Mười ba loai khổ và tứ năng nhiếp phục hiểu theo Thắng Pháp Abhidhamma
Được nghe và ghi lại từ băng giảng "Nhân Sanh Trí Tuệ" do TT Sán Nhiên giảng.
Minh Hạnh ghi chép.
TT Sán Nhiên: Trong kinh Chuyển Pháp Luân , Đức Phật nói:
- Dukkha, Dukkha.
Một vị Tỳ kheo hỏi Đức Phật nói "dukkha" có một mà tại sao tại đây Đức Phật nói hai lần "dukkha dukkha".
Thì Đức Phật nói: "Như Lai nhắc lại là vì khổ nó nhiều lắm nên ta mới nói hai lần"
Khi nào qúi Phật tử nghe Sư nhắc đi nhắc lại ba lần là qúi Phật tử thấy chuyện đó chưa xong.
Sanh, lão, bệnh, tử, thương xa, ghét phải gần, mong cầu không được, chấp vào ngũ uẩn. Tám cái khổ này ta thường nghe.
Hôm nay Sư nói thêm một ít về cái khổ.
Bài pháp nguyên thủy đầu tiên của Đức Phật, kinh Chuyển Pháp Luân. Sau khi Đức Phật Ngài đắc đạo quả dưới cội cây Bồ Đề tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ngài bắt đầu di chuyển qua vườn Lộc Giả xứ Isipatana để độ năm vị Kiều Trần Như. Năm vị Kiều Trần Như là năm vị thầy đầu tiên được nghe giáo lý Đức Phật. Ngay lúc đó Ngài thuyết bài pháp đầu tiên Dhammcakkappavattana sutta là Kinh Chuyển Pháp Luân, đọc hết bài kinh Chuyển Pháp Luân qúi Phật tử sẽ thấy Đức Phật nói 13 loại khổ:
1. Sanh
2. Lão
3. Bệnh
4. Tử
5. Thương phải xa
6. Ghét mà phải gần,
7. Mong cầu không được,
8. Chấp vào ngũ uẩn
9. Sầu
10. Bi
11. Khổ
12. Ưu
13. Ai
Đức Phật Ngài phân biệt:
Sanh, lão, bệnh, tử, bốn loại khổ này là loại khổ phổ biến, ai cũng biết; sanh là khổ, lão là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, thì mình không cần than thở vì nỗi khổ này phổ biến rồi, mình không nói người ta cũng biết, và mình cũng không cần nghe người ta than thở về bốn loại khổ này của người ta, mình phải giữ tâm tĩnh lặng, không nghe chuyện của người khác.
Sầu, bi, khổ, ưu, ai, Đức Phật gọi là khổ tâm, là khổ tâm thì mình có mình giữ không nên nói ra, và cũng không nên nghe chuyện của người khác, mình phải giữ tâm tĩnh lặng.
Thương phải xa, ghét phải gần, cầu bất đắc, Đức Phật gọi là khổ cá biệt, người có người không, không phải ai cũng có, không nên nói với người khác về nỗi khổ của mình, vì ai cũng có nỗi khổ của người đó, mình không nên reo rắt nỗi khổ của mình lên người khác, và cũng không nên mang nỗi khổ của người khác vào mình.
Thủ ngũ uẩn, chấp lầm thân ngũ uẩn này là ta Đức Phật nói đây là khổ luân hồi. Khổ luân hồi là cái tôi cái ta, cái tôi là tâm sự còn luân hồi, chấp thủ ngũ uẩn là còn luân hồi.
Chúng ta bắt đầu học bài Pháp đầu tiên mà Đức Phật thuyết.
Sau khi đại phạm thiên Sahampati thỉnh Đức Phật ba lần đi thuyết pháp độ sanh, Đức Phật Ngài nói:
- "Giáo Pháp mà Như Lai đã chứng ngộ quả thật thâm sâu huyền diệu, khó nhận thức, khó lĩnh hội, vắng lặng, cao siêu, không nằm trong phạm vi luận lý, tế nhị, chỉ còn bậc thiện trí mới thấu hiểu. Chúng sinh còn luyến ái trong nhục dục ngũ trần, ắt không thể hiểu, không thể lãnh hội".
