Thursday, February 3, 2022

Vi Diệu Pháp 15 - Chức năng Tâm Tiếp Thâu và Tâm Thẩm Tấn - Tâm Vô Nhân (tiếp theo) - TT Sán Nhiên

 Chức năng Tâm Tiếp Thâu và Tâm Thẩm Tấn. Tâm Vô Nhân (tiếp theo) - Vi Diệu Pháp 15 - TT Sán Nhiên

Minh Hạnh đã được nghe để học và, xin ghi chép lại theo sự hiểu của chính mình từ video giảng "Vi Diệu Pháp 14" do TT Sán Nhiên giảng. Minh Hạnh xin chia sẻ đến qúi Thiện Tri Thức. Và xin thành kính cảm tạ ơn TT Sán Nhiên đã thuyết giảng bài pháp rất hữu ích để chúng con tu tập. Cũng xin chân thành cảm ơn đến qúi anh chị trong ban Hoằng Pháp của Trung Tâm Việtnamese American Mahasi Meditation Center.

Mọi sự copy, phát tán, in ấn xin ghi rõ nguồn gốc và tên người ghi chép là Minh Hạnh

TT Sán Nhiên: Chúng ta đã học Tâm Vô Nhân, phần còn lại là 3 Tâm Duy Tác. Trước hết Sư ôn lại phần Tâm Vô Nhân. 

Tâm Vô Nhân là những tâm khi sanh khởi lên không có nhân tương ưng với nó,  có 6 nhân tương ưng  là tham, sân, si, vô tham, vô sân, vô si, tuy nhiên nó vẫn có nhân sanh ra nó, mỗi tâm sanh ra đều có tứ nhân sanh tâm, cho nên nhân sanh ra nó vẫn có, nhưng không có nhân tương ưng với nó mà thôi. 

Thứ nhất nó là Tâm Quả hay là Tâm Duy Tác (gọi là Tâm Vô Ký). Chính do đó nó không có nhân tương ưng thì, từ góc độ nó là tâm quả, chức năng hoạt động của nó làm việc một cách máy móc, như là Tâm Nhận Thức thâu cảnh sắc mà thôi rồi truyền trao lại cho Tâm Tiếp Thâu do đó những việc làm của những loại tâm này làm việc một cách máy móc một cách rất đơn thuần, nó không có làm trong trạng thái tạo tác ra nghiệp khác, vì nó chính là; Tâm Quả, Tâm Duy Tác, Tâm Vô Ký, không có nhân tương ưng với nó.

Gọi là Tâm Vô Nhân là những tâm không có nhân tương ưng với nó nhưng nó vẫn có nhân sanh ra nó. 

Thí dụ, một người có tiền bạc và người không có tiền, hai cái đó  khác với con người được cha mẹ sinh ra. Trên thế gian này, một người được sinh ra là bắt buộc phải do cha mẹ,  nhưng, trên thế gian này người có tiền và người không có tiền thì khác nhau, người không có tiền và người có tiền là những tâm có tương ưng và những tâm không có tương ưng, cái đó là khác. Mỗi cái tâm cũng như con người sinh ra đều có nguồn góc sinh ra nó chẳng hạn như cha mẹ sinh ra nó, chính do đó hai cái đó khác nhau và chúng ta đừng có quên lẫn lộn tại nơi đó và đừng có thắc mắc là Tâm Vô Nhân là những tâm đó không có nhân sanh ra nó, không phải, nhân sanh ra nó vẫn có nhưng nó không có những nhân tương ưng với nó, khi nó hiện hành nó làm việc một cách máy móc và nó là một Tâm Quả hay là Tâm Duy Tác không có những nhân tương ưng thâm sân si, vô tham vô sân vô si phối hợp, hay là kết hợp với nó cùng biết đối tượng là cảnh, nó chỉ làm một cách máy móc mà thôi. 

Trước khi qua phần Tâm Duy Tác, chúng ta học về chức năng Tâm Tiếp Thâu và Tâm Thẩm Tấn.

