Monday, May 9, 2022

Vi Diệu Pháp 21 - Thiền Chỉ - HT Sán Nhiên giảng

 Thiền Chỉ - Vi Diệu Pháp 21 - HT Sán Nhiên

Minh Hạnh đã nghe để học và, xin ghi chép tóm gọn lại theo sự hiểu của chính mình từ video giảng "Vi Diệu Pháp 21" do HT Sán Nhiên giảng. Minh Hạnh xin chia sẻ đến qúi Thiện Tri Thức. Và xin thành kính cảm tạ ơn HT Sán Nhiên đã thuyết giảng bài pháp rất hữu ích để chúng con tu tập. Cũng xin chân thành cảm ơn đến qúi anh chị trong ban Hoằng Pháp của Trung Tâm Việtnamese American Mahasi Meditation Center.

Mọi sự copy, phát tán, in ấn xin ghi rõ nguồn gốc và tên người ghi chép là Minh Hạnh

Hôm nay chúng ta đi tiếp phần thiền Chỉ.

Như chúng ta biết tu thiền có hai loại là thiền Chỉ và thiền Quán. Đa phần khi mới vô tu tập thiền ta theo dõi đề mục đối tượng qua thiền Chỉ thì dễ dàng. Với người tu về thiền Quán thì hay bị nhầm lẫn và trong sự nhầm lẫn đó là do không được chỉ dẫn kỹ lưỡng là điều quan trọng nhất. Ngay cả khi qua những thiền viện chuyên về thiền Vipassana (thiền Quán), như ở Thái Lan Sư đã có tới tham quan nhiều thiền viện coi tổ chức của họ như thế nào thì thấy đa phần các vị tu tập trở lại trạng thái của thiền Chỉ. 

Thiền Chỉ giống như đá đè cỏ, tâm an tịnh trong thời gian hành giả chăm chú vào đề mục hay nhập định ở thiền Chỉ, nhưng sau khi ra khỏi thiền hay xuất khỏi thiền thì những phiền não của họ trở lại như thường, 

 Một hành giả chuyên về thiền Quán, càng tu về thiền Quán, càng theo dõi  các đề mục, theo dõi các oai nghi, đi, đứng, nằm, ngồi, hay, Thân, Thọ, Tâm, Pháp, nếu họ luôn giữ Chánh Niệm và luôn luôn Tỉnh Giác trong mọi diễn tiến xảy ra trong tất cả oai nghi thì lúc đó họ sẽ diệt được phiền não rất nhiều, họ thấy được pháp và có lợi lạc rất nhiều trong đời sống hàng ngày. 

Thiền Chỉ và thiền Quán hai cái hoàn toàn khác nhau. Với thiền Chỉ là đòi hỏi ở thiền viện hay đòi hỏi có thời gian để mình ngồi thiền. Riêng với thiền Quán  nếu ta thuần thục trong thiền Quán trong khi ăn cơm, hay trong khi nghỉ ngơi, nằm nghỉ trên giường, chúng ta cũng có thể áp dụng thiền Quán, lúc nào chúng ta cũng để ý theo dõi rõ ràng những diễn tiến xảy ra giữa Thân và Tâm hay ta gọi là theo dõi danh và sắc, lúc nào chúng ta cũng theo dõi được.

Do đó, trong đời sống hàng ngày ta theo dõi Danh và Sắc một cách chặc chẽ như vậy gọi là thiền Quán chúng ta mới thấy được pháp, mà pháp thường thường sanh lên giữa hai Thân và Tâm hay là Danh và Sắc thì những pháp đó làm chúng ta phát hiện được, lấy tâm quán chiếu được pháp, chính tại đó diệt trừ phiền não được dễ dàng. 

Hôm nay Sư chỉ nói về thiền Chỉ. Tuần vừa rồi chúng ta học qua phần Thiền Sắc Giới, chúng ta sẽ tiếp tục qua từng loại tâm này và những tâm thiền Sắc Giới  qua đến thiền Vô Sắc Giới, thì hai lãnh vực này chúng ta đang nói tới hoàn toàn thiền Chỉ chứ không có nói tới con đường tu thiền Quán. 

Khi ta đi tới xuống Tâm Đạo hay còn gọi là Tâm Siêu Thế, con đường nào đưa đến đắc Đạo, con đường nào đưa đến đắc Quả, Đạo và Quả liền với nhau so không chậm trễ về sát na thì con đường chúng ta đi như vậy là con đường phát triển Tuệ Quán hay là Thiền Quán. 

Bây giờ  chúng ta còn đang nghe đang tìm hiểu về lãnh vực của thiền Chỉ mà thôi chứ chưa có qua con đường Thiền Quán. Con đường thiền Chỉ này phương tiện của nó là tu tập về Thiền-na làm cứu cánh của nó là đắc thiền và cho tới ngày cận tử lâm chung nếu không bị hoại thiền thì sẽ được sanh về các cõi trời Sắc Giới và Vô Sắc Giới tính theo các tầng thiền. 

