Wednesday, May 5, 2021

Nhân sanh trí tuệ - TT Sán Nhiên giảng

 Bài giảng: "Nhân sanh trí tuệ" là một bài giảng dài gần bốn tiếng do TT Sán Nhiên giảng, Minh Hạnh đã nghe và ghi chép lại từng đoạn, được đúc kết thành một bài viết, xin chia sẻ cùng qúi đạo hữu Thiện Tri Thức

Lời Nguyện

Con vừa hoàn tất việc chuyển biên bài Pháp "Nhân Sanh Trí Tuệ" do TT Sán Nhiên giảng, Nguyện đem công đức này hồi hướng đến tứ ân phụ mẫu, đến Chư thiên và tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo. Nguyện cho đời này và mãi mải những đời sau có chánh tín và chánh trí.

Namo Buddhaya

Phật tử Minh Hạnh

Mọi sự copy, phát tán, in ấn xin ghi tên người ghi chép

1). Sự xuất gia mang đến phước báu như thế nào?

Theo truyền thống các quốc gia Phật Giáo quốc tế như; Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan, ở làng nào, thành phố nào, tỉnh nào có người xuất gia thì qúi Phật tử tới tham dự buổi lễ rất đông, tùy duyên, người thì mang một miếng kẹo, một miếng bánh hay một cành hoa, họ tới dự lễ để có phước.

Buổi lễ xuất gia thường bắt đầu từ 9 giờ sáng, Phật tử vân tập tới thì làm lễ Tam Bảo, thọ giới, rồi lễ xuất gia, lúc đó có nhiều vị Sư đến làm lễ với nghi thức xuất gia, lấy y khoát lên đầu vị giới tử. Tại sao có nghi thức lấy y càsa trùm người giới tử, ngày xưa thời Đức Phật, khi quán tưởng về thể trược, tóc,  móng, lông, da, có một vị giới tử xúc động phỉ lạc quá nên thân họ bay bổng lên, Đức Phật và Chư Tăng phải kềm vị đó lại, tại vì sự phỉ lạc hoan hi làm họ khinh thân hỉ lạc, họ có thể nhẹ người bay bổng lên được, nên bây giờ truyền thống đó vẫn được duy trì.

Hồi xưa Sư xuất gia cũng vậy, Sư phụ sư cũng chụp sư lại sợ sư bay, đó là truyền thống.

Thì qúi Phật tử tham dự được coi lại truyền thống xuất gia nguyên thủy 2500 năm về trước tiếp tục được duy trì mãi tới ngày hôm nay và, còn tiếp tục cho nhiều thế hệ nữa. Do đó nếu mình có duyên mình nên dự lễ sẽ hoan hỉ thấy được truyền thống xuất gia như thế nào.

Ở Thái Lan, một giới tử xuất gia được cưỡi voi, rồi kèn, chuông, trống, đánh vang cả một vùng, mọi người đi theo người giới tử đó, cảnh tượng rất quan trọng lớn lao, như rước vua về làng. Khi vị giới tử đó rời voi bước xuống thì rắc bông hoa lên người vị đó, vị đó từ từ đi trên miếng thảm màu đỏ tiến vào trong chùa, rồi giới tử làm lễ với Thầy Tổ, với Chư Tăng, rồi bắt đầu xin giới, rồi Chư Tăng truyền giới, rồi vị giới tử được khoát y áo casa.

Đó là nghi thức truyền giới từ xưa, khi Sư qua Thái Lan lần đầu Sư thấy trong làng nhà nào dân chúng cũng treo bông treo hoa, hỏi các vị Sư trong chùa thì được biết hôm đó có 2 vị giới tử xuất gia, một hồi thấy hai con voi trên đó có hai vị giới tử ngồi, gia đình đi theo chung quanh con voi. 

Có câu "Nhất thân hành đạo cửu huyền thăng" nghĩa là một người xuất gia là cả dòng họ thân bằng quyến thuộc chín đời được xiêu thoát được an lạc, nếu còn trong cảnh đau khổ, cảnh địa ngục, người đó xuất gia thì cả dòng họ thoát khỏi cảnh đau khổ, nếu như còn đang tại tiền thì tăng phúc tăng thọ tai qua nạn khỏi, do đó một người xuất gia phước của người xuất gia làm cho thân bằng quyến thuộc đầy đủ phước báu.

Tại vì xuất gia người đó trở thành con của Đức Phật, mà con của Đức Phật hưởng tài sản của Đức Phật thì Chư Thiên sẽ gia hộ, tại vì Chư Thiên hoan hỉ khi  có người kế thừa tài sản giáo pháp của Đức Phật.

 Do đó, ý nghĩa xuất gia quan trọng và có nhiều phước báu đến gia đình quyến thuộc của người xuất gia. 

2). Nghiên cứu để hiểu biết về trí tuệ. 

Hôm nay Sư đi chậm từng bước cho qúi Phật tử nghe. 

Trí tuệ, hay huệ, hay tuệ, tiếng Pali là pañña hay là Ñāṇa nghĩa như nhau, dù trí hay trí tuệ hay là huệ đều có chung một nghĩa, tuy dùng từ ngữ khác nhau.

Trí tuệ là sự hiểu biết rõ ràng, khi nào chúng ta có sự hiểu biết rõ ràng là chúng ta có trí tuệ. Khi nào chúng ta chưa có sự hiểu biết rõ ràng thì chúng ta chưa có trí, chưa thông suốt, tiếng Nho gọi là liễu tri hay là thấu triệt, tiếng VN nói là hiểu biết rõ ràng, tiếng Anh là wisdom. Chúng ta chưa hiểu biết thì ta chưa có trí, mà hiểu biết rồi mà chưa được rõ ràng cũng chưa gọi là có trí. 

Hiểu biết lờ mờ, hiểu biết chưa tường tận, hiểu biết chưa được thấu triệt, hiểu biết chưa được thông suốt, như vậy là chưa đủ trí, trí chưa đủ, do đó chúng ta phải làm sao biết cho rõ ràng, phải thấu triệt tức là xuyên suốt, không có gì ngăn cách hay cản trở chúng ta được, liễu tri tường tận, minh xét rõ ràng. Đó là ý nghĩa của trí tuệ.

Một pháp nào sanh lên ta phải có bốn yếu tố của nó;  

1 - Một là trạng thái, 

2 - Hai là phận sự, 

3 - Ba là sự thành tựu, 

4 - Bốn là nhân cần thiết. 

Bất cứ một pháp nào sanh lên, cũng phải có những yếu tố này để chúng ta nhận định được pháp đó.

1 - Trạng thái là gì? 

Là chúng ta phải biết đặc tánh của pháp đó để phân biệt được. Thí dụ, muốn nhận định một con người thì chúng ta nhận định anh này cao, ông kia thấp, bà này mập, người kia ốm, chúng ta mới nhận ra được con người đó, mà chúng ta không biết được người đó thì làm sao biết nhận định, ông này tóc đen, bà kia tóc vàng, ông kia tóc trắng, ông kia tóc nâu. Đó là chúng ta nhận định được trạng thái đặc tánh của con người đó ra sao. 

Thì trí tuệ, đặc tính của trí tuệ là gì? Là liễu tri, là thấu suốt, là mọi pháp thực tính. 

Tại sao gọi là pháp thực tính. Cái gì là những pháp thực tính? Là những pháp như thật của nó không thay đổi. 

Thí dụ, chúng ta nói khổ, thì bao nhiêu trạng thái khổ chúng ta được biết?, chúng ta không biết rõ được.

Trạng thái khổ của ta sẽ không giống như trạng thái khổ của người kia, trạng thái khổ của người cha sẽ không giống trạng thái khổ của người mẹ, trạng thái khổ của cha mẹ không giống như trạng thái khổ của người con, mỗi trạng thái khổ đều khác biệt nhau, làm sao chúng ta thấy được thế nào là khổ.

Thì thực tính khổ khác nhau của mỗi người. 

Như vậy, sanh ra là khổ, từ hồi trong bụng mẹ và đến lúc sanh ra là khổ. 

Già là khổ. Tại sao vì già là khổ? vì ta không muốn già. Không ai muốn già, vì ai cũng muốn trẻ mãi không già, do đó hiện tượng thay đổi như vậy nên làm cho ta khổ. Đức Phật nói đó là một thực tính, vì không thay đổi được, chúng ta muốn trẻ mãi mà không được, hiện tượng phải đi tới già. Khi hiểu rõ như vậy chúng ta có trí. 

