Wednesday, May 12, 2021

Pháp Học và Pháp Hành, Tổng Hợp Nội Dung Vô Tỷ Pháp - Tiếp Theo . - TT Sán Nhiên

  Pháp Học và Pháp hành, Tổng Hợp Nội Dung Vô Tỷ Pháp - Tiếp Theo.

Được nghe và ghi chép lại theo sự học và hiểu của chính mình từ video giảng "Vi Diệu Pháp 01" do TT Sán Nhiên giảng, xin chia sẻ đến qúi Thiện Tri Thức

Minh Hạnh ghi chép, Phần II

 Xuất xứ của Tạng Abhidhamma.

Tạng Abhidhamma là một Tạng có 42 ngàn pháp môn do Đức Phật Ngài thuyết giảng tại nơi cung trời Đao Lợi vào hạ thứ 7 để độ Sư Mẫu 

Cuộc đời của Đức Phật có 45 hạ lạp. 

Từ một tuổi cho đến 29 tuổi ở trong hoàng cung, 29 tuổi xuất ly trên con đường tu tập 6 năm là 35 tuổi đắc đạo quả, 35 tuổi cho tới 80 tuổi Ngài viên tịch Niết-bàn, Ngài có 45 năm hành đạo.

Thì hạ thứ 7, lúc 42 tuổi Ngài lên cung trời Đao Lợi (Tvatimsa) còn gọi là Tam Thập Tam Thiên là cõi trời 33 vị trời cai quản. Tới năm 42 tuổi Ngài lên cung trời Đao Lợi thuyết cho hoàng hậu Māyā và 800 triệu Chư Thiên trong suốt 3 tháng của cõi nhân loại.

Trong Kinh kể rằng: Chư Thiên không thích ngồi lâu, ĐĐ Mục Kiền Liên một hôm ở dưới cõi nhân loại lên cung trời Đao Lợi thấy rõ một Thiên tử, ngày xưa là một đệ tử tu tập của mình, hôm nay gặp ở cung trời Đao Lợi vị này chỉ chào một cái rồi đi luôn, kế đến gặp người Thiên tử thứ hai ngày xưa cũng là tỳ kheo học trò của mình cũng chỉ chào một cái rồi đi luôn, rồi gặp một người thứ ba cũng từng là học trò của mình cũng chào một cái rồi đi luôn. Ngài Mục Kiền Liên đem câu chuyện xuống hỏi Đức Phật, Đức Phật nói này Mục Kiền Liên, Chư Thiên không muốn gặp thầy là vị họ lo đi vui chơi, họ sợ mình quấy rày họ.

Nên Đức Phật Ngài biết như vậy Ngài lên cõi trời Đao Lợi thuyết trong 3 tháng tính theo nhân loại cho Hoàng Hậu Māyā và 800 triệu Chư Thiên với thời gian một khảy móng tay của cõi Chư Thiên mà thôi, sau đó tất cả Chư Thiên và 800 triệu Chư Thiên đắc sơ quả, là tầng quả thứ nhất của bậc Thánh là Tu Đà Hườn hay còn gọi là Thất Lai.

Như vậy thì xuất xứ Tạng Abhidhamma do chính Đức Phật Ngài thuyết vào hạ thứ 7 tại cung trời Đao Lợi cho Hoàng Hậu Māyā và 800 triệu Chư Thiên thính pháp được đắc sơ quả Tu Đà Hườn thời gian là 3 tháng của nhân loại.

Trong thời gian đó, mỗi ngày của nhân loại Đức Phật Ngài thể hiện thần thông gọi là Song Thông từ cung trời Đao Lợi đến cõi nhân loại trùng tuyên lại những mẫu đề cho Ngài Xá Lợi Phất, sau đó ĐĐ Xá Lợi Phất hình thành ra 7 bộ Abhidhamma ngày hôm nay.

Như vậy ngày hôm nay, học Abhidhamma ta phải biết ơn Đức Phật và ĐĐ Xá Lợi Phất cho ta có duyên lành được học  Vô Tỷ Pháp này.