Tâm Tiếp Thâu có nhiệm vụ tiếp thâu cảnh hay những đối tượng thuộc Lộ Ngũ. 

Lỗ Ngũ gồm có: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, thâu bắt 5 cảnh là: sắc, thinh, khí, vị, xúc.

Tâm Tiếp Thâu mới làm như vậy. Trong Lộ Ý thì tiếp thâu không cần có. 

Tại vì khi nói tới Ý là ta bắt cảnh đối tượng ngay tại đó, không cần phải qua những Tâm: Tiếp Thâu,  Thẩm Tấn, Đoán Định.

Nên trong góc độ Ý khởi sanh mau lẹ nhanh hơn gần như là 17 sát na của Lộ Ngũ Môn, với một Lộ Ngũ Môn nó phải trải qua tuần tự như vậy, còn nếu Lộ ý môn thì bắt ra liền.

Ví dụ, khi mình ngồi thiền mà tâm nghĩ suy (phóng dật) thì tâm mình chạy đi liền, nghĩ cái gì tâm mình hoạt động liền ở trong góc độ mình nghĩ tới đó rất là mau nó không cần phải qua chờ đợi.

Nhưng, khi mình muốn mở mắt ra nhìn cảnh sắc thì phải dùng nhiều tác ý, dùng nhiều tâm thức khơi mạnh động về các trạng thái muốn nhìn thì tâm mới nhìn được.

Do đó, thí dụ như ta muốn lấy một cảnh sắc mà ta thích, ta phải có những dụng cụ ghi lại như máy chụp hình hay máy quay phim chúng ta mới thâu hình được, còn khi chỉ nhìn thôi rồi qúi Phật tử nhắm mắt lại rồi nghĩ tới cảnh đó mà ta đã nhìn thấy qua, thì cảnh đó ý nó chạng ra liền, qúi Phật tử không cần phải qua máy chụp hình hay máy quay phim nữa vì Ý nó hoạt động rồi thì qua cái Lộ Ý nó đi rất là nhanh và nó không cần những loại tâm thức như là Tiếp Thâu, Thẩm Tấn, Đoán Định, những tâm này nằm thuần túy ở góc độ Lộ Ngũ Môn mà thôi. 

Nhưng khi Tâm Tiếp Thâu bắt qua Tâm Khai Ngũ Môn thành Lộ Ý Giới nó thành Tâm Ý Giới. Tâm Ý Giới là những tâm còn nằm ở trong góc độ suy nghĩ mà thôi chưa tạo tác ra để giải quyết đối tượng của cảnh pháp là Ý Thức Giới.

 Do đó, những lúc qúi Phật tử đang ở trong trạng thái suy nghĩ; có nên và không nên làm, tâm tán loạn, đắn đo suy nghĩ như vậy Ý Giới hoạt động, mà Ý Giới này cũng nằm trong góc độ hoạt động của Lộ Ý Môn mà thôi.

 Thí dụ, qúi Phật tử đi đến chỗ bán cây thấy chậu hoa xinh đẹp, chậu hoa đó qúi Phật tử thích, vừa thấy xong xuôi tâm thức qúi Phật tử bắt đầu khởi lên: "có đáng mua, không đáng mua, không cần mua". Nếu qúi Phật tử đang trong trạng thái suy nghĩ  giữa mua và không mua, đáng và không đáng, cần thiết hay không cần thiết, thì nó nằm trong ý giới mà thôi.

Nhưng khi mang chậu bông đến chỗ trả tiền, thì nó qua Ý Thức Giới rồi, mang về nhà, ở góc độ đó tuần trước Sư cũng nói có khi mình đã mua rồi nhưng về nhà mình đổi ý mình nói cái này mình mua dư hay đặt ở vị trí này không hợp hay là vật này không đáng mua, qúi Phật tử đem trả lại tiệm thì qúi Phật tử đang từ Ý Thức Giới trở lại Ý Giới, sự suy nghĩ lưỡng lự hồi chưa mua bây giờ trở lại. 

