Tuesday, June 15, 2021

Vi Diệu Pháp 04 - Chủ của Mọi Pháp Chế Định - TT Sán Nhiên

 Chủ của Mọi Pháp Chế Định. Vi Diệu Pháp 04 - TT Sán Nhiên

Minh Hạnh đã được nghe để học và, xin ghi chép lại theo sự hiểu của chính mình từ video giảng "Vi Diệu Pháp 04" do TT Sán Nhiên giảng. Minh Hạnh xin chia sẻ đến qúi Thiện Tri Thức. Và xin thành kính cảm tạ ơn TT Sán Nhiên đã thuyết giảng bài pháp rất hữu ích để chúng con tu tập. Cũng xin chân thành cảm ơn đến qúi anh chị trong ban Hoằng Pháp của Trung Tâm Việtnamese American Mahasi Meditation Center.

Mọi sự copy, phát tán, in ấn xin ghi rõ nguồn gốc và tên người ghi chép là Minh Hạnh

Phần ôn bài:

TT Sán Nhiên: Paramatha từ ngữ này cắt làm hai là Parama và Atha: Parama là cao siêu, Atha là nội dụng hay là lý lẽ.

Ngài Tịnh Sự đặt là Pháp Siêu Lý là pháp có nội dung cao siêu, những ý nghĩa và lý lẽ của nó thù thắng nên gọi là Paramatha, có 3 ý nghĩa chúng ta đã học qua là:

1) Đặc biệt không thay đổi.

2) Cảnh của Trí Tuệ Cao Siêu

3) Chủ của mọi pháp chế định.

Chúng ta đã học qua phần 1 và phần 2, hôm nay chúng ta học phần 3 là Chủ của Mọi Pháp Chế Định.

Như chúng ta biết Pháp Siêu Lý gồm có 4 pháp:

1) Tâm (Citta) - từ ngữ căn "Cit" là, suy nghĩ, hay biết 

2) Tâm Sở (cetasika) là phụ thuộc của tâm. Tâm và Tâm Sở luôn luôn sanh và diệt

3) Sắc Pháp (Rūpa) mang tánh chất hoại diệt

4) Niết-bàn (Nibbāna): Ni + Vāna có hai ngữ căn: Ni là không,  bāna là phiền não. Như vậy thì khi ta nói Nibbāna là không còn rừng phiền não.

Nibbanam paramam sukham nghĩa là Niết-bàn là an vui tuyệt đối

Nibbanam là Niết-bàn

Paramam là tuyệt đối

Sukham là an vui

 Niết-bàn là tuyệt đối an vui, là không còn rừng phiền não của Tham, Sân, Si

Chữ Nibbāna một vài nơi dịch là Niết Bàn, có nơi dịch theo cổ xưa là Nát-Bàn, tiếng Nho dịch là Nê- Hoàn.

Như vậy, khi nói nó đặc biệt không thay đổi, chúng ta ôn bài:

-  Tâm thực tính của nó không thay đổi là, nó luôn sanh diệt, thứ hai nữa; quá khứ, hiện tại, vị lai nó chỉ là cái biết mà thôi, không ai thay đổi được đặc tính của nó.

- Sắc Pháp thực tính của nó không thay đổi là, nó luôn hoại diệt, nó không bao giờ được tồn tại,  quá khứ, hiện tại, vị lai, nó luôn luôn là vậy, hoại diệt và mất dần không còn tồn tại.

-  Niết-bàn, thực tính không thay đổi là, không còn rừng phiền não, luôn luôn tuyệt đối an vui. Quá khứ, hiện tại, vị lai luôn luôn được an vui tuyệt đối, không ai thay đổi được.

Tuần trước chúng ta học "Cảnh của Trí Tuệ Cao Siêu" thì với trạng thái của trí tuệ chúng ta thấy được các pháp, pháp nào là Pháp Hiệp Thế, pháp nào là Pháp Siêu Thế.