Trong Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) thì có 5 Tâm Thiền Sắc Giới.

Nhưng trong Tạng Kinh, như kinh Trường Bộ Kinh - Digha Nikaya hay Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya không nói là 5 tâm Thiền mà chỉ nói 4 tầng Thiền Sắc Giới mà thôi.

Sự sai biệt giữa kinh Tạng Nikaya và Tạng Vi Diệu Pháp Abhidhamma về con số 5 và con số 4 này do từ nơi:

Tạng Vi Diệu Pháp Abhidhamma nói theo chi thiền, thì 5 chi thiền là:

- Sơ Thiền Sắc Giới, 

- Nhị Thiền Sắc Giới,

- Tam Thiền Sắc Giới,

- Tứ Thiền Sắc Giới.

- Tam Thiền Sắc Giới

 Do đó, phân biệt như vậy là nói theo chi thiền.

Còn nói theo Nikaya Kinh Tạng thì nói theo tầng thiền và các cõi trời Sắc Giới mà ta đi về đó thì với cõi trời Sắc Giới có 4 theo tầng thiền là: 

- Sơ Thiền Sắc Giới

- Nhị Thiền Sắc Giới, 

- Tam Thiền Sắc Giới

- Tứ Thiền Sắc Giới. 

Tạng Vi Diệu Pháp Abhidhamma (Vô Tỷ Pháp) có 5 là nói theo chi thiền:

- Sơ Thiền. Ở Sơ Thiền có 5 chi thiền là: Tầm, Tứ, Hỉ, Lạc, Nhất Thống (còn gọi là định) 

- Nhị Thiền. Ở Nhị Thiền ta bỏ  chi Tầm còn 4 chi thiền là: Tứ, Hỉ, Lạc, Nhất Thống (Định)

- Tam Thiền. Ở Tam Thiền bỏ 2 chi là Tầm và Tứ còn 3 chi thiền là: Hỉ, Lạc, Nhất Thống (Định)

- Tứ Thiền. Ở Tứ Thiền bỏ 3 chi là Tầm, Tứ, Hỉ, còn 2 chi thiền là Lạc và Nhất Thống (Định)

- Ngũ Thiền. Ở Ngũ Thiền bỏ 4 chi là Tầm, Tứ, Hỉ, Lạc mà lấy ra chi thiền Xả và Nhất Thống (Định). 

Đó là ta nói theo chi thiền.

Theo Kinh Tạng Nikaya. Nếu nói theo cõi trời thì có:

- Sơ Thiền Sắc Giới - có đủ 5 chi Tầm, Tứ, Hỉ, Lạc, Nhất Thống (còn gọi là định) 

- Nhị Thiền Sắc Giới - thì bỏ Tầm, Tứ, còn Hỉ, Lạc, Nhất Thống

- Tam Thiền Sắc Giới - Thì bỏ Tầm, Tứ, Hỉ, còn lại Lạc và Nhất Thống

- Tứ Thiền Sắc Giới - Thì bỏ Tầm, Tứ, Hỉ, Lạc, lấy Xả và Nhất Thống

Như vậy, sự khác biệt nhau giữa Abhidhamma và Nikaya ở chi thiền cái nào là đúng, cái nào chúng ta cần phải hiểu và cái nào chúng ta nắm bắt được. Khi ta học Abhidhamma thì ta cần phải biết từng chi thiền, nhưng khi ta nghĩ ngày nào ta đắc chứng thiền này mà ta muốn sanh về cõi trời đó thì chúng ta phải nhớ theo cõi chứ không tìm ra được cõi thiền mà Abbhidhamma nói tới. 

Như vậy thì ở đây giữa Sơ Nhị của chi thiền Abhidhamma thì đứng góc độ kinh Tạng mới là Sơ thiền mà thôi.

Rồi Hỉ, Lạc, Nhất Thống (Định) theo chi thiền Abhidhamma gọi là Tam Thiền thì lúc đó mới là về cõi trời Nhị thiền mà thôi. Như vậy thì người nào ngồi thiền còn trạng thái vui mừng thoả thích, thí dụ ngồi thiền Chỉ mà họ xả thiền xong hỏi họ vui không, hoan hỉ không mà họ trả lời hoan hỉ lắm, thích thú lắm thì mình biết họ ở Sơ Nhị hay Tam thôi, tại vì họ còn thích thú họ còn hoan hỉ là họ còn ở góc độ Sơ, Nhị, Tam. 