Con người chúng ta giữa hai trạng thái đó mình mới thấy rằng; con người  đi tới rồi đi lui nằm trong đó thuần túy do ý của mình quyết định mà thôi chứ nó không qua Lộ Ngũ mà chúng ta đã tiếp xúc nó rồi, lúc đó nhãn nhĩ tỷ thiệt thân không còn nằm trong hoạt động để quyết định thực hiện cái đó mà lúc  đó chỉ thuần túy trong ý của mình suy nghĩ tới đó mà quyết định và không quyết định hành động hay không hành động và tạo tác hay không tạo tác và kết quả hay không kết quả thuần là do Ý mà thôi.

Do đó, khi qúi Phật tử học về phần này thì hai tâm tiếp thâu và thẩm tấn nằm trong góc độ Lộ Ngũ Môn.

Ở trong Tâm Thẩm Tấn, ở vị trí là thẩm tra xét soi, tấn là sách tấn soi xét, gọi là thẩm tấn. Do đó từ ngữ Thẩm Tấn thì qúi Phật tử phải hiểu là thẩm tra xét soi coi có đáng hay không đáng làm việc này. Nhưng mà nói Thẩm Tấn là qúi Phật tử phải nhớ không bao giờ quên, thường nó có một cái gọi là tri kiến hay tri thức, ở đó có sự hiểu biết, nên chữ "thẩm" này cũng gần giống như chữ "trí", khi ta nói một sự thẩm tấn thẩm tra xét soi nên hay không nên, đáng hay không đáng, lúc đó qúi Phật tử đang dùng trí của mình suy nghĩ "cái nên mua hay không" thì lúc đó đang thẩm tấn xét soi cái đó.

Ở góc độ này trí tuệ đang làm việc và có khi chúng ta thấy như vậy không hẳn là hết đâu, có khi không phải là trí tuệ mà ở góc độ tri thức tri kiến của mình thôi, mình có biết rồi, biết theo hữu hạn của mình, còn nếu trí tuệ lúc đó sắc bén thì nhìn ra vấn đề rõ ràng để chúng ta không bị lầm, còn cái tri thức khi mình biết như vậy có khi mình còn bị lầm.

Nên chữ thẩm tấn thẩm tra xét soi ở góc độ; một là tri thức, hai là do trí tuệ. Có những người có tri thức họ biết nhưng không chính xác, nhưng có người có trí tuệ họ biết chính xác, họ làm điều lợi ích và họ có kết quả được lợi ích như họ đang mong có. Còn cái tri thức khi có khi không. 

Do đó, ở trong góc độ thẩm tấn thì nó lại có một vấn đề nữa mà qúi Phật tử sẽ học ở chương 3 chứ hôm nay ta học chương 1 còn hơi sớm nhưng Sư nói sơ qua cho qúi Phật tử biết thêm là, khi ta nói thẩm tấn là ngoài chuyện thẩm tra xét soi đối tượng nó còn làm vấn đề tục sinh là làm việc tái tục, cái tâm này nó cho mình đi tái tục. 

Giai đoạn sắp sửa cận tử lâm chung, Tâm Thẩm Tấn  nó làm việc dữ, nó dằn co với Tâm Ý Môn của mình trong phần Lộ Ý, hai bên dằn co. Khi Lộ Ý Môn mạnh thì lúc đó mình không cần dùng ngũ thức (nhãn, nhĩ, tỳ, thiệt, thân), mình nằm yên đó nghĩ tới việc thiện mình đã làm ra phước báu mình đang có, mình hoan hỉ với trạng thái đó không cần mở mắt nhìn, tâm thức mình đang làm việc đó, Lộ Ý Môn làm gì thì lúc đó qúi Phật tử sẽ đi trong Lộ Tử Ý Môn

Tuy nhiên, khi qúi Phật tử ở trong góc độ Lộ Ngũ Môn. Lộ Ngũ Môn là mình mở mắt nhìn thấy người nhà mình tới, mình mừng rồi mình nuối tiếc, nãy giờ mình trông người đó tới vừa mở mắt ra thấy người đó về tới, mình mừng cái mình nhắm mắt đi liền, lúc đó là mình đã thẩm tra xét soi cái người đã đến đúng như mình đang mong cầu, mình hài lòng mãn nguyện mình đi trong cảnh đó, thì đó vừa có xả vừa có hỉ với trạng thái bình thường là có xả có hỉ, trạng thái vui thích thú mình đi ở trong đó.

