Những gì chúng ta mang theo khi cuối đời?
Minh Hạnh ghi chép
TT Giác Nguyên: Giá trị tu học nằm trong phần nội hàm chứ không phải ở hình thức, tu tâm không phải là tu tướng.
Vì cái ta mang đi theo sau khi tắt thở không phải là những hình thức mà chính là, những giá trị nội tại, nội hàm, nội dung. Những giá trị tinh thần chúng ta có được dù ít, dù nhiều, dù sâu, dù cạn, dù rộng, dù hẹp, chúng ta đã hàm dưỡng, đã huân tập trong thuở bình sinh của mình. Bây giờ mình còn khỏe, còn trẻ, còn giàu có, còn xinh đẹp, còn có địa vị thì mình chưa thấy ra điều đó. Nhưng một ngày nào đó, một ngày gần hay xa, chứ mình chưa biết rõ là khi nào đâu. Bây giờ nói theo Việt Nam là tai biến mạch máu não, còn nói theo Mỹ là stroke thì mau lắm. Nháy mắt cái là mình xụi một bên, không đi đứng được phải ngồi xe lăn. Một khi mình ngồi xe lăn thì chức vụ đang giữ đâu có tiếp tục giữ nữa. Rồi những tình cảm nam nữ, khả năng thu nhập của mình v.v , những thứ đó có thể đi theo chiếc xe lăn của mình luôn, chứ đừng nghĩ rằngchỉ ngồi xe lăn còn mỗi thứ vẫn giữ nguyên. Không hẳn đâu.
Được biết bên Mỹ này có nhiều lắm, có chừng năm bảy người sau khi ngồi xe lăn rồi mất nhiều thứ. Chúng tôi còn biết bên Mỹ này, chúng tôi không nói rõ tiểu bang, bởi vì nói ra có thể người trong cuộc họ biết, họ buồn, không nên. Đại khái là có những người là bác sĩ là luật sư khi họ bị hôn mê (coma) rồi thì họ bị mất hết, mất sạch. Mất từ cả tình cảm, vợ chồng rồi tiền bạc. Lúc đó họ trở thành gánh nặng cho chính phủ. Người nhà bỏ mặc họ cho chính phủ. Chứ người nhà khi thấy mình coma rồi thì cũng khóc cũng thương nhưng nhiều lắm thì vài tháng rồi họ cũng buông.
Chư tăng thì có những vị được xem là nổi tiếng nhứt ở Thái Lan, như là ngài Buddhadasa, hay là Ngài Ajahn Chah những vị này có lượng sách vở được dịch ra các ngôn ngữ tây phương như là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha nhiều nhứt, và được giới nghiên cứu phương Tây họ viết lách, báo chí đăng tải nhiều nhứt trong đó là ngài Ajahn Chah. Ngài Buddhadasa, khi ngài mất lúc 83 tuổi. Trong ngày sinh nhật của ngài, ngài chuẩn bị lên thuyết pháp, thì đột nhiên ngài bị sốc, ngài bị tim, ngài bị heartattack rồi gục xuống và mất. Còn ngài Ajahn Chah thì bị tiểu đường. Sau một thời gian dằn co thì cuối cùng ngài bị coma. Các đệ tử tây phương của ngài, người Anh, người Mỹ, người Đức vì thương kính ngài quá nên họ không để cho ngài ra đi. Họ dùng đến phương tiện y học hiện đại can thiệp bằng cách làm cho ngài sống trong tình trạng coma, tình trạng người thực vật. Chích thuốc, chích thuốc, chích thuốc. Nuôi bằng ống hơi oxygen. Lây lất, lây lất 10 năm như vậy thì cuối cùng ngài cũng ra đi mà thôi. Cũng may ngài là một vị thiền sư trong sáng. Cũng may, cả đời của ngài đến lúc ngài ra đi thì ngài được xem là một vị danh tăng đến cả quốc vương của Thái Lan, Adulyadej, cũng rất quí trọng ngài. Thậm chí đám tang ngài được xem là quốc táng. Mỗi năm đến ngày giỗ của ngài được xem là ngày giỗ chung cho nhiều tự viện. Nói chung cho cả Phật giáo Thái Lan. Ngày giỗ ngài năm nào cũng làm. Nhưng mà sao. Mình cũng hơi chạnh lòng nếu như trước đây ngài không phải là một thiền sư mà chỉ là một quí Ngài chạy đôn, chạy đáo lo danh lo lợi thì có lẽ bây giờ ngài không có gì để mang theo đâu. Cũng may ngài là vị thiền sư ngài có cái để ngài mang theo. Còn mình đâu có được như ngài.
Còn trường hợp như ngài Buddhadasa, được người ta biết đến nhiều như vậy nhưng đến giờ cuối ngài ra đi rất đột ngột. Bao nhiêu giấc mộng đời thì cũng để lại hết ngần đó, và chúng ta cũng không biết chúng ta sống được bao lâu cho nên phải lo tu tập để chuẩn bị hành lương mang theo cuối đời.
Trước hết chúng ta phải biết rằng giá trị tu học nằm trong phần nội hàm chứ không phải ở hình thức, tu tâm không phải là tu tướng. Dù cho rằng chúng ta có tiếng tăm là một Phật tử, nổi tiếng là ngoan đạo đứng đầu trong các sổ vàng, sổ công đức cũng không nghĩa lý gì. Điều quan trọng là trong lúc mình làm phước mình làm với nội tâm như thế nào. Cái đó mới quan trọng. Lúc mình thọ giới, lúc mình nghe pháp, lúc mình ký tên trong sổ vàng công đức mình ký bằng cái tâm gì, cái đó mới quan trọng chứ còn số tiền bỏ ra không quan trọng mặc dù nó có giá trị hành chánh, xã hội.
Nếu nói rằng số tiền bỏ ra không quan trọng cũng không đúng. Giá trị nó cũng quan trọng nhưng quan trọng đối với người khác, chứ đối với mình thì nó không quan trọng lắm đâu. Ví dụ quí vị cúng có năm, ba đồng thôi nhưng bằng tất cả tấm lòng trong sạch thì các vị sẽ được vô lượng công đức. Còn quí vị cúng năm, ba trăm ngàn nhưng mà với nội tâm là mong mỏi thiên hạ biết đến mình thì công đức không có nhiều. Dĩ nhiên năm, ba trăm ngàn đó đối với người nhận, với ngôi chùa, cá nhân nào mà nhận thì năm, ba trăm ngàn đó sẽ lớn hơn là nam, ba đồng kia. Cho nên khi mình bỏ ra năm, ba trăm ngàn bằng một nội tâm cầu danh cầu lợi thì năm ba trăm ngàn đó chỉ có giá trị với người khác chứ nó không giá trị gì với mình. Còn khi mình bỏ ra năm, ba đồng bằng nội tâm trong sạch,bất vụ lợi thì lúc bấy giờ mình được hưởng trọn vẹn năm ba đồng đó. Điều đó đối với hàng xuất gia cũng vậy. Cho dù mình có nổi tiếng, có khóat lên mình lá y đẹp, lá y đắc tiền, vải tốt lắm, lắm lắm đi nữa, nhưng không có được một giá trị nội hàm, một giá trị nội tại thì coi như mình cũng như là một pho tượng sơn phết đẹp đẽ mà thôi. Cái giá trị đó để cho người khác hưởng, thiên hạ hưởng, thuộc về thiên hạ thôi, chứ bản thân pho tượng ấy không được hưởng gì hết.
Chúng tôi xin dứt lời ở đây cho câu hỏi này.
No comments:
Post a Comment