Hôm nay chúng ta qua phần 3 là: Chủ của mọi Pháp Chế Định.

Pháp Chế Định (Paññatti) có hai là:

 Danh Chế Định là Danh Xưng có 6 pháp

Nghĩa Chế Định là Nghĩa Lý có 7 pháp

Cộng chung lại thì Pháp Chế Định có 13 pháp, chia làm hai loại là, Danh Xưng Chế Định có 6, Nghĩa Lý Chế Định có 7.

Chúng ta sẽ thấy Pháp Chế Định, danh từ Chế Định chia làm hai: Chế và Định.

thì: Chế Biến ra Pháp hay chế biến ra sản phẩm của mình, 

rồi mình Định Đặt tên gọi.

Như vậy ý nghĩa của Pháp Chế Định là chế biến ra sản phẩm rồi mình định đặt tên gọi. Do đó, gọi là Pháp Chế Định. Thí dụ như, qúi Phật tử gọi cái bảng để viết là cái bảng, nếu như Sư muốn đổi tên cái bảng này qua một tên khác thì Sư phải dùng như thế nào cho mọi người hiểu. Như cái bảng đang dựng đứng bây giờ Sư để nằm ngang thì ta gọi là cái bàn để đồ lên. Nếu như cái bàn nằm ngang bây giờ ở ngoài trời đang mưa qúi Phật tử dùng nó để che mưa khi ra xe thì gọi là cái dù. Tức là, mình chế biến sản phẩm rồi mình đặt tên cho nó đ ai cũng hiểu. Muốn có cái bảng thì dựng cái bảng lên, muốn có cái bàn thì để cái bảng nằm ngang thành cái bàn, trời mưa thì dùng nó che mưa, như vậy gọi là Pháp Chế Định là, do con người mình đặt ra.

Cái tên gọi của nó gắng liền với cái nghĩa của nó, thì cái bảng có nghĩa của nó là dùng để viết, cái bàn dùng để đồ trên mặt bàn, khi cần che mưa mình cũng hiểu cách dùng của nó. Nhưng, ở trong góc độ mình biết được cái bảng với cái bàn này, hay là cái đồ che mưa được làm thành, là do cái gốc làm bằng gì (vật liệu gì), làm bằng gỗ hay một chất hoá học, thì những cái này là nguyên chất hình thành ra như vậy. Cũng như đối với chúng ta học ở trường thì nước là nước uống, nhưng nhà khoa học gọi nước là H2O nó là nguyên chất thành ra vậy, thì khi qúi Phật tử nói theo pháp thế gian cái bảng cái bàn hay là sản phẩm gì cũng được hết.

Nhưng, ai làm ra cái này, trả lời là người thợ.

Ai làm ra ông thợ, trả lời là cha mẹ, rồi ai làm ra cha mẹ trả lời là ông bà v.v... thì, cũng chỉ là chế định thôi.

Do đó, khi hỏi ai làm ra cái này, thì trả lời là, Tâm, Tâm là làm ra được.

Chứ bây giờ qúi Phật tử nói ông bà, nói hoài không hết thì cũng là chế định thôi.

Ai làm ra cái bảng này, có Tâm làm ra được cái bảng này, người không có Tâm thì không làm ra được cái bảng này. 

Vậy thì khi nói tới ông bà, cha mẹ, con người, cũng chưa nói đúng nữa.

Do đó, Pháp Siêu Lý mới làm ra được Pháp Chế Định nên gọi là "Chủ của mọi Pháp Chế Định".

Chủ của mọi Pháp Chế Định là do Pháp Siêu Lý làm ra.

Trong Sắc Pháp.Cái gì hình thành ra Sắc Pháp?

Thì mình nói tận cùng của Sắc Pháp là tứ đại. Chủ của mọi Pháp Chế Định là tứ đại của Sắc Pháp.