Với những người chững chạc điềm đạm sâu xa họ chứng đắc họ đạt được nhiều kết quả của thiền ở mức độ cao họ thản nhiên bình thản không vui không buồn, không có gì hân hoan, thoải thích, phấn khởi, trong tâm tư của họ nữa, thì lúc đó họ ở mức độ xả của ngũ thiền Abidhamma và tứ thiền của cõi trời Sắc Giới họ sẽ đi về nơi đó.

 Do đó, qúi Phật tử thấy người ít nói im lặng khi họ xả thiền là họ lên góc độ cao rồi, còn người nào còn nói tới nói lui, càng thấy họ ít nói chừng nào thì càng ghê gớm chừng nấy, công lực của họ sâu xa, và họ có nội lực kiên cố, và trình độ của họ cao, còn người còn nói vui cười là còn non lắm.

Trong sự tu tập, đầu tiên phải đi tìm kiếm đề mục thiền để khắn khích gắng bó, sau khi quen thuộc rồi ta sẽ bỏ trạng thái đi tìm và chỉ quán sát gắn bó với đề mục. Rồi khi quán sát thuần thục rồi thì hoan hỉ đến liền.

Tiến trình đi như vậy, đi từng bước từng bước như vậy, đi từng một giai đoạn như vậy, chặc chẽ như vậy, chậm như vậy, để chúng ta thấy rõ là tầng thiền chúng ta đang tiến tu nó đang đi lên. 

Nếu như chúng ta nói theo Kinh Tạng; Tầm, Tứ, rồi tới Nhị, bỏ Tầm, bỏ Tứ, qua Hỉ liền, chúng ta đột ngột một cách hụt hẫng không ngờ tại sao giai đoạn Tứ này không được nói tới giai đoạn Nhị thiền, không phải, tại vì ở đây là ta nói giai đoạn của các cõi trời, ở đây cõi trời Sơ Thiền thì phải đủ 5 chi, còn Nhị thiền gồm có 3 chi thôi là, Hỉ, Lạc, và Nhất Thống.

Thứ hai, khi ta tu thiền Sắc Giới, ta nói về các chi thiền, thì Sư cũng muốn nói, với những người sơ cơ mới bắt đầu tu thiền thì họ phải đi đúng tuần tự chi thiền này một cách chặc chẽ hay là họ phải đi đúng kỹ thuật về các chi thiền này một cách chặc chẽ mới đạt được kết quả, họ đi từ chi 1 tới chi thứ 5 sẽ có kết quả định, không nhẩy bực. Khi họ đi như vậy thì kết quả của họ đạt được như ý muốn với kết quả đó họ sẽ đắc thiền được nhập định và, sau khi họ đắc định đắc thiền lần đầu tiên lúc đó ta gọi là thiền căn bản.

Sau khi đắc thiền căn bản họ trở lại để tìm con đường họ muốn hưởng cái thiền đó họ phải trở vô tầng thiền cơ bản đã chứng đắc lần đầu tiên một sát na thôi, họ an trú ở đó, tĩnh lặng ở đó, và dưới đề mục là một, sau đó họ xuất thiền. Xuất thiền ra họ còn ngồi quán sát như là phản khán chi thiền đã qua, họ quán lại con đường nào họ đi tới và họ chứng đắc được, họ ngồi nghiệm cái đó xong thì bây giờ họ muốn trở vô để hưởng thì lúc đó họ phải vô lại cái thiền họ chứng đắc hồi nãy một sát na đó xong xuôi họ mới nguyện cho thiền định của mình được kéo dài một tiếng hay một ngày, thì lúc đó căn bản thiền mà họ chứng đắc đây họ mới đi vô trở lại 5 chi thiền này họ đắc được thì thời gian họ nguyện hồi nãy sẽ kéo dài một tiếng hay một ngày theo lời nguyện của họ.

Sư trở lại một lần nữa. Thí dụ, một người học trò khi ra trường phải qua một cuộc thi, trong 1 giờ họ làm xong một bài thi, họ nộp bài lên được kết quả đậu xong đi về nhà ngồi nghĩ lại, làm sao đậu được bài thi đó, cho mấy câu, mấy đoạn, mấy phần, họ ngồi nghiệm lại hết, họ thấy bài thi của họ giải đáp như vậy đúng rồi. 

Khi họ qua được giai đoạn đó, về nhà quán sát lại, phản kháng lại, nhìn lại sao hồi nãy 5 cái bài thi đó có 1 tiếng họ làm được, họ nghiệm việc đó họ làm xong. 

Còn bây giờ, những cái trong đời sống hàng ngày họ phải đụng va chạm với cái nghề đó, những việc làm họ cần phải dùng lại cái kiến thức mà họ đã đi qua họ thi đậu đây chỉ là một giai đoạn nhưng không phải xử dụng hết tất cả kiến thức để mà làm bài thi.

