Monday, May 24, 2021

Đời sống chỉ xoay quanh những ý niệm về "Ngã" và "Ngã Sở" - TT Giác Nguyên

 Đời sống chỉ xoay quanh những ý niệm về "Ngã" và "Ngã Sở"

Trích đoạn được Minh Hạnh chuyển biên bài pháp kinh Pháp Cú bài Kệ Ngôn 62 do TT Giác Nguyên giảng

TT Giác Nguyên: Người không có trí tuệ trong chánh pháp thì thường hay trăn trở âu lo, tất cả những ưu tư trong đời sống chỉ xoay quanh những ý niệm về "Ngã", "Ngã Sở". Chúng tôi cũng đã từng nói rằng tùy vào sở hữu của mình, tùy vào ý niệm chấp thủ của mình mà cái khổ của chúng ta lớn hay nhỏ, một người chỉ có một thân một mình thôi, không có thân nhân bè bạn thì cái âu lo của chúng ta trong đời sống chỉ xoay quanh về bản thân mình, nhưng nếu một người có thân nhân bè bạn con cái quyến thuộc tài sản càng nhiều thì cái khổ của người đó càng lớn .

Đối diện trước tất cả đau khổ khốn đốn đó thì mỗi người tìm đến một biện pháp để  giải quyết  đau khổ, thoả mãn lý tưởng trốn khổ tìm vui của mình. Và mỗi người có cách đầu tư riêng, người đầu tư tức là đi tìm kiếm tiền bạc, người đi tìm kiếm tài sản, người đi tìm kiếm những trò chơi khoái lạc, và khi chúng ta tìm kiếm cái gì nếu thủ đắc được cái đó thì chúng ta khư khư giữ cái đó như là tài sản của mình.

Cho nên chữ tài sản ở đây chúng ta phải hiểu rộng là rộng như vậy đó, rộng ở đây có nghĩa là ai mà đi tìm hướng giải quyết đau khổ bằng cách chiếm hữu dục lạc thì họ xem dục lạc là tài sản của họ. 

Ai mà đi giải quyết đau khổ bằng cách là tích lũy tài sản tiền bạc châu báu thì châu báu đó chính là tài sản của họ. 

Ai giải quyết đau khổ bằng cách là tu tạo các phước báu để cầu vọng các cảnh giới tái sanh nhân thiên thì các phước báu đó chính là tài sản của họ.

 Ai mà tha thiết tích lũy kiến thức Phật Pháp rồi khi thủ đắc được ít nhiều kiến thức đó thì kiến thức đó cũng là tài sản của họ. 

Ai đó giải quyết đau khổ bằng cách tu tập các tầng thiền định Sắc Giới, Vô Sắc Giới rồi đam mê chấp thủ trong đó khi mình đã chứng đạt được trong đó, chứng đạt được một hay nhiều hoặc tất cả các tầng thiền đó, thì tất cả các tầng thiền mà mình thủ đắc là tài sản của mình.

Trong Trung Bộ kinh viết thí dụ về "Lõi cây",  Đức Phật cũng dạy,  có những người buổi đầu  mang tâm nguyện lý tưởng đi tìm cứu cánh giác ngộ giải thoát nhưng khi có được cứu cánh, khi đi xuất gia trong Phật Pháp này rồi thì họ lại được thiên hạ cúng dường lễ bái với các hình thức trọng vọng, hoặc là họ được những danh lợi trong đời tu thì họ xem danh lợi đó là mục đích cứu cánh sau cùng của lý tưởng tu hành, thì người này cũng giống như người đi vào rừng tìm lõi cây nhưng gặp cành lá rồi họ ôm ấp cành lá, họ chấp thủ cành lá đó, họ xem đó là lõi cây không đi xa hơn nữa. Rồi có những người đi tìm lõi cây mà họ chỉ gặp vỏ cây rồi họ xem vỏ cây cho đó là lõi cây. Có người thì xem giác cây là lõi cây. Có người khôn ngoan hơn khi họ tìm đúng lõi cây thì họ mới chịu dừng lại.

Đức Thế Tôn Ngài thuyết giảng trong thí dụ lõi cây rằng: Ngày nào chưa đạt đến cốt lõi cái lõi cây để giải thoát thì tất cả những thứ mà chúng ta có được trước đó hoàn toàn chỉ là cái bè dùng để qua sông mà thôi, ngày nào chưa được qua bên kia bờ giác ngộ thì chúng ta vẫn chỉ xem mọi thứ chỉ là từng cọng cỏ từng cái bè cây từng thân chuối mà chúng ta tạm dùng như một phương tiện trên con đường giải thoát.

Chúng tôi xin nhắc lời dạy của Đức Phật là, đối với một người có trí tuệ ở trong chánh pháp thì cần phải hiễu rằng tất cả những gì  chúng ta thủ đắc được trong cuộc đời này từ những tài sản tinh thần cho đến những tài sản vật chất thì tất cả đều cần phải được từ bỏ, ít nhất cũng về mặt tinh thần như chúng ta đã từng học qua về bốn hạnh viễn ly là:

Thân viễn ly mà tâm không viễn ly.

Tâm viễn ly mà thân không viễn ly,

Thân viễn ly mà tâm cũng viễn ly

Thân tâm đều không viễn ly.

Thì ít nhất nếu mình vẫn là một người đang còn là một người chồng, một người cha, một người vợ, hoặc là một người mẹ, là một người cư sĩ sống ở ngoài nếp sống thế tục thì không thể từ bỏ tài sản không thể từ bỏ tình cảm gia đình trước mắt được, ít nhất chúng ta cũng nên có một nội tâm chuẩn bị như Đức Phật đã dạy mỗi ngày người xuất gia cũng nên suy tư rằng tất cả những gì người hay vật mà chúng ta thương mến nó cũng sẽ bỏ chúng ta mà đi. 

Điều đó không riêng gì samôn mà ngay ở trong năm điều mà trong kinh gọi là 5 pháp thường quán, hoặc 10 điều tâm niệm của bậc xuất gia thì cũng có điều mà chúng tôi vừa nói đó là thường xuyên quán xét khả năng sinh ly tử biệt, mất mát đổ vỡ đã đành mà đối với năm pháp thường quán áp dụng cho cả hàng xuất gia lẫn tại gia, Đức Phật cũng có nhắc lại điều này tức là người Phật tử dầu tăng hay tục nên thường xuyên suy niệm rằng rồi đây tất cả những người, những vật, hoặc là những gì mà ta đang có đây nó cũng sẽ bỏ ta mà đi.

No comments:

Post a Comment