Do đó, khi tuổi già đến ta không muốn mà ta không làm được gì khác hơn là phải tu tập.

Bệnh là khổ. Chúng ta  ai  ai đều muốn khỏe mãi, muốn trẻ mãi không già. Đó là pháp thực tính. Khi chúng ta thấy được điều đó thì gọi là liễu tri, thấu suốt. 

Pháp thực tính là gì? Là chúng ta không thay đổi được sự thật của nó gọi là thực tính, tiếng Pali là svabhāva dhamma. Thí dụ như cái chợ chúng ta lập ra mà ngày mơi không đồng ý chúng ta có thể đóng cửa chợ này, hay dời chợ qua bên kia, đó không phải là thực tính. 

Cái già cái bệnh cái chết chúng ta không thay đổi được, đó gọi là thực tính. Chúng ta không cần tốn nhiều trí tuệ lo những chuyện không phải thực tính trong đời này, đó là chuyện sanh diệt của chúng sanh và sự chế định của con người đặt ra làm sao thì làm nhưng chúng ta phải đối diện với cái gì thực tính, trong con người của ta, trong con đường tu tập của ta mới có trí tuệ, do đó trí tuệ rất cần thiết có giá trị và qúi báu chúng ta phải dùng trí làm những chuyện hữu ích và thiết thực,

 Do đó, trạng thái của trí tuệ là liễu tri thực tính. 

2 - Thứ hai là phận sự. 

Phật sự có 2 chức năng: thứ nhất là sát trừ, sát trừ là tính mạnh hơn trạng thái diệt trừ, dùng chữ sát trừ như sát trừ sự mê mờ, đó là đặc tính phận sự thứ hai của nó, trí tuệ nó sinh ra phải sát trừ sự mê mờ và phải thấu triệt đối tượng một cách rõ ràng, thấu triệt đối tượng hay là cảnh một cách rõ ràng, chứ không mê mờ nữa.

Khi qúi Phật tử học Pháp ở đây, qúi Phật tử thấu triệt một cách rõ ràng không. Khi học Pháp điều nào không hiểu thì phải hỏi để hiểu cho thấu triệt cho rõ ràng, do đó, hôm nay Sư muốn nói những phương pháp nào làm cho chúng ta nhân sanh trí tuệ, sư nhắc lại từng chút từng chút.

Phật sự của trí tuệ là sát trừ sự mê mờ, việc chưa rõ chưa thông suốt phải diệt trừ không cho phép để lại trong tâm trí ta nữa, học cũng vậy, hành cũng vậy, khi nào ta chưa thống nhất, chưa thấy rõ, phải diệt trừ liền, chúng ta phải thấu triệt bằng cách đó. Đó là phận sự của trí tuệ.

3 - Thứ ba là, sự thành tựu.

Sự thành tựu của nó là gì? Là không còn sự mê mờ. Không còn sự mê mờ là một phần, phần thứ hai của trí tuệ là gì? không còn nhiễu đắm cảnh cảnh thế gian. Khi trí tuệ sanh lên chúng ta thấy rõ ràng, chúng ta không còn mê mờ nữa, đó là sự thành tựu của trí. Khi nào chúng ta chưa có trí chúng ta còn mê mờ còn lầm lạc và còn bị nhiễm đắm.

Đức Phật Ngài dạy rằng; tất cả pháp trên thế gian ở trong đời này đều luôn luôn bị chi phối bởi tam tướng; vô thường, khổ, vô ngã. Khi chúng ta không có trí, chúng ta không thấy được sự thật như vậy, chúng ta cứ nghĩ rằng các pháp này luôn là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Vô thường thì cho là thường hằng, khổ thì cho là lạc, Ngã thì cho là vô ngã, bất tịnh thì cho là tịnh.

Thường Lạc Ngã Tịnh qúi Phật tử có thấy đúng sự thực như vậy không, không có, nếu sự thực qúi Phật tử đưa con mắt nhìn qua từ trong thân thể của ta và, trong nhà ta thân bằng quyến thuộc ta, không thấy sự thường hằng đó tồn tại trong mỗi phút giây, qúi Phật tử ngồi tại đây mỗi phút giây đều có sự thay đổi, khi nãy ta trẻ hơn, giờ ta bắt đầu già hơn, hồi sáng ta khỏe hơn bây giờ ta ngồi nãy giờ hơi mệt rồi. Do đó mỗi phút giây đi qua chúng ta không lấy lại được. Đức Phật Ngài nói thời gian luôn trôi qua ngày đêm luôn di động, tuổi trẻ bỏ lại chúng ta tiến dần đến sự chết.

Do đó, chúng ta có trí, đừng có sự mê mờ và nhiễm đắm những gì ở trong đời của chúng ta nữa, tại vì chúng ta có nhiễm đắm đi nữa, có gìn giữ đi nữa nó cũng không được tồn tại theo ý của ta. Quí Phật tử muốn bám lấy sự sống được tồn tại, cho dù một trăm năm đi nữa qúi Phật tử cũng không giữ được nó, đó chỉ là sự tương đối sự mong cầu của ta thôi, nó từ từ bắt đầu buông ta, nó từ bỏ ta ra đi.

4 - Thứ tư, nhân cần thiết.

Đức Phật Ngài nói chúng ta phải có an tịnh mới nhân sanh trí tuệ được, chúng ta tán loạn lao chao, suy nghĩ nhiều quá, lo nghĩ nhiều quá, lo nghĩ chuyện này lo nghĩ chuyện kia, tán trí hết. Nhân sanh trí tuệ chúng ta là phải an tịnh, thứ hai chúng ta phải có như lý tác ý. 

Thì sự an tịnh đến với ta, qúi Phật tử có nhớ câu Thủy thái thanh tắc vô ngư, nhân đa sự tắc vô trí - nước trong quá không có cá ở, người lo nhiều việc trí bị tán, nhất là những người ở trong hoàn cảnh khốn khổ ở VN có nhiều người nhiều gia đình khổ vô cùng, vợ thì sinh nở, con thì đau ốm mà chồng thất nghiệp ba cái khổ trong cuộc đời, họ không còn cái gì để tỉnh táo sáng suốt được nữa, lo đời sống đầu tắt mặt tối đồng tiền kiếm để mưu sinh không còn thì giờ để tu tập trí tuệ không có được nữa 

Chúng ta ôm tồm nhiều sẽ không còn trí tuệ, học sinh lên trường học mà nhiều bài quá học cũng không vô nổi, mấy sư mấy phật tử học nhiều quá cũng hoảng loạn.

Tóm lại:

Phải an tịnh, tác ý khôn khéo, không nhiễm đắm cảnh thế gian, không có sự mê mờ, chúng ta cần có sự sáng suốt, phải thấu triệt cảnh một cách rõ ràng và, không có trạng thái lầm lạc sai lầm tất cả các pháp thực tính.

3). Tám sức mạnh cần biết 

Đức Phật Ngài dạy trong kinh Tám Chi, tám sức mạnh chúng ta cần phải biết.

1. Sức mạnh của trẻ thơ.

2. Sức mạnh của người phụ nữ.

3. Sức mạnh của kẻ cướp.

4. Sức mạnh của nhà vua.

5. Sức mạnh của kẻ ngu.

6. Sức mạnh của bậc hiền trí.

7. Sức mạnh của bậc đa văn quảng kiến, nghe nhiều học rộng.

8. Sức mạnh của bậc sa môn (của vị xuất gia).

Trong tám sức mạnh này, chúng ta ở trong sức mạnh nào?

1 - Sức mạnh của trẻ thơ là gì?

 Ai cũng biết trẻ thơ mới mở mắt ra chào đời, lúc bấy giờ trẻ thơ có một sức mạnh phi thường làm rúng động tất cả mọi người lớn, không người nào mà không rúng động với nó, sức mạnh của trẻ thơ là tiếng khóc.

2. Sức mạnh của người phụ nữ là gì?

Có câu "Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách, sắc bất ba đào dị nịch nhân" mưa không kiềm toả mà có thể kiềm lưu giữ khách lại, sắc của người phụ nữ không phải như sóng vỗ đánh vào bờ mà lại có thể làm đắm chìm bao chàng trai. 

Nhưng, đó không phải là lời dạy của Đức Phật mà, sức mạnh của người nữ là hay hờn dỗi. Người nam nào mà hay hờn hay giận như người nữ thì kiếp sau tái sanh làm người nữ. 

3. Sức mạnh của kẻ cướp là gì? 

Là vũ khí, kẻ cướp nào cũng có vũ khí tấn công người gia chủ.

4. Sức mạnh của nhà vua là gì? 

Là quyền lực hay là uy quyền.

5. Sức mạnh của kẻ ngu là gì?

 Là áp đảo không chịu sửa sai, áp đảo người khác, người ta xây dựng mình thì lại nói "kệ tui, kệ tui" không cho người khác xây dựng mình.

6. Sức mạnh của bậc hiền triết là gì? 

Là cảm hoá. Đối với bậc hiền triết họ mang tâm tư rộng lớn, họ muốn đến với tất cả chúng sanh là cảm hóa độ chúng sanh. Vì tình thương và trí tuệ họ đi đến với tất cả chúng sanh, họ đi tới đâu đem tình thương và trí tuệ ban cho mọi người được sự an vui và trí tuệ. Do đó sức mạnh của bậc hiền triết là cảm hóa.

7. Sức mạnh của bậc đa văn quảng kiến là gì? 

Là người nghe nhiều học rộng, có sự thẩm sát, sự xét đoán, sự suy nghĩ, sự suy tư, sự động não. 

Sư nói điều này, mỗi khi mình nghe, Thầy kia nói điều gì mình nghe, mình bắt đầu có sự thẩm sát, sự phán đoán xét soi lại. Như chúng ta thấy ở môi trường hôm nay có trăm hoa đua nở, Sư nào cũng thuyết pháp, kinh sách nào cũng có in ra, khi chúng ta có sự đa văn quảng kiến là bắt đầu ta phải có sự thẩm sát rút tỉa những gì cần thiết nhất, đúng nhất, và hiệu quả nhất, hoặc lợi ích nhất, chúng ta mới đem về cho mình sự lợi ích.

 Do vậy sức mạnh của bậc đa văn quảng kiến là sự thẩm sát.

8. Sức mạnh của bậc Sa-môn là gì?

 Đối với bậc Sa-môn, Sư muốn nói không phải là dành riêng cho người xuất gia mà ngay cả các vị cư sĩ tu tại gia cũng là sa-môn nếu người đó tu tâm và trì giới. 

Đức Phật nói Samana, từ ngữ Samana người VN âm là Sa-môn. 

Ý nghĩa từ Sa-môn này có ba nghĩa: 

- Tu sĩ.

- Khất sĩ.

- Ẩn sĩ. 

Một vị đệ tử của Đức Phật luôn luôn gọi là bậc Sa-môn, lúc nào họ cũng mang trong người của họ ba nhiệm vụ hay ba đường lối tu tập  mới trở thành một bậc Sa-môn. Qúi vị đọc một quyển sách có đề là Sa-môn bắt đầu bằng chữ Thích, thì qúi vị nói vị này là Sa-môn là vị tu sĩ, là vị khất sĩ, là ẩn sĩ, nên qúi Phật tử cho rằng chữ Sa-môn dành cho người xuất gia, vậy thì từ Sa-môn chỉ dành riêng cho bậc xuất gia.

Xin thưa, không phải vậy. Qúi Phật tử cũng là bậc tu sĩ tu tâm, còn qúi Sư vị nào chỉ mặc y nhưng không tu tâm thì chỉ là tu tướng.

Trong kinh, trong tạng Luật nói rõ những vị Sư xuất gia mà chỉ có tướng không có tu tâm được ví như cái sào phơi y, qúi Phật tử không cần đảnh lễ vị đó bởi vị họ chỉ là cái sào phơi y, chừng nào người thực có giới, thực có đức hạnh thiệt chúng ta mới đảnh lễ vị đó thôi, do đó khi nào họ không có giới mà chỉ tu tướng họ duy trì cái y họ thôi thì họ chỉ là cái sào phơi y thôi không phải là người có giới đức không phải là người tu sĩ. Nhưng, qúi Phật tử là người tu sĩ bởi vì qúi Phật tử có trì năm giới là đáng được kính trọng rồi. Đức Phật Ngài nói đảnh lễ người đáng đảnh lễ, cúng dường bậc đáng cúng dường, cung kính bậc đáng cung kính nhất là bậc trì giới, còn những bậc không trì giới thì không đáng chúng ta đảnh lễ, như vậy qúi Phật tử là tu sĩ. 

 Còn khất sĩ thì qúi Phật tử không có. Một hôm Đức Phật Ngài đi bát bị ma vương án che không cho người dân cúng dường, nên Đức Phật không đi bát được, Ngài ra gốc cây ngồi thì ma vương hỏi:

- Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay Đức Thế Tôn đi bát có được an vui không?

Đức Phật trả lời:

- Hôm nay Như Lai đi bát rất hoan hỉ, rất an vui.

- Tâm của Đức Thế Tôn ra sao?

- Dù không vật thực tâm, Như Lai vẫn như cõi trời Quang Âm Thiên.

Từ tích này, qúi Sư ngày nay đi bát khất thực khi nào không có, thường thường đi bát là có vật thực, nhưng qúi Sư phải học thuộc câu này: "Hóa duyên phận sự phải hành, dù không vật thực tâm lành vẫn vui."

Hóa duyên là việc đi khất thực này không phải là đi để lượm vật thực về ăn cho bổ xác thân này, con đường đi khất thực của qúi Sư là bổn phận Đức Phật Ngài giao là độ chúng sanh hạnh bố thí, không bỏn xẻn keo kiệt nữa, thấy ông sư đi khất thực thì mau mau dẹp lòng bỏn xẻn không dính mắc của cải. Do đó dù không có vật thực nhà Sư vẫn phải đi bát, đó là phận sự của một nhà sư.

Qúi Phật tử không có hạnh nguyện đi khất thực, nhưng qúi Phật tử có hạnh nguyện ẩn sĩ, giờ không còn bận rộn nữa mà sống trong sự riêng tư của mình để tu tâm thì đó là ẩn sĩ. 

Vậy sức mạnh của bậc sa môn là nhẫn nại. Con đường tu tập của ta là phải nhẫn nại, kiên trì. Người tu hành thì phải nhẫn nại, kham nhẫn, kiên trì.

Khi chúng ta thấy tám loại sức mạnh này thì chỗ nào chúng ta cần phải có trí tuệ. Sư đưa cái này lên cho qúi Phật tử có sự suy luận như là:

- Chúng ta không còn là trẻ thơ để dùng tiếng khóc áp đảo người khác.

- Chúng ta không phải là người phụ nữ để đem sự hờn dỗi áp đảo người nam rúng động để làm vui lòng ta.

- Chúng ta không phải là kẻ cướp dùng vũ khí để đe dọa người khác.

- Chúng ta không phải là một nhà vua để dùng uy quyền quyết định này quyết định kia.

- Chúng ta không phải là một kẻ ngu khó dạy khó sửa mà áp đảo người khác.

- Mà, chúng ta là bậc hiền trí là lấy trí tuệ để cảm hóa những chúng sanh còn lầm lạc mê mờ.

Thế thì, tám sức mạnh hôm nay, được đọc, được nghe, được hiểu biết, chúng ta mau mau làm chút vốn liềng như thế chúng ta mới cảm hoá được chúng sanh, chúng ta phải có là sức mạnh của bậc hiền trí. 

Và hoá độ chúng sanh đây là hóa độ chính là mình, thiên tử Rohitassa hỏi Đức Phật:

 "Con đường nào đến giải thoát?"

 Đức Phật trả lời: "Chính ta, chứ không phải thế gian bên ngoài

(Nhưng này Hiền giả, trong cái thân dài độ mấy tấc này, với những tưởng, những tư duy của nó, Ta tuyên bố về thế giới, về thế giới tập khởi, về thế giới đoạn diệt, về con đường đưa đến thế giới đoạn diệt - Kinh Rohitassa - Tăng Chi Bộ)

Sư dùng danh từ là muốn cảm hoá "một chúng sanh" và, chính mình là chúng sanh, chúng ta là bậc hiền triết là tấm gương soi rọi cho chúng sanh bên ngoài.

Do đó, muốn trở thành bậc hiền triết chúng ta phải là bậc đa văn, muốn được đa văn chúng ta phải suy xét cạn nguồn với tất cả Pháp, cái nào đúng cái nào sai, Thầy này nói, Sư kia nói, sách này kinh kia, chúng ta phải thẩm sát lại, suy xét phán đoán lại, gạn lọc lại, chứ không phải thâu tóm hết những gì nghe, những gì đọc, cái đầu của chúng ta bùng nổ, bộ não rốt cuộc không nhận được gì hết, chúng ta phải dùng trí tuệ để thẩm tra, và con đường tu tập  biết nhu vậy, con đường cảm hóa, muốn độ chúng sanh chính mình và độ chúng sanh cho người, chúng ta phải có pháp nhẫn nại.

Và có pháp nhẫn nại chúng ta trở thành một người tu, và người tu cho chính mình và độ hoá chúng sanh. Một bậc hiền trí luôn luôn tâm tư muốn độ chúng sanh, thì phải suy tư tất cả những pháp đang tu tập để trở thành bậc sa-môn hành pháp nhẫn nại đi vào con đường phục vụ chúng sanh.

Đó là sức mạnh của bậc hiền trí.

4). Trí tuệ có mấy chức năng? 

Trí tuệ có bốn chức năng là: phải biết pháp chưa từng biết, phải hiểu pháp chưa từng hiểu, phải thấy pháp chưa từng th"ấy, phải chứng đạt pháp chưa từng chứng đạt, trí tuệ chúng ta phải như vậy.

Phải biết pháp chưa từng biết. Muốn có trí tuệ chúng ta phải liễu tri những pháp chúng ta thấy mà chưa từng biết, chưa từng nghe, chưa từng học, chưa từng hiểu và chưa từng chứng đạt. 

Qúi Phật tử ngay khi nào nghe ở trong đời này có pháp thế gian nào qúi Phật tử chưa từng biết không? câu trả lời là không cần biết, tại vì chúng ta chỉ cần biết những pháp thực tính thôi chứ ta không cần biết pháp thế gian. Tất cả pháp thế gian chúng ta không cần biết, đó là trí tuệ.

Trong các pháp thế gian quí Phật tử không cần hiểu, các chuyện trên trời dưới đất không cần hiểu, chuyện nắng mưa không cần hiểu, cái gì không cần thiết không cần đem vô não, bộ não ta có bao nhiêu mà chứa, chúng ta đem vô hết. 

Vậy, Pháp nào chưa chứng đạt, chúng ta cần phải chứng đạt, Pháp nào chưa nắm bắt được chúng ta cần nắm bắt được, chính đó là trí tuệ. Còn các pháp thuộc về thế gian không cần thiết tìm hiểu.

Thì Pháp nào chúng ta chưa từng đạt chúng ta phải đạt, chưa từng học chúng ta cần phải học, chưa nắm bắt được thì chúng ta cần nắm bắt được. 

Vậy thì trên con đường ta tu tập muốn tới Niết-bàn giải thoát, trên con đường muốn chứng đạt Pháp chúng ta cần phải có trí tuệ thì trong Abhidhamma, bà Rhys David một nhà triết học bà nói: 

- Học Abhidhamma để biết những gì trong ta, để biết cái gì ngoài ta, và cái gì chung quanh ta  và, cái gì ta muốn thành đạt.

Như vậy, trên con đường tu tập muốn có trí tuệ, muốn chứng đạt được pháp chúng ta cần phải liễu tri, đầu tiên là biết trong ta đó là chúng ta cần phải biết; tham, sân, si.

 Đầu tiên chúng ta phải biết con người chúng ta còn có thập bát pháp bất thiện là, sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối v.v..., con đường tu tập chúng ta phải xa lánh tham sân si, cần phải chứng đạt cái gì có thể diệt trừ tham sân si trong ta.

Đầu tiên chúng ta phải tu tập Chỉ, Quán để thấy, Vô Thường, Khổ, Vô Ngã tiến tới chứng đắc Niết-bàn. 

Qúi Phật tử cần biết ta còn tham, còn sân, còn si, hiện bày trong 10 pháp bất thiện, chúng ta phải ráng lo tu tập thiền Chỉ và Quán để thấu triệt được Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, chứng đắc Niết-bàn. Trên con đường tu tập chúng ta xuyên qua con đường tam học; Giới, Định, Tuệ để diệt trừ tham, sân, si. Như vậy chúng ta cần có trí tuệ

Chúng ta phải làm sao có trí tuệ được lâu dài mãi mãi không bị phai lạt đó là, phải nuôi dưỡng trí tuệ.

Những pháp nào cần để nuôi dưỡng trí tuệ:

1 - Trước nhất, không thân cận người có tà kiến làm chúng ta mất trí tuệ, những người chấp sai chấp lầm, ta thân cận họ làm tác động tâm tư làm cho ta sai lạc mất trí tuệ. 

2 - Phải thân cận bậc hiền triết, cung kính, học hỏi bậc hiền triết, trên con đường tu tập chúng ta không bao giờ thấy đủ, không ngừng lại trong sự tu tập, không ngừng trong sự học hỏi, do đó học hoài không bao giờ thấy đủ, phải luôn cung kính những bậc hiền triết, những bậc thiện tri thức. 

Bậc tri thức là những người học cao hiểu rộng, nhưng họ không làm việc thiện, không cần họ chỉ giáo cho mình. Còn những bậc thiện tri thức là những người biết làm việc thiện, họ biết cứu nhân độ thế, họ biết cứu người giúp người đó là bậc thiện. 

Trên con đường tu tập gặp bậc tri thức thì chúng ta hoan hỉ nhưng không thân cận, đôi khi những người trí thức đó có tà kiến thì không nên thân cận. Nhưng, bậc thiện tri thức chúng ta nên thân cận, tại vì họ đang làm việc thiện chúng ta cần phải biết những việc thiện họ đang làm cần thiết cho ta tu tập.

Từ thiện trí thức Đức Phật Ngài đưa lên một góc độ là bậc hiền trí, bậc hiền trí gần gủi với bậc thánh nhân.

3. Thứ ba, thường xuyên quán xét Pháp cao siêu thậm thâm vi diệu đó là, Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Đức Phật dạy:  "Cho dù Chư Phật, quá khứ, hiện tại, vị lai, cả ba đời Chư Phật có hiện hữu trong đời này thì ba pháp; Vô Thường, Khổ, Vô Ngãy, luôn luôn hiệu hữu trong đời, mà đa phần chúng sanh trong đời, không thấy, không nghe, không tìm, không hiểu, không học, do đó trôi lăn trong sinh tử luân hồi.

Vậy thì trên con đường tu tập chúng ta cần thấy Pháp Vi Diệu là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Trông con đường tu tập Thiền Quán  (vipassana)  Mỗi ngày qúi Phật tử cố gắng bỏ ra một ít thời giờ tu tập Thiền Quán  (vipassana), thời gian không cần nhiều, thí dụ, ngày hôm nay qúi Phật tử bỏ ra 5 phút, ngày hôm sau 10 phút, ngày hôm sau nửa tiếng, cố gắng tu tập gieo duyên mỗi ngày thì qúi Phật tử sẽ thấy pháp cao siêu vi diệu, tu tập thiền thấy trong ta những sự sanh diệt, chúng ta thấy rõ ràng sự Vô Thường, Khổ, Vô Ngã.

5). Có chín con đường tạo ra trí tuệ

1. Thứ nhất, thuyết pháp cho người ta nghe. Đức Phật Ngài nói thuyết pháp chơn chánh cho người ta nghe là nhân sanh trí tuệ, một vị pháp sư muốn thuyết pháp thì phải học nhiều hiểu nhiều các pháp cao siêu.

2. Thứ hai, dạy nghề vô tội là nhân sanh trí. Tại sao chúng ta dạy nghề vô tội mà là nhân sanh trí? Bởi vì qúi Phật tử làm gì có tội lương tâm sẽ cắn rứt trí tuệ bị tán hết, bị hồi hộp, ám ảnh, hối hận, lo lắng, suy nghĩ hoài. Do đó, dạy người làm lành lánh dữ, làm điều tốt, điều thiện. Cho dù là nhất nghệ tinh nhất thân vinh thì trong cái nghề vẫn có cái lắc léo, vì nghề là nghiệp, mà nghề đã có thì nghiệp tạo ra liền, do đó qúi Phật tử cho dù dạy người ta nghề gì cũng phải chân chánh.

Có một đoàn chư Tăng lên chiếc thuyền đi ra biển khơi, trên con đường trở về gặp Đức Phật đảnh lễ thì gặp con cá ông rất lớn thân mình vàng óng ánh chói sáng cả một vùng biển, nhưng khi nó hả hơi thở thì mùi thúi lan rộng một do tuần, là 16 cây số, Chư Tăng thấy hãi hùng, thân xác nó đẹp đẽ sao mà nó hả hơi thúi quá, đem câu chuyện đó trình lên khi gặp Đức Phật. Đức Phật nói đó là một vị tỳ khưu xưa kia thông suốt Tam Tạng nhưng phát sanh ngã mạn, phát sanh những tư tưởng sai trái, những lời Đức Phật nói thì sửa lại là Đức Phật không nói, những lời Đức Phật không nói sửa lại là Đức Phật có nói, khi chết đọa địa ngục trong hằng hà sa số kiếp, sau đó trở lại làm kiếp con cá thân xác màu vàng chói như y càsa của một nhà sư nhưng hơi thở từ miệng thì thúi vô cùng. 

Nhà Sư dạy nghề tu mà không đúng pháp thì dạy nghề tu đó có tội.

Do đó, trên con đường tu tập muốn tạo trí là đừng bao giờ để, bị ám ảnh, bị hối hận, bị cắn đứt lương tâm, trong con đường nào cũng vậy, còn qúi Phật tử mà dạy người ta mà không đúng lương tâm là có tội, dù người ta không biết nhưng qúi vị cũng bị tán trí vì hối hận.

3. Thứ ba, chúng ta phải tạo nghiệp vô tội, dạy là khác mà chính mình phải tạo nghiệp vô tội là nhân sanh trí. Con đường tạo nghiệp vô tội có vô số, khi qúi Phật tử đã biết lời dạy của Đức Phật rồi, nghề nghiệp nào qúi Phật tử có lương tâm thì tạo ra không có tội, ngay khi qúi Phật tử dạy nghề vô tội. 

Ngày xưa bên VN có câu: "thợ may ăn vải, thợ hồ ăn xi măng, thợ mộc ăn gỗ", làm những điều đó qúi Phật tử sẽ bị tán trí, bị không có trí. Qúi Phật tử phải tạo cái nghiệp vô tội, chúng ta phải biết làm việc chánh mạng, chánh nghiệp, không được sát sanh, không buôn bán vũ khí, không buôn bán chất độc. Tuy biết nhưng phải tạo cái nghiệp vô tội nữa, phải đúng lương tâm của mình, con người có lương tâm, biết sợ tội lỗi thì người đó không bị tán trí. Do đó, mỗi lần Sư hướng dẫn qúi Sư trong chùa nhắc nhở cẩn thận, nghe trực tiếp hiểu còn sai huống chi là tam sao thất bổn, do đó muốn có trí chúng ta phải tạo nghiệp vô tội.

4. Thứ tư, chúng ta phải biết kính trọng người dạy ta, kính trọng người thuyết pháp. Khi nào qúi Phật tử có lòng tôn kính, qúi Phật tử thấy là ai cũng là thầy của ta, Khổng Tử nói; "ba người đi chung với ta có thể là bạn ta có thể là thầy của ta".  Do đó, qúi Phật tử không cần đòi hỏi là vị pháp sư, người nào chỉ ta một lời hay, một lời tốt là, ta phải có lòng tôn kính. 

Xưa kia Đức Phật Ngài còn là vị Bồ Tát Ngài tha thiết đi tìm cầu pháp, Ngài tuyên bố: "Trong dân gian ai chỉ ta một câu Pháp mà ta giác ngộ được thì ta gieo mạng sống này cho người đó". Trên đường Ngài đi tìm mãi không có người nào chỉ cho Ngài nghe được Pháp thì có một vị Chư Thiên hóa thành con dạ xoa thử Ngài.

 Con dạ xoa nói thế này: "Ta sẽ chỉ người một Pháp nhưng ngươi có chắc là giao mạng sống của ngươi cho ta không? " 

Bồ Tát nói: "chắc chắn, ngươi chỉ cần có một câu Pháp thật sự cho ta nghe ta sẽ giao thân xác này cho ngươi, ngươi muốn ăn ta cũng được", 

Dạ xoa nói:

- "Được ta sẽ nói pháp cho ngươi nghe", 

Bồ Tát đó là bậc thiện trí, Ngài biết tôn kính Pháp, Ngài là bậc thiện trí, có trí nên Ngài muốn nghe Pháp một cách trọn vẹn, Ngài mới bày con dạ xoa:

- "Ngươi phải đứng dưới chân núi, còn ta ở trên núi cao gieo người xuống cho ngươi, ngươi nói Pháp cho ta nghe rồi ta mới giao ta cho ngươi."

Dạ xoa đồng ý. Ngài lên núi cao để khoản cách của Ngài với con dạ xoa Ngài nghe được Ngài học được Pháp của nó, thì con dạ xoa nói được ta sẵn sàng thì bắt đầu Ngài phóng xuống,

Con dạ xoa nói:

- Thế gian này vô thường.

 Ngài giác ngộ liền, lọt vào trong miệng nó liền, có một Pháp một mà Ngài giao xác thân Ngài cho nó. Ngài kính trọng Pháp như vậy đó, không ai dám làm điều đó. 

Do đó, không cần phải tìm một bậc pháp sư , người nào chỉ ta con đường một câu Pháp hay làm ta giác ngộ được, tin được, thì người đó chúng ta phải tôn kính, học được hạnh đó chúng ta mới có trí, không có điều gì xấu xa khi ta hỏi những người dưới điều chúng ta không biết, không có gì xấu xa khi chúng ta hạ mình xuống để nghe Pháp, vị Bồ Tát đó là một đại quan muốn nghe Pháp mà Ngài gieo mình xuống cho con dạ xoa, ngày hôm nay dễ quá, ta có Pháp có tất cả, ngồi ở nhà chỉ cần bấm máy là nghe được Pháp, vậy qúi Phật tử hãy tôn kính.  

5. Làm việc thiện nguyện sanh trí tuệ. Qúi Phật tử phải làm những việc thiện nguyện, những gì chúng ta cố gắng làm ra để phát sanh trí tuệ, thông thường chúng ta làm theo cá nhân ta, chúng ta sẽ lẻ loi. Hãy cùng các bạn thiện hữu làm thiện nguyện sanh trí tuệ, những thiện nguyện viên là những người có tâm thiện, đồng tâm đồng sức làm việc thiện chung nhau sanh trí tuệ nhiều.

6. Nhân sanh trí tuệ là chúng ta phải biết nguyên cứu, soạn dịch, những kinh pháp cao siêu.  Vậy thì qúi Phật tử thấy con đường tạo ra trí tuệ là soạn dịch những kinh pháp cao siêu để có trí tuệ, ấn tống kinh sách, nếu không thể soạn dịch những kinh pháp cao siêu thì có thể phụ giúp những ai đang soạn dịch kinh pháp cao siêu bằng cách phục vụ để có được pháp "tùy hỉ thành" trong việc soạn dịch kinh sách, ông thầy nào soạn dịch kinh sách mình chạy tới mình lo cơm nước thì được pháp "tùy hỉ thành".

7. Ưa vui thích, ưa thích bố thí chánh pháp. Thế nào là ưa vui thích bố thí chánh pháp?  Đức Phật nói thí pháp là thí tối thượng hơn các loại thí, không có loại thí nào cao bằng thí pháp, cho nhà, cho quần áo, cho vật thực, cho phương tiện, cho tất cả, nhưng cho một pháp cao siêu là cho pháp người ta thức tỉnh, cho pháp người ta tu tập, cho pháp người ta giác ngộ được là thù thắng hơn tất cả loại bố thí. Nhưng ở đây, tại sao chúng ta nói là ưa vui thích bố thí chánh pháp, tại sao đó là nghiệp trí, khi nói có chánh thì có tà, nếu tà pháp mà chúng ta vui chạy theo thì chúng ta có nghiệp báo của nó, do đó từ đây về sau phải thấy là trên con đường bố thí pháp phải có sự cân nhắc lựa chọn. Do đó bố thí chánh pháp nhân sanh trí tuệ nghĩa là qúi Phật tử gieo cho người khác có chánh pháp là con đường trở lại kiếp sau có chánh pháp có trí tuệ lại nữa.

8. Chúng ta phải biết yêu cầu hay thỉnh nguyện người nói pháp cho ta nghe. Qúi Phật tử ngồi thiền 15 phút, có vị ngồi thiền nửa tiếng, ta cần cầu pháp vị đó, tại sao ngồi được nửa tiếng, phải thỉnh nguyện người đó nói cho ta nghe như thế nào có thể ngồi giống người đó, đó là thỉnh nguyện người nói pháp. Ngày xưa Ngài Xá Lợi Phật là vị đệ nhất trí tuệ, nơi nào Chư Tăng và Đức Phật đàm luận pháp Ngài đều đến ngồi nghe. Ngài Tịnh Sự sang Thái Lan trễ, các Chư Tăng khác đã học trước Ngài 6 tháng, Ngài phải cố gắng học hỏi để bắt kịp. 

9. Pháp thứ 9 là cầu tài, cầu nghề, thực hành hay là trao dồi nghề cao siêu. Chúng ta phải cầu cái tài này, cầu cái nghề này, chúng ta phải hành cái nghề cao siêu. Như Ngài Tịnh Sự vào học Abhidhamma như là người đến sau Ngài phải vượt lên đứng đầu. Do đó trên con đường chúng ta phát sanh trí tuệ chúng ta phải cầu hết tất cả các pháp, chúng ta phải phát lên cho trí tuệ được cao siêu, pháp này cao chúng ta thấy rồi mà pháp kia cao hơn chúng ta phải học cao hơn nữa, không bao giờ biết dừng lại pháp nào thấy đủ phải, luôn trao dồi trí của qúi Phật tử hơn nữa. khi học Abhidhamma thấy cái gì khó cố gắng cầu học để vượt qua, đây là trí tuệ.

Đó là chín con đường tạo ra trí tuệ, qúi Phật tử cần tu tập.

6). Mười ba loai khổ và tứ năng nhiếp phục hiểu theo Thắng Pháp Abhidhamma

Trong kinh Chuyển Pháp Luân , Đức Phật nói:

- Dukkha, Dukkha.

Một vị Tỳ kheo hỏi Đức Phật nói "dukkha" có một mà tại sao tại đây Đức Phật nói hai lần "dukkha dukkha". 

Thì Đức Phật nói: "Như Lai nhắc lại là vì khổ nó nhiều lắm nên ta mới nói hai lần"

Khi nào qúi Phật tử nghe Sư nhắc đi nhắc lại ba lần là qúi Phật tử thấy chuyện đó chưa xong.

 Sanh, lão, bệnh, tử, thương xa, ghét phải gần, mong cầu không được, chấp vào ngũ uẩn. Tám cái khổ này ta thường nghe.

Hôm nay Sư nói thêm một ít về cái khổ.

Bài pháp nguyên thủy đầu tiên của Đức Phật, kinh Chuyển Pháp Luân. Sau khi Đức Phật Ngài đắc đạo quả dưới cội cây Bồ Đề tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ngài bắt đầu di chuyển qua vườn Lộc Giả xứ Isipatana để độ năm vị Kiều Trần Như. Năm vị Kiều Trần Như là năm vị thầy đầu tiên được nghe giáo lý Đức Phật. Ngay lúc đó Ngài thuyết bài pháp đầu tiên  Dhammcakkappavattana sutta là Kinh Chuyển Pháp Luân, đọc hết bài kinh Chuyển Pháp Luân qúi Phật tử sẽ thấy Đức Phật nói 13 loại khổ:

1. Sanh

 2. Lão

 3. Bệnh

 4. Tử

 5. Thương phải xa

 6. Ghét mà phải gần,

 7. Mong cầu không được,

 8. Chấp vào ngũ uẩn

9. Sầu

10. Bi

11. Khổ

12. Ưu

13. Ai

Đức Phật Ngài phân biệt: 

Sanh, lão, bệnh, tử, bốn loại khổ này là loại khổ phổ biến, ai cũng biết; sanh là khổ, lão là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, thì mình không cần than thở vì nỗi khổ này phổ biến rồi, mình không nói người ta cũng biết, và mình cũng không cần nghe người ta than thở về bốn loại khổ này của người ta, mình phải giữ tâm tĩnh lặng, không nghe chuyện của người khác. 

Sầu, bi, khổ, ưu, ai, Đức Phật gọi là khổ tâm, là khổ tâm thì mình có mình giữ không nên nói ra, và cũng không nên nghe chuyện của người khác, mình phải giữ tâm tĩnh lặng.

 Thương phải xa, ghét phải gần, cầu bất đắc, Đức Phật gọi là khổ cá biệt, người có người không, không phải ai cũng có, không nên nói với người khác về nỗi khổ của mình, vì ai cũng có nỗi khổ của người đó, mình không nên reo rắt nỗi khổ của mình lên người khác, và cũng không nên mang nỗi khổ của người khác vào mình.

Thủ ngũ uẩn, chấp lầm thân ngũ uẩn này là ta Đức Phật nói đây là khổ luân hồi. Khổ luân hồi là cái tôi cái ta, cái tôi là tâm sự còn luân hồi, chấp thủ ngũ uẩn là còn luân hồi. 

Chúng ta bắt đầu học bài Pháp đầu tiên mà Đức Phật thuyết.

Sau khi đại phạm thiên Sahampati thỉnh Đức Phật ba lần đi thuyết pháp độ sanh, Đức Phật Ngài nói: 

- "Giáo Pháp mà Như Lai đã chứng ngộ quả thật thâm sâu huyền diệu, khó nhận thức, khó lĩnh hội, vắng lặng, cao siêu, không nằm trong phạm vi luận lý, tế nhị, chỉ còn bậc thiện trí mới thấu hiểu. Chúng sinh còn luyến ái trong nhục dục ngũ trần, ắt không thể hiểu, không thể lãnh hội". 

Phạm Thiên Shampati : - "Bạch Đức Thế Tôn, cầu xin Đức Thế Tôn truyền dạy Giáo Pháp! Trong chúng sanh có ba loại giống như hoa sen trong bùn có ba thứ, có những chúng sinh bị ít nhiều cát bụi vướng trong mắt, nếu không nghe được Giáo Pháp sẽ phải trầm luân sa đọa. Nhưng cũng có người sẽ chứng ngộ chân lý".

 Đức Phật Ngài chấp nhận lời thỉnh cầu của Phạm Thiên Shampati, Ngài đi qua vườn Lộc Giả thuyết giảng cho năm thầy Kiều Trần Như bài pháp Chuyển Pháp Luân là bài pháp đầu tiên Đức Phật khải thuyết cho nhân loại. Từ đó bài pháp này đi vào trong hàng Chư Tăng, đi vào trong hàng Phật tử tại gia và chứng đắc tại đó vô số người. 

Tứ năng nhiếp lực

Chúng ta nói về năng nhiếp lực, Khả năng nhiếp phục, chinh phục các pháp thế gian, chúng ta có những pháp chế ngự thế gian (saṅgāhabala) khả năng nhiếp phục.

Trên con đường tu tập chúng ta thường nghe có bốn pháp, người nào có năng lực bốn pháp này sẽ chinh phục được tất cả thế gian, thế gian đây Sư muốn nói là không phải thế gian vũ  trụ bao la của quả địa cầu, nhưng thế gian này là con  người với con người, đó là thế gian, đó là xã hội, nếu qúi Phật tử có bốn pháp này trong cuộc đời không cần nương tựa vào ai hết mà vẫn sống được và, sẽ có khả năng chinh phục được mọi người cho dù họ không đồng chí hướng với ta qúi Phật tử vẫn có khả năng chinh phục được.

Bốn pháp chúng ta cần phải biết đó là tứ năng nhiếp lực; bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, qúi Phật tử đã từng nghe bốn pháp này từ kinh Tạng.

Hôm nay Sư sẽ giải thích bốn pháp tứ năng nhiếp lực: bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, theo Thắng Pháp - Abhidhamma.

1. Đầu tiên là pháp bố thí.

Trong pháp bố thí thì bố thí chánh pháp là tối thắng, trên tất cả là thí pháp. Từ đây về sau trên con đường tu tập của ta, ta chỉ cần làm những chuyện gì thuộc về thí pháp mà thôi, thí pháp thì đó mới đủ năng lực nhiếp phục ta và lúc đó ta mới đủ năng lực nhiếp phục người khác. 

Vậy thí Pháp là gì? 

Xả thí, khi xưa Đức Phật Ngài còn là vị Bồ Tát, Ngài tha thiết đi tìm cầu Pháp, muốn nghe Pháp mà Ngài gieo mình xuống cho con dạ xoa để cầu Pháp. Đức Phật Ngài nói là xả thân, xả tâm để cầu Pháp, Pháp chúng ta lãnh hội được, chứng đắc hội quả được, đó là bố thí Pháp sinh mạng này để có được đạo quả Niết-bàn. Chính vì đó, hôm nay qúi Phật tử phải thấy rằng chúng ta không mong cầu phước vật, chúng ta thí tài vật nhiều rồi, bây giờ qúi Phật tử phải đi vào con đường trí tuệ, chúng ta biết con đường tu tập phước huệ đồng tu, thí phước thí huệ, hôm nay phải trau dồi phước tuệ.

Trên con đường tu tập nghe nơi nào ta bố thí, nơi nào ta xả thí qúi Phật tử hoan hỉ tùy hỉ nơi tâm, chúng ta phải lo bố thí Pháp, ai in kinh, ấn tống kinh sách thì tùy hỉ góp phước, hoặc chép kinh sách để cầu giải thoát, dành thì giờ lo tu tập, đó là thí Pháp là tối thượng.

2. Ái ngữ là gì?

Ái ngữ. Ái ngữ là lời nói tốt, trong kinh tạng ghi là nói lời êm dịu, nói lời dịu dàng. Nhưng qui Phật tử thấy kinh tạng dạy như vậy dễ sanh ái luyến, ta nói ngọt chừng nào người ta càng thương mến mình hơn, ái ngữ đó là ái ngữ sanh phiền não, ái ngữ đó là sanh hệ lụy, sanh luân hồi.

Theo Thắng Pháp Abhidhamma dạy qúi Phật tử ái  ngữ này không phải là ái ngữ đem lại là ái luyến, mà ái ngữ này đem lại giác ngộ. Qúi Phật tử phải nhớ, chúng ta nói tốt, ái ngữ tốt nhất là thuyết Pháp. 

Những ai than thở về cuộc sống của họ với mình về sanh, lão, bệnh, tử, sầu, ưu, bi, khổ thì mình nói đó là những cái khổ phổ biến, khổ đó là cá biệt, khổ đó là luân hồi, thì mình nói như vậy để không sanh ái luyến với họ. 

Ái luyến sanh sầu muộn, ái luyến sanh khổ đau.

Có một câu chuyện làm thí dụ: Có một ông đó dựng nhà, bắt đầu dựng cột kèo, lợp mái lên xong xuôi, bắt đầu ông dựng nhà bếp, dựng nhà bếp xong xuôi thì có một nhà thiện tri thức đi ngang qua nhà bếp ngó thấy ghé vào nói: 

- Ông dựng nhà bếp này là không đúng.

Ông giả chủ hỏi: Trước khi tôi xây tôi đã hỏi nhiều người rồi, mà tại sao tôi xây nhà bếp này ông nói là không đúng?.

- Tôi có ý kiến tôi xin góp ý với ông. Bây giờ ông xây bếp này mùa xuân tốt, mùa hè tốt, nhưng mùa thu mùa đông có gió chướng thổi ngược lại cháy nhà bếp này cháy qua nhà ông.

- Ông nói bậy, không thèm nghe ông, nhà chưa xây xong, chưa ăn tân gia mà nói nhà cháy rồi, không thèm nghe.

Tới mùa thu gió chướng thổi làm cháy nhà, bà con lối xóm chạy đến cứu giúp chữa lửa, sau đó mời tất cả bà con lối xóm đến đãi cơm trả ơn.

Như vậy có đúng không? ta mời người chữa lửa ăn cơm tạ ơn hay ta quay trở lại tìm người đầu tiên nói cho ta nghe mà ta chửi người ta để người ta bỏ đi, đúng là ta phải tạ ơn người đầu tiên nói với ta.

Đó là, ái luyến sanh sầu muộn, ái luyến sanh khổ đau,  

Ái luyến sanh khổ đau, ái luyến sanh sầu muộn, do đó ta không cần có ái ngữ để sanh ái luyến, ta chỉ có những lời nói an lạc. Ta là người nói sửa nhà bếp chứ ta không phải là người chữa lửa nhà bếp cho người, hôm nay ta học lời dạy của Đức Phật rồi, không phải học kinh tạng là đủ học, mà học Thắng Pháp Abhidhamma ứng dụng trong lời dạy của Đức Phật, chúng ta phải dừng lại tất cả những pháp thế gian.

Do đó bố thí Pháp là chúng ta chỉ ra những gì lành mạnh và cao thượng, ái ngữ chúng ta cho ra những lời không sanh ái luyến, ái dục, chúng ta cho những lời chân thật để họ tu tập mà ta cũng đang tu, đó mới là năng nhiếp Pháp.

3. Lợi hành là gì?

Ai hợp với ta thì cùng đi với ta, ai không hợp với ta thì không đi cùng, đó là lợi hành. Sinh ra ta là cha mẹ, hiểu được ta là tri kỷ, mấy ai trong đời có được tri kỷ, rất khó, do đó chúng ta phải gạn lọc, ta phải đưa ra những pháp để gạn lọc những người tha thiết cầu pháp học hỏi Phật Pháp, chúng ta mới đi đồng hành với họ để cùng nhau phát sanh trí tuệ, chúng ta trong một biển người bao la vàng thau lẫn lộn ta biết ai là người tri âm tri kỷ, chúng ta phải nói những lời chân thật mà họ không nghe thì chính họ là không chân thật để sống với ta.

khó kiếm khó tầm, khó tầm khó có, đó mới là vật qúi báu, có bao giờ qúi Phật tử thấy ai mà đem hột soàn ra ngoài chợ đứng bán không, không có, còn như ngọc xá lợi đưa khơi khơi thì không phải là ngọc xá lợi thật, ngọc xá lợi của Đức Phật dấu cất kỹ lắm, khó kiếm khó tầm, đó là vật cao qúi.

Lợi hành, chúng ta phải đem lợi ích đến tha nhân, chúng ta muốn làm cái gì lợi hành cho người khác để chúng ta có bạn đồng hành với ta, chúng ta phải làm bốn pháp: Những ai chưa có đức tin chúng ta phải gieo cho họ đức tin đó là người đồng hành với ta và người đó mới thấy ta là người bạn đồng hành với họ, những ai chưa có giới chúng ta phải gieo cho họ có giới để chúng ta có thể tin tưởng với họ là bạn đồng hành với ta, chúng ta không thể nào là người giữ giới mà đồng hành với người phá giới được, tại vì một ngày nào đó họ phá giới họ rủ ta phá giới theo, chính vì vậy người đó không phải là bạn đồng hành với ta.

Những ai còn tâm bỏn xẻn ta phải hướng dẫn họ xả ly, những ai chưa có trí tuệ chúng ta phải an trú họ trong trí tuệ, những người đó mới là bạn đồng hành với ta, những ai làm điều đó cho ta người đó là người đáng đồng hành với ta. Những ai đến với ta đem pháp thế gian thuyết cho ta nghe, làm chúng ta ái luyến những lời nói của họ, không đáng cho ta làm bạn đồng hành. Chính do đó chúng ta muốn tìm bạn đồng hành và chính qúi Phật tử là bạn đồng hành cho tất cả chúng sanh trên đời. 

Đồng sự là gì? Khi chúng ta có bạn tốt, bạn tri âm tri kỷ thì chúng ta phải có sự đồng sự, là cùng chia sẻ với nhau lúc bấy giờ tâm sự cho nhau,  không ai nói chuyện khổ với ta và ta cũng không nói chuyện khổ cho người ta nghe nữa, lúc bấy giờ chỉ có; đức tin đã có, giới hạnh đã có. Người nào đem tới qúi Phật tử tâm sự buồn là người đó chưa biết xả ly thì không đồng sự. Đồng sự là chung vui chung khổ trong sự tu tập để cùng nhau đi tới con đường tiến hoá đạo quả Niết-bàn.

Hôm nay qúi Phật tử nghe tứ năng nhiếp lực là khả năng nhiếp phục chính ta và khả năng nhiếp phục tất cả chúng sanh, nếu Phật tử có bốn pháp này, khi nào qúi Phật tử làm những điều đó qúi Phật tử có năm quả phước báu, 

1. Thứ nhất, không lo sợ về sự sống là, phước báu đầu tiên cho tứ năng nhiếp lực, ta không còn lo sợ cho sự sống của ta nữa, tất cả tâm và thân không còn lo sợ nữa.

2. Thứ hai, chúng ta không còn lo sợ về danh thơm tiếng tốt nữa, vì chúng ta lo tu tập gát bỏ thế gian, chúng ta không còn lo sợ, người nào mà còn muốn ái ngữ còn sinh ái luyến người đó còn lo danh thơm tiếng tốt.

3. Thứ ba, chúng ta không còn sợ lo tất cả gì về pháp luật ở trong đời, những pháp luật hay giới hạnh chúng ta không còn phải lo, tại vì chúng ta thu thúc lại để lo tu tập, không còn lo những gì pháp luật ở trong đời này nữa.

4. Thứ tư, chúng ta không còn lo sợ sự chết nữa, chuyện nó đến nó sẽ đến, bây giờ qúi Phật tử thông cảm rồi, xưa nay ta cứ nghĩ mình ta ôm một nỗi buồn sầu muộn này thôi, thật ra một bể sầu muộn, không phải riêng cá nhân ta, ai cũng có sự chết, qúi Phật tử biết rồi sẽ không còn lo sợ sự chết nữa.

5. Thứ năm, là qúi Phật tử không bao giờ sợ lo sa đoạ trong bốn cảnh khổ là, địa ngục, ngã qủi, atula, xúc sanh

Đó là những pháp nhân sanh trí tuệ trên con đường tu tập Abhidhamma.

7). Chúng ta có bảy pháp trau dồi trí tuệ một cách sắc bén 

1. Thứ nhất, muốn được trí tuệ sắc bén là chúng ta phải thường xuyên suy ngẫm lời dạy của Đức Phật: Vô Thường, Khổ, Vô Ngã và Niết-bàn

Lời dạy của Đức Phật có những gì qúi Phật tử phải thường xuyên suy nghĩ, Tam Tạng kinh điển trong 84 ngàn pháp môn có bốn tinh hoa của Đức Phật là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã và Niết-bàn, chúng ta phải thường xuyên suy ngẫm.

2. Thứ hai, muốn được trí tuệ sắc bén thì thân tâm luôn được sạch sẽ, chúng ta phải trì giới, tham thiền, bố thí để thân tâm được trong sạch.

3. Thứ ba, luôn luôn ngũ quyền phải quân bình: tín, tấn, niệm, định, tuệ, phải cân bằng. 

Tín mạnh quá thành mê tín.

Tấn mạnh quá sẽ nóng nảy.

Niệm mạnh quá sẽ bị phóng dật.

Định quá mạnh sẽ bị hôn trầm thụy miên.

Tuệ mạnh quá thành hoài nghi.

Do đó ta  phải quân bình trí tuệ mới xuyên suốt được.

4. Thứ tư, tránh xa người vô trí, tức là người này có trí nhưng họ không biết dùng ta gọi là người vô trí, còn người không có trí là người nhị nhân. Tránh xa người vô trí là người đó có trí mà không có tâm ưa thích mong mỏi tầm cầu học hỏi Phật Pháp giác ngộ giải thoát, chúng ta phải tránh xa. Những người nào có tâm tha thiết tầm cầu học Phật Pháp, cầu sự giác ngộ giải thoát chúng ta nên gần gủi. 

Có ba loại phước là phước vật, phước đức, phước trí. Người thường bố thí tài vật để có phước vật.

 Muốn được cảm phục ta phải trau dồi đức, chúng ta có phước đức, mà phước đức không đủ chúng ta phải có trí tuệ nữa, sống trên đời chúng ta luôn luôn phải có tam phước là, tài sản, đức nhiều và trí tuệ xuyên suốt, những người đó là hoàn toàn hoàn thiện. 

Vậy thì, trên con đường tu tập pháp, trau dồi trí tuệ xuyên suốt là chúng ta không thân cận với những người vô trí, những người tối ngày kêu ta làm những việc phước vật và phước đức mà thôi, họ không hoan hỉ trong việc trau dồi phước trí, họ không mong cầu con đường trau dồi trí tuệ do tu tập.

5. Thứ năm là, nên thường xuyên quán xét pháp vi diệu cao siêu, quán xét chính mình trên thực chứng trên con đường tu tập của chính mình, quán xét chính mình qua lời dạy của Đức Phật.

6. Thứ sáu, luôn luôn tầm cầu và thân cận bậc trí tuệ, tha thiết tầm cầu gặp bậc trí tuệ, không bao giờ xa lánh bậc trí tuệ.

7. Thứ bảy, muốn trí tuệ cao siêu xuyên suốt luôn luôn hướng ta vào việc giải thoát, ngoài ra không tầm cầu việc gì khác, gác bỏ mọi chuyện thế gian. Do đó muốn trí tuệ cao siêu chúng ta phải hướng về việc giải thoát.

Con đường tầm cầu giải thoát chúng ta từ từ tu sửa từng bước một, giải thoát tham, sân, si. Đức Phật nói ngày nào chúng ta giải thoát khỏi, tham, sân, si chúng ta chứng đắc Niết-bàn tại đó, chúng ta không cần sự giải thoát thế gian này, chúng ta không cần sự giải thoát tướng hay là tâm, nhưng chúng ta tu mà sửa được từng phút một, từng ngày một, từng chút một, từng thời gian một, tham sân si bớt dần bớt dần là chúng ta hướng ta về sự giải thoát rồi, trí tuệ phát sanh tại đó, ngày nào qúi Phật tử còn tham, sân, si lúc đó qúi Phật tử lụt mài không có bén nhọn được nữa.

Kết luận:

Kết thúc lại những pháp hôm nay Sư muốn hướng dẫn tất cả cho qúi Phật tử trên con đường tu tập qúi Phật tử cần có trí tuệ, đó là những gì Đức Phật dạy hôm nay chúng ta ngồi lại suy ngẫm trao đổi với nhau Sư trao đổi với qúi Phật tử và qúi Phật tử tiếp thu suy nghĩ lại lời dạy của Đức Phật chỉ có bấy nhiêu thôi. 

Trong muôn ngàn pháp bất thiện si mê là dẫn dắt.

Trong muôn ngàn pháp, trí tuệ là dẫn dắt tất cả pháp thiện, tất cả pháp thiện nào cần có trí tuệ là đầu. 

Trong tất cả mọi pháp đưa đến khổ đau sanh vào đường ác đạo khổ thú là si mê dẫn dắt, do đó lời dạy của Đức Phật chúng ta chỉ có hai vấn đề rõ ràng. 

Trong Tăng Chi Bộ kinh, Đức Phật Ngài nói: "xa thiệt là xa bờ đại dương này giửa bờ đại dương kia, Đức Phật nói xa thiệt là xa giữa mặt đất với hư không trên trời, còn xa và xa hơn nữa giữa pháp thiện và pháp bất thiện". 

Nếu như chúng ta còn tiếp tục đi vào con đường pháp bất thiện, chúng ta còn tiếp tục đi vào con đường khổ đau. Nếu chúng ta muốn tiếp tục đi vào con đường pháp thiện chúng ta mong cầu được giải thoát, chúng ta phải đi vào con đường pháp thiện mong cầu giải thoát hai cái đó thiệt là xa.

Giữa phàm nhân với bậc thánh nhân thật là xa, không thể ngồi chung đụng với nhau một ghế ngồi. Do đó chúng ta muốn được như vậy chúng ta phải có trí. Bậc thánh nhân nào đã làm, Đức Phật Ngài đã làm và, tất cả Chư Thánh Tăng đệ tử Đức Phật Ngài đã làm, chúng ta cũng phải làm được. 

Hôm nay Sư muốn hướng dẫn qúi Phật tử pháp trí tuệ là như vậy, nghiền ngẫm chín pháp, nghiền ngẫm tám sức mạnh, nghiền ngẫm tứ năng nhiếp pháp mà qúi Phật tử đã có rồi chúng ta xoay lại bảy pháp cho trí tuệ cao siêu xuyên suốt thì chung qui cũng chính nơi qúi Phật tử không nơi nào khác hơn chính nơi mình và, chính mình ngồi lại với nhau tìm ra lời dạy của Đức Phật chúng ta sẽ thấy rằng là lời dạy của Đức Phật có bốn là: Vô thường, Khổ, Vô Ngã và Niết-bàn. Niết-bàn giải được ba pháp kia, muốn được như vậy chúng ta phải trau dồi trí tuệ dẹp tan tất cả pháp bất thiện. Niết-bàn là trí tuệ, khi nào qúi Phật tử có trí tuệ chúng ta có Niết-bàn thì tất cả pháp bất thiện đều tan biến./.

Hết bài giảng "Nhân Sanh Trí Tuệ"



No comments:

Post a Comment