Tu thiền cũng là một trạng thái tạo ra kiến thức, nhưng đắc thiền chỉ là một giai đoạn, nhưng sau đó mình muốn hưởng lại cái tu thiền này đạt được kết quả như ý muốn thì qúi Phật tử phải đi trở lại cái mình đắc, cái đó nhớ lại giai đoạn đó mình đã thành tựu được thì qúi Phật tử mới lấy tất cả kiến thức mà đưa đến nơi này hưởng được bài thi này, qúi Phật tử mới giải đáp được mọi chuyện sau này.

Người thợ điện cũng vậy, họ muốn giỏi về điện họ phải thi cử, qua cuộc thi với những câu hóc búa trong đó mà họ gỡ được thì khi ra ngoài thực tế những khó khăn họ phải nhớ lại lúc họ thi đã được gài trong đó, họ phải hiểu kỹ thuật đã học trong thời gian ở trong trường đã học để mà hiểu kiến thức đó ráp lại.

Như vậy thì, khi qúi Phật tử đi qua đúng con đường mình đi mà đắc được tầng thiền cơ bản này, thì qúi Phật tử trở lại thiền, ở lại một tiếng, một ngày, hay hai ngày, ba ngày, là qúi Phật tử đi rất dễ dàng. Qúi Phật tử không qua được cái này thì qúi Phật tử không qua được tầng thiền một tiếng, một ngày, ba ngày.

Nên cửa ngõ đó dài, Sư hình dung cho qúi Phật tử thấy con đường hành thiền Chỉ, cái hành lang, cái đường đi của nó dài mà hẹp, tới khi đắc được thiền chỉ là bờ vách thôi, sau khi muốn được hưởng nó, ta tiếp tục đi theo khu này không thể nào qúi Phật tử muốn đi ra khỏi vị trí này được mà đi trong khuôn khổ của nó đi như vậy suốt, qúi Phật tử mới được hưởng, một ngày, hai ngày, ba ngày trong đây. Con đường hành lang này đi rất là khó, do đó đắc thiền tại đó và hoại thiền cũng tại đó, tại vì con người mình lúc nào cũng phải tập trung, còn không nó náo loạn lên là hoại thiền liền.

Đối với thiền Quán càng đi con đường càng rộng ra, con đường nãy mình tu với kiến thức thiền quán, Thân, Thọ, Tâm, Pháp (Tứ Niệm Xứ) thì mình đi đúng, nhưng tới khi quán mỗi một hướng đi nó rộng lớn, càng rộng lớn như vậy, mình dùng hết tất cả khả năng mình tìm bắt được thì pháp nó lên mình bắt được đạo quả.

Hai hướng đi, người hành giả phải thấy rõ, khi thấy rõ được như vậy thì con đường đi mình bảo vệ mới được. 

Như vậy, chúng ta có nên đi hay không nên đi, cái đó mỗi người hành giả, hay là một người đệ tử Đức Phật, suy nghĩ và quyết định.

Do đó, có những người đắc đạo quả Alahán rồi có những vị đắc thiền khô chứ không phải là thiền ướt, tức là họ chứng đắc được Vô Thường, Khổ Đau, Vô Ngã rồi, họ chứng đắc được tầng thiền của họ, có khi họ không cần phải trở qua tu tập về thiền Chỉ. Tu tập thiền Chỉ này chỉ là một phương tiện làm cho họ tĩnh lặng, còn nếu như họ đắc đạo quả họ quán sát Vô Thường, Khổ Đau, Vô Ngã, tâm của họ đã diệt trừ phiền não, chính cái đó còn thù thắng hơn nữa. Do đó có một số các vị Thánh nhân đắc đạo quả xong họ không tha thiết đi vào con đường thiền Chỉ này, con đường thiền Chỉ này gò bó phải vừa khuôn khổ phải đúng phép tắc mới thực hiện được, còn không thì họ không đi tới được bao nhiêu. Điểm đó tùy mỗi một con người chúng ta tu học chúng ta nhận xét ta thích hợp.

Thứ hai nữa, có những người trong con đường họ tu tập từ thiền Chỉ qua thiền Quán rồi mới đến đạo quả được. Nếu như họ không dùng phương pháp thiền Chỉ này làm phương tiện thì họ không đạt được cứu cánh, không phải là Quán mà cứu cánh của họ là Niết-bàn, phải dùng thiền Chỉ, vì khi họ dùng con đường thiền Chỉ là họ diệt trừ những triền cái ngủ ngầm trong tâm của họ, khi họ ngồi thiền Quán thì họ không thể nào diệt được triền cái này, chẳng hạn như hôn trầm thụy miên.