Phạm Thiên Shampati : - "Bạch Đức Thế Tôn, cầu xin Đức Thế Tôn truyền dạy Giáo Pháp! Trong chúng sanh có ba loại giống như hoa sen trong bùn có ba thứ, có những chúng sinh bị ít nhiều cát bụi vướng trong mắt, nếu không nghe được Giáo Pháp sẽ phải trầm luân sa đọa. Nhưng cũng có người sẽ chứng ngộ chân lý".
Đức Phật Ngài chấp nhận lời thỉnh cầu của Phạm Thiên Shampati, Ngài đi qua vườn Lộc Giả thuyết giảng cho năm thầy Kiều Trần Như bài pháp Chuyển Pháp Luân là bài pháp đầu tiên Đức Phật khải thuyết cho nhân loại. Từ đó bài pháp này đi vào trong hàng Chư Tăng, đi vào trong hàng Phật tử tại gia và chứng đắc tại đó vô số người.
Tứ năng nhiếp lực
Chúng ta nói về năng nhiếp lực, Khả năng nhiếp phục, chinh phục các pháp thế gian, chúng ta có những pháp chế ngự thế gian (saṅgāhabala) khả năng nhiếp phục.
Trên con đường tu tập chúng ta thường nghe có bốn pháp, người nào có năng lực bốn pháp này sẽ chinh phục được tất cả thế gian, thế gian đây Sư muốn nói là không phải thế gian vũ trụ bao la của quả địa cầu, nhưng thế gian này là con người với con người, đó là thế gian, đó là xã hội, nếu qúi Phật tử có bốn pháp này trong cuộc đời không cần nương tựa vào ai hết mà vẫn sống được và, sẽ có khả năng chinh phục được mọi người cho dù họ không đồng chí hướng với ta qúi Phật tử vẫn có khả năng chinh phục được.
Bốn pháp chúng ta cần phải biết đó là tứ năng nhiếp lực; bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, qúi Phật tử đã từng nghe bốn pháp này từ kinh Tạng.
Hôm nay Sư sẽ giải thích bốn pháp tứ năng nhiếp lực: bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, theo Thắng Pháp - Abhidhamma.
1. Đầu tiên là pháp bố thí.
Trong pháp bố thí thì bố thí chánh pháp là tối thắng, trên tất cả là thí pháp. Từ đây về sau trên con đường tu tập của ta, ta chỉ cần làm những chuyện gì thuộc về thí pháp mà thôi, thí pháp thì đó mới đủ năng lực nhiếp phục ta và lúc đó ta mới đủ năng lực nhiếp phục người khác.
Vậy thí Pháp là gì?
Xả thí, khi xưa Đức Phật Ngài còn là vị Bồ Tát, Ngài tha thiết đi tìm cầu Pháp, muốn nghe Pháp mà Ngài gieo mình xuống cho con dạ xoa để cầu Pháp. Đức Phật Ngài nói là xả thân, xả tâm để cầu Pháp, Pháp chúng ta lãnh hội được, chứng đắc hội quả được, đó là bố thí Pháp sinh mạng này để có được đạo quả Niết-bàn. Chính vì đó, hôm nay qúi Phật tử phải thấy rằng chúng ta không mong cầu phước vật, chúng ta thí tài vật nhiều rồi, bây giờ qúi Phật tử phải đi vào con đường trí tuệ, chúng ta biết con đường tu tập phước huệ đồng tu, thí phước thí huệ, hôm nay phải trau dồi phước tuệ.
Trên con đường tu tập nghe nơi nào ta bố thí, nơi nào ta xả thí qúi Phật tử hoan hỉ tùy hỉ nơi tâm, chúng ta phải lo bố thí Pháp, ai in kinh, ấn tống kinh sách thì tùy hỉ góp phước, hoặc chép kinh sách để cầu giải thoát, dành thì giờ lo tu tập, đó là thí Pháp là tối thượng.
2. Ái ngữ là gì?
Ái ngữ. Ái ngữ là lời nói tốt, trong kinh tạng ghi là nói lời êm dịu, nói lời dịu dàng. Nhưng qui Phật tử thấy kinh tạng dạy như vậy dễ sanh ái luyến, ta nói ngọt chừng nào người ta càng thương mến mình hơn, ái ngữ đó là ái ngữ sanh phiền não, ái ngữ đó là sanh hệ lụy, sanh luân hồi.