Bất cứ chúng ta học bộ môn nào khi đi vào luôn luôn có phần lễ bái Tam Bảo, nên bộ môn chúng ta đang học đây cũng không ngoại lệ:

Đảnh lễ Phật Bảo, 

Đảnh lễ Pháp Bảo, 

Đảnh lễ Tăng Bảo. 

Khi chúng ta đi vào một quyển sách kinh chúng ta sẽ thấy rõ như vậy.  

Phật Bảo là chi? Tiếng Pali là Buddharatana là Phật Bảo,

 Buddha là Phật, 

Ratana là bảo.

Do đó. Nói đến Phật Bảo là chúng ta phải biết đảnh lễ ân đức của Phật, nói đến Pháp Bảo là chúng ta nói đến ân đức của Pháp, nói đến Tăng Bảo là chúng ta nói đến ân đức của Tăng, nên gọi là Phật Pháp Tăng tam bảo.

Như vậy, khi ta học Abhidhamma là ta học và hiểu được Pháp Thiện thì, xưa nay ta chỉ đảnh lễ tượng Phật đẹp bằng giấy, bằng đá, bằng kim loại v.v... đó là  ta chỉ đảnh lễ hình tướng bên ngoài mà thôi. Do đó mỗi khi ta đảnh lễ Phật với một hình tượng bằng giấy, bằng đá, bằng sắt, hay bằng kim loại chúng ta phải đảnh lễ ân đức của Ngài chứ không phải hình tượng, đó là ý nghĩa của việc lễ bái. Chúng ta phải lễ lạy như vậy thì mới có giá trị của lễ lạy, còn không chúng ta chỉ tạo hình thức lễ lạy mà không có giá trị của phước báu.

Chúng ta đã học Abhidhamma rồi thì, từ đây về sau khi chúng ta làm cái gì chúng ta phải nắm nội dung của việc làm, không nắm hình thức vì nội dung chứa chất liệu nhiều hơn là hình thức, một chút cũng khác biệt nhau. 

Bây giờ hai người cúi xuống đảnh lễ, một người đảnh lễ trong trạng thái hiểu biết và một người đảnh lễ trong trạng thái không hiểu biết rất khác nhau, một trạng thái thản nhiên, một trạng thái vui mừng cũng khác nhau, sự khác biệt trong việc làm phước báu cũng khác biệt, 

Đức Phật Ngài nói "xa thiệt là xa giữa mặt đất và mặt trời, xa thiệt là xa giữa bờ đại dương này với bờ đại dương kia, và xa thiệt là xa giữa một người tâm thiện với một người có tâm bất thiện, xa thiệt là xa chúng sanh ở các cõi giới với nhau, và xa thiệt là xa không so sánh được với chúng sanh ở trong đời và chúng sanh được giải thoát".

Ân đức của Phật nói rộng thì có 9, nói hẹp thì có 3: 

- Giới đức trong sạch, 

- Bi đức, bi mẫn với chúng sanh

- Trí đức thù thắng.

Ân đức của Pháp Bảo, có hai: - Pháp học và pháp hành, pháp thành và pháp quả. Nương vào pháp học ta mở mang trí tuệ, nương vào pháp hành ta có đạo quả viên thành

Ân đức của Tăng, có hai: Phàm Tăng và Thánh Tăng, người đang siển dương chánh pháp cho hàng tứ chúng.

Chúng ta xong phần lễ bái Tam Bảo.

Trước khi đi vào phần tâm tổng hợp, chúng ta nói phần giới thiệu bên ngoài là như thế nào : Xưa nay nói chúng ta học Phật Pháp, như vậy khi nói đến Pháp (Dhamma). 

- Pháp là chi? Trả lời là, Chi cũng là Pháp.

- Trạng thái pháp ra sao? Trả lời là: Ra sao cũng là trạng thái của Pháp

- Định nghĩa một pháp như thế nào? Trả lời là, có bốn ý nghĩa được gọi là  pháp: 

1. Trạng thái.

2. Phận sự.

3. Sự thành tụ.

4. Nhân cần thiết.

Khi chúng ta muốn định nghĩa một pháp chúng ta phải có 4 yếu tố này mới được gọi là một pháp.

