Friday, May 28, 2021

Ba Pháp Cao Thượng (tiếp theo)

                                                     Ba Pháp Cao Thượng (tiếp theo)

Được nghe để học và ghi chép theo sự hiểu của Minh Hạnh qua băng giảng "Ba Pháp Cao Thượng" do HT Chánh Minh giảng. Minh Hạnh xin chia sẻ cùng các Thiện Tri Thức.

2) Hành Cao Thượng

2. Chi pháp thứ hai là hành cao thượng. Trước tiên chúng ta thực hành như thế nào được gọi là cao thượng. Thì một câu trả lời theo như ý kinh mà không thể bắt bỏ được đó là thực hành giới định tuệ, thực hành những lý duyên khởi, thực hành đời sống đạo đức v.v... Dĩ nhiên với những câu trả lời này thì không có gì bắt bẻ vì thật sự làm như vậy nhưng ở đây chúng tôi muốn nói thêm thực hành giới định tuệ để làm gì? Thực hành những pháp thiện bố thí trì giới cung kỉnh phục vụ v.v... để làm gì? để hưởng những quả hữu vi để kiếp sau được làm vua, để kiếp sau được làm một giai nhân tuyệt sắc, để kiếp sau thọ hưởng cảnh trời, để kiếp sau trở thành những vị Phạm Thiên v.v... thì cách thực hành đó chưa hẳn đã gọi là cao thượng cho dầu cách thực hành nằm ở trong mô thức giới định tuệ. Cũng tựa hồ giống người đi tìm vàng sau khi gặp được vàng rồi không biết dùng vàng để làm cái gì? mang những thỏi vàng đó về treo lủng lẳng trong nhà chơi, nó không mang đến một lợi ích gì. Như thế nào cũng vậy, khi trả lời rằng con thực hành giới định, con thực hành những thiện pháp, chúng tôi không dám bác bỏ những câu trả lời của qúi vị, nhưng phải nói thêm rằng thực hành những thiện pháp để làm gì, thực hành giới định tuệ để làm gì, đó mới là điều đáng nói. Giống như chúng ta tựa như người đi tìm bảo vật gặp được những bảo vật rồi, có những bảo vật đó để làm gì? Cũng giống như một kiếm khách đi tìm thanh bảo kiếm, có được thanh bảo kiếm để ngắm nghĩa hay để làm gì? Cái vấn đề còn nằm ở chỗ đó. Chúng ta đi tìm những quyển sách qúi, tìm được rồi đem lên trang thờ để trong một phòng như vật gia bảo thì tìm quyển sách qúi đó nó không có tác dụng gì. Chẳng qua người có những quyển sách qúi mà người khác không có nhưng bản thân quyển sách qúi đó không giúp đỡ gì người có nó. Quyển sách qúi phải biết đọc, phải biết nắm lấy những lợi ích của quyển sách qúi đó để đem tới một cái gì tốt đẹp, qúi vị thử nghĩ một người thầy thuốc có một quyển sách trong đó liệt kê tất cả những môn thuốc hoặc những vị thuốc để trừ đi những cái bịnh nan y chẳng hạn, tìm được quyển sách đó đem về thờ thì quyển sách đó không có tác dụng, mà những người biết được quyển sách qúi và phải tìm quyển sách qúi đó, phải học quyển sách qúi đó để rồi bào chế loại thuốc dược chất tốt đẹp để trị những chứng bịnh nan y của những người khác hay của chính mình, bấy giờ mới là thực hành đúng, mới gọi là tốt đẹp nhất. Như thế nào cũng vậy, chúng ta thực hành những thiện pháp, chúng ta thực hành giới định tuệ, chúng ta thực hành quán lý thập nhị duyên khởi để thoát ly ra khỏi sinh tử luân hồi, nếu chúng ta không có một tác ý như vậy thì dù thực hành giới định tuệ ở mức độ gần như là trọn vẹn nó cũng chẳng có tác dụng lợi ích, bởi vì sao, bởi vì mình không có tác ý thoát ra khỏi sự sinh tử luân hồi.