 Với những người ngồi thiền Quán. Thứ nhất, họ ngồi thiền khi vô tới hôn trầm thụy miên họ dội ngược liền, cái đó quan trọng. Cái thứ hai khi họ vô ngồi thiền mà họ đụng tới trạng thái tâm phóng dật, họ gục ngã liền, họ không vượt qua. Rồi họ tới giai đoạn mà những nhà sách vở viết ra thiền Quán là tới tu tập tới Tứ Quả mới diệt được phóng dật thành ra họ mới thấy như vậy thì không đến nỗi lo, Sơ, Nhị, Tam Quả, vẫn còn phóng dật thì khi họ nuôi dưỡng cái đó mà họ thấy được điểm đó chính họ không quán được thấy được pháp ngay khi họ còn đang phóng dật trong lúc họ đang tu tập, cũng là một sự mâu thuẫn mà dằn co giữ hai bên như vậy đó. 

Vậy thì, khi những người muốn đi trực chỉ về thiền Quán thì họ phải thấy thế nào thù thắng mới được, không đơn giản.

Đa phần ngày hôm nay rất nhiều người đang tu tập đang nghiên cứu về thiền họ đứng ở ngưỡng cửa thiền Chỉ họ qua cửa thiền Quán, họ đang đi, thậm chí tại những trung tâm thiền viện ngày hôm nay Sư được biết trên thế giới hay tại Miến Điện cũng vậy họ cũng còn đang dùng phương pháp đó, họ cũng đang cổ vũ cho phương pháp đó, khuyến khích cho những hành giả nào muốn tu thiền Quán mà còn bị nhiều trở ngại triền cái thì họ bị dừng lại tại đó. Tại vì khi ta đến với thiền Quán ta không nói đến triền cái nữa, tới thiền Quán là chúng ta chỉ nói đến kiết sử mà thôi, nhưng cửa triền cái không qua được thì kiết sử không quán sát được, cái đó quan trọng lắm. 

Nhưng với những người trí tuệ sắc bén, họ dùng kiết sử này mới thấy được triền cái và nhìn thấy triền cái đang chập chờn khi họ đang nhìn kiết sử  (kiết sử là cột trói đeo níu: thân kiến, giới cấm thủ, hoài nghi.v.v..) thì chính cái đó họ cắt đứt trí tuệ sắc bén, họ sẽ làm được nhưng đa phần họ không biết kỹ thuật đó, họ chưa lấy được kỹ thuật đó, họ bị chập chờn giữa triền cái mà họ đang nói là kiết sử và chính họ không thấy rằng những triền cái đó là hiện thân của kiết sử, họ chưa biết được cách diệt trừ được tại nơi đó, do đó họ bắt buộc trở lại Thiền Chỉ hay họ đang đi Thiền Quán rồi họ đang chăm chú vào triền cái (5 triền cái ràng buột mình lại là tham dục, sân hận, hôn trầm, thụy miên, trạo cử, hối quá và hoài nghi ) . Để diệt triền cái, chẳng hạn như họ bị hôn trầm làm sao để diệt triền cái thì họ được định họ ở luôn trong Thiền Chỉ lúc nào không hay không biết rằng là đang ở trong Thiền Chỉ họ không ra lại Thiền Quán.

Hai cái đó rất là vi tế, rất là sâu sắc, rất là nhạy bén với những hành giả mà không biết được cái kỹ thuật đó 100% thì coi như rớt khoảng 90% là về Thiền Chỉ không, vì họ không nắm được cái kỹ thuật ra khỏi triền cái thì không cách nào họ đi tới kiết sử để họ cắt đứt được để mà ra khỏi cái vị trí của Thiền Quán để đạt đến cứu cánh Niết-bàn. Cái đó rất là quan trọng mà ngày hôm nay rất nhiều hành giả cứ đi tìm làm sao tâm của họ được an trú họ đang bị giao động nhưng mà thật ra cái đó là pháp nhưng tại vì con người ta không có nắm được kỹ thuật do đó không có ra khỏi được cái cột trói, loanh quanh luẩn quẩn của sự cột trói đó. Tất cả đều có kỹ thuật của nó hết cả và những kỹ thuật đó ngày hôm nay không có cái gì chúng ta không hiểu biết được hết.

Thiền sinh: Thưa Sư, lúc trước khi tâm con tham sân si con biết thì con bị luẩn quẩn ở trong đó, con biết nó là bất thiện nhưng con ra không được, con nhìn sâu vào vì sao con ra không được và con thấy tại con muốn giữ cái tham sân si đó, và tuần này con biết là con không nên tham luyến nó nữa tại vì là pháp bất thiện, con nhớ lời Sư dạy là "đối diện vớì pháp bất thiện đó là pháp thiện" thì chỉ có một cách là bỏ nó mà đi thôi, có phải vậy không thưa Sư?

HT trả lời: Đúng vậy, Cái đó quan trọng lắm, chẳng hạn như Sư nói, triền cái có tham sân si, kiết sử cũng có tham sân si. 