1. Pháp là chi, thí dụ, cái bàn, cái ghế, âm thanh, là một pháp.

2. Trạng thái của cái bàn ra sao? mình mô tả cái bàn ra sao, vuông, dài, tròn, chữ nhật, cao, thấp.

3. Phật sự của cái bàn ra sao? Có thể để làm bàn ăn, làm bàn viết v.v...

4. Nhân cần thiết của cái bàn là, gỗ, đinh, người làm ra cái bàn v.v...

Thiện là một pháp, bất thiện là một pháp, tham là một pháp, sân là một pháp, si là một pháp. Tất cả đều là pháp, Như vậy thì chúng ta nói pháp là chi, chi cũng là pháp, trạng thái pháp ra sao, ra sao cũng là trạng thái của pháp.

Như vậy, khi nói đến Pháp Thiện, 

Pháp Thiện là một pháp, 

1. Trạng thái Pháp Thiện là tốt, là lành, là đẹp, những cái đó là thiện

2. Phận sự của Thiện là ngăn cản điều xấu, ngăn cản điều không tốt 

3. Sự thành tựu là an vui, hạnh phúc

4. Nhân cần thiết là phải có trí tuệ để biết làm việc thiện.

Do đó nói đến Pháp Thiện cũng là một pháp, những trạng thái, phận sự, thành tựu và, nhân cần thiết, được giải đáp, được định nghĩa đó là một pháp trong Abhidhamma. 

Từ đây về sau, khi chúng ta nói Pháp là chúng ta đang nói tất cả phải bao gồm cả bốn ý nghĩa đó mới thành tựu một Pháp có ý nghĩa. Khi nào chúng ta nói một Pháp mà không bao gồm đủ bốn ý nghĩa đó là nói sai về Pháp đó, đó là lỗi của mình. 

Thí dụ, ngồi thiền là một pháp.

1. Trạng thái ngồi thiền ra sao, 

2. Phận sự ngồi thiền ra sao

3. Sự thành tựu của thiền ra sao

4. Và nhân sanh ra ngồi thiền ra sao.

Chúng ta phải nói rõ mới thành tựu một ý nghĩa của một loại Pháp mình muốn nói tới.

Cũng vậy, khi qúi Phật tử đi vào Pháp Hành

Thí dụ, qúi Phật tử đang ngồi thiền hay đi hành thiền, qúi Phật tử nghe một pháp hay nghe một âm thanh thì qúi Phật tử phải biết:

- Thứ nhất, trạng thái của âm thanh, 

- Thứ hai, phận sự của âm thanh, 

- Thứ ba, sự thành tựu của âm thanh,

- Thứ tư, nhân cần thiết sanh ra âm thanh.

Khi qúi Phật tử nghe một âm thanh quen thuộc, như tiếng quạ kêu thì âm thanh đó qúi Phật tử quyết định được nó, nhưng, thí dụ qúi phật tử đang ngồi thiền, nghe tiếng mở cửa qúi phật tử biết đó là tiếng mở cửa, nghe tiếng bước chân, biết có người vào phòng, nhưng không biết người đó là ai thì qúi phật tử niệm "nghe" chứ không niệm "người". Do đó khi ngồi thiền qúi Phật tử không biết người đó là ai thì không thể niệm người mà niệm nghe vì  không định nghĩa "người".

Biết có người mở cửa bước vô thì: 

1) Trạng thái người đó quen, không quen, qúi  Phật tử không biết được vì đang ngồi thiền thì mình nhắm mắt. 

2) Phận sự người đó vô là báo tin, đưa thư.

 3) Sự thành tựu tin được biết bởi người đó, thơ được nhận bởi người đó bởi người đó. 

4) Nhân cần thiết là điều quan trọng, tin khẩn cấp, do đó người đó phải xuất hiện.

 Qúi Phật tử không biết được người này, do đó "người" không thành tựu.

Nếu qúi Phật tử mở mắt là không thiền, là gián đoạn thiền. 