 Có 2 tâm trạng của người cận tử lâm chung, có 2 con đường họ ra đi, khi họ ra đi với trạng thái nhìn thấy thế gian này là quân bình bình thản họ nhẹ nhàng ra đi là tâm xả, nhưng có những cái mình vui mừng thoả thích và mình thích thú ra đi là tâm hỉ. Chính cái đó khi đi tục sinh trở lại thì chúng sanh đó đi tục sanh với tâm hỉ hay là tâm xả là như vậy. Có đứa bé ra với cuộc đời này nó vui, có đứa bé ra với cuộc đời này nó không vui nó buồn rầu, có đứa bé sanh ra nó vui cười là nó đi tục sinh từ góc trên nó đi ra hỉ và xả thì nó đến với đời lại hỉ và xả của nó đã tạo ra trong giờ phút cận tử của kiếp trước tục sinh lại kiếp sau nó có đón nhận lại cái tâm nó đi như vậy. 

Thì, hỉ và xả  làm chức năng tục sinh đi tái tục, đi tái tục chúng sanh trở lại trong đời này. 

Như vậy, khi chúng sanh còn trở lại trong đời này cũng vẫn có ở trong góc độ trí thức, với những bậc bồ tát trở lại với đời này với trạng thái trí của balamật trở lại. Với những người phàm phu họ trở lại trên đời này có khi có trí tuệ, có khi có tri thức mà thôi. Có những đứa bé ra đời nó lanh lẹ học hỏi mau lẹ, có những đứa bé ra đời mình dạy nó mà nó lù đù chậm hiểu là nó trong trạng thái đến với đời với trạng thái tri thức chứ không phải trạng thái trí tuệ, mình không có trách được, từ đó mình hiểu được mình chỉ bổ túc hay sửa đổi mà thôi. Với những người không có bổ túc để mà có, còn những trạng thái chưa có mình bổ túc và mình phải sửa đổi những cái đương có những cái tri thức cố hữu và cố chấp. Có những trường hợp những đứa bé mình dạy nó không nghe là nó có tri thức quá khứ trong lúc nó cận tử lâm chung nó bắt giữ lấy cái đó nó ra đời với trạng thái cố chấp bảo thủ sửa không nổi, người mẹ người cha sửa nó không nổi, còn không có duyên nữa mà nghiệp báo nó đã có nữa, nhưng mình không có kết hợp được gọi là bất tương ưng thì mình đưa ra một người nào hữu duyên với nó hoán chuyển sửa đổi nó được, nhiều khi mình nói "bụt nhà không thiêng" là do những trường hợp như vậy đó, thì nó có cái tích lũy đời trước mang tới đời này, nó có cái vốn mà mình nhồi mình nhét nó vô chưa hẳn là được, gặp người khác họ sửa đổi nó được thành ra trạng thái mới của nó, còn mình không có cái điều kiện đó mình không làm được.

Thiền sinh: Thưa Sư, cái lộ trình tâm bắt đầu từ tâm tiếp thu rồi tới thẩm tấn thì nó đã quyết định chưa?

TT trả lời: Chưa, nó còn phải qua đoán định mà đoán định cũng chưa quyết dịnh nữa, đoán định xong rồi đưa qua đổng lực thì đổng lực mới quyết định

Qua lộ trình tâm, bữa trước sư nói rồi; Tiếp Thâu, Thẩm Tấn, Đoán Định, rồi qua Đổng Lực, Tâm Đổng Lực mới giải quyết cảnh đó chứ còn qua Tâm Thẩm Tấn chỉ xét soi thôi. 

