Saturday, April 3, 2021

Câu hỏi a. Tâm tục sinh bhavanga bắt cảnh gì, nếu mà nói cảnh chiêm bao thì nó sẽ bắt cảnh gì? - HT Chánh Minh giảng

 Câu hỏi a. Tâm tục sinh bhavanga bắt cảnh gì, nếu mà nói cảnh chiêm bao thì nó sẽ bắt cảnh gì?

Câu hỏi trong bài Thắng Pháp 3, Minh Hạnh chuyển biên

HT Chánh Minh: Tâm bhavanga là tâm tục sinh, sau thời điểm tục sinh thì giữ gìn đời sống của tâm thức đó, nó trôi chảy như từng giọt nước qua kẻ hở, đều đều không gián đoạn, cho nên giai đoạn đầu tâm bhavanga này Đức Tịnh Sự Ngài dịch là tâm hộ kiếp là giữ gìn kiếp sống của tâm thức, nhưng sau này thì lấy theo đúng ngữ văn của Pali là hữu phần, thì tâm hữu phần này cũng chính là tâm tục sinh nhưng khác thời điểm thôi. Lúc mới đầu thì gọi là tục sinh hay là nối liền Paṭisandhi, nhưng qua thời điểm thứ hai tức là qua tâm thứ hai thì gọi là tâm hữu phần bhavanga, vậy thì nó bắt cảnh nào?

Xin thưa, nó bắt một trong 3 cảnh mà người đó trước khi lâm chung, trước khi tâm tử xuất hiện, một trong 3 cảnh đó, người sắp chết thường thường nhận được 1 trong 3 cảnh.

1 - Một là cảnh nghiệp gọi là kamma tidiva. tức là việc mình thường làm hàng ngày. Các Ngài giải thích, như các người Phật tử với tâm thiện sinh khởi lên thấy mình đương ngồi nghe pháp hoặc là đang lễ Phật hoặc đang đặt bát cúng dường Chư Tăng. Còn nếu như người ác xấu như đồ tể thì thấy mình đang giết heo giết gà, mình đang bắt cá v.v... Thì cảnh đó là cảnh nghiệp tướng tức là cái nghiệp mình thường làm hàng ngày nó sẽ sẽ quay ngược trở lại để  làm cái hình ảnh đó cho mình thấy trong tâm.

2 - Hai là cảnh nghiệp tướng  (Kamma nimitta): là những gì liên quan tới hành động tới việc làm của mình, ví dụ giống như người Phật tử tâm thiện sanh khởi lên thì thấy hương hoa nhang đèn rồi kim thân Phật rồi hào quang v.v... , dĩ nhiên người đó chưa qùi xuống đảnh lễ, hay hoặc thấy Chư Tăng. dĩ nhiên người đó chưa đặt bát cúng dường Chư Tăng, bởi vì đặt bát cúng dường Chư Tăng là cảnh của nghiệp, còn cảnh nghiệp tướng là những gì liên quan đến nghiệp đó, như người Phật tử thì thấy bông hoa nhang đèn, kim thân Phật hào quang Phật, cảnh chùa, cảnh Chư Tăng v.v... Còn người ác xấu thì thấy, ví dụ như người đồ tể thì thấy nào là chậu huyết, con dao, con heo hay con gà chuẩn bị giết, đó là cảnh nghiệp tướng xấu.

3 - Thứ Ba là cảnh thú tướng (Gati-nimitta) hay là cảnh giới chuẩn bị tái sanh vào, gati là đi đến, nimitta là tướng, Gati-nimitta là tướng để đi đến cảnh giới tái sanh. Với người tích lũy thiện pháp nhiều, khi đó tâm thiện sanh khởi lên như vậy sẽ tạo lên cảnh cho người này thấy đền đài cung điện là tái sanh về cõi Chư Thiên, hoặc thấy đức vua hoặc thấy hoàng hậu lộng lẫy nguy nga là tái sanh vào dòng dõi cao sang, hoặc thấy một người mẹ người nữ nào đó thì vừa tắt thở là tái sanh vào thai bào. Còn nếu ác nghiệp tích trữ nhiều thì thấy cảnh âm u mù mịt đó là cảnh giới của súc sanh, cảnh giới đâm chém nhau đánh nhau v. v... đó là cảnh giới của A-tu-la, hoặc thấy cảnh lửa cháy phừng phừng đó là cảnh giới của địa ngục. 

Thì trước khi lâm chung trước khi chết, chúng sanh sẽ thấy một trong 3 cảnh đó và sau khi chết tức là tâm tử xuất hiện, lập tức tâm tiếp theo sanh khởi lên, tâm đó được gọi là tâm tái tục, hay tâm tục sinh, hay là thức nối liền được gọi là thức tái tục  (patisandhi viññāṇa) thì tâm đó bắt một trong ba cảnh đó, cảnh nào mình đang thấy thì bắt lấy và sau đó tâm này trở thành tâm hữu phần.

Câu hỏi bĐó là do tưởng hay là do thú tướng của tương lai?

HT Chánh Minh: Tâm đó do tưởng quay ngược lại. Qúi vị biết tâm bắt hình ảnh chúng tôi vừa nói chính là do tưởng trạng lại làm cho hình ảnh đó trở lại và, thú tướng là cái tưởng rọi tới hướng tâm tới đó.

Tưởng có năng lực cực mạnh, nó chỉ thua kém trí ở một điểm là nó không sát trừ được phiền não, tưởng rất là mạnh, bằng chứng chúng ta thấy túc mạng minh nhớ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ chính là tưởng. 

Tưởng có thể vượt cả không gian và thời gian, tưởng tới vị lai luôn, như Chư Phật Ngài tiên tri hoặc là Ngài thọ ký: "thiện gia nam tử này sau trăm ngàn kiếp trái đất sẽ trở thành gì gì đó...", rọi tới tương lai luôn, đó là do tưởng đi chung với trí. Những vị có thiên nhãn tưởng tới cõi trời luôn mới rọi trí tới đó.

 Cho nên một trong ba cảnh, nói cách khác là ba tưởng quay ngược lại, nhất là thú tướng, tưởng rọi tới tương lai để cho người đó ham thích dính mắc trong đó. Phải định tỉnh tâm thì những cảnh kia không có, còn nếu không thì không tĩnh tâm được, mà cảnh đó thường xuyên mình có.

Muốn có cảnh tốt đẹp thì thường xuyên tạo cảnh, thường xuyên trong lúc lâm chung có cảnh tốt đẹp thì đó là cảnh thiền. Ráng tu tập, mỗi ngày mỗi đêm bỏ ra 45 hay 50 phút tu tập thiền để cho có  thói quen có cảnh tốt xuất hiện trong lúc lâm chung./.


No comments:

Post a Comment