Nếu tiếp tục thiền để không gián đoạn thiền thì không biết được người đó thì lúc đó qúi Phật tử chỉ biết đó là một Pháp.

Do đó, nó cho đời sống chúng ta một ý nghĩa gì, trạng thái, phận sự, nhân cần thiết, có những câu chuyện đến với mình không bao gồm đủ bốn trạng thái để trở thành một pháp thì niệm "nghe, nghe, nghe.., hoặc niệm thấy, thấy, hoặc niệm ngửi ngửi ngửi....."

Một người đưa một chén thức ăn cho qúi Phật tử ăn, họ hỏi "có ngon không? Trả lời "ngon". Có ngọt không? Trả lời: "ngọt". Họ hỏi vị đó là vị gì thì không giải thích được vì nhiều vị trộn chung nhau. Cho nên qúi Phật tử chỉ định vị đó là Pháp, nếu muốn nói được vị đó thì phải định nghĩa bốn trạng thái của nó, 

Nếu không đủ bốn trạng thái mà vẫn nói nó là gì thì phạm phải lời nói không đúng không chân thành.

Do đó, từ đây về sau học Pháp qúi Phật tử phải nắm được bốn ý nghĩa đó mới nói được một Pháp đầy đủ được, nếu không bao gồm được bốn ý nghĩa mà nói thì, lời nói không đúng không chân chính.

Đó là Sư muốn hướng dẫn chút xíu để qúi Phật tử ghi nhớ để áp dụng khi ngồi thiền.

Khi qúi cô ngồi thiền mà nghe nhưng không biết được âm thanh rõ ràng về âm thanh đó, trạng thái phận sự thành tựu và, nhân cần thiết, mà mình quyết định được âm thanh đó rõ ràng hay mình định nghĩa được âm thanh đó rõ ràng thì định nghĩa theo sự quyết định của mình, còn nếu chúng ta không định nghĩa được bốn trạng thái rõ ràng thì chúng ta chỉ niệm một "pháp" mà thôi,

 Lúc đó âm thanh là một "pháp": 

1. Trạng thái là sao, không rõ, lờ mờ, 

2. Phận sự đến tai mà không nắm bắt được

3. Sự thành tựu của âm thanh là không hiểu, không biết 

4. Âm thanh được nghe có yếu tố cần thiết nào, có thần kinh nhĩ, có sự chú ý, nhưng không biết được pháp đó là gì.

Do đó âm thanh đến tai, không rõ, mờ, không nắm bắt được, không hiểu không biết, yếu tố cần thiết là có thần kinh và có sự chú ý thì âm thanh đó chỉ là một Pháp và mình không cần về chi tiết.

Rồi khi qúi Phật tử biết được rõ ràng chi tiết thì qúi phật tử nói rõ người này là người quen hay là người không quen, đến với ý nghĩa gì, đến để báo tin hay đưa thơ, rõ ràng chi tiết như vậy lúc đó qúi phật tử phải mở mắt là bị gián đoạn dòng thiền, còn nếu muốn tiếp tục dòng thiền thì tiếp tục nhắm mắt và không để ý tới nữa thì chỉ niệm 'một pháp' thôi.

Thêm một thí dụ nữa, qúi phật tử đang ngủ, có nhiều người ngủ hả miệng, một người khác nghịch đem một miếng muối thả vào miệng người ngủ, thì người đó chép chép cái miệng rồi nuốt nuốt, mắt vẫn không mở vẫn tiếp tục ngủ, một hồi người đó thức giấc, bèn hỏi người đó 'nãy giờ ngủ có ngon không? trả lời 'ngủ ngon', hỏi 'có biết gì không?/ trả lời 'không biết gì hết'.

Như vậy, trong khi ngồi thiền thấy một pháp mà không rõ bốn yếu tố thì chỉ biết đó là một pháp không thôi.

Học Abhidhamma chúng ta phải biết là, khi qúi phật tử ngồi thiền nó đến hai trường hợp, một pháp rõ biết và một pháp không rõ biết thì niệm cái nào? Trả lời là, không cần thiết để ý, chỉ ghi nhận "nghe nghe ..." bởi vì nếu để ý là làm trở ngại dòng thiền của mình

Do đó khi ngồi thiền dù có được nghe âm thanh rõ biết và nghe âm thanh không rõ biết, dù mình biết người gây ra âm thanh hay mình không nhận ra người gây ra âm thanh, thì trong khi ngồi thiền những âm thanh đó đều không cần thiết để ý đến.