Theo Thắng Pháp Abhidhamma dạy qúi Phật tử ái ngữ này không phải là ái ngữ đem lại là ái luyến, mà ái ngữ này đem lại giác ngộ. Qúi Phật tử phải nhớ, chúng ta nói tốt, ái ngữ tốt nhất là thuyết Pháp.
Những ai than thở về cuộc sống của họ với mình về sanh, lão, bệnh, tử, sầu, ưu, bi, khổ thì mình nói đó là những cái khổ phổ biến, khổ đó là cá biệt, khổ đó là luân hồi, thì mình nói như vậy để không sanh ái luyến với họ.
Ái luyến sanh sầu muộn, ái luyến sanh khổ đau.
Có một câu chuyện làm thí dụ: Có một ông đó dựng nhà, bắt đầu dựng cột kèo, lợp mái lên xong xuôi, bắt đầu ông dựng nhà bếp, dựng nhà bếp xong xuôi thì có một nhà thiện tri thức đi ngang qua nhà bếp ngó thấy ghé vào nói:
- Ông dụng nhà bếp này là không đúng.
Ông giả chủ hỏi: Trước khi tôi xây tôi đã hỏi nhiều người rồi, mà tại sao tôi xây nhà bếp này ông nói là không đúng?.
- Tôi có ý kiến tôi xin góp ý với ông. Bây giờ ông xây bếp này mùa xuân tốt, mùa hè tốt, nhưng mùa thu mùa đông có gió chướng thổi ngược lại cháy nhà bếp này cháy qua nhà ông.
- Ông nói bậy, không thèm nghe ông, nhà chưa xây xong, chưa ăn tân gia mà nói nhà cháy rồi, không thèm nghe.
Tới mùa thu gió chướng thổi làm cháy nhà, bà con lối xóm chạy đến cứu giúp chữa lửa, sau đó mời tất cả bà con lối xóm đến đãi cơm trả ơn.
Như vậy có đúng không? ta mời người chữa lửa ăn cơm tạ ơn hay ta quay trở lại tìm người đầu tiên nói cho ta nghe mà ta chửi người ta để người ta bỏ đi, đúng là ta phải tạ ơn người đầu tiên nói với ta.
Đó là, ái luyến sanh sầu muộn, ái luyến sanh khổ đau,
Ái luyến sanh khổ đau, ái luyến sanh sầu muộn, do đó ta không cần có ái ngữ để sanh ái luyến, ta chỉ có những lời nói an lạc. Ta là người nói sửa nhà bếp chứ ta không phải là người chữa lửa nhà bếp cho người, hôm nay ta học lời dạy của Đức Phật rồi, không phải học kinh tạng là đủ học, mà học Thắng Pháp Abhidhamma ứng dụng trong lời dạy của Đức Phật, chúng ta phải dừng lại tất cả những pháp thế gian.
Do đó bố thí Pháp là chúng ta chỉ ra những gì lành mạnh và cao thượng, ái ngữ chúng ta cho ra những lời không sanh ái luyến, ái dục, chúng ta cho những lời chân thật để họ tu tập mà ta cũng đang tu, đó mới là năng nhiếp Pháp.
3. Lợi hành là gì?
Ai hợp với ta thì cùng đi với ta, ai không hợp với ta thì không đi cùng, đó là lợi hành. Sinh ra ta là cha mẹ, hiểu được ta là tri kỷ, mấy ai trong đời có được tri kỷ, rất khó, do đó chúng ta phải gạn lọc, ta phải đưa ra những pháp để gạn lọc những người tha thiết cầu pháp học hỏi Phật Pháp, chúng ta mới đi đồng hành với họ để cùng nhau phát sanh trí tuệ, chúng ta trong một biển người bao la vàng thau lẫn lộn ta biết ai là người tri âm tri kỷ, chúng ta phải nói những lời chân thật mà họ không nghe thì chính họ là không chân thật để sống với ta.
khó kiếm khó tầm, khó tầm khó có, đó mới là vật qúi báu, có bao giờ qúi Phật tử thấy ai mà đem hột soàn ra ngoài chợ đứng bán không, không có, còn như ngọc xá lợi đưa khơi khơi thì không phải là ngọc xá lợi thật, ngọc xá lợi của Đức Phật dấu cất kỹ lắm, khó kiếm khó tầm, đó là vật cao qúi.