Vấn đề còn lại chính Đức Phật Ngài dạy rằng:

Tất cả các Pháp lấy dục làm căn bản.

Tất cả các pháp lấy tác ý làm sanh khởi.

Tất cả các pháp lấy phước làm tập khởi, lấy ước muốn để làm nền tảng, lấy ý để sanh khởi. Cái ước muốn mình thực hành giới định tuệ đó là một cái nền tảng nhưng chưa có ý muốn thoát ly ra khỏi sanh tử luân hồi thì sự thoát ly ra khỏi sanh tử luân hồi không có được, bởi vì nó không sanh khởi.

Cho nên ý chúng tôi muốn nói rằng hành cao thượng ở đây khi hỏi qúi vị sẽ trả lời con thực hành những thiện pháp, con lánh xa các ác pháp, con không làm tất cả các việc ác dù nhỏ, mà con làm tất cả các việc thiện dù nhỏ. Xin thưa, chúng tôi không thể bác bỏ cái gì, nhưng điều qúi vị muốn nói là từ bỏ các việc ác nhỏ không làm, những việc thiện nhỏ không hề bỏ để làm gì?

Nếu như không có tác ý thoát ly ra khỏi sanh tử luân hồi thì chẳng khác nào con kiến cứ bò mãi trong miệng chén, nó không thể ra khỏi miệng chén.

Cho nên hành cao thượng ở đây Đức Phật Ngài dạy: chúng ta thực hành đường lối tốt đẹp với mục đích là chứng đắc được đạo quả thoát ly khỏi sinh tử luân hồi. Nó cũng từa tựa như một người có cây cung tốt, có sức mạnh, có dây căng của cây cung tốt và mũi tên bén, người đó đưa cung lên rồi kéo dây cung ra, nhưng để làm gì, nếu như không có mục tiêu hay là nhắm mục tiêu sai lệch, thì sự kéo cung đó với sức mạnh đó, một cây cung tốt một mũi tên bén nhưng nó không mang tới một tác dụng lớn, mà người đó phải nhắm vào mục tiêu nào đó để bắn mũi tên, để cắt đứt những cái gì bị trói buột, và nhắm đúng mục tiêu đó, trúng vào mục tiêu mà mình muốn bắn vào thì người cung thủ đó được tán thán là đệ nhất về cung thủ là tay thiện xạ tài giỏi. Như thế nào cũng vậy, chúng ta thực hành giới định tuệ với mục đích phải thoát ly khỏi sinh tử luân hồi. Như vậy thực hành cao thượng ở đây, Đức Phật Ngài dạy rằng: ngoài những mảnh lực tránh xa các việc ác thực hiện những việc lành thực hành giới định tuệ thực hành tuệ quán với mục đích là cắt đứt đi phiền não với mục đích tận diệt phiền não với mục đích diệt trừ mọi ô nhiễm để chứng đạt Niết-bàn, cái hành đó mới gọi là cao thượng.

