Thiền Sắc Giới - Vi Diệu Pháp 21 (tiếp theo) - HT Sán Nhiên
Minh Hạnh đã nghe để học và, xin ghi chép tóm gọn theo sự hiểu của chính mình từ video giảng "Vi Diệu Pháp 21" do HT Sán Nhiên giảng. Minh Hạnh xin chia sẻ đến qúi Thiện Tri Thức, nếu có gì sai sót xin lượng tình tha thứ, xin từ bi chỉ dạy, Minh Hạnh vô vàng cảm tạ.
Xin thành kính cảm tạ ơn HT Sán Nhiên đã thuyết giảng bài pháp rất hữu ích để chúng con tu tập. Cũng xin chân thành cảm ơn đến qúi anh chị trong ban Hoằng Pháp của Trung Tâm Việtnamese American Mahasi Meditation Center.
Nguyện đem công đức này hồi hướng đến tứ ân phụ mẫu, đến chư thiên và tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo. Nguyện cho vợ chồng con và các con cháu đời này và mãi mãi những đời sau có chánh tín và chánh trí.
Namo Buddhaya
Minh Hạnh
Mọi sự copy, phát tán, in ấn xin ghi rõ nguồn gốc và tên người ghi chép là Minh Hạnh
Chúng ta đi tiếp qua phần Thiền Sắc Giới.
Có tất cả 36 đề mục về Sắc Giới theo 6 tánh tình của người tu tập. Hành giả sẽ chọn 1 trong 36 đề mục phù hợp trong loại tánh nào mình đang có. Khi có 1 trong 6 loại tánh đó hành giả sẽ chọn đề mục thích hợp. Nhưng đề mục phổ thông nhất cho cả hai Thiền Chỉ và Thiền Quán là đề mục hơi thở đề mục rất phổ thông sẵn có trong con người chúng ta.
Có 4 đề mục về vô sắc giới.
Với phương pháp của Thiền Chỉ và đề mục hơi thở, thì bất cứ tâm của hành giả đi ra khỏi hơi thở, hành giả trở lại hơi thở, hành giả không cần phải biết cái gì nữa hết. Hành giả nghiên cứu và tu tập để được đắc định của Thiền Chỉ, hành giả đi làm sao để không rời khỏi hơi thở.
Hành giả chăm chú vào hơi thở với 5 chi thiền là: Tầm, Tứ, Hỉ, Lạc, Thống Nhất (định)
- Tâm tìm hơi thở gọi là Tầm.
- Quán sát hơi thở, theo dõi hơi thở là Tứ.
- Giữ gìn được hơi thở đó là Hỉ.
- An lạc trong trạng thái ngồi thiền không bị phóng tâm bấn loạn gọi là Lạc.
- Lúc đó hơi thở với mình là một là Nhất Thống (định).
Tâm của ta để vô hơi thở, tâm vừa phóng ra trở về hơi thở, giống như con cóc nhảy ra khỏi dĩa bắt bỏ lại vào dĩa, nó búng ra mình bắt bỏ vô, tâm ta phóng ra khỏi đề mục hơi thở kéo tâm trở lại hơi thở.
Và 5 triền cái là: Tham dục, sân hận, hôn trầm thụy miên, trạo hối, hoài nghi
1) - Tham. Người hành giả Thiền Chỉ mà dính mắc vô hơi thở lúc đó là tham triền cái che lấp liền.
Luôn luôn khắn khích với hơi thở là qúi Phật tử không có trạng thái dính mắc với hơi thở.
Như thế nào là dính mắc? Thí dụ, khi qúi Phật tử theo dõi hơi thở biết hơi thở đó thôi. Khi qúi Phật tử theo dõi hơi thở mà nói hơi thở dài, hơi thở ngắn, nó nặng, nó nhẹ, nó nhanh, nó chậm là qúi Phật tử dính mắc vô nó. Giống người gác dan giữ cửa, khách vô ông mở cửa thôi, nhưng khi thấy ông lăng xăng với một người nào ngoài vị trí ông ngồi ở cửa để mở cửa cho những người khách vào hoặc ra, là ông ra lăng xăng nhiệt tình năng nổ nói chuyện với người đó là ông đang dính mắc vào người đó. ông thích hay thưong người đó thì không biết nhưng ông ra khỏi vị trí là mình biết ông dính mắc rồi.
2) - Sân - Với trạng thái hơi thở vô và ra mà mình không hoan hỉ, mình bực bội hay mình không thấy rõ, hay một trạng thái mệt mỏi chán chường, lúc đó mình nhìn thấy mình đang bị ở trong mức độ sân.
3) - Hôn trầm thụy miên - Ngồi thiền ngồi không ngủ gục, phải sáng suốt tỉnh táo trong hơi thở.
4) - Trạo hối - Ngồi thiền không để tâm tán loạn, giữ tâm yên tĩnh,
5) - Hoài nghi - Ngồi thiền không thắc mắc gì hết, chỉ thấy hơi thở mình ra vào thôi.