Lợi hành, chúng ta phải đem lợi ích đến tha nhân, chúng ta muốn làm cái gì lợi hành cho người khác để chúng ta có bạn đồng hành với ta, chúng ta phải làm bốn pháp: Những ai chưa có đức tin chúng ta phải gieo cho họ đức tin đó là người đồng hành với ta và người đó mới thấy ta là người bạn đồng hành với họ, những ai chưa có giới chúng ta phải gieo cho họ có giới để chúng ta có thể tin tưởng với họ là bạn đồng hành với ta, chúng ta không thể nào là người giữ giới mà đồng hành với người phá giới được, tại vì một ngày nào đó họ phá giới họ rủ ta phá giới theo, chính vì vậy người đó không phải là bạn đồng hành với ta.
Những ai còn tâm bỏn xẻn ta phải hướng dẫn họ xả ly, những ai chưa có trí tuệ chúng ta phải an trú họ trong trí tuệ, những người đó mới là bạn đồng hành với ta, những ai làm điều đó cho ta người đó là người đáng đồng hành với ta. Những ai đến với ta đem pháp thế gian thuyết cho ta nghe, làm chúng ta ái luyến những lời nói của họ, không đáng cho ta làm bạn đồng hành. Chính do đó chúng ta muốn tìm bạn đồng hành và chính qúi Phật tử là bạn đồng hành cho tất cả chúng sanh trên đời.
Đồng sự là gì? Khi chúng ta có bạn tốt, bạn tri âm tri kỷ thì chúng ta phải có sự đồng sự, là cùng chia sẻ với nhau lúc bấy giờ tâm sự cho nhau, không ai nói chuyện khổ với ta và ta cũng không nói chuyện khổ cho người ta nghe nữa, lúc bấy giờ chỉ có; đức tin đã có, giới hạnh đã có. Người nào đem tới qúi Phật tử tâm sự buồn là người đó chưa biết xả ly thì không đồng sự. Đồng sự là chung vui chung khổ trong sự tu tập để cùng nhau đi tới con đường tiến hoá đạo quả Niết-bàn.
Hôm nay qúi Phật tử nghe tứ năng nhiếp lực là khả năng nhiếp phục chính ta và khả năng nhiếp phục tất cả chúng sanh, nếu Phật tử có bốn pháp này, khi nào qúi Phật tử làm những điều đó qúi Phật tử có năm quả phước báu,
1. Thứ nhất, không lo sợ về sự sống là, phước báu đầu tiên cho tứ năng nhiếp lực, ta không còn lo sợ cho sự sống của ta nữa, tất cả tâm và thân không còn lo sợ nữa.
2. Thứ hai, chúng ta không còn lo sợ về danh thơm tiếng tốt nữa, vì chúng ta lo tu tập gát bỏ thế gian, chúng ta không còn lo sợ, người nào mà còn muốn ái ngữ còn sinh ái luyến người đó còn lo danh thơm tiếng tốt.
3. Thứ ba, chúng ta không còn sợ lo tất cả gì về pháp luật ở trong đời, những pháp luật hay giới hạnh chúng ta không còn phải lo, tại vì chúng ta thu thúc lại để lo tu tập, không còn lo những gì pháp luật ở trong đời này nữa.
4. Thứ tư, chúng ta không còn lo sợ sự chết nữa, chuyện nó đến nó sẽ đến, bây giờ qúi Phật tử thông cảm rồi, xưa nay ta cứ nghĩ mình ta ôm một nỗi buồn sầu muộn này thôi, thật ra một bể sầu muộn, không phải riêng cá nhân ta, ai cũng có sự chết, qúi Phật tử biết rồi sẽ không còn lo sợ sự chết nữa.
5. Thứ năm, là qúi Phật tử không bao giờ sợ lo sa đoạ trong bốn cảnh khổ là, địa ngục, ngã qủi, atula, xúc sanh
Đó là những pháp nhân sanh trí tuệ trên con đường tu tập Abhidhamma.
No comments:
Post a Comment