Dĩ nhiên Phật tử chúng ta thực hành giới. Ngày Uposatha là ngày Bố Tát, Phật tử cũng thọ trì Bát Quan Trai Giới, nhưng khi thọ trì Bát Quan Trai Giới thì ao ước rằng: với giới hạnh này xin cho con có được một người chồng sang giàu, một người chồng tốt đẹp, một người chồng chung thủy. Bà mẹ thì thọ trì Bát Quan Trai Giới với sự mong ước rằng: do giới hạnh này để có được những đứa con ngoan, những đứa con thảo, những đứa con có hiếu. Điều này nằm trong chú giải kinh Pháp Cú. Một lần nọ bà Visakha hỏi những người nữ tùy tùng của mình: "Các bà các cô thọ trì Bát Quan Trai Giới để làm gì?" Họ trả lời: để cho tôi có được người chồng xứng đôi vừa lứa, có giai cấp tương xứng, môn đăng hộ đối. Hỏi những người trung niên thì họ mong có những người con xinh đẹp như kim đồng ngọc nữ vừa hiền thiện vừa thông minh vừa hiếu thảo. Không giống như những người già thực hành Bát Quan Trai Giới để mong mỏi tái sanh lên nơi cao sang tốt đẹp. Thì thực hành giới cũng là một điều tốt, tránh xa điều tội lỗi cũng là điều tốt. Nhưng điều đó không phải là hành cao thượng mà hành để bị trói buột. Cái gì trói buột? Chính là cái dục lạc thế gian trói buột, mà những dục lạc thế gian luôn thay đổi nó không phải là mãi mãi là như vậy. Có những lúc là Phạm Thiên tái sanh xuống làm người nhân loại, cũng có những lúc làm người nhân loại tái sanh xuống làm những con thú mặc dù là vua của loài thú, như Bồ Tát chúng ta có những lúc tái sanh làm chúa đàn voi, có những lúc làm chúa đàn kên kên v.v... nhưng cái đó không phải là mục tiêu mà thực hành những thiện pháp, thực hành những giới định tuệ, thực hành tuệ quán để giải thoát ra khỏi luân hồi. Trí tuệ thực hành được thiền định, thực hành được sơ định, tam định, tứ định chứ không phải ở trong định lực chỗ đó để mà thụ hưởng. Đức Phật Ngài dạy các vị tỳ khưu khi thực hành được sơ định, nhị định, tam định, tứ định tới mức độ đầy đủ rồi triển tuệ quán để chứng được thiên nhãn, thiên nhỉ, thần túc, tha tâm, túc mạng thông, nhưng tới đó chưa hết, từ tuệ quán dẫn xuất để chấm dứt những ô nhiễm để trở thành bậc lậu tận, tất cả những ô nhiễm bị diệt trừ bấy giờ vị đó mới hân hoan nói lên rằng ba minh ta đạt được lời Phật dạy, từ nay ta không còn việc gì để làm nữa hết, mục tiêu của cứu cánh mà Đức Phật Ngài dạy giảng pháp cho chúng ta thực hành mục đích của Ngài là muốn tế độ chúng ta ra khỏi những giòng khổ cảnh, phẩm vị cao nhất là không còn bị nạn sinh tử luân hồi chi phối, đó là mục tiêu của Đức Phật. Sở dĩ Ngài 45 năm hoằng dương giáo pháp, thậm chí lúc Ngài sắp sửa trở về với định luật vô thường mệt nhọc mà phải vượt đoạn đường dài khoảng 12 cây số phải nghỉ 25 lần do bịnh kiết lị với mục đích tế độ người Phật tử cuối cùng là Subhadda để thoát ly khỏi giòng sinh tử luân hồi, mục tiêu của Đức Phật dạy pháp cho chúng ta là lìa bỏ khổ nạn sinh tử luân hồi để thoát ly ra bốn cõi khổ đã đành nhưng phải chấm dứt luân hồi ô nhiễm. Hành cao thượng là hành như vậy, hành với mục tiêu với một tác ý là hoà nhập vào cảnh giới bất tử đi vào cảnh giới bất tử không bị sanh tử luân hồi chi phối nữa, hành đó là hành cao thượng, nếu chỉ hành thiện pháp, hành giới định tuệ hành, hành tuệ quán, hành thập nhị duyên khởi mà chưa có yếu tố này thì cái hành đó chỉ tốt ở bậc trung chứ chưa phải cao thượng tột cùng.