Sắc Pháp gồm tứ đại là: đất, nước, lửa, gió, tạo ra. Thí dụ như cái bàn cái ghế là sắc pháp thì do tứ đại nó hình thành ra, nó là chủ của mọi pháp chế định.

 Như vậy thì, ông A, bà B, ông C, bà D, v.v... là Pháp Chế Định, vì vậy tên gọi cũng là Pháp Chế Định. Xưa kia nguồn gốc nguyên thủy Đức Phật Ngài không đặt pháp danh, tên người nào Ngài gọi tên người đó thôi, như Ngài Moggallāna (Mục Kiền Liên) thì Ngài gọi Moggallāna. Nhưng ngày hôm nay nhân loại bắt đầu đặt pháp danh chứ trước kia không có, nên đôi khi nói pháp danh này đụng pháp danh người kia, hay phạm húy, rồi chỉ trích công kích nhau, chính mình cũng không có gốc nữa, mình cũng đã mất cái gốc nguyên thủy của mình rồi.

Gốc nguyên thủy của mình trở lại là, Tâm làm ra Pháp Chế Định, mình đang sống là Pháp Chế Định. Pháp Chế Định thì nó vuông, tròn, méo, hay là thẳng, ngay, hay là cong gì đó, cũng là Pháp Chế Định mà thôi. Mình không giữ Tâm làm gốc thì mọi Pháp Chế Định hiện bày ra tác động làm mình lung lay. 

Mình phải giữ Tâm làm gốc thì không có gì lung lay, vì mình phải giữ Pháp Siêu Lý.

Khi qúi Phật tử không giữ được Pháp Siêu Lý mà sống theo Pháp Chế Định thì Pháp Chế Định biến vô hình vạn trạng và qúi Phật tử bị chi phối, do đó mình phải giữ Bản Thể Chơn Tâm là gốc của mình để sống ở trong thế gian này không bị chi phối bởi Pháp Chế Định do con người tạo ra muôn vạn hình và ta luôn bị chi phối. 

Nếu không hiểu được pháp Chế Định con người dễ bị lung lay với cái gì chúng ta không có gốc, cây không có gốc là cây không sống được, con người mình không hiểu về; Tâm, Tâm Sở, Sắc Pháp, Niết-bàn thì mình dễ bị lung lay bởi Pháp Chế Định.

Một người đến gặp qúi Phật tử nói, "chị ốm quá", mình nghe chữ ốm mình rầu, nhưng ốm là Pháp Chế Định, bữa nay ốm rồi ngày mai mập đó là chuyện bình thường, tại vì đó là Chế Định, Tâm mình quyết định được nhưng vừa nghe "chị ốm quá" mình buồn, buồn là Pháp Chế Định, mình mất đi sự giữ tâm không bị chi phối để Pháp Chế Định tác động vào. 

Ốm, mập, khỏe, yếu, đó là Pháp Chế Định, bữa nay người ta nói cái này, mai người ta nói khác, qúi Phật tử không nên để Tâm bị chi phối bởi Pháp Chế Định, phải coi lại Pháp Siêu Lý, coi cái Tâm của mình.

Như vậy thì, qúi Phật tử sẽ thấy những Pháp Chế Định làm cho chúng ta bị chi phối vì Pháp Hiệp Thế. Pháp Siêu Lý cho chúng ta thoát khỏi Pháp Hiệp Thế và đưa đến Pháp Siêu Thế. 

Bài Pháp Chế Định nằm ở chương 6, nhưng hôm nay Sư nói cho qúi Phật tử nghe mấy pháp để quen khi nhìn thấy. Pháp về nghĩa lý có:

1) Hiệp thành chế định. Cái đồng hồ là hiệp thành, chiếc xe là hiệp thành, tại vì nhiều bộ phận ráp lại, hiệp thành hợp lại.

