biết: Khoảnh khắc nhận thức đó là trạng thái tâm linh hình thành Đạo. Khi Đạo phát sinh, những nguyên nhân của căng thẳng tan rã. Cố gắng hết sức để duy trì trạng thái tâm linh đó. Dõi theo chuỗi nhận thức đó nhiều nhất có thể. Tâm khi ở trạng thái đó được cho là đang phát triễn Đạo — và bất cứ lúc nào Đạo đứng vững, sự tan rã và từ bỏ xảy ra.
Khi bạn có thể làm điều này, bạn đạt đến mức mà bạn biết rõ cái chết. Người biết cái chết theo cách này thì có thể giảm thiểu số lần chết của họ. Một số bậc Thánh hiền có bảy lần chết nữa trong tương lai, một số chỉ có một lần, các vị khác vượt qua cái chết hoàn toàn. Các bậc Thánh hiền này là người thông hiểu sinh và tử, và vì lý do này họ chỉ còn lại một vài lần chết. Hiếm thấy người bình thường hiểu rõ sinh và tử của chính họ ở mức độ này. Nói chung, sinh và tử bình thường thì không đặc biệt cần thiết; nhưng người không hiểu Pháp phải chấp nhận sinh và tử như một lẽ thường tình.
Vì vậy, bất cứ ai muốn hiểu cái chết ở mức độ này sẽ phải phát triễn kỹ năng nhận thức đến từ việc rèn luyện tâm. Kỹ năng, ở đây, là biết mối bận tâm nào là ở quá khứ, mối nào là ở tương lai, mối nào là ở hiện tại. Đây là kỹ năng nhận thức (vijja). Buông bỏ quá khứ, buông bỏ tương lai, buông bỏ hiện tại, không bám vào bất cứ điều gì cả: Đây là sự thanh tịnh và giải thoát.
Còn đối với sự thiếu hiểu biết thì hoàn toàn ngược lại, tức là, không biết cái gì là quá khứ, không biết cái gì là tương lai, không biết cái gì là hiện tại — nghĩa là, sự sinh và diệt của cảm giác và hành động tinh thần, hay thân và tâm — hay nhiều nhất là chỉ biết ở mức độ đặt nhãn hiệu và khái niệm nhớ được từ những gì người khác đã nói, không biết ở mức độ nhận thức mà chúng ta đã phát triễn cho riêng mình. Tất cả điều này được xếp loại là avijja - vô minh, hay thiếu hiểu biết.
Cho dù chúng ta có thể sử dụng những từ khôn ngoan và sáng suốt đến mức nào, nó vẫn không giúp chúng ta được giải thoát. Ví dụ, chúng ta có thể biết rằng vạn vật vô thường, nhưng chúng ta vẫn yêu thích những thứ vô thường. Chúng ta có thể biết những thứ gây căng thẳng, nhưng chúng ta vẫn yêu thích chúng. Chúng ta có thể biết rằng vạn vật vô ngã, nhưng chúng ta vẫn yêu thích những thứ vô ngã. Kiến thức của chúng ta về vô thường, căng thẳng, và vô ngã là không thật. Vậy thì những thứ này thật sự được biết như thế nào? Như thế này:
Biết cả hai phía,
Buông cả hai cách
Bỏ rơi mọi thứ.
"Biết cả hai phía" nghĩa là biết những gì thường hằng và những gì vô thường, những gì căng thẳng và những gì dễ chịu, những gì vô ngã và những gì có tự ngã. "Buông cả hai cách" nghĩa là không bám vào những thứ thường hằng hay vô thường, không bám vào căng thẳng hay dễ chịu, không bám vào tự ngã hay vô ngã. "Bỏ rơi mọi thứ" nghĩa là không bám vào quá khứ, hiện tại, hay tương lai: Nhận thức không hướng về phía trước hay phía sau, thế nhưng bạn không thể nói rằng nó thể hiện lập trường.
Yavadeva ñanamattaya patissatimattaya
anissito ca viharati
na ca kiñci loke upadiyati.
"Chỉ cần chánh niệm và nhận thức, tâm vẫn độc lập, không bám vào bất cứ thứ gì trên đời."
No comments:
Post a Comment