Nói đến Pháp thì Pháp có hai: Tục đế và Chân đế

1). Tục đế  

Tục là phổ thông thuộc về thế gian. 

Đế là sự thật

Như vậy thì pháp tục đế là pháp sự thật thuộc về thế gian ta gọi là pháp Tục Đế 

2). Chân đế là pháp chân thật, không thay đổi, một sự thật như thật không thay đổi ta gọi là pháp Chân Đế.

Như vậy, khi ta học pháp Tục Đế những pháp như thật thuộc về thế gian là những pháp thuộc về Tạng Kinh, Tạng Luật, và những pháp người ta nói ra mà không phạm luật, không nói dối, không trộm cắp (có giữ giới), thì đó gọi là pháp Tục Đế.

Pháp nào là pháp Chân Đế:

1. Pháp Tứ Đế.

2. Pháp Siêu Lý.

Pháp Tứ Đế gồm có 2:

 1. Pháp Tứ Đế thuộc về phàm nhận biết được gọi là Tứ Diệu Đế. Pháp Tứ Đế  (Catudisa Sacca) (Cattaro Sacca) (Khổ, Tập, Diệt, Đạo)

 2. Pháp Tứ Đế thuộc về Thánh chứng đắc được gọi là Tứ Thánh Đế (Catu Ariya Sacca) Catu = tứ, Ariya = Thánh, Sacca = Đế

Pháp cho người phàm nhận biết được là, khi chúng ta nói chuyện trong đời này, tôi, anh, chị, cô, bác, mình giữ giới không sai trật thì khi đó mình đang nói về Tục Đế.

 - "Hôm qua tôi đi chợ thấy chị ngoài đường" là Tục Đế, 

- "Tôi thấy bà đó đi vô chùa" là Tục Đế, những lời nói này là của phổ thông của thế gian.

Qúi Phật tử hiểu biết Tứ Đế một cách phàm phu, còn Đức Phật, chư vị Thánh Văn, Alahán hiểu Tứ Đế một cách Thánh Đế. 

Cái khổ trong đời này có 8 là, sanh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, oán tấn hội, cầu bất đắc, ngũ uẩn là nhân sanh khổ

- Sự thật về sanh 

- Sự thật về già

- Sự thật về bệnh

- Sự thật về chết 

Do đó, Tứ Đế này về Khổ mình không biết, Nhân Sanh Khổ mình không biết, Tập Khổ mình chưa thấy, Diệt Khổ mình chưa thấy, Đạo Đế mình chưa hành mình chưa rõ.

Còn các bậc Thánh, nhị tam tứ quả, sơ đạo, nhị đạo, tam đạo, tứ đạo, sơ quả, nhị quả, tam quả, tứ quả, được thấy, được chứng đắc, được rõ biết, như họ đã có chứng đắc.

Do đó mình biết Tứ Diệu Đế, còn các Ngài là Tứ Thánh Đế.

Siêu Lý là gì? 

Pháp môn Siêu Lý là một pháp Chân Đế (Paramattha) 

Paramattha gồm hai nghĩa: Parama + Attha kết hợp lại thành một từ ngữ.

Parama là cao siêu

Attha là nội dung, là lý lẽ trong nội dung, nội dung cao siêu, ta gọi là siêu lý.

Như thế được gọi là pháp Siêu Lý, có ba ý nghĩa:

1. Thứ nhất, đặc biệt không thay đổi.

2. Thứ hai, cảnh của trí tuệ cao siêu hay còn gọi là đối tượng của trí tuệ cao siêu.

3. Thứ ba, chủ của mọi Pháp Chế Định

Nên được gọi là Siêu Lý.