2) Hình thức chế định  là: vuông, tròn, méo, v.v... thí dụ, qúi Phật tử nói "lấy cái bàn vuông", người ta đem lại cho qúi Phật tử cái bàn vuông, nếu qúi Phật tử không nói hình thức thì người ta không biết lấy bàn nào, đó là hình thức chế định. Cái bàn cao muốn làm bàn thấp bằng cách cưa nó xuống, còn bàn thấp muốn nó cao thì kê lên, do con người làm được hết.

3) Thời gian chế định là: Sáng, trưa, chiều, tối, v.v....

4) Hư không chế định  là: lỗ hổng, thí dụ miếng ván này có 2 lỗ hổng là hư không, nhìn lên trời là vũ trụ, khoảng trống, v.v....

5) Chúng sanh chế định là: người, trời, thú, v.v....

6) Phương hướng chế định là: đông, tây, nam, bắc, v.v....

7) Hình tướng chế định là: ốm, mập, gầy, béo, v.v... 

Những cái này chúng ta sẽ thấy nó nằm trong bảng Nêu Chi Pháp, nó nằm bên dưới có 7 pháp Chế Định về nghĩa, 6 Pháp Chế Định về danh, phần này sẽ học ở chương 6, hôm nay Sư chỉ nhắc những cái phù hợp với qúi Phật tử là gì.

Thì những điều đó là danh từ chế định, khi nói "oh, anh cao quá", "cô thấp quá", đó là chế định đừng có chạy theo cái đó, Tâm của mình phải giữ nguyên gốc bản thể của nó không để bị lung lay. Pháp Chế Định là do con người đặt ra, họ lấy lại rồi cho mình cái khác, hôm nay họ nói khác ngày mai họ nói khác, thế gian gọi là "bát phong". Chúng ta phải thấy Pháp Siêu Lý là chủ của mọi Chế Định, Tâm con người làm ra hết, Sắc Pháp (con người) tạo ra những hình tướng này rồi tại nơi đây mình bị chi phối bởi những Pháp Chế Định này. 

Mình phải nắm Pháp Siêu Lý để tu tập, do con người mình quyết định. Nếu như mình tu học được Pháp Siêu Lý rồi thì ta giữ Pháp Siêu Lý chứ không giữ Pháp Chế Định, còn người thế gian không hiểu Pháp Siêu Lý khi đó họ giữ Pháp Chế Định họ không biết cách hành Pháp Siêu Lý. 

Người thế gian giữ Pháp Chế Định, người tu thì giữ Pháp Siêu Lý, mình giữ Tâm chứ không giữ Pháp Chế Định, những Pháp Chế Định này bữa nay như vậy mai thay đổi khác chúng ta không lo nó nhiều. 

Như vậy, những pháp này là những pháp nằm ở 3 ý nghĩa của Pháp Siêu Lý, chúng ta đã được nghe qua, học qua, được biết qua. 

Thì như vậy, khi ta học tới chương 6, chúng ta học lại phần Pháp Chế Định sẽ mổ xẻ ra, nhưng thật ra chỉ có một phần nhỏ, một chương, không khó khăn gì cả, nhưng ở đây chúng ta được biết những cái này có được là do Pháp Siêu Lý tạo ra.

Thí dụ, cái ghế qúi Phật tử đang ngồi trên một cái ghế, cái ghế đó khác với những ghế khác, đó là do Pháp Tâm của mình, Pháp Siêu Lý của mình làm những cái ghế này khác nhau, cái ghế mình lật ngửa thành cái kệ, còn dựng lên thì thành cái ghế ngồi, con người mình là vậy thôi, mình thấy Pháp Chế Định luôn luôn biến muôn hình vạn trạng bởi tâm thức của chúng sanh.

Vậy thì, Pháp Siêu Lý hôm nay ta học, chúng ta đã biết là những Pháp Chế Định đều lệ thuộc vào pháp Siêu Lý, những cái gì trong đời này mà chúng ta nói đều do tâm chúng sanh tạo ra.

