Sunday, May 16, 2021

Chữ kham nhẫn phải chăng là sự chịu đựng? - TT Giác Nguyên

 Chữ kham nhẫn phải chăng là sự chịu đựng?

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Nguyên: Có thể ai trong chúng ta đi chùa cũng vì lý do duy nhất đó là cầu phúc xây dựng công đức cho riêng mình, nhưng mà có thể một thời pháp hay một câu nói của Chư Tăng làm cho mình bị sock đó cũng là cái thiệt thòi cho mình. Mình bị sock mình không tiếp tục đi chùa nữa, không tiếp tục nghe pháp nữa. Chúng tôi có được biết là có một số Phật tử đi vào paltalk này nghe giảng rồi sau đó trong một lúc họ được nghe Chư Tăng trả lời những câu thắc mắc,  vô tình chạm phải tự ái nào đó của họ, đụng mụt nhọt ngã chấp nào đó của họ, thế là họ không vào nghe pháp nữa, họ qua một rơom khác, họ dùng một nick khác v.v... thì trường hợp đó là trường hợp mình bị bịnh mà mình không nhận ra cái bịnh của mình.

Phải nhận rằng có một điều chúng ta không để ý, đó là khi được người khác khen mình không có khả năng kham nhẫn. Chúng tôi sở dĩ phải nói như vậy là chúng tôi muốn gợi ý một chuyện rất quan trọng đó là chữ "kham nhẫn" xưa nay thường bị người Phật tử hiểu một cách rất chật hẹp. Đó là, chữ kham nhẫn mình nghĩ rằng là sự chịu đựng, cái sự chịu đựng trước những thử thách cay đắng nghiệt ngã của cuộc đời, trước những tấn công của cuộc đời vào trong ngã chấp của mình, và sự chịu đựng trước những tấn công cay đắng đó thì mình gọi là sự kham nhẫn. Nhưng thực ra thì theo trong kinh điển chữ kham nhẫn nghĩa rất rộng, tức là sự chịu đựng sự can cường trước mọi áp lực của phiền não dầu đó là tham hay là ưu đều gọi là kham nhẫn.

Thí dụ như trước một sự cám dỗ lớn mà mình vẫn có đủ hùng trí vượt qua đó vẫn gọi là kham nhẫn.

Trong chữ Hán có chữ gọi là chữ kham và một chữ nữa là chữ cam tức là sự chịu đựng, ở trong Pali có chữ khanti nghĩa là nhẫn nhục cũng bắt đầu bằng chữ khan. Đó là sự trùng hợp rất thú vị và nó cũng là một yếu tố ngữ học giúp cho mình dễ nhớ, một bên là chữ kham hay là chữ cam, một bên là chữ khanti. (Sự trùng hợp này dĩ nhiên là sự ngẫu nhiên tình cờ trong ngữ âm thôi nhưng nó gợi ý cho mình rất lớn)

Thì sự chịu đựng, sự dằn lòng trước một cám dỗ vẫn là kham nhẫn, mà sự chịu đựng sự dằn lòng trước sự thử thách nghiệt ngã cũng là kham nhẫn. Khi mình được người khác khen mà mình không có tự chủ mình, để lòng chiều theo đam mê đắm đuối thích thú trong đó nó quen tật quen thói rồi. (chúng tôi phải sài chữ đó nặng như vậy) Thì đến khi bị người khác họ chê họ chửi mình chịu không nổi, bởi vì sao, vì mình là một đứa bé ở trong trường đời quen ăn ngọt, nghiện ăn kẹo bánh, mình không tự chủ trước bánh kẹo trước những vị ngọt của trần gian, thì khi gặp vị đắng mình chịu không nổi, con nít nó mê kẹo bánh bao nhiêu thì khi nó bị rơi vào hoàn cảnh mà phải uống thuốc đắng nó rất là đau khổ, sự đau khổ cũng lớn bấy nhiêu. Còn người lớn mình thì khác, trước những vị ngọt của bánh của kẹo, mình có sự tự chủ, mình có khả năng kiềm chế, thì chính khả năng đó nó vô tình sẽ trở thành một ngưồn tâm lực để mình có thể chịu đựng được hoàn cảnh phải uống phải ăn vị đắng vị chát vị cay vị mặn, trong trường hợp mình phải uống thuốc. 

Đó là một kinh nghiệm tu chứng rất quan trọng. Mà cái gì Đức Phật Ngài dạy ra cũng là do chúng ta chưa có thời giờ, chưa có cơ hội hoặc mình chưa có chịu tu học thì mình không có hiểu được tôn ý của Thế Tôn, tất cả lời dạy của Đức Phật đều có một dụng ý rất quan trọng và sâu sắc.

 Sự chánh niệm tỉnh giác của một hành giả trước mọi cảnh đời ngọt ngào hay cay đắng mà Đức Phật đã dạy trong kinh Niệm Xứ có một giá trị tuyệt đối quan trọng, đó là: hễ khi mình có sự bình tỉnh ở trong vị ngọt thì mình cũng sẽ có được sự bình tỉnh trong vị đắng, khi có những người khen mình mà mình chịu được thì khi bị chê mình cũng chịu được, khi người ta khen mình mà mình chịu được, thì khi người ta nhắc nhở dạy dỗ mình bằng một phương thức nghiêm khắc mình cũng có thể chịu đựng, vì sao? Vì nói theo ngôn ngữ của đời thường thì chúng ta đã có được một sự trưởng thành trong tâm tưởng, chúng ta đã có một sự già dặn trong khả năng chịu đựng cuộc đời. Bão tố đời sống nó vốn được khởi đi từ những cơn gió nhẹ, cơn bão nào cũng bắt đầu từ những cơn gió cả. Những lời giáo huấn hoặc những lời chỉ trích có thể được bắt đầu từ câu nói nhẹ của ai đó mà chúng ta không có lòng quen được, đến khi chúng ta gặp phải những trường hợp mà dư luận cuộc đời hay gặp phải lời chỉ trích hay những lời giáo giới nghiêm khắc cứng rắn chúng ta không chịu được. 


No comments:

Post a Comment