3. Giải thoát cao thượng

3. Chi pháp thứ ba Đức Phật dạy rằng: Chi pháp cao thượng cuối cùng đó là giải thoát cao thượng (vibhàveti anuttariya), giải pháp này giúp chúng ta rất nhiều. Không phải giải thoát nào cũng là giải thoát cao thượng hết. Một người nuôi dưỡng tâm từ bi ngay lúc đó giải thoát được tâm sân, người nào nuôi dưỡng tâm hoan hỉ thì ngay lúc đó giải thoát được tâm ganh tỵ, hoan hỉ với hạnh phúc người khác thì không có tâm ganh tỵ lúc đó giải thoát khỏi tâm ganh tỵ , người nào giữ được năm giới người đó giải thoát được tâm sân tạm thời, người nào nói lời chân thật không bao giờ nói lời sai ngoa hư ngụy thì người đó tạm thời giải thoát được sự giả dối lừa mị người khác. Tất cả cái đó là giải thoát. Chúng ta bố thí thì giải thoát được tâm bỏn xẻn tham lam, chúng ta cung kỉnh thì giải thoát được tâm ngã mạn, chúng ta biết lắng tai nghe diệu pháp thì ngay lúc đó chúng ta giải thoát được tâm cứng rắn, tâm của chúng ta trở nên nhu nhuyễn. Chứng đắc được sơ thiền chúng ta giải thoát được năm triền cái năm pháp trói buột, áp chế được hôn trầm, áp chế được hoài nghi, áp chế được sân hận, áp chế được tham dục, ngay lúc đó thoát được năm triền cái. Tất cả đều giải thoát.

Nhưng Đức Phật Ngài nói giải thoát cao thượng là giải thoát nào mà thoát ly vĩnh viễn không còn phải quay trở lại. Mức độ đầu tiên của thoát ly vĩnh viễn mà không còn quay trở lại là thoát ly khỏi bốn khổ cảnh, đó là không còn quay trở lại cảnh giới súc sanh, cảnh giới địa ngục, cảnh giới ma đói, cảnh giới thần quỉ, mà muốn không quay lại một cách kiên cố thì giải thoát trước tiên là chứng đạt được sơ quả tức là dự lưu quả mà trên bước đường chứng đạt được dự lưu quả biết bao nhiêu khê, biết bao là chặng đường đầy gai chong chứ không có trơn tru, nó tựa hồ giống như chúng ta đi tới một hang động chứa đầy bảo vật mà trên đường đi đó cây cỏ bít bùng không định hướng được, thì chúng ta đốn phá mở một con đường làm sạch sẽ dọn một con đường, con đường đó không ai dọn sẵn cho mình để mình thong dong đi nó thầm chỉ cho chúng ta giới định tuệ. Con đường giới định tuệ chúng ta tự mình đi có nhiều chông gai không ai dọn sẵn cho mình đi. Đừng bảo rằng tôi thực hành giới định tuệ trơn tru nó được thuận lợi nó được tốt đẹp, khó lắm, chưa ai nói rằng con đường giới định tuệ tôi đi một cách thong dong, không có, mà nó nhiều trắc trở nhiều chướng ngại vô cùng, nó tựa như giây leo chằng chịt, những bụi gai đan vào nhau chận bít lại không khéo bị trầy da, không khéo bị rách thịt, không khéo đổ máu. Ngay cả hàng thượng thủ thinh văn cánh tay trái của Đức Phật là Ngài Mục Kiền Liên tạo biết bao nhiêu phước cách đây một a tăng kỳ một trăm ngàn kiếp đã tạo vô số phước báu vậy mà xuất gia rồi bị chứng bịnh hôn trầm sanh khởi luôn quấy nhiễu, Đức Phật Ngài đi tới dạy cho pháp môn diệt trừ hôn trầm, nỗ lực tinh tấn mới vượt lên mới chứng đắt được đạo quả A La hán. Ngay cả bậc thượng thủ thinh văn cánh tay trái của Đức Phật mà còn như vậy nói chi chúng ta.