Qúi Phật tử sẽ nói đông, tây, nam, bắc, nhanh, chậm, mau, sớm là do thời gian hay là phương hướng con người mình nói ra, thậm trí qúi Phật tử sẽ thấy tây nam, tây bắc, đông nam, đông bắc chúng ta cũng nói ra được nữa. Tới mức độ phương hướng là gì, ở cuối góc phòng cũng là phương hướng, ghẹo qua bên trái đi đến nhà vệ sinh, người ta nghe phương hướng đó người ta mới đi được, cũng là Pháp Chế Định thôi, những cái đó đó là do con người mình làm ra hay là Tâm của chúng sanh làm ra, hay nói rõ hơn là Pháp Siêu Lý làm ra Pháp Chế Định, mà những Pháp Chế Định này không phải riêng cho mình mà nhân gian làm ra hôm nay mình được thừa hưởng, hồi xưa ông bà cha mẹ mình làm ra hôm nay mình được hưởng tiếng nói ngôn ngữ của dân tộc của mình cũng là Pháp Chế Định mà thôi. 

Do đó, không có cái gì mà chúng ta phải chạy theo bận lo, có một số người như người Mỹ họ tìm ra tiếng nói của người Mỹ nếu mà nói trong tự điển hơn 100 ngàn từ ngữ tiếng nói của người Mỹ, nhưng hôm nay khoa học của người Mỹ tìm ra, người biết nhiều tiếng nói của người Mỹ hay từ ngữ của người Mỹ là giới bác sĩ, họ dùng nhiều nhất chỉ 13 ngàn từ ngữ mà thôi, 13 ngàn từ ngữ trên 100 ngàn từ ngữ của tự điển, còn phần còn lại họ cũng phải tra tự điển để tìm ra những ngôn ngữ mà họ chưa được dùng tới hay họ chưa được học tới. Còn người phổ thông như chúng ta tiếng nói Anh ngữ của gần đây là từ 2 ngàn cho tới 4 ngàn từ, nhiều lắm là 6 ngàn từ là hết tiếng Anh ngữ, còn 100 ngàn đó là phải tìm lại trong tự điển mà nhân gian khoa học con người phổ cập lại ra bộ sách tự điển chúng ta nghe đọc hiểu biết chung chứ thực ra chúng ta không học hết các từ vựng trong tự điển.

Thì nhìn góc độ đó là góc độ của Chế Định, con người chúng ta được thừa hưởng qua một trạng thái Pháp Siêu Lý, của thời trước để lại cho đời sau, để mình hưởng tiếp nối qua mãi không ngừng gián đoạn, do đó chúng ta có ngày hôm nay.

Cũng vậy, khi qúi Phật tử nói Niết-bàn, thì chúng ta sẽ thấy con đường chúng ta đi tới Niết-bàn do bởi Tâm, mà Tâm của chúng ta thấy được Niết-bàn thì chúng ta thấy là Pháp Siêu Lý. Nhưng nếu như qúi Phật tử không dùng Tâm là Siêu Lý mà qúi Phật tử dùng một Pháp Chế Định nào thì qúi Phật tử không hiểu được Pháp Siêu Lý Niết-bàn.

Như vậy, một số người ngồi thiền hay họ tu tập một thời gian sau họ nói họ đắc đạo quả Niết-bàn rồi, mình hỏi họ đắc đạo quả Niết-bàn theo Pháp Chế Định của họ nói hay là họ nói bằng Pháp Siêu Lý.