Do đó, như trường hợp qúi Phật tử ngủ mê say mà nghe văng vẳng ở bên ngoài, qúi Phật tử không xét được cảnh đó như thế nào, nó chỉ tới Thẩm Tấn Đoán Định rồi Thẩm Tấn, rồi Đoán Định rồi nó trở lại Tâm Hữu Phần. Thì trạng thái mình ngủ mê say, hay là trạng thái mình bị uống thuốc mê, trạng thái uống thuốc ngủ, thì lúc đó tâm thức của mình liệt nó không làm việc được nhiều, nhưng với người có trí tuệ họ bén nhạy thâu những cảnh tiếp tục đó thì lúc đó họ chỉ thấy Thẩm Tấn Đóan Định rồi lại Thẩm Tấn Đoán Định thôi nó không qua được Tâm Đổng Lực, khi họ tỉnh ra họ nói: "hôm qua tôi nghe tiếng động mà tôi không hiểu được tiếng động là cái chi tôi cố gắng tìm hiểu mà không hiểu được cái ý nghĩa tiếng động là tiếng động gì" thì những cái đó là họ có Thẩm Tra họ cũng có Tiếp Thâu, họ cũng nhận xét nhưng họ không qua được Tâm Đổng Lực họ rớt trở lại Tâm Hữu Phần (hay còn gọi là tâm Hộ Kiếp - bhavanga-citta). Thì ở đó là trạng thái là cảnh rất nhỏ, cảnh không rõ đến Tâm Thức đó không bắt được do đó họ rớt trong Hữu Phần, đó là tâm Hữu Phần, giống như là mình nghe văng vẳng nhưng nghe không rõ gì hết thì ở đó nó chưa quyết định được cảnh, nó chưa giải quyết được cảnh, trong trạng thái đó nó chỉ hiểu một cách mờ mờ. Lúc đó ý chưa lên được nó làm theo cái tâm quả của nó mà thôi, nó làm theo chức năng quả của nó chưa có ý mình lên.

Thiền sinh: Thưa Sư, ngay chỗ Thẩm Tấn này là Tỉnh Giác?

TT trả lời: Chưa, nó chỉ ở trạng thái xét soi thôi chưa có tỉnh giác. Tỉnh Giác là nằm trong góc độ của Đổng Lực, mình phải cẩn thận khi chánh niệm và tỉnh giác là Tâm Đổng Lực. 

Thí dụ, như qúi Phật tử đi trong trạng thái dở chân lên, duỗi chân ra, dẫm chân xuống, 3 bước mình đi như vậy, trạng thái đó mình sài Tâm Đổng Lực. Nhưng, khi qúi Phật tử đứng lại ở trong trạng thái thiền, tâm của qúi Phật tử niệm hơi thở vô ra, vô ra, thở tập trung và theo dõi hơi thở cũng là chánh niệm và tỉnh giác, rồi khi mở mắt ra vừa nhìn thấy thì bắt đầu là thẩm tấn đoán định bắt đầu vô trở lại với trạng thái Lộ Ngũ Môn. Nhưng khi mà mở mắt ra với trạng thái Tiếp Thâu, Thẩm Tấn, Đoán Định, mình nhìn thấy nhưng mà mình thấy lờ mờ không rõ không biết cái đó là cái chi thì nó cũng rớt vô trạng thái Thẩm Tấn, Đoán Định, Thẩm Tấn, Đoán Định, chưa có chánh niệm tỉnh giác chỗ đó được.