Mô thức giới định tuệ là mô thức chung mà đi trên đó mỗi người có mang vũ khí khác nhau, cũng là con đường phải đi nhưng chông gai của từng con đường khác nhau, người thì mang rìu mang búa, người thì mang kiếm, người thì mang đá, để dọn dẹp con đường đó, cho nên Đức Phật Ngài vặch ra con đường giới định tuệ con đường đó chúng ta phải hiểu đó là mô thức tổng quát, và đi trên con đường đó mỗi người phải tự dọn dẹp những gai góc những chướng ngại để có những bước bằng phẳng cho chính bản thân mình, không ai dọn dẹp cho mình cả, không ai ủi san lấp để cho mình thong dong cả, nó không phải là đại lộ để mình phóng xe chạy ào ào, chúng ta phải nỗ lực chúng ta phải làm để rồi khi chúng ta chứng đắc được sơ quả, cắt đứt bốn khổ cảnh, cắt đứt vĩnh viễn để không còn sanh trở lại nữa, thà rằng chúng ta đi một bước mà chắc một bước để không quay lại. Trước tiên đó là chúng ta đừng bao giờ quay lại những cái gì mà chúng ta biết rõ nó là ô nhiễm, biết rõ nó là chướng ngại, biết rõ nó là những bất thiện pháp, đừng bao giờ quay lại. Chúng ta dọn một con đường đi cứ đi tới chứ không hề bước lui, biết rõ nó ô nhiễm thì không bao giờ quay lại. Còn nếu quay lại thì bị vướng vào ô nhiễm rồi phải mất công tắm rửa. Nó tựa như một người biết đây là cái hầm phẩn may mắn được lên khỏi hầm phẩn rồi thì không quay trở lại hầm phẩn, mà lỡ sa chân xuống hầm phẩn rồi thì phải cố gắng trèo lên rồi phải tắm rửa cho sạch sẽ, nó mắc công, nó phiền, nó mệt nhọc, nó nhiều chướng ngại. Và khi đã biết được đây giới này là sát sanh, biết rõ sát sanh mang những điều khổ lụy, biết rõ như vậy thì không quay lại sát sanh, biết rõ là dùng gậy đao trượng để làm khổ chúng sanh khác thì sẽ bị khổ lụy về bịnh biết rõ như vậy thì sẽ không bao giờ quay lại. Nó tựa hồ như khi chúng ta dọn xong đường bằng phẳng chúng ta cứ đi tới chứ không hề quay lại cho dù quãng đường trước đây chúng ta dọn nó đã được bằng phẳng cũng không quay lại, cứ đi tới.

Từ bỏ những ác bất thiện pháp đã đành, ngay cả thiện pháp chúng ta cũng phải biết quên nó đi, biết là chúng ta tạo những việc lành như là bố thí, cung kỉnh, phục vụ, trì giới v.v... vẫn cứ quên đi bởi vì công việc nó đã xong rồi không cần phải quay lại, không cần quay lại ở đây có nghĩa là không giữ nó, không hồi tưởng là tôi đã có bố thí như vậy, không hồi tưởng là tôi đã có trì giới như vậy, không hồi tưởng là tôi đã có cung kỉnh như vậy, mà cứ tiếp tục làm những thiện nghiệp đó, dùng giới thanh gươm trí tuệ để cắt đứt đi những chướng ngại đó, nếu còn nghĩ rằng tôi đã từng có bố thí, tôi từng có trì giới, tôi đã từng có phục vụ, thì vẫn còn bị trói buột, chưa phải là giải thoát. Hồi tưởng nhưng để rồi biết quên, mà con người biết quên khó lắm, con người biết quên rất là khó, người đó nhớ biết rõ nhưng mà lại biết quên, nó khó. Còn cái mà chúng ta quên một cách thường tình thì nó quá dễ. Biết mình làm một cái gì đó tốt đẹp là biết quên đi không hề nhắc nhở đến nó, nó thoáng qua hiểu biết rồi quên, cái đó khó. Mà có quên thì chúng ta mới đi tới còn nếu không thì chúng ta giống như cái ly đầy nước không thể chứa thêm nước khác, hất đi cái ly đầy nước thì sẽ có ly nước mới, và giải thoát cứ đi tới và đi tới. Nếu không. Mà quay lại nhớ những thiện nghiệp là đang bị trói buột chứ không phải là được giải thoát, còn nếu nghĩ rằng tôi đã từng bố thí, tôi đã trì giới, tôi đã tạo những thiện nghiệp thì còn bị trói buột chứ chưa phải là giải thoát.