Do đó, người không hiểu Pháp Chế Định, họ không biết Pháp Siêu Lý thì họ không diễn tả Pháp Siêu Lý Niết-bàn được. Đúng lãnh vực chuyên môn người ta mới biết, không phải lãnh vực chuyên môn thì không biết được. Chẳng hạn như, mình không thể nào biết được lãnh vực y khoa hay lãnh vực điện tử, hay lãnh vực không gian, lãnh vực hải dương học, những môn đó chúng ta đứng bên ngoài nên không biết, nhưng cái người không biết mà họ nói về những lãnh vực chuyên môn đó thì mình biết họ không biết gì cả. Vậy thì những người mà họ không biết thì họ thường hay nổ.

Hôm nay chúng ta học được Pháp Chế Định để ta dùng Pháp Chế Định nghiệm ra được một Pháp Siêu Lý mà hôm nay chúng ta có phước được hiểu Pháp Siêu Lý hơn Pháp Chế định rồi đó. 

Vậy thì, những cái gì không phải của Siêu Lý mà thuộc Chế Định thì Siêu Lý biết, mà Chế Định thì không hiểu được Pháp Siêu Lý. 

Cái ghế không thể biết được con người của mình, nhưng con người mình làm ra được cái ghế, con người mình hiểu được cái ghế này. Như vậy thì những người sống trong Pháp Chế Định họ nói chuyện với mình là tất cả đứng bên ngoài là nói Chế Định mà thôi, họ không có một pháp Siêu Lý gì cả thì ta gát qua một bên không bàn cãi không trao đổi và không tranh luận. Chúng ta phải nắm được cái đó.

Do đó những Pháp chúng ta đang học đây là Pháp Siêu Lý, chúng ta phải nắm thực vững Pháp Siêu Lý để chúng ta hiểu được Pháp Siêu Lý luôn cả Pháp Chế Định, còn những Pháp Chế Định mà thế gian nói chúng ta phân tách được thì chúng ta hiểu được đó là pháp của thế gian ta không cần bàn cãi.

Thiền sinh hỏi: Thưa Sư, như vậy thì tất cả vấn đề mà về khoa học thì tất cả đều thuộc về Pháp Chế Định hết? Chẳng hạn như những thuốc mà họ tìm ra như thuốc Aspirin cũng là Pháp Chế Định?

TT trả lời: Đúng, đó là chế định, do tâm con người tạo ra hết, nó không qua khỏi con đường tứ đại, đất nước lửa gió là Sắc Pháp, mà đến với Đức Phật thì nhìn góc độ là ngay cả những viên thuốc Aspirin mà họ bào chế trong những viện bào chế của họ cũng nằm trong đất nước lửa gió. Đất nước lửa gió sẽ thay đổi như Aspirin qua Tylenol được, những chất hoá học đó đổi qua bên đây đổi qua bên kia, lấy H2O lấy bỏ qua bỏ lại ra chất khác nữa, vì do con người mình làm ra hết. Nhưng Đức Phật nói đến tận cùng của mọi sắc pháp cũng không qua được tứ đại đất nước lửa gió, do đó mình mới thấy con người mình tạo ra để mình tìm ra một cái mới nhưng mà thật ra căn bản gốc của nó cũng không qua khỏi cái bản chất của Siêu Lý, Chế Định cũng nằm trong đó, mình nắm cái đó được rồi thì mình nắm được tất cả thế gian này.

Như vậy, ở trong thế gian này những cái gì quí nhất mình đi tìm để mình giữ cái đó thì mình hiểu theo Pháp Chế Định. Những cái qúi nhất trên thế gian mình đi tìm ra được mình có được nó cũng nằm trong góc độ của Pháp Chế Định. Mình đánh mất cái giá trị nguyên thủy gốc căn bản của mình là Siêu Lý ở trong con người mình, mình bỏ, tại vì mình lo bỏ hết thời gian đi tìm những pháp Chế Định như; cơm ăn, áo mặc, nhà cửa, xe cộ, tất cả đều là Pháp Chế Định, mình bỏ hết thời gian để đi tìm Pháp Chế Định đó, không lo tu tập tâm linh của mình, không tu tập để rèn luyện tâm mình, sự thật là như vậy đó.