Cũng như qúi Phật tử mở mắt ra thấy đằng xa thiệt xa, qúi Phật tử thấy cái đèn nó cháy chớp nháy lên mình đang trong bóng tối trong đêm khuya không biết đó là đèn pin hay là người ta đang pha đèn cho qúi Phật tử thấy, hay nữa là trạng thái những con đom đóm hiện bày, còn hay hơn nữa là  những con ma chơi mà qúi Phật tử ở nhà quê mới thấy ở thành phố mình không thấy. Sư với Ngài Tịnh Sự đi ra dòng sông  đi qua đò trời tối thấy ánh sáng nhấp nha nhấp nháy, đầu tiên Sư thấy nó nhấp nháy Sư nhìn không rõ, Sư nói "Bạch Ngài chiếc tàu máy nhấp nhô đầu thuyền có đèn", nhưng Ngài Tịnh Sự nói đó là ma chơi, nó đi một đoàn, từng cục lửa, từng cục lửa nó đi như vậy đó, Ngài nhìn Ngài nói cái này là ma chơi chứ không phải là đò máy cũng không phải đơm đóm mà là từng cục lửa lớn như cái đồng hồ treo tường, nó nhấp lên nhấp xuống ở bên bờ sông bên kia không thấy rõ tại vì trời tối, thành ra lúc đó là mình không biết được, lúc đó không có Thẩm Tấn không có Đoán Định được, Sư cứ nhìn cảnh đó hoài vì đối với Sư cảnh đó là Sư cảnh nhỏ không rõ Sư phải hỏi, nhưng Ngài Tịnh Sự thì Ngài biết, những lúc đó mình chỉ có Thẩm Tấn, Đoán Định thôi, không qua được Đổng Lực, mình sợ hay mình không thích, khi mình sợ là sài tâm sân là Đổng Lực rồi, khi mình thích mình sài tâm tham là sài Đổng Lực rồi, còn cái này mình chưa biết gì hết, không sợ, không tham, thì đó là Tâm Thẩm Tấn, Tâm Đoán Định.

Cũng như, qúi Phật tử đứng bên kia đường, Sư đứng bên đây đường, hai bên cách nhau khoảng xa mà Sư ngoắc qúi Phật tử không thấy thì lúc đó là Tâm Thẩm Tấn, Tâm Đoán Định, không biết Sư kêu mình hay Sư làm gì không biết, không đoán được thôi bỏ qua. Đó là trạng thái không có chánh niệm tỉnh giác.

Nên góc độ chánh niệm tỉnh giác là thuộc tâm thiện ở trạng thái hiểu biết đối tượng và theo dõi được đối tượng chính xác trong sự hiểu biết của mình, và rõ biết có sự ghi nhớ chính xác là sài tâm Đổng Lực, nhưng Tâm Đổng Lực đó mà với chánh niệm và tỉnh giác là những tâm đó phải là tâm Tương Ưng Trí là lúc đó sắc bén để mình nhìn thấy được đối tượng, mình thấy được sanh diệt nhân quả, hay là những đối tượng là vô thường, khổ, vô ngã, phổ thông tướng, mình nhìn vô đó mình mới có chánh niệm tỉnh giác thì đó là sài Tâm Tương Ưng Trí, còn nếu nói chánh niệm tỉnh giác mà mình không phân biệt được đối tượng đó thì cái đó đang ở trong trạng thái thất niệm của một cái tưởng chứ không phải của một cái niệm (đó là Tâm Hữu Nhân mà Bất Tương Ưng Trí).

Mình phải tinh xảo vấn đề, tâm mình nhìn thấy góc độ này mình hiểu, góc độ kia mình biết, thì mình mới lọc được, nên gọi là Tâm Thanh Tịnh là vậy, mình phải lọc được tâm, nếu không lọc được tâm mình trong suốt trong sạch trong sáng thì không được lợi ích gì cả, cái đó thất bại. 

Nên có nhiều người đi vào trong góc độ thiền quán mà họ không nắm vững các vấn đề đó thì họ có hai cái suy nghĩ , họ nói : 

1 "Con đường tu tập Thiền Quán không được thành công," 

Một suy nghĩ khác họ nói:

2  "Cái này là do vô minh mình mới bị kẹt trong cái này mình không tu tập được" 

Hai cái đó dằn co người hành giả. Thật ra không phải như vậy nữa. Góc độ khác nữa nhưng ai lý giải, ai giải thích ra thì phải có những bậc có trí tuệ phân tích, những bậc Nghĩa vô ngại giải, rồi Pháp vô ngại giải, họ phân tích họ lọc ra cho vị thiền sinh mới ra được trạng thái họ mắc kẹt ở trong khúc mắc đó mà họ không được giải toả.