Thế thì, ở thế gian này chúng ta được nghe mọi pháp đều là Vô Thường sanh diệt đổi thay, không có pháp nào tồn tại như một, tại sao pháp Siêu Lý dám nói là đặc biệt không thay đổi, bất chấp định luật vô thường, đối diện pháp vô thường mà không sợ thay đổi. 

Pháp Siêu Lý có bốn pháp:

1. Thứ nhất là Tâm.

2. Thứ hai là Tâm Sở, thành phần phụ thuộc của Tâm

3. Thứ ba là Sắc Pháp

4. Thứ Tư là Niết-bàn

Nói tới Pháp Siêu Lý là phải nói tới bốn pháp, Tâm, Tâm Sở, Sắc Pháp và Niết-bàn. 

Như vậy, nói tới Tâm, đặc tính của Tâm đặc biệt không thay đổi là: quá khứ, hiện tại và vị lai, như tâm tham thì qúa khứ, hiện tại, vị lai, đặc tính của tham là dính mắc vào đối tượng không thay đổi. Tâm thấy cảnh dính mắc liền đó là tính tham, quá khứ, hiện tại, vị lai, nó cũng dính mắc. Như vậy thì quá khứ của tâm là biết, hiện tại của tâm là biết, vị lai của tâm là biết, không thay đổi, đó là Tâm Siêu Lý. 

Như vậy, tâm bất thiện thì đặc tính của nó biết điều xấu 

Tâm thiện, đặc tính của nó biết điều tốt 

Tâm phàm, đặc tính của nó là biết chuyện thế gian

Tâm Thánh, đặc tính của nó là biết chuyện xuất thế gian 

Qúi Phật tử không thể nào nói, tâm Thánh mà dính mắc chuyện thế gian được, bởi vì đặc tính của tâm Thánh là giải thoát, đặc tính của tâm phàm là dính mắc chuyện trong đời, tâm bất thiện là nghĩ chuyện xấu, tâm thiện là nghĩ chuyện tốt.

Quá khứ, hiện tại, vị lai, đặc tính của tâm Siêu Lý là không thay đổi là biết cảnh. 

Đặc tính không thay đổi của tâm là biết cảnh 

Đặc tính của tâm sở là thành phần phụ thuộc của tâm.

Có một ly nước, bỏ chanh vào, gọi là nước chanh, thêm đường vào, gọi là nước chanh đường, bỏ đá vào, gọi là nước đá chanh đường.

Như vậy thì ly nước là nguyên thủy của nó, bỏ gì vào thì tên được thay đổi.

Tâm là nguyên thủy của nó, + tham thì gọi là tâm tham + bỏn xẻn = tâm tham bỏn xẻn

Bây giờ; Tâm thêm sự thấy sai gọi là tà kiến thì gọi là tâm tà kiến

Nguyên thủy của nó là tâm, cộng thêm tham, bỏn xẻn, tà kiến là thành phần phụ thuộc của tâm.

Khởi nguyên đầu tiên tâm là một đơn vị độc lập nhưng bỏ thêm nhiều cách vô những thành phần phụ thuộc của tâm sở.

Tâm, khi qúi phật tử gặp đối tượng không ưa thích thì qúi phật tử sân, mà nếu đối tượng mình thua họ thì tật đố, mình ghét họ vì họ hơn mình, mạnh hơn mình, giàu hơn mình thì đó là tâm sân tật đố

Tâm + Sân + Tật Đố.

Thì những, sân, tật đố gọi là thành phần phụ thuộc của tâm hay gọi là tâm sở.

Một chiếc xe  gồm 4 bánh, 1 tay lái, kèn, thắng, bao gồm lại thành một chiếc xe.

Do đó khi một tâm không thể có một đơn vị độc nhất của nó trong đời, nó phải có nhiều thành phần kết hợp lại để có được tên gọi một cái tâm ở trong đời được.

Như vậy khi qúi Phật tử nói tâm này là tâm tham, tâm này là tâm sân, tâm này là tâm si thì phải có những thành phần phụ thuộc của tâm là tham, sân, si kếp hợp với tâm hiện bày được gọi tên.

Thí dụ một người nam, một người nữ thì phải có những gì để thành người nam người nữ phân biệt nhau mới được, đó gọi là thành phần của con người, thành phần phụ thuộc của tâm gọi là tâm sở, không thể nói một cách độc lập của nó được.

Vậy thì tâm có mặt phải có phần phụ thuộc gọi là tâm sở kết hợp với nó được gọi là phụ thuộc của tâm.

Như vậy tâm sở, quá khứ, hiện tại, vị lai có đặc tính của nó là không thay đổi là: Tứ Đồng: 

1. Đồng sanh với tâm, 

2. Đồng diệt với tâm, 

3. Đồng nương một thần kinh với tâm, 

4. Đồng biết một cảnh với tâm

Nên gọi là tâm sở.

Một tâm sở có 4 nghĩa, tứ đồng: đồng sanh với tâm không trước không sau, đồng diệt với tâm không trước không sau, đồng nương vào một thần kinh với tâm không sai biệt, đồng biết một cảnh với tâm, đó là tứ đồng.

Như thế, bốn bánh xe này nó cùng ra một lược với chiếc xe, tay lái cùng ra một lược với chiếc xe, cái kèn ra một lược với chiếc xe, cái thắng ra một lược với chiếc xe, đó là những phụ tùng cùng ra một lược với chiếc xe, chiếc xe được gọi tên, những tâm phụ thuộc (tâm sở) với tâm cùng ra một lược với tâm thì tâm được gọi tên.

Vậy thì khi qúi Phật tử có một tâm biết cảnh có nhiều yếu tố kết hợp vô để tâm tự biết cảnh một cách đầy đủ hơn, chớ không phải một mình nó tự biết cảnh được, không thể một mình nó tự biết cảnh được.

Một người Phật tử đơn giản là người đơn tính, người đơn tính thì đời sống nhẹ nhàng, nhiều an vui

Một người đa giản là người đa tính thì đời sống nhiều rắc rối , nhiều hệ lụy. 

Đây là nói về tâm lý, khi con người sống đơn giản người đó đi pháp hành dễ mau thành công, người sống đa giản đa tính đi pháp hành khó khăn có nhiều trở ngại. Trong đời sống hàng ngày trên thực tế người mà sống đơn giản lúc nào cũng cảm thấy nhẹ nhàng không có sự cố chấp, không có sự dính mắc, không có sự câu nệ, không có sự chấp nê, người sống thong thả thoải mái, ung dung tự tại, tất cả bỏ hết, đó là người đơn giản. Còn cái gì cũng chấp vô, đó không phải là người đơn giản, mà là người đa giản.

Khi vô ngồi thiền, khi nghe nhận biết nghe, khi tê nhận biết tê, nhưng có người không chịu lại phàn nàn than thở "tê quá là tê, tê ghê lắm" đó là người khó thành đạt.

Bây giờ là giờ hành thiền. Sư huớng dẫn qúi Phật tử cách hành thiền.

1) Thứ nhất. Nếu qúi Phật tử không quen ngồi kiết già, hay bán già, hay là trạng thái ngồi hai chân đè lên nhau, thì ngồi ngang hai chân phải trái bằng nhau không cao không thấp, đó là thứ nhất.

2) Thứ hai. Hai bàn tay để tay dưới tay trên, tay nào nằm trên tay nào nằm dưới cũng được.

3). Muốn tập cho mình giữ chánh niệm để không bị thất niệm không bị mất niệm thì để hai ngón tay cái đụng vào nhau, khi ngồi một thời gian bị hôn trầm tay sẽ rớt ra, do đó mình giữ hai tay đụng vào nhau là để giữ chánh niệm chứ thực ra nó không có ý nghĩa gì cả.

Nếu như qúi Phật tử ngồi không quen thì hai tay để thả xuôi giống như Ngài Mahasi, qúi Phật tử để hai tay xuống rờ hai chân của mình để giữ chánh niệm. Thì khi qúi Phật tử để tay như vậy là để giữ chánh niệm.


Ngài mahasi-sayadaw

4) Qúi Phật tử giữ lưng cho thẳng, không cho phép ngồi thụng, cố gắng ngồi thằng, ngồi trên ghế cũng được nhưng làm sao cho lưng mình thẳng, khi nào thấy mình rơi vào tình trạng ngồi thụng thì nhẹ nhàng sửa lại, cái cổ của mình cũng không gục xuống, cái đầu phải thẳng, nếu đầu gục xuống thở không được đều. 

Bắt đầu qúi Phật tử thở vô thở ra bình thường, 

1). Đầu tiên qúi Phật tử nhớ niệm "Con xin quy y Phật, con xin quy y Pháp, con xin quy y Tăng" 3 lần, 

2) Kế đến, niệm giới không trộm cắp không sát sanh không tà dâm, 

3) Kế đến, rải tâm từ "mong cho tôi luôn được an vui, mong tất cả chúng sanh luôn được an vui, mong tôi không oan trái với ai, mong rằng tất cả chúng sanh không có oan trái". 

4) Rải tâm từ xong thì bắt đầu quán niệm "Tất cả chúng sanh có sự chết cuối cùng, tôi cũng có sự chết cuối cùng.

Sau khi hoàn thành bốn pháp trên, qúi Phật tử bắt đầu niệm hơi thở vô hơi thở ra, theo dõi hơi thở vô hơi thở ra, thở vô biết thở vô, thở ra biết thở ra

***

Sau một tiếng lớp thiền chấm dứt. Sư nhắc lại bài học hôm nay. 

Khi học Abhidhamma ta biết được, cái gì ở trong ta, cái gì ngoài ta, và cái gì ta muốn thành đạt. Ngay khi qúi Phật tử sắp ho, qúi Phật tử biết trong ta muốn ho, sắp sửa ho, bắt buộc phài ho, không cản được ho, là cái gì trong ta. Khi qúi Phật tử ho và thấy được cái gì trong ta giải đáp được rồi. Và ho là một pháp, trạng thái ho ra sao, phận sự của ho ra sao, sự thành tựu của ho ra sao và nghe được tiếng ho ra sao, ta nắm được ngay trong buổi ngồi thiền này.

Cái gì ngoài ta, ta nghe được âm thanh bên ngoài ta là ho, đó là cảnh duyên đến với ta, tâm ta được nghe, ta chú ý tâm đang nghe, cảnh duyên đến ta, ta nghe, mà nếu ta là người đơn tính khi nghe gát bỏ, nếu ta là người đa tính, ta sẽ nghĩ ai đang ho vậy, thấy liền ngoài ta.

Cái gì ta muốn thành đạt, ta muốn chú tâm trong đề mục thiền, ta theo dõi hơi thở, ta bỏ trạng thái muốn nghe, ta không có muốn nghe, hay trạng thái ta đang muốn ho, trạng thái bị ho, ta phải buông bỏ điều đó và trở lại nhìn vào hơi thở, cái gì ta muốn thành đạt là phải chú tâm. Như vậy là qúi Phật tử áp dụng được pháp Abhidhamma.

Trong khi chúng ta ngồi thiền thì chúng ta thấy cái gì đặc biệt không thay đổi đó là tâm, tâm của ta hay để ý hay nghe, hay chú ý để được biết tất cả, ôm hết tất cả, đó là người đa tính.

Sau khi ta học bài pháp Abhidhamma xong ta ngồi thiền để áp dụng liền, phân tách ra liền, thấy liền, cái đó là ứng dụng được Pháp Học vô Pháp Hành. 

khi ngồi thiền:

1- Thấy trong ta là chân tê, tâm ta biết khó chịu, 

2. Tâm ta biết ngoài ta là chân ta đang tê, 

3. Tâm buông bỏ cái chân tê

4. Cái gì ta muốn thành đạt, là chú tâm vào hơi thở, theo dõi hơi thở, bỏ tê không để ý tới cái tê, tập trung trở lại hơi thở.

Mọi sự copy, phát tán, in ấn nếu không được sự đồng ý của Minh Hạnh là bất hợp pháp, là phạm Giới lấy của không cho. Vv..

Chấm dứt bài Vi Diệu Pháp 01 tại đây./.


No comments:

Post a Comment