Nên đối nội của hai pháp, Pháp Chế Định và Pháp Siêu Lý, con người tìm ra được giá trị rồi. Mà con người giữa con người có giá trị và không có gía trị là người ý thức được và không ý thức được giữa Pháp Siêu Lý và Pháp Chế Định họ giữ cái gì và bỏ cái gì. 

Những người không hiểu được Pháp Siêu Lý thì họ mải mê đi tìm những Pháp Chế Định mà họ không biết là những Pháp Chế Định đã do Siêu Lý tạo ra và họ cũng không thấy được bản thể của gốc Siêu Lý ở đó tại vì họ cứ miệt mài giữ luôn luôn trong cái đó, trong khi trạng thái không có nằm yên ổn bởi vì đó là một Pháp Chế Định được tạo thành bởi Pháp Siêu Lý làm chủ của nó rồi.

Người cũng thay đổi, vật chất cũng được thay đổi, cha mẹ thương con lắm cũng phải chia tay, vợ chồng thương nhau lắm cũng li dị. Tại vì họ là những pháp Chế Định, đi tìm những pháp Chế Định, còn nếu như tìm những Pháp Siêu Lý mình có được bản thể Siêu Lý thì Pháp Chế Định không chi phối được. Đức Phật nói mình thương mình nhiều nhất, còn vị Thiên Tử nói cha mẹ thương con cái nhiều nhất, cũng phải chia tay tại vì Pháp Chế Định, Tâm chúng sanh là sanh diệt diệt sanh có sự thay đổi. 

Do đó bài pháp cho ta thấy pháp Siêu Lý và Chế Định, nên câu cuối là mình không thể đem trí tuệ thông thường của con người có kiến thức để so sánh trí tuệ Siêu Thế của Đức Phật được. 

Qúi vị thấy rõ câu đó, chính vì vậy, hôm nay ta học Pháp Chế Định và Pháp Siêu Lý, chúng ta thấy là mình đã đánh mất cái Siêu Lý để mà đi tìm cái Chế Định, mình miệt mài đi tìm mãi những cái Chế Định đó rồi mình làm mất thời gian của Pháp Siêu Lý đang có mà mình không giữ. 

Nếu như qúi Phật tử một người vì nhu cầu cuộc sống, phải lao vào cuộc sống này, làm một ngày hai jobs hay là một jobs rưỡi thì, họ còn cái gì ở tâm thức của họ về tâm linh của họ, còn thời gian nào để họ nghỉ ngơi vì tâm trí của họ mệt lả với những pháp Chế Định, chúng sanh Chế Định, thời gian Chế Định, phương hướng Chế Định, hình tướng Chế Định nó hiện bày.

Lúc đó đang mập trở thành ốm liền vì mình chạm phải pháp Chế Định. Sư có quen với một ông Phật tử, ông đó mà Sư thấy ông than dễ sợ lắm, Sư hỏi:

- "Sao mỗi lần Sư gặp anh là anh than miết, không lúc nào Sư thấy anh được an vui"

Anh ta nói "tại tham đó Sư, con khổ lắm, con than với Sư đó". 

Sư nói "tại sao mà than với Sư".

Anh mới đổi qua căn nhà này là căn nhà thứ 5, không biết dừng, "cái nhà kia nhỏ quá Sư, mua cái lớn hơn, cái nhà có sân không vừa đủ mua bự hơn nữa", rồi tới giờ là căn nhà thứ 5. Đó là họ miệt mài chạy tìm cái Chế Định mà họ quên bản gốc Siêu Lý của họ là cái Tâm của họ đã đánh mất rồi. Mình chạy theo Pháp Chế Định thì mình mất đi Pháp Siêu Lý, mà khi mất Pháp Siêu Lý là mất cái gốc để giải thoát căn bản của con người cần có.