Đó là 5 pháp triền cái che lấp làm chúng ta không nhìn thấy hơi thở.
Nói một cách khác. Khi ta ngồi nhìn hơi thở, ta lấy hơi thở làm đề mục, ta thấy hơi thở thôi và không để tâm đi chỗ khác, và không cần phải theo dõi hơi thở để mình dính mắc với nó quá đáng, chỉ biết và biết thôi chứ không thắc mắc hơn. Và cũng không khó chịu bực bội với hơi thở nó như thế nào. Không ngủ gục khi ta ngồi theo dõi hơi thở. Và luôn luôn không thắc mắc hơi thở ta ra sao như thế nào, không thắc mắc, thấy như thấy, nhìn nó như nhìn, nghĩ như nghĩ, hiểu như hiểu, biết như biết, chứ không thắc mắc hơi thở đó. Đó là Thiền Chỉ.
Như vậy, khi ngồi thiền Chỉ là qúi Phật tử biết ta và hơi thở thôi, gác bỏ mọi cái gì làm cho tâm của ta rời khỏi hơi thở.
Thiền sinh: Thưa Sư, nếu coi cái hơi thở lúc bắt đầu. lúc giữa, và lúc cuối, như vậy là Thiền Chỉ hay là Thiền Quán?
HT trả lời: Là Thiền Quán. Còn Thiền Chỉ thì chỉ theo dõi hơi thở vô và ra, giống như người gác cửa, chứ không cần biết nó vô tới đâu, nó ra tới đâu, làm như một người máy móc, người đi ra, mở rồi đóng lại, người vô, mở rồi đóng lại. Qúi Phật tử mới giữ được mình với hơi thở là một.
Thiền sinh: Khi ta ngồi thiền muốn thấy Hỉ Lạc có phải là tham không?
HT trả lời: Không phải, Hỉ mà dính với hơi thở là trạng thái tâm của mình càng ngày càng khắc khích với hơi thở, giống như mình đi tới căn nhà mình đi tìm, thấy căn nhà đó hiện lên thì lúc đó niềm vui của mình khởi lên là mình sắp sửa đi tới căn nhà mình đang đi tìm, như vậy không phải là tham, nhưng mình Hỉ (vui) là mình không đi lạc đường, Hỉ là mình đang đi tới nơi, Hỉ là mình không mất công mất sức, như vậy là vui rồi, không gọi là tham, chỉ khi nào mình đi sâu vào chi tiết mới gọi là tham.
Với trạng thái của Thiền Chỉ là việc nào ra việc đó chứ không đi sâu vào chi tiết và cũng không để ý kiến mình trong việc làm của mình tại nơi đó là Thiền Chỉ là xong, thích hoặc không thích gác bỏ hết, còn Thiền Quán là đi vào chi tiết.
Hỉ là mình đi không lạc đường và sắp sửa đến nơi, sắp sửa đến Nhất Thống (định) là mình khởi sanh Hỉ.
An lạc là buông bỏ bao nhiêu cực khổ, nhọc nhằn, mệt mỏi, trao dồi tu tập cực khổ mồ hôi nước mắt mình đổ ra, giờ mình an lạc rồi là biết tới nơi rồi. Lạc đưa đến trạng thái ta với hơi thở là một.
Con đường tu tập của ta với Thiền Chỉ cơ bản là như vậy, hết sức là dễ dàng.
Qúi Phật tử có thể lấy cây viết làm đề mục cho Thiền Chỉ. Thí dụ, khi Sư nhìn thấy cây viết, Sư chỉ chăm chú nhìn cây viết thôi, không nhìn những gì khác xung quanh, bây giờ có người kêu Sư không nghe vẫn giữ tâm nơi cây viết, có người làm hiệu để Sư nhìn họ Sư không nhìn mà chỉ chăm chú vào cây viết, những nghĩ suy của Sư là "việc làm của mình chưa xong vẫn còn nhiều việc đang cần làm giờ mình ngồi đây ngó cây viết này là uổng phí thời gian không đáng", Sư cắt tư tưởng đó, và tiếp tục nhìn cây viết.
Chỉ có như vậy thôi. Giống như ngồi câu cá, ngồi nhìn cần câu chờ cá cắn câu ngoài ra không để ý gì khác chung quanh mình, nếu không chăm chăm nhìn cần câu mà nhìn qua nơi khác cá cắn câu mình không hay, dù kiến có cắn chân mình thì mắt vẫn không rời cần câu mà chỉ dùng tay sờ dưới chân mình phủi kiến mà thôi mắt vẫn không rời cần câu.
Do đó, khi qúi Phật tử ngồi thiền qúi Phật tử có thể nhúc nhích tay chân và không cần niệm nhúc nhích à, không cần niệm như thiền quán, mà chỉ chăm chú vào hơi thở.
Với Thiền Quán bắt qúi Phật tử mỗi một phút giây gì, mỗi cử chỉ hành vi cử động nhỏ to gì của thân và tâm (danh và sắc) đều phải theo dõi một cách sắc bén và chính xác không bỏ một chi tiết nhỏ, là Thiền Quán.
Còn Thiền Chỉ, chỉ cần chăm chú vào hơi thở và vẫn có thể nhúc nhích thay đổi oai nghi, miễn sao tâm vẫn theo sát hơi thở.
Do đó cái đó mình không có bỏ qua việc mình đang tu Thiền Chỉ. Không có lý do gì mà bỏ tâm mình ra khỏi hơi thở.
Thiền Chỉ cũng có 2 hạng là tu gieo duyên và tu quyết lòng. Người tu Thiền Chỉ gieo duyên chỉ đến cận định thôi, tâm họ lắng, tâm họ an trụ nhưng họ không đắc thiền, đụng cái là họ bật ra liền giống như họ tới gần cửa họ chưa được vô nhà họ nghe ai kêu họ quay trở ra liền chứ không bước vô nhà, đó gọi là cận định.
Người tu Thiền Chỉ quyết lòng sẽ đắc định, ở trong thiền với trạng thái tâm an tịnh trong Thiền Chỉ, đó là sự quyết lòng.
Vậy thì, khi ngồi thiền ta luôn luôn có 5 triền cái là tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo cử, hoài nghi, luôn luôn có, chúng ta đè xuống chứ không có diệt. Qúi Phật tử không cần phải diệt cái tham, không cần phải diệt cái sân, không cần diệt hôn trầm, không cần diệt trạo cử, không cần diệt hoài nghi, qúi Phật tử chỉ cần làm sao để ý tới hơi thở, còn có hay không, nhiều hay ít, chúng ta không cần thắc mắc, chỉ có một chuyện duy nhất là chúng ta làm sao trở lại hơi thở là qúi Phật tử thành công.
Khi qúi Phật tử đi được Sơ Thiền và con đường đi là 5 chi thiền: Tầm, Tứ, Hỉ, Lạc, đi qua được 5 chi thiền này là thành tựu được sơ thiền.
- Khi muốn qua Nhị Thiền thì từ Định (nhất thống) của Sơ Thiền đi tiếp bỏ Tầm, đi tiếp là Tứ
- Rồi từ Nhị Thiền qua Tam Thiền cũng từ Định (Nhất Thống của Nhị Thiền bỏ Tứ đi tiếp, tới Lạc
- Cứ tiếp tục như vậy cho đến Tứ Thiền thì bỏ Lạc đi tiếp tới Xả
- Đi tiếp đến ngũ thiền.
Qúi Phật tử có Định của Sơ Thiền làm nền tảng, qúi Phật tử trở lại hơi thở liền rồi bắt hơi thở này đi tiếp, qúi Phật tử không phải đi qua từ các chi thiền, tới khi qúi Phật tử thấy được như vậy nó đi rất là nhanh. Nhanh và chậm là do mình khéo tác ý chứ không phải lập đi lập lại hoài.
Bắt đầu của những người tu Sơ Thiền thì muôn vàn phần khó, hay là chưa có kinh nghiệm, chúng ta lượm lặt lâu lắm mới có, nhưng qua đến Nhị Thiền, đến Tam Thiền, Tứ Thiền thì ta đi rất là nhanh, không khó, có căn bản, có kiến thức, có kinh nghiệm và có đủ nghị lực ở đó.
Do đó, cái này qúi Phật tử đi như thế chẻ tre, cây tre mà đầu tiên làm sao con dao qúi Phật tử cắm vô miệng cây tre rồi thì chỉ cần gõ cái là lưỡi dao đi tuốt xuống luôn. Lúc đưa lưỡi dao vào đầu ngọn tre là Tầm, xem xét kỹ rồi chẻ một cái là chẻ được cây tre.
Khi qúi Phật tử định được hơi thở tầng thiền thứ hai là Nhị Thiền. Qúi Phật tử quay trở lại thấy hơi thở có liền là Hỉ, còn nãy mình nhìn lại hơi thở mới thấy, còn nhị thiền vừa nghĩ tới hơi thở là pháp Hỉ tới liền như nó nằm trong tay của mình không cần phải đi tìm nó nữa. Xong xuôi mình vừa Hỉ là mình an trú sâu vô mình muốn sự an lạc đến trong trạng thái hơi thở của mình an Lạc thân tâm nó đến liền, rồi an Lạc xong xuôi mình nói buông bỏ hết tất cả giữ cho hơi thở được an trú tâm mình không có phiền não sanh nữa thì Xả đến liền buông bỏ liền. Nó đi không gián đoạn và nó không ngừng, không phải đi Sơ rồi Nhị rồi Tam rồi Tứ giống như đạo quả.
Đi con đường thiền quán có 4 giai đoạn, nhưng có hai giai đoạn phân biệt rõ ràng là:
1) Thứ nhất là Sơ Đạo, còn gọi là Sơ Quả, giai đoạn này rất là khó
2) Giai đoạn thứ hai là Tứ Đạo, còn gọi là Tứ Quả, giai đoạn này quyết liệt, rất là khó.
Ở giữa hai giai đoạn Sơ Đạo và Tứ Đạo là Nhị Đạo và Tam Đạo thì không khó, chỉ cần diệt tham và sân mà thôi.
Nhưng mà tới giai đoạn Tứ Đạo (Tứ Quả) thì phải diệt ngã mạn, phóng dật, vô minh và ái dục, những cái đó rất quyết liệt, lúc đó qúi Phật tử sống chết với nó.
Với người Sơ Đạo (Sơ Quả) thì vượt qua thân kiến "Tôi, Ta" mà cố hữu chúng ta đang dính mắc nó mà không buông bỏ được.
Nhưng tới giai đoạn quí Phật tử đi tới Tứ Đạo (Tứ Quả) qúi Phật tử diệt ngã mạn, diệt ái dục, diệt vô minh, 3 cái này kinh khiếp, kế đó nói tới phóng dật, chính 3 cái này ngã mạn, ai dục, vô minh này mạnh hơn thân kiến. Thân kiến này chúng ta dừng lại cái tri kiến nghĩ về thân này qua sắc, thọ, tưởng, hành, thức và, thân kiến, ngũ uẩn. Nhưng ngã mạn là nó dính vô trạng thái hơn bằng thua cột tâm mình.
Thân kiến qúi Phật tử không so sánh với người khác qúi Phật tử tìm thấy được chính mình và qúi Phật tử diệt bỏ.
Còn Ngã mạn qúi Phật tử thường hay bị cái so sánh mình với người khác do đó mình không diệt được người và cũng không cắt được mình, nó khó ở đó.
Cái thân kiến là qúi Phật tử diệt; sắc, thọ, tưởng, hành thức, của mình mà thôi, nó khởi lên cái gì không phải là của tôi.
Nhưng tới cái ngã mạn; hơn, bằng, thua, qúi Phật tử so sánh tôi so sánh người, nhìn thấy người so sánh ta, luẩn quẩn ở đây, làm sao cắt hai bên được. Do đó ngã mạn khó và vi tế. Mà trong ngã mạn tôi hơn bằng và thua tại vì có dính nó và chính nó mình đang giữ.
Còn thân kiến qúi Phật tử không cần lo, qúi Phật tử thấy "tôi" lên là cắt, nghĩ tới tôi là diệt, không cần nghĩ tới "tôi ta" trong đó, chỉ có là thân kiến cần cắt đứt.
--------------------------------------
Phần Thiền Sinh hỏi đạo
Thiền sinh: Thưa Sư con có câu hỏi, khi mình vô định của thiền Chỉ và định của Thiền Quán có khác nhau không?
HT trả lời: Có khác nhau. Sư nói thế này nha:
Thiền Chỉ có 5 chi thiền:
- Tầm,
- Tứ,
- Hỉ,
- Lạc,
Nhất Thống (Định).
Nhưng Thiền Quán có 3 chi:
- Niệm.
- Định,
- Tuệ.
Như vậy thì Nhất Thống (Định) của Thiền Chỉ, và Định của Thiền Quán ngang nhau theo dõi hơi thở. Và Định sanh Tuệ, Tuệ quán chiếu thấy Vô Thường, Khổ Đau, Vô Ngã.
Còn Tầm, Tứ, Hỉ, Lạc là ngang với Niệm (của Thiền Quán) không rời bỏ hơi thở.
Khi an trú vào hơi thở rồi mình bắt đầu giữ tâm trong hơi thở rồi qua khỏi những hiện tượng phóng tâm, hoài nghi, phóng dật, rồi thì mình bắt đầu phát triển định, phát triển tuệ quán lên qúi Phật tử mới thấy được Vô Thường, Khổ Đau, Vô Ngã trong phút giây đó của hai khối Danh và Sắc (Thân và Tâm) qua hơi thở giữ tâm mình trụ tại nơi đó.
Như vậy, khi đạt được Định tâm mình trụ trong hơi thở để mình phát triển được Thân và Tâm. Khi thấy được Thân và Tâm con đường tuệ quán phát sanh lên.
Nếu qúi Phật tử không làm được cái này, Niệm không được Định không được thì Tuệ không có. Nên cho dù Thiền Chỉ là 5 chi, Thiền Quán có 3 chi, nhưng trong 5 chi của Thiền Chỉ mới có 2 chi của Thiền Quán là Niệm và Định, còn thiếu chi Tuệ. Thiền Chỉ có 5 chi nhưng không có Tuệ mà chỉ có Tầm, Tứ, Hỉ, Lạc, Định, thiếu cái Tuệ. Phải có Tuệ phát sanh lên thấy sanh diệt, sự hoại diệt, sự tồn vong và hủy hoại biến mất mình ra cái Tuệ Quán, lúc đó mình chính tri thật sự về chân lý mới đạt giải thoát. Còn định của Thiền Chỉ không có chính tri không thấy được sự thật chân lý.
Giữa hai người; ta và một ông bác sĩ vi trùng học ở trong một căn nhà, đối với ta đuổi được con gián đuổi được con kiến đuổi được con chuột ra khỏi nhà là ta yên tâm khỏe rồi. Nhưng đối với người bác sĩ vi trùng học gián kiến chuột ra hết rồi vẫn thấy nhà dơ vẫn có vi trùng trong nhà, họ muốn ra khỏi căn nhà, ở nơi nào họ cũng sợ vi trùng, ra đường cũng vi trùng, trong xe cũng có vi trùng, đường đi cũng vi trùng, họ không muốn ở họ muốn ra đi dù sạch đến đâu họ cũng thấy có vi trùng. Dù mình thấy tâm mình trụ thế nào nơi nào cũng thấy là Vô Thường, Khổ Đau, Vô Ngã, họ phải ra đi. Quán là như vậy.
Ngày nào qúi Phật tử là một nhà vi trùng học ngày đó mới ra khỏi tam giới này, còn qúi Phật tử chỉ là một nhà vệ sinh thông thường nơi nào mà tương đối là ở được rồi, đó là Thiền Chỉ.
Làm sao qúi Phật tử thấy được, phải tiến tu để thấy được, giống như nhà bác sĩ vi trùng học họ phải học nhiều, họ phải nghiên cứu nhiều mới ra được sự thật như vậy, đó là Tuệ, là Thiền Quán.
Do đó, khi đi Thiền Chỉ mới có 2 chi, chỉ có Niệm và Định thôi là hết rồi, nhưng đi Thiền Quán buộc phải 3 chi, Niệm, Định, Tuệ.
Tầm, Tứ, Hỉ, Lạc chỉ là Niệm. Nhất Thống chỉ là Định còn phải tiến tu nữa để có Tuệ.
Ngay khi tâm ta an trú trong hơi thở bởi công thức Tầm, Tứ, Hỉ, Lạc, ta giữ chánh niệm liên tục thì lúc đó tâm ta ở trong hơi thở và không còn bị chi phối nữa lúc đó là triền cái hết, thì lúc đó kiết sử nó lên, khi qúi Phật tử đè được triền cái xuống không còn bị nó chi phối thì kiết sử bùng phát lên rất mạnh "Tôi là nhất trong đời này" là thân kiến, mình ưa thích là tham đắm, không muốn buông bỏ là sân hận, lúc đó ngã mạn sanh lên, rồi ái luyến. Từ đó mình thấy là kiết sử lên cột mình lại.
Qúi Phật tử thấy người học không có ra gì trong xã hội này họ đâu có ngã mạn được, họ không dám ra đường mà lên mặt, nhưng mà người học càng cao họ nhìn người đời bằng nửa con mắt hay là ra đường họ ngước mặt lên tại vì họ càng lên bao nhiêu họ càng ngã mạn bấy nhiêu.
Con đường Thiền Chỉ là qúi Phật tử chỉ đè triền cái, tâm qúi Phật tử an trú được bao nhiêu thì kiết sử này nó lên bấy nhiêu. Có những vị Sư đâu phải người ta có tu tập đâu họ tu lâu chừng nào thì họ tăng thượng mạn chừng nấy, lúc đó họ không thấy có kiết sử, họ nghĩ là họ đang diệt những triền cái tham đắm ở đời, họ đang tu để giữ con đường đạo hạnh, nhưng thật ra họ chưa có diệt kiết sử, việc đời họ không tham nhưng mà kiết sử đang cột trói trong hành đạo, kiết sử đang giết họ dần trong cái hành đạo đó, không đi đến đạo quả Niết-bàn được.
Đó là đường Thiền Quán ta tiến tu để ta thấy được ta mới diệt nó mới cắt nó, còn Thiền Chỉ thì chúng ta chỉ vượt qua mà thôi.
Thí dụ, một thanh niên lớn lên muốn có gia đình có vợ có con, ông sư này trẻ lớn lên lo tu lo học hành. Như vậy thì không phải là họ không có lòng tham, họ chỉ đè mà thôi trong trạng thái là họ không muốn có gia đình như người thanh niên lớn lên muốn có gia đình thôi, họ đè nén nó xuống. Nhưng khi họ lên tới 50, 60 tuổi đời mà 60, 70 tuổi hạ của họ lên rồi thì lúc đó họ đòi hỏi phải lo phục vụ họ, cung phụng họ, phải lo hầu hạ họ, phải lo chùa chiền cho họ để họ có vị trí là họ lão rồi. Thì lúc đó tham của họ khác lên với cái tham của người thanh niên không có gia đình, đó là kiết sử, họ không ra được giải thoát, họ ở trong cái hành đạo của họ.
Khi qúi Phật tử ngồi thiền mà tâm qúi Phật tử được an trú là qúi Phật tử phải cẩn thận vô cùng, đó không phải là con đường Thiền Quán, đó chỉ là con đường Thiền Chỉ với phương pháp mà chúng ta đang đi lạc hướng của Thiền Quán.
Thiền Quán là qúi Phật tử sẽ thấy nó bùng nổ ngay phút giây ban đầu ngồi xuống thiền. Tại vì khi qúi Phật tử vừa ngồi xuống tâm qúi Phật tử đang vọng móng lên "tôi muốn đắc đạo quả" là kiết sử, "tôi hành thiền kỳ này không phải như kỳ trước" là kiết sử, băng khoăn thắc mắc kỳ này có trở lại không? là kiết sử. Là bùng nổ ngay, ngồi xuống là thấy rồi, chứ không đợi ngồi xuống thấy tê nhức mỏi đau mới thấy pháp. Đó là Thiền Quán.
Nên qúi Phật tử không thể yên lặng được. Còn qúi Phật tử ngồi xuống từ từ mà tâm qúi Phật tử đang vái trời bữa nay đừng có tê nhức mỏi đau, là qúi Phật tử đâu thấy tâm mình đang vọng động trong thiền quán của mình.
Đó là qúi Phật tử phải cắt liền, cái đó là Thiền Chỉ, khi qúi Phật tử vái trời cầu nguyện là qúi Phật tử đang đi Thiền Chỉ.
Thiền sinh: Thưa Sư, khi mình theo Thiền Quán thì mình vô Định mình trụ vào Định mà mình nhận thức được pháp đó là chỉ là Danh và Sắc thôi, khi mình bắt vô thì có cảm tưởng như là có một pháp khác nó đến nữa, thí dụ như mình đau mình nhận ra là chỉ là Danh Sắc thôi rồi lúc đó mình nghe tiếng động bên ngoài, tức là một pháp nữa, thì lúc đó mình ra khỏi định hay là mình tiếp tục mình nghe.
HT trả lời. Mình vẫn trong định, mình chỉ bắt tiếng động rồi mình trở lại định với Danh Sắc này, mình vẫn tiếp tục. Tức là mình không để cho nó mất, không để bên ngoài lôi mình ra.
Khi qúi Phật tử ngồi Thiền Quán có 2 yếu tố qúi Phật tử phải tìm thấy rất quan trọng: Môi trường và nghiệp báo. Mà nghiệp báo cũng là môi trường, môi trường cũng là nghiệp báo, 2 yếu tố đó hổ trợ cho nhau. Môi trường là hành động do nghiệp chúng ta gieo ra nên có môi trường này, nghiệp báo nó làm cho ta hành động dù môi trường yên tịnh ta cũng ngồi thiền không được, 2 cái đó bổ túc nhau.
Do đó, khi ngồi Thiền Quán mà chúng ta thấy được hai cái môi trường và nghiệp báo, môi trường chính là nghiệp báo tạo ra và nghiệp báo nó hình thành ra môi trường chúng ta đang ở tại đó để phát triển tuệ quán ta phải khắc phục. Hai cái đó luôn luôn hổ trợ nhau, qúi Phật tử không thể nào tìm cái môi trường tuyệt đối, qúi Phật tử không thể nào cắt đứt nghiệp báo mà qúi Phật tử ngồi thiền cho đạt được kết quả Niết-bàn, hai cái đó song hành đánh ta khi ta đang ngồi thiền. Môi trường là môi trường tốt, nghiệp báo là ảnh hưởng, một yếu tố và một ảnh hưởng nó xâm đánh ta.
Như thế thì khi ta nói môi trường là những tất yếu ta có, mà có tất nhiên bởi nghiệp báo cho ta môi trường này. Không phải ngẫu nhiên ta có mặt học ở đây, ta có môi trường này là do nghiệp báo ta mới vô đây. Cái đó là ta phải thấy, không thể nào là từ trên trời ta rơi xuống. Mà khi ta có nghiệp báo này ta có môi trường này, chính cái đó chúng ta đang ở trạng thái quán sát thấy được cái vị trí này có.
Lúc đó nhìn thấy môi trường nhìn lại tôi, nhìn thấy được nghiệp báo nhìn lại tôi, phát triển, cắt đứt, đây là phương tiện. Tuệ Quán là như vậy.
Tất cả đây cũng là Vô Thường, Khổ Đau, Vô Ngã.
Nêu qúi Phật tử thấy đi đâu cũng không ra được tam giác.
Thiền sinh: Thưa Sư, khi mình nhận diện cái thực tướng là đau bởi danh sắc, đến khi có tiếng động xảy ra trong môi trường đó thì mình có cần niệm hay không?
HT trả lời: Có niệm "nghe à", niệm xong thì cắt không để ý nữa, niệm xong thì cắt ngay và trở lại đề mục thiền hơi thở, chứ không để ý là tiếng động từ đâu đến, do ai gây ra v.v...
Do đó, môi trường là nghiệp báo, Tuệ quán chính là nơi đây, chính đây ta thấy được sự thật. Có những người đi tìm môi trường tuyệt đối, có những người muốn cắt hết tất cả nghiệp báo họ mới chịu tu tập, chính chỗ đây là con đường mình phải tu. Dù môi trường hay là nghiệp báo còn ta cũng phải tu, tại vì nó là bản chất, cái đó là bản chất nơi nào cũng có, chỉ có là chúng ta không biết thôi, nên gọi là Tuệ, có trí tuệ mới thấy, chứ còn không phải cho ta định tâm để chúng ta ở trạng thái là lắng tâm xuống mà nhìn thấy sự việc thôi một cách thản nhiên không phát được trí tuệ.
Phút giây nào qúi Phật tử được bình yên, phút giây nào qúi Phật tử được thản nhiên thái bình an lạc phút giây đó là chưa phát được trí tuệ.
Qúi Phật tử có nghe câu người ta thường hay nói: "Phiền não là thiện sanh bồ đề". Tức là phiền não làm cho ta giác ngộ, cái gì bình yên không phải con đường cho ta giác ngộ được.
Nó chỉ là một phút che lấp chúng ta cơn đau đớn hay một vị đắng sao đó. Nếu thật sự có không có một sự đau khổ một vị vua một bà hoàng hậu có quyền bính trong tay họ cũng phải khóc khi trường hợp xảy ra, con họ chết, hay một cơn đau trong thân họ, như thế thì đâu có gì để người ta nói là một vị ngọt
Do đó chính cái đó là Tuệ chứ không thể là định được, cái định này chỉ là một cái che lấp mà thôi.
Vậy thì, khi ta đi con đường Thiền Chỉ, Sư lập lại để qúi Phật tử hiểu rõ bản chất của nó để đừng có lầm nó thì mới đi ra được con đường Thiền Quán được. Người Mỹ có nói một câu "Ai sống trên đất Mỹ này không đi lạc đường không phải là người dân nước Mỹ", đã là người dân nước Mỹ phải một lần trong đời đi lạc đường.
Thiền sinh: Thưa Sư, quyết lòng là mình phải làm sao để bắt đầu tức là mình phải có nhiệt tâm mình làm bây giờ còn việc thành công hay không là tính sau.
HT trả lời: Qúi Phật tử là người lái xe giỏi, ít nhất trong cuộc đời qúi Phật tử cũng 20 năm lái xe trên đất Mỹ, tới khi con qúi Phật tử lớn lên nó có 2 điều kiện, một là mình dạy nó lái xe, hai là mình mướn người ta dạy nó. Rồi trong khi mình mướn người dạy hay là mình ra công dạy nó, mình hỏi nó một câu: "Con có quyết lòng học không, hay con muốn gieo duyên thôi?".
Nếu nó trả lời là gieo duyên là nó chưa muốn biết lái xe mà mình cố dạy nó thì rất nguy hiểm, còn nếu nó trả lời là quyết lòng là nó tìm cho bằng được để học lái xe, ai dạy cũng được, thầy hay ba dạy cũng được, quyết lòng để học. Thì cái tu của mình cũng vậy.
Đó là sự thật, nhưng đến sự thật rồi qúi Phật tử giữ, và cái sự bỏ của Sư, hai cái đó qúi Phật tử sẽ thấy cái nào là sự thật, tới một phút giây nào qúi Phật tử sẽ thấy cái bỏ hết của Sư và cái qúi Phật tử đang giữ đang có, cái nào là sự thật.
Sự thật nó như vậy đó. Tại vì Sư thấy càng nghĩ tới Đức Phật càng thấy quyết lòng, Ngài không nói cái gì mà Ngài chỉ cho mình thấy chứ Ngài không nói. Ngài thấy Ariya ngồi câu cá Ngài nói: "Đã là Ariya thì không ngồi câu cá", và Ngài giải thích cho người đang ngồi câu cá đó là với cái tên Ariya nghĩa là thánh nhân mà còn sát sanh con cá thì không phải là bậc thánh, mà người đang làm việc đó là tại họ không biết là vô minh. Nghe Ngài nói thì ông Ariya buông cần câu liền và tìm hiểu tại sao Đức Phật nói như vậy, rồi Ngài giảng cho ông Ariya việc ông đang làm.
Mình nhìn lại trong kinh Đức Phật để cho 84 ngàn pháp môn Ngài không nói mà Ngài chỉ chúng sanh, tại vì Ngài đã qua, còn Ngài thấy chúng sanh còn ở trong đó chưa đi ra, Ngài chỉ cho đi ra.
Vậy thì, làm cha làm mẹ qúi Phật tử không có nói con cái, nhìn thấy cái đó mới thấy qúi Đức Phật là làm cha làm mẹ không nói con cái mà làm cha làm mẹ chỉ chỉ cho con cái mà thôi.
Qúi Phật tử thấy 2 điều, tuổi thọ qúi Phật tử sẽ hết, cái thời gian qúi Phật tử không còn bao nhiêu, còn đường mình đi càng ngày càng ngắn lại mà mình chưa làm gì được cho mình thì làm sao cho người khác.
Vậy thì, ta đến định thì ta đến Xả rồi đến Nhất Thống qúi Phật tử sẽ giữ nó đừng để hoại, giữ nó cho đến ngày cận tử lâm chung qúi Phật tử sanh về cõi trời đó, đừng để hoại thiền, qúi Phật tử hoại thiền coi như là qúi Phật tử sẽ mất công lao tạo ra tới ngày chót không có gì, như Đề Bà Đạt Đa bị hoại thiền tới giờ chót ông ta không hưởng được cái gì của thiền ông ta hết.
Thiền sinh: Hoại thiền là gì?
HT trả lời: Hoại thiền là, qúi Phật tử ở trong định với hơi thở, tâm qúi Phật tử với hơi thở là một, tâm của ta với hơi thở là một là có định.
Khi qúi Phật tử vì lý do nào bị hoại, 1 trong 5 triền cái đến cắt qúi Phật tử, nhất là sân, hai là tham, nó đến lôi qúi Phật tử ra, tâm qúi Phật tử không vô được hơi thở nữa để qúi Phật tử có định rồi từ trong định giữ được tâm an trụ trong hơi thở này, nó là một vòng tròn khép kín mà bây giờ nó bị mạch hở, người ta gọi là hoại.
Qúi Phật tử thấy có một ngày hay là một giờ có một lúc qúi Phật tử ngồi không theo dõi được hơi thở, ngồi mà tâm cứ trạo cử phóng hoài, ngồi niệm hơi thở, lúc đó là qúi Phật tử bị mất cái định trong hơi thở.
Nhưng lúc đó tại sao qúi Phật tử bị mất hơi thở đó, một là tâm qúi Phật tử phóng dật do hơi thở này, hai là tâm qúi Phật tử bị sân trong đối tượng nào đó nên ngồi thiền không được.
Qúi Phật tử đang giận con giận vợ giận chồng hay giận ông chủ nơi mình đang làm tâm mình bị trạo cử, mình không định tâm được, mình phải cắt những phiền não những trạo cử bên ngoài mình mới ngồi thiền được, cái tâm mình bắt đầu an trú vô, nên gọi là phóng tâm hay hoại thiền mất thiền, khi đã mất thiền thì những gì trước đây mình đã luyện tập coi như mất hết, như Đề Bà Đạt Đa hiện bày được thần thông cám dỗ được vua A Xà Thế để mà làm theo ý nguyện của Đề Bà Đạt Đa nhưng mà vì tâm sân, ông ta sân với Đức Phật ganh tị với Xá Lợi Phất, ông ta mất thần thông rồi từ đó ông ta không còn trở lại thiền nữa rồi tới ngày chết ông ta với trạng thái thông thường của một người không có tu thiền. Hoại thiền là vậy.
Do đó, Thiền Chỉ khác với Thiền Quán. Thiền Quán qúi Phật tử đắc được sơ đạo sơ quả không bao giờ mất cho dù qúi Phật tử mất đi sắc thân này sanh lên trời trở lại người qúi Phật tử vẫn ở vị trí của bậc Thánh Nhất Lai, nhưng người tu Thiền Chỉ qúi Phật tử mất thiền này qúi Phật tử trở lại khó lắm.
Hai điều kiện qúi Phật tử có thể trở lại được.
1). Thứ nhất là qúi Phật tử phải trở lại môi trường mà qúi Phật tử đắc thiền trước đó, tìm lại chỗ đó.
Thí dụ như qúi Phật tử đến một thiền viện nào tu tập và đắc thiền định tại nơi đó.
Thì khi qúi Phật tử bị hoại thiền ở nhà.
Qúi Phật tử phải làm sao để trở lại thiền viện mà trước đây mình tu tập nơi có duyên lành đắc thiền tại đó để tu tập thiền lại.
2). Thứ hai, qúi Phật tử phải gặp lại vị Thiền Sư trước kia đã hướng dẫn mình, người đó mới biết đường đi của qúi Phật tử, người đó mới hướng dẫn qúi Phật tử tu tập lại.
Em đã tải xuống, cảm ơn Chị nhiều nhiều. Giữ gìn sức khỏe nha Chị
ReplyDeleteCám ơn em nhiều
ReplyDelete