Triền cái có tham sân si là Pháp.

Kiết sử có tham sân si là Tôi, Ta.

Thì khi qúi Phật tử đi vào con đường triền cái ở Thiền Chỉ chúng ta thấy pháp tham sân si, ta đè nó xuống. Nhưng những kiết sử tham sân si là Tôi, Ta, mình phải cắt diệt nó.

Thí dụ như tham. Qúi Phật tử đang ngồi Thiền Chỉ, tất nhiên là phải có đề mục, qúi Phật tử lựa đề mục hợp tánh mình, khi mình ngồi thiền cái tham, qúi Phật tử đừng nghĩ đến nó, chỉ lo nhìn vô đề mục thôi, tại vì đó là pháp tham, phải nghĩ tới đề mục để so sánh. Còn khi ta ngồi thiền mà ta thấy thích hợp cái này không bị tê nhức mỏi đau ta thích lắm, cái này là có kết quả, đó là cái "Tôi, Ta" đang lên mình phải cắt nó đi. 

Thiền Chỉ là Pháp, Thiền Quán là "Tôi, Ta" mà hai cái đều có giống trạng thái như nhau, nó tham sân si như vậy đó.

Một thí dụ khác. Qúi Phật tử nghe nói tất cả cuộc đời này ta đều thích, có tham sân si. Thí dụ, như qúi Phật tử đến tiệm bán xe hơi thấy tại đây có nhiều xe, qúi Phật tử nói "thiệt, tôi ham lắm, nhưng thiệt tiếc là tất cả các xe này không phải là của tôi, nếu là của tôi, tôi lấy một chiếc đem về liền." Tại vì không phải của mình, tất cả xe để trên bãi đậu là xe của tiệm, mình nhìn thấy xe nào mình cũng thích nhưng lòng tham mình phải đè xuống vì; một là không có tiền, hai nữa người ta không cho, ba là không phải của mình, mình lấy không được, do đó mình phải đè nó xuống, nhưng tánh tham mình vẫn còn ở trong đó. Đó là Thiền Chỉ. Về tới nhà vẫn còn tiếc nuối, cái xe đó quá tốt quá đẹp mà mình không lấy được, mua không được vì không có đủ tiền, mình buồn mình đi về, nhưng vì diệt cái tham chưa hết, mình còn dính mắc cái tham đó.

Còn Thiền Quán không có cái gì để lo , dù chiếc xe đó xấu, dù xe đẹp, dù xe người ta cho hay là không cho mình phải cắt cái tham không được nghĩ tới, có là khổ, cắt liền, không để cho mình bị lôi cuốn ở trong trạng thái sự lôi cuốn hấp dẫn của nó.

Giữa cái tham của thiền Chỉ, và cái tham của thiền Quán. Thì cái Quán tham là phải diệt thẳng, dù đủ điều kiện cũng không cho nó sanh khởi còn cái kia vì đè nén, ức chế, trong hoàn cảnh mình không cho phép, tới khi người ta gọi người ta nói: "tôi đổi ý rồi, anh lại lấy xe đi tôi cho anh đó, anh không phải trả tiền". Mình chạy tới chụp liền, hiện bày nguyên một hình khối tham mình đã đè nén bây giờ khởi sanh liền.

Như vậy, ở thiền Chỉ là mình đặt mình trong khuôn khổ hẹp cứng để mình không bung lung quá đáng, còn ở thiền Quán trong môi trường rộng lớn nhưng phải thúc liễm phải diệt trừ mọi sự phát sanh lên chứ không phải để mình dễ dui.

Hai cách đó mà qúi Phật tử tìm ra được là đã có con đường đi của mình ở góc độ mà mình đã chọn, không thể nào lầm lẫn được. Không biết tại sao ngày hôm nay rất là nhiều các vị cứ đi con đường tu thiền Quán 10 lần thì rớt lại Thiền Chỉ hết 10 lần chứ không phải 9, vì sao, Sư muốn nói là qúi Phật tử sẽ thấy cái điểm mà chúng ta không thể nào đối diện được cái tê nhức mỏi đau, khi chúng ta đối diện được tê nhức mỏi đau là chúng ta bắt buộc phải giải quyết thoát ra khỏi cái này ngay, chúng ta không có cách nào mà chúng ta muốn đối diện với tê nhức mỏi đau một cách rất là phí sức uổng công lực của mình đang ngồi thiền. 

Do đó, người hành giả mà ra khỏi được tê nhức mỏi đau là họ an vui họ bám lấy liền nó sẽ rớt vô thiền Chỉ và không còn cách nào để mình quán ngược lại cái tê nhức mỏi đau để mình thấy lại một lần nữa, tâm lý rất là mạnh, chính cái đó mình đang đi lạc hướng, trong khi đó mình muốn đi tìm thiền Quán này thật ra mình ở trong thiền Chỉ.