Và cứ đi tới, đi tới lúc nào đó mới giác ngộ được và cái giác ngộ đó trông càng trống rỗng bao nhiêu thì cái giác ngộ bực sáng, lên còn nếu tâm của chúng ta còn đầy ấp những gì đó thì sự giác ngộ đó không thể bực sáng lên được, cần phải để tâm của chúng ta sống động, sống động ở đây là biết bỏ, biết quên và một khi chúng ta cắt đứt được bốn khổ cảnh cắt đứt luôn cả dục giới không bao giờ xa xuống dục giới nữa tức là ám chỉ trạng thái A Na Hàm, không còn bị quay trở lại, và cuối cùng giải thoát cao thượng nhất là chứng quả không còn rơi vào tam giới như lò lửa này nữa. Đức Phật Ngài dạy rằng:

"Này chư tỳ khưu, ví như phân dù chút ít cũng như hôi, như thế nào cũng vậy, Như Lai tán thán một sinh hữu nào dù chỉ nhỏ chút ít mà ra được khỏi ba lò lửa này, lò lửa của dục giới, lò lửa của sắc giới, lò lửa của vô sắc giới, tam giới như hỏa trạch và không bao giờ muốn rơi vào cái lò lửa đó nữa thì bấy giờ gọi là giải thoát cao thượng, giải thoát tột cùng, không có giải thoát nào sánh bằng, và vị đó thong dong tự tại có thể tuyên bố lên từ nay ta không còn việc gì phải làm nữa, phạm hạnh đã thành. Đời sống samon mục đích gì, lý do nào xuất gia trong giáo pháp này, dấn thân vào vòm trời giới định tuệ này, cái mục đích đó đã thành đạt được, cái ước vọng đó đã được toại nguyện, không cần phải làm gì nữa hết đời sống phạm hạnh đã thành như vậy thì giải thoát cao thượng. "

Đức Phật Ngài dạy theo từng bước lià bỏ những ác bất thiện pháp, biết rõ ác thiện pháp rồi không hề quay lại nó, ngay cả thiện pháp tạo rồi không để nó trói buột, biết quên đi và cứ dấn thân đi mãi và mỗi chặng đường đều có chướng ngại riêng và vượt phá đi những chướng ngại đó để còn đi tới một hang chứa bảo vật, và khi đó không còn phải đi tìm kiếm đâu nữa, không còn phải làm việc gì nữa, chỉ nhận lấy những bảo vật, nhận lấy những thánh sản đó để rồi tiêu dao tự tại, dù thân còn ở trong tam giới, lúc nào đó duyên đã hết nhân đã cạn vị ấy thong dong viên tịch thế rồi không còn quay trở lại tam giới này nữa, thì đó gọi là giải thoát cao thượng nhất.

Đúc Kết:

Trong bài giảng về ba pháp cao thuợng:

1. Thứ nhất là thấy cao thượng tức là thấy thành nhân là thấy cao thượng, và thấy thánh nhân là thấy trong nội tâm của mình.

2. Thứ hai là thực hành cao thượng, thực hành giới định tuệ, thực hành những thiện pháp với mục đích thoát ly khỏi tam giới.

3. Thứ ba là giải thoát cao thượng, tức là đối với những ác bất thiện pháp đã biết rõ không hề quay lại, với những thiện pháp đã tạo không hề một chút tự hào một chút luyến tiếc, không một chút nhớ tưởng, bởi vì nó sẽ là sợi giây trói buột, nhớ tưởng rồi biết quên đi và cứ tiếp tục mà đi, đi đến khi cắt đứt đầu tiên là bốn khổ cảnh, không hề quay trở lại bốn khổ cảnh, thứ hai là cắt đứt dục giới không hề quay trở lại và thứ ba cắt đứt luôn cả ba lò lửa tam giới này, thong dong tự tại tiêu dao để rồi một lúc nào đó viên tịch./

Vì đã có người ở bên Việt Nam đã copy các bài do Minh Hạnh chuyển biên in thành sách bán với mục đích thương mại kiếm tiền làm lợi nhuận mà không ghi nguồn gốc, cũng như không ghi tên người chuyển biên, thì đó là hành vi trộm cắp và đã phạm giới cấm trộm cắp của nhà Phật cho nên, mọi sự copy, phát tán, in ấn nếu không được sự đồng ý của Minh Hạnh là bất hợp pháp, là phạm giới lấy của không cho.

No comments:

Post a Comment