 Do đó, hồi xưa đối với những vị có trí tuệ phân tích những vị đó lợi lạc cho những chúng sanh cần thiết của họ khi họ thắc mắc không có ai giải thích cho mình, thì những bậc Tứ vô ngại giải hay Tứ tuệ phân tích là những bậc đó là kỳ công, là kỳ tích, hay là họ là một kỳ năng họ mới có khả năng làm ra được như vậy lợi cho những chúng sanh khác, đụng vô là họ nghe pháp, họ giải quyết được pháp, họ biết nói lên những pháp, họ dùng những từ ngữ pháp để cho người ta nghe hữu lý nghe hợp lý để họ ứng dụng được thì đó là từ "vô ngại giải" gồm có 5 là: Tứ vô ngại giải, Nghĩa vô ngại giải, Pháp vô ngại giải, Từ vô ngại giải, Biện tại vô ngại giải. 

 Qua phần Tâm Thẩm Tấn có hai góc độ, khi nào là tâm hỉ, khi nào là tâm xả, Tâm Thẩm Tấn thọ hỉ, Tâm Thẩm Tấn thọ xả. 

Thẩm Tấn thọ hỉ là những cảnh tốt cảnh đẹp, cảnh hoan hỉ và, cảnh rất là lợi lạc. Chẳng hạn như người Phật tử nhìn thấy Đức Phật là Thẩm Tấn thọ hỉ liền, tại vì người Phật tử chỉ mong cầu gặp Đức Phật để đảnh lễ tìm cầu phước báu tu tập nương tựa nơi Ngài, thì thẩm tấn lúc đó là thẩm tấn thọ hỉ. Nhưng, trạng thái người thường quen bố thí, xả thí, trì giới, hành thiền, họ thường quen do đó họ làm những cái đó thường họ chỉ thường dùng là thẩm tấn thọ xả mà thôi, khi nào mà thọ hỉ và khi nào tâm mình gặp những cảnh đáng ưa thích hoan hỉ mà mạnh mình có thẩm tấn thọ hỉ và thẩm tấn thọ hỉ duyên với những chúng sanh khi họ đến tục sinh trong đời này và họ đi tục sinh bởi tâm thọ hỉ nữa họ mới có thường tâm thẩm tấn thọ hỉ, còn đa phần chúng sanh của mình đây đều đi vào trong thẩm tấn thọ xả nhiều hơn là thọ hỉ ở cõi dục, qúi Phật tử nhìn cảnh sắc qúi Phật tử đâu có mừng dữ dội đâu.

Ở góc độ này qúi Phật tử phân biệt xả và hỉ. Xả là gặp cảnh quân bình gặp vừa phải, hỉ là gặp cảnh hấp dẫn làm cho mình bị lôi cuốn giao động mạnh phản ứng mạnh và hoan hỉ thích thú tại nơi đó. Trường hợp này đang trong tiến trình Lộ Ngũ Môn để tiếp thâu 5 cửa ngõ; nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, qua sắc, thinh, khí, vị, xúc, để chúng ta bắt lấy theo cái thích hay không thích. Như hồi nãy Sư thí dụ, qúi Phật tử có thể thấy một vị Sư tâm qúi Phật tử quân bình là xả thọ, qúi Phật tử thấy một vị Phật tới với mình rộn lên hoan hỉ thích thú đó là qúi Phật tử sài tâm hỉ thọ, những cái đó là đối với cảnh thiệt là mạnh qúi Phật tử mới khởi sanh lên còn không thông thường chúng ta sài tâm xả thọ thường xuyên và đã đủ để cho ta bắt cảnh được rồi, ít có sài tâm hỉ lắm, chúng ta qua chương 3 sẽ nghe tiếp. 

------------------------

Còn tiếp - Phần Tâm Duy Tác


No comments:

Post a Comment