Sự giải thoát (vimutti), nhưng thực ra sự giải thoát này là từ cái cũ ra cái mới cũng gọi là giải thoát, một cái sai ra cái đúng cũng gọi là giải thoát, rồi giải thoát từ cái khổ đau đến sự an vui gọi là giải thoát, rồi từ đó qúi Phật tử mới nói cái gì giải thoát tam giới không còn sinh tử luân hồi cái đó là giải thoát, vậy thì mỗi một phút giây qúi Phật tử không có giải thoát, qúi Phật tử đang bị chìm đắm, mỗi một phút giây qúi Phật tử không có giải thoát được tư tưởng qúi Phật tử, tâm lý của qúi Phật tử, hay tâm linh tâm trí của qúi Phật tử, thì qúi Phật tử đang bị chìm đắm là qúi Phật tử đang bị luân hồi. Nếu như khai thác triệt để qúi Phật tử thấy qúi trọng từng một sát na, qúi trọng từng một thời gian, từng một giây phút mà qúi Phật tử thấy giải thoát, giải thoát.

Nếu qúi Phật tử có thì giờ đọc một bài học là qúi Phật tử đã giải thoát tri kiến của cái cũ ra cái mới, thấy rõ như vậy đó mà qúi Phật tử không giải thoát được thì tri kiến của mình chưa được gọi là giải thoát, vẫn sài cái cũ. Chính đó là giải thoát (vimutti), qúi Phật tử chưa đến mức độ là phải giải thoái khỏi căn nhà Tam Giới là Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới, đó là qúi Phật tử không hiểu cái giá trị của sự giải thoát ngay từng sát na Tâm của qúi Phật tử đang cần giải thoát.

Tam Giới nằm ở đâu? Nằm ngay trong con người của ta, Đức Phật trả lời với Bodhitasa "Ông cứ đi tầm cầu thế gian mà không đi tầm cầu sắc thân này". Đi tầm cầu thế gian, thế gian đó của Chế Định, Đức Phật nói hữu dư y thế gian, chúng ta phải giải thoát cái sinh tử của hữu dư y thế gian này, chính là con người của ta, đó mới là cái đi tầm cầu. Nhưng, con người mình cứ đi tìm, cứ lang thang đi tìm mãi không biết mệt mỏi là một và, không biết phút giây nào dừng lại là hai. Con đường đi mình không có ngõ ra gọi là giải thoát nó cứ luẩn quẩn đi luẩn quẩn lại, tại vì mình sống theo Chế Định. Qúi Phật tử bị người ta nói mình xấu, qúi Phật tử phải chạy ra tìm một cái tốt để được khen, khi qúi Phật tử chạy qua được cái khen của người này thì sẽ bị cái chê của người kia, mình không nói tới "bát phong" mình chỉ nói Chế Định và Siêu Lý thôi.

Chính cái đó là mình phải tìm ra được cái thực tế là Siêu Lý. 

Ở bên Thiền Viện Mahashi qúi Phật tử tới đó sẽ thấy ai cũng đi ngang qua chỗ Kiết Giới Sima ngay Chánh Điện nơi Chư Tăng làm Tăng sự, ở đó có một khoảng đất trống nhìn qua bên kia là đầu ngọn tháp của Shwedagon là chỗ có tháp thờ tóc của Đức Phật, thì người nào cũng vậy, Sư cũng vậy, tu nữ cũng vậy, cư sĩ cũng vậy, khi đi ngang qua đều chắp tay lạy, tại vì họ nói ở đây mình đảnh lễ được rồi không cần phải đi đến đó, tất cả là tại nơi Tâm của mình, do đó mình đi tìm cái Chế Định là đánh mất cái Siêu Lý tại nơi đó./.

Còn tiếp, phần 2 - chương 1  Tâm (Citta) 

Mọi sự copy, phát tán, in ấn xin ghi rõ nguồn gốc và tên người ghi chép là Minh Hạnh

No comments:

Post a Comment