Vậy thì, khi hành giả tu Thiền Quán làm sao đừng có bị, tê, nhức, mỏi, đau, thì hành giả mới hoan hỉ chứ thật ra không phải ngồi Thiền Quán để muốn thấy được Niết-bàn, xác định lại cái tư tưởng đó, chính cái đó là ta  đang đi lạc hướng. 

Ta ngồi xuống tu thiền nghe, tê, nhức, mỏi, đau, qua được cái tê, nhức, mỏi, đau, là cái tôi đi tìm chứ không phải tôi đi tìm Niết-bàn, không phải tôi tìm đạo quả để giải thoát, không có, ai làm cho tôi thoát được tê, ai chỉ cho tôi hết đau nhức, ai chỉ cho tôi không còn mỏi và đau, tôi đang tu cái đó, tôi cần tập cái đó chớ không tìm ra đạo quả Niết-bàn thì cái đó là Chỉ, cái đó là trở lại. 

Do đó mình hoàn toàn ở trong góc độ đưa cái thòng lọng vô cái cổ mình và mình muốn người ta kéo mình đi theo chủ hướng người ta chỉ chứ không phải do mình quyết định khéo quyết định mình ra đi, mà khi qúi Phật tử sẽ thấy tê nhức mỏi đau này qúi Phật tử phải quán thật sự chính ở đây là đạo quả Niết-bàn thì lúc đó mới có ra Thiền Quán, nó hoàn toàn là như vậy, hai cái đó khẳng định rõ ràng chứ không thể nào mà chúng ta đi qua được cái cửa ngõ nào mà chúng ta không có được hết. Qúi Phật tử chạy xe mà không đổ nhớt không đổ xăng thì xe không chạy được, phải cho xăng cho nhớt xe mới chạy được mới êm ái và không hư, xe đó qúi Phật tử giữ cho Thiền Chỉ an tịnh cái tâm và yên tâm khi xe lo đầy đủ hết, xe phải cháy, bùng nổ lên qúi Phật tử mới thấy được thực tướng Vô Thường, Khổ Đau và Vô Ngã, Niết-bàn.

Điều đó cẩn thận là vì biết bao nhiêu người đã dội ngược ra cái khổ đau khi ta ngồi thiền, mà khi ta ngồi thiền mà ta gặp nhiều khổ đau phải dội ngược ra là con đường ta đi tìm đạo quả không có. 

Có những người họ nói họ đi vượt biên họ mong sao ra khỏi hải phận quốc tế thôi là mừng rồi, chưa ra khỏi hải phận quốc tế mà công an bắt thì bị tù đày, do vậy ra tới hải phận quốc tế là xong, nhưng mà khi ra tới hải phận quốc tế nào là tàu bể, tàu chìm, hết xăng, hết nước, chết tại nơi đó, họ không nghĩ tới những trường hợp đó xảy ra, lúc đó họ mới thấy được thực tướng Vô Thường, Khổ Đau, Vô Ngã. Còn cái kia họ muốn chạy trốn ra khỏi cái nghiệp báo đang đuổi bắt họ mà thôi. 

Thiền Chỉ là chúng ta đang chạy trốn nghiệp báo đang đuổi bắt. 

Còn Thiền Quán là chấm dứt sanh tử luân hồi, hai cái khác nhau.

Khi qúi Phật tử đi tới Thiền Chỉ và Thiền Quán là qúi Phật tử phải thấy con đường mình phải đi và, khi qúi Phật tử qua Thiền Chỉ và Thiền Quán thì qúi Phật tử sẽ thấy gieo duyên hay quyết lòng tự nơi nội tâm mình phát xuất lên và qúi Phật tử sẽ thấy được rõ mình ở vị trí nào lúc đó pháp hiện bày ở trong tầm tay cái tri kiến mình đang có và mình sẽ lượm được không có gì sai khác hết.

Gieo duyên thì có chủng tử của gieo duyên và quyết lòng thì cái chủng tử quyết lòng nó sẽ đến với qúi Phật tử liền.

Câu nói của Bồ Tát ngồi dưới cội cây dòng máu khô cạn, xương thịt rã tan, nếu không đắc đạo quả, quyết không rời cội cây, đó là quyết lòng.

Tu thiền Chỉ đòi chúng ta phải ngồi xuống mới được, phải có đề mục, phải có đối tượng, phải có môi trường mới ngồi được. Còn khi tu thiền quán, đi, đứng, nằm, ngồi, đi chợ búa, ngồi chờ xe bus, đi bác sĩ trong khi chờ đến giờ hẹn mình đều tu tập thiền Quán được như thường. Không phải là nhìn tê, nhức, mỏi, đau. Mà là nhìn lại cái tâm mình, thấy tâm sanh lên những phiền não những kiết sử những cái gì phát sanh là tôi ta, mình cắt diệt liền, thì lúc đó là ta đang tu tập thiền Quán, con đường đạo quả ngay tại đó.

Thí dụ, 8 giờ là giờ hẹn gặp bác sĩ, qúi Phật tử đến 7:50, qúi Phật tử nghĩ: "Tôi đi đúng giờ, không bao giờ sai hẹn" sự suy nghĩ đó là thân kiến. Vô ngồi xuống mà cô y tá không đếm xỉa đến mình chỉ lo tiếp điện thoại quá giờ hẹn rồi,  8:30 ngó đồng hồ bắt đầu ngã mạn khởi lên, sân si khởi lên, bùng nổ kiết sử lên liền, chúng ta diệt liền cái sân si khởi lên đó, chúng ta đâu cần đến thiền viện để tu, đâu cần có thiền sư để tu, mà ngay tại văn phòng bác sĩ chúng ta cũng có thể tu, có thể quán, phải diệt tôi ta liền, ngồi chờ tại văn phòng bác sĩ đâu có tê nhức mỏi đau để nhìn, mà lúc đó chỉ nhìn thấy tâm của mình thôi.

Vậy thì khi ở tại đó qúi Phật tử muốn quyết lòng thấy đạo quả hay quyết lòng để vô khám bác sĩ thôi, vậy thì cái tu của qúi Phật tử đang là gieo duyên.

Thiền sinh: khi mình thấy pháp bất thiện nổi lên mình không để ý tới nó mà mình để ý tới pháp thiện. Vậy thưa Sư có phải là mình chạy trốn nó không?

HT trả lời: Không phải chạy trốn, mình đi theo pháp, pháp dẫn mình đi. Hai con ngựa nó đến mà mình đang cần phương tiện đi, con ngựa nào tới thỉ mình leo lên đi. Mình đang chờ để đi con đường giải thoát thì con ngựa nào tới thì mình leo lên đi, chứ không phải mình ngồi đó nghĩ mình phải chạy trốn hay mình ngồi giải quyết xong mới đi, không có phải như vậy. Trên con đường muốn đi giải thoát phương tiện là thiện nó đến với mình mà con đường nào quán thấy được nó là mình đi thôi chứ không phải đợi diệt hết pháp bất thiện rồi mới đi để mình trả hết không thôi là mình chạy trốn rồi mình mới đi, không phải như vậy.

Thiền sinh: Như vậy là khi pháp bất thiện lên mình không để ý đến nó mà chú vào pháp thiện?

HT trả lời: Phải, mình đừng để ý tới pháp bất thiện mà chú tâm vào pháp thiện, không phải là chạy trốn, chuyện pháp bất thiện là của nó không phải của mình, không phải là chạy trốn. Còn chạy trốn là mình đang nghĩ là nó đang đuổi mình, mà còn đang nghĩ là nó đang đuổi mình là mình còn đang nghĩ tới pháp bất thiện chứ chưa cắt đứt. 

Bây giờ trở về tu gieo duyên hay là quyết lòng. Đi đứng nằm ngồi nơi nào chúng  ta cũng phải chánh niệm và tỉnh giác, lúc nào chúng ta cũng phải tuệ quán phát sanh nhìn thấy pháp. 

Đi ra mua tờ báo, ra hộp thơ lấy thơ, qúi Phật tử đi trong trạng thái nhìn tâm của mình. Nhưng mà qúi Phật tử đi ra lấy thơ ở trong thùng thơ, qúi Phật tử nói "tôi đi ra lấy thơ rồi tôi đi vào tôi coi thơ, bữa nay giờ này tôi đi ra lấy thơ rồi chút xíu tôi coi thơ", đó là qúi Phật tử đang gieo duyên chứ không quyết lòng, sơ hở lúc đó qúi Phật tử đi ra không biết thơ tới chưa mình đang trông thơ đó, tâm mình đang tham đang thắc mắc, tâm mình đang sân tâm mình đang si, chuyện mình biết đụng vô hộp thơ, mình biết mở hộp thơ, mình thấy có mình biết, không để tâm mình  lúc đó mình cắt, đó là mình quyết lòng vì đạo quả. Qúi Phật tử sẽ thành người có kiến thức sâu xa nói tới pháp là xối xả nhưng mà ngồi nghe pháp thôi và nói pháp thôi chứ không hành pháp.

Do đó đi đứng nằm ngồi với Thiền Quán, phải đi đứng nằm ngồi trong Thiền Quán, chứ không phải đi đứng nằm ngồi trong sinh hoạt, còn qúi Phật tử là đi đứng nắm ngồi trong sinh hoạt cuộc sống rồi đợi có duyên lành để ngồi thiền quán để mà tu tập Thiền Quán.


2 comments: