Monday, July 5, 2021

Vi Diệu Pháp 05 (tiếp theo) - Tâm Siêu Lý - TT Sán Nhiên

 TÂM SIÊU LÝ (PHẦN 2) - VI DIỆU PHÁP 05 - TT SÁN NHIÊN

Minh Hạnh đã được nghe để học và, xin ghi chép lại theo sự hiểu của chính mình từ video giảng "Vi Diệu Pháp 05" do TT Sán Nhiên giảng. Minh Hạnh xin chia sẻ đến qúi Thiện Tri Thức. Và xin thành kính cảm tạ ơn TT Sán Nhiên đã thuyết giảng bài pháp rất hữu ích để chúng con tu tập. Cũng xin chân thành cảm ơn đến qúi anh chị trong ban Hoằng Pháp của Trung Tâm Việtnamese American Mahasi Meditation Center.

Mọi sự copy, phát tán, in ấn xin ghi rõ nguồn gốc và tên người ghi chép là Minh Hạnh

TT Sán Nhiên: Giờ đầu ta học về bốn ý nghĩa của Tâm là:

 1) Tâm có tánh cách sanh diệt. 
2) Dẫn dắt Tâm Sở thấy các cảnh,
 3) Khắn khích Tâm trong cảnh ,
4)  Sự thành tựu của tâm là, gắng bó trong cảnh, không rời khỏi cảnh. 

Nhân sanh của Tâm, phải có Danh Sắc.

1) Ý nghĩa thứ nhất của Pháp Siêu Lý: Đặc biệt không thay đổi. Như vậy trạng thái đặc biệt không thay đổi là chỉ biết cảnh, nó nhìn vô trong cảnh khắn khích trong cảnh, không rời khỏi cảnh.  
Như vậy, khi Tâm nhìn vào; tê, nhức, mỏi, đau, nó khắn khích trong đó luôn, mình thấy tê tê tê hoài là cái nhìn cảnh Hiệp Thế.

2) Ý nghĩa thứ hai của Tâm Siêu Lý: Cảnh của Trí Tuệ Cao Siêu. nếu như mình nhìn với Cảnh của Trí Tuệ Cao Siêu, mình mới thấy, tê, nhức, mỏi, đau, này cho ta thấy một thực tính là tính chất hoại diệt, hồi nãy chưa, tê, nhức, mỏi, đau, bây giờ, tê, nhức, mỏi, đau, cho ta thấy được tính chất hoại diệt. 

Nếu qúi Phật tử không thấy được cái này thì qúi Phật tử là chủ của mọi Pháp Chế Định, như vậy thì, tê, nhức, mỏi, đau, là pháp Chế Định, hay ngồi hoặc xả là pháp Chế Định.

Khi chỉ nhìn, tê, nhức, mỏi, đau, thấy nó không thay đổi là không thấy được tính vô thường, đó là đang trong Thiền Chỉ. 

Nhưng, nếu nhìn thấy nó có trạng thái thay đổi, thấy được tính vô thường giữa cái tê và hết tê là Thiền Quán.

Thiền sinh: Thưa Sư, nếu nó cứ liên tục liên tục, tê, nhức, mỏi, đau, như vậy thì làm sao để qua Thiền Quán.

TT trả lời: Từ cái tê này đang có qua hết cái tê, rồi từ hết cái tê qua tê lại, thì giữa cái hết tê và cái tê mới là sự sanh diệt, bắt được cái sanh diệt này là thực tính, bắt được thực tính này là thực tướng. Còn nếu không thấy cái hết tê mà cứ thấy tê tê tê hoài là Thiền Chỉ. Còn từ cái tê cũ qua cái tê mới lá Quán.

Bữa trước Sư cho thí dụ, buồn vui, giữa cái buồn vui có khoản hở là sanh diệt, bắt được cái sanh diệt là thực tính, bắt được thực tính này là thực tướng, còn nếu buồn buồn hoài, vui vui hoài là Chỉ, từ buồn qua vui là quán. 


Pháp đến như nó đến, Pháp đến mình nắm bắt chứ không tìm cầu, Pháp tìm cầu là Pháp chủ của Chế Định, Pháp đến được là Cảnh của Trí Tuệ Cao Siêu.

 Tâm qúi Phật tử khắn khích trong cảnh tê, tê hoài, khắn khích trong cảnh hoại diệt, hoại diệt hoài không thay đổi là qúi Phật tử đang trong trạng thái Thiền Chỉ, khúc trước khúc sau, khúc sau khúc trước khắn khích liên tục là đang ở trạng thái Thiền Chỉ. Cũng như qúi Phật tử niệm hơi thở vô ra, ra vô, không thấy nhanh chậm, dài ngắn, nặng nhẹ là qúi Phật tử đang ở trong Thiền Chỉ. 

Vừa thấy tê, nghe thấy hết tê, ngay phút giây này, có nhiều người mạnh về Niệm cho ra Định phát triển đến Tuệ. Vừa đang thấy thoải mái mà tê đến Niệm ngay đó là hiện tại liền, qua cái tê rồi là trạng thái trở lại quá khứ, bắt liền cái đó là Pháp Hiện Tại.

Mình không bắt được gió vô đầu mũi, nhưng khi ta hiểu được pháp vô đầu mũi là ta nắm được pháp, mình không bắt được gió vô tới cổ họng nhưng ta hiểu được pháp đang hiện bày ở đây là, ta bắt được pháp.

Qúi Phật tử thấy tê nhức mỏi đau là pháp Chế Định, rồi qúi Phật tử đang ngồi thiền muốn xả thiền cũng là pháp Chế Định, tâm qúi Phật tử đang nghĩ là đi theo pháp Chế Định. Qúi Phật tử không chịu lấy Trí Tuệ Cao Siêu để hiểu tại sao pháp tê, nhức, mỏi, đau đến như vậy nó có ý nghĩa gì? qúi Phật tử không lấy được ý nghĩa của pháp tê, nhức, mỏi, đau đó, mà qúi Phật tử chỉ muốn Chế Định ở trong Chế Định, mình sẽ trở lại trong Chỉ. Không có pháp nào tồn tại giữa sát na trước sát na sau với tâm thức của mình là biết, do đó mình phải bắt được những trạng thái diễn tiến nhanh mau lẹ của pháp mà tâm thức mình theo được, cái đó là thực tính thực tướng. 

Còn qúi Phật tử chạn trở lại là qúi Phật tử đi vào trong cảnh của đối tượng của tâm thức mà qúi Phật tử không qua được cái quán để mà thấy pháp, đó là qúi Phật tử mất cái quán và ở lại trong Thiền Chỉ.

Thiền sinh: Thưa Sư, làm sao mình biết được cái nào là Quán Pháp cái nào là Quán Tưởng?

TT trả lời: Cái Pháp và cái Tưởng. Tưởng là cái mình biết. Pháp là cái mình thấy mà không biết trước đó, mình chỉ thấy thôi mà chưa biết, khi mình biết rồi thì trở thành Tưởng. Khi trạng thái chưa tê đến tê, không cho mình biết lúc nào trong trạng thái tê và trở lại không tê, nó không cho mình biết, ngay phút mà nó vừa bắt một cái ra liền, đó là Pháp.

Giai đoạn vừa tê đến cái tê kế tiếp khoản giữa là sanh diệt bắt được thì là Quán. Niệm tê tê tê hoài sẽ dẫn tới thất niệm

Khi tê, nhức, mỏi, đau, mà qúi Phật tử không đi tiếp hoại diệt, qúi Phật tử trở lại trạng thái không tê tức là từ  trở lại Thiền Chỉ. Mà khi từ trạng thái tê này trở lại trạng thái không tê khoản giữa bắt được là Thiền Quán. Khi Thiền Quán mới thấy thực tướng Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. 

Còn không thì qúi Phật tử cứ khắn khích trong cảnh không rời khỏi cảnh, ở trong cảnh mà không rời khỏi cảnh, đó là cảnh chứ không phải là Pháp.

Một bài học cho mình khi ngồi thiền là, ngồi thầy tê thức tỉnh liền, thấy nhức thức tỉnh liền, thấy mỏi thức tỉnh liền, thấy đau thức tỉnh liền, hoại diệt hoại diệt thấy tướng liền.

Hôm nay qúi Phật tử ngồi Thiền thấy, tê, nhức, mỏi, đau, ngày mai ngồi cũng thấy tê, nhức, mỏi, đau, ngày mốt ngồi cũng thấy tê, nhức, mỏi, đau, trạng thái đó lập lại thôi, nó đến như vậy thôi, qúi Phật tử không cầu không mong nó, nó đến như thế nào ta biết Pháp ta giải quyết Pháp. 

Thiền sinh: Trước khi ngồi thiền thì thân con thảnh thơi, nhưng khi ngồi thì thấy thân tê, nhức, mỏi, đau, dâng lên lên cảm thấy toàn thân cứng, cái đầu cũng đau chịu không nổi, lúc bấy giờ không sai khiến được nó vì cái đầu đau và cứng.

TT trả lời: Đó là ngã chấp, đó là thân kiến, qúi Phật tử cho nó qua nó sẽ qua đi. Thấy thân, cứng, tê, mất cảm giác, đó là những trạng thái tốt, rồi nó sẽ qua, còn mình giữ lại là thân kiến, vì có cái "tôi" cái "ta".

Sư biết qúi Phật tử không giám đối diện với một sự thật của một thực tướng. Nhìn người ta chết mình tự tại lắm, nhưng khi người ta nói tới mình phải chết, mình rúng động, vì qúi Phật tử chưa đủ balamật đối diện sự thật trên con đường tu của mình, và sẽ khó qua được con đường Thiền Quán này.

Sư kể qúi Phật tử nghe câu chuyện: Ông vua giao cho một nhà viết sử viết về đất nước. Nhà viết sử ngồi viết, ông vua nói: "xong chưa"
Nhà viết sử trả lời: "Dạ chưa"
Nhà vua nói: Ta gần chết rồi"
Nhà viết sử cũng nói: "Con cũng gần chết rồi, bệ hạ đừng lo".
Rồi hai bên ngồi đợi nhau đến cuối cùng ông vua hết chờ nổi đi tới nhà người nhà viết sử hỏi viết xong chưa, nhà viết sử trả lời xong rồi. Ông vua nhìn thấy sách nhiều qúa ông vua nói: 
- "Không được, ta không có thì giờ đọc nữa, bây giờ nói ta nghe câu cuối cùng của ngươi, ta cũng sắp chết rồi".
Nhà viết sử nói:
 - Mọi người sanh ra để mà chết.

Qúi Phật tử không bỏ được thân kiến không vô được Sơ Đạo, Sơ Quả. Khi qúi Phật tử thấy được trạng thái sanh diệt là không còn thân kiến, nếu qúi Phật tử vẫn còn nói "tôi" thì lúc đó trở lại Chế Định và Hiệp Thế, chở lại Thiền Chỉ. 

Đặc biệt không thay đổi của Tâm là, Tâm của ta biết cảnh, khi Tâm biết rồi nó sẽ khắn khích trong cảnh mình sẽ bị lạc hướng nhìn thấy pháp.

Một nhà nghệ thuật bày những món ăn hấp dẫn trên bàn trong một bữa tiệc, mình được mời tới sắp đặt các món ăn hấp dẫn, mình nhìn thấy món ăn đó mình khắn khích trong cảnh các dĩa thức ăn đó.
- Rồi khi bắt đầu ăn thì Pháp bắt đầu hiện bày vì đang thưởng thức các món ăn, lúc đó mất đi cảnh đẹp của những dĩa thức ăn khi nãy, đang thưởng thức, cái thưởng thức đó đang hiện bày.
- Còn có những người họ thực dụng họ ăn cho no họ tiếp tục ăn. 
- Còn người ăn để thưởng thức các vị của món ăn, họ ăn chăm chút để ý đến các vị của món ăn, không để ý đến đồ ăn nữa. 
- Còn người ăn để hiểu được ý nghĩa của vật thực này thì họ để ý các vật thực này được nấu ra sao.

Đến khi chấm dứt bữa ăn ta mới nghĩ ra một cái gì trong buổi ăn này.

Tất cả được trình bày trên mặt bàn, rồi diễn tiến của nó theo ý nghĩa của nó  đến như thế nào chúng ta theo hiểu được nó thì ra được giá trị của cái dùng vật thực này, hay là sự hiện diện của mình.

Phút giây đầu tiên khi theo dõi hơi thở vô và ra, trạng thái biết vô và ra là trạng thái của Danh (Tâm) là cái biết của ta. 

Hơi thở vô và ra là trạng thái của Sắc. Sắc liên hệ với Sắc vô và ra, thì lúc đó Thân chúng ta thoải mái nếu hơi thở đều, Tâm ta tiếp tục biết. Nếu như hơi thở vô ra đều Thân ta thoải mái là ta biết vẫn bình thường chưa có gì thay đổi. Khi trạng thái vô và ra tương đối với điều kiện của nó thì nó ổn định. Tùy theo mỗi người nó cho phép Thân ta trong giai đoạn từ 10 phút hay 15 phút ổn định, nhưng qua phút giây 16 ta bắt đầu cảm thấy  thân ta có sự thay đổi, có sự xáo trộn. 

Thì khi phút thứ 16 đến Sắc có sự thay đổi, thì Danh bắt đầu biết, Danh biết nó bắt đầu Quán gọi là Quán Sắc và phản kháng, nó Quán Sắc và phản kháng cái Thân khi nãy thoải mái giờ thay đổi, nó biết Sắc này đang thay đổi, mà Sắc này đang thay đổi, từ ổn định đến bất ổn định, cái Sắc này được Danh biết. Đó là Quán Tâm trong Tâm (trong Tứ Niệm Xứ). 

Như vậy, lúc đó chúng ta có cái Niệm, Niệm thấy Pháp chứ không Niệm thấy Cảnh, Cảnh chỉ là mượn, ta Niệm thấy Pháp. Niệm mạnh thì đi tiếp ta có Định. Một cái thay đổi thôi là qúi Phật tử đã Niệm được Định và Tuệ. 

Thiền sinh: Thưa Sư, trường hợp mình thấy mình bị tê một lúc sau tê nhói lên xong nó lại xuống tê nhẹ, đó là mình trong trạng thái gì?

TT trả lời: Giây phút mà nó đang tê qua nhói một cái, ngay sát na nhói lên ta Niệm liền là ta có Định và Tuệ ngay đó. Trở lại nhói đau là Thiền Chỉ.

Giai đoạn thay đổi đến, Sắc thay đổi hay Danh thay đổi, chỗ này ta phải Niệm. Sắc thay đổi Danh thay đổi, hay là Sắc thay đổi mà Danh không thay đổi, ta phải Niệm cái đó.

 Khi thay đổi là Sắc thay đổi hay Danh thay đổi, người có Định mạnh thì Danh không thay đổi chỉ nhìn thấy Sắc thay đổi, Định mạnh lên để thấy được Tuệ sanh lên bắt được Sắc, chỗ đó là qúi Phật tử quyết định.

Sắc thay đổi, Danh không được thay đổi, Danh tiếp tục nhìn vào Sắc đang thay đổi, thì lúc bấy giờ Danh sẽ nhìn thấy được thực tính của Sắc chớ không còn là cảnh của Sắc, lúc đó qúi Phật tử sẽ nhìn thấy thực tính của Sắc là sanh diệt của Sắc Pháp, nhìn tiếp thấy sự Vô Thường của Sắc Pháp. 

Do đó Sắc thay đổi, Tâm (Danh) không thay đổi, tiếp tục nhìn vào Sắc mới ra được thực tính, ra được thực tướng, giá trị chổ đó ta đi tìm.

Thiền sinh: Thưa Sư, đối tượng của mình là Sắc, mình biết tê, nhức, mỏi, đau, rồi tại sao lại trở về hơi thở của mình.

TT trả lời:  Trở về hơi thở vì mình tìm không thấy sự sinh diệt của Sắc Pháp, nếu không tâm mình sẽ bị giao động.

Sau một giờ ngồi thiền, Thiền sinh hỏi pháp.

Thiền sinh: Thưa Sư, đoạn đầu con theo dõi hơi thở vô ra, đoạn sau con thấy vô thường vì chú ý đau con quán vô thường lúc đó con được sự an rất an lành hạnh phúc. 

TT trả lời: Đó gọi là Hỷ Giác Chi, sau đó sẽ tới Khinh An giác Chi, xong mới tới Định Giác Chi rồi Xả Giác Chi, mới ra được. Giai đoạn Thất Giác Chi đến với mình thì lúc đó mình có Hỷ Giác Chi khi mình thấy được một sự thật rồi sự thật này từ đó đến giờ mình chưa từng thấy, mình vui lên mình thích với cái tìm ra được, đó là Hỷ Giác Chi. Một số các vị Phật tử hành giả bị nghiệp nặng khi thấy được sự thật hoảng hốt sợ hãi đó là nghiệp bất thiện, giống như mình thấy cái gì đó mình cảm thấy tội lỗi mình hoảng hốt sợ hãi đó là nghiệp bất thiện nó kéo lôi mình lại, nhưng khi mình không cảm thấy tội lỗi mình nhìn thấy được sự thật thì Hỷ Giác Chi lên. Có hai hiện tượng, những người ngồi gương mặt thản nhiên và họ sảng khoái, có người ngồi chau mày nhăn nhó là cái nghiệp nó đến chứ không phải là pháp đến. Hai hiện tượng đó rất quan trọng, rất chính xác ngay khi nó hiện bày. Chính do đó khi mình thấy Hỷ Giác Chi lên là tới Khinh An Giác Chi. Khi Hỷ Giác Chi đến nếu mình thích nó là mình rới lại Thiền Chỉ. Mình phải tiếp tục đi nữa mình mới thấy được Pháp, đi tới nữa nó sâu hơn nữa là nó rõ cái thực tính thì lúc đó Khinh An tới Định tới Xả Giác Chi mình mới qua cái Tuệ Quán.

Thiền sinh: Thưa Sư, khi Thiền con thấy thân con đau con phải làm sao?

TT trả lờiQúi Phật tử nhìn thấy thực phẩm hư có buồn tiếc nó cũng không trở lại, cái đó là một cái để mình nhìn cái thực tính, khi Danh Sắc này  hoại diệt mình thấy mà mình không thể sửa để nó đừng hư được. Do đó khi đã nhìn thấy sự thật rồi, thì mình không cần phải thay đổi tâm lý của mình và mình tiếp tục nhìn tiếp mới ra được thực tướng. Sắc có thay đổi đi nữa Danh không được thay đổi mà tiếp tục Niệm vào Sắc đang thay đổi để mình vô sâu hơn nữa, nếu mà Danh thay đổi thì không thấy được thực tính lúc đó mình buồn tiếc khóc hay là sợ hoảng hốt thì mình mất đi một sự thật về Sắc Pháp. Sắc Pháp là bạn của Danh Pháp mà nó cho mình thấy được thực tính và thực tướng cuộc đời này, mình nhìn xác chết của người khác đâu có cảm xúc, xác chết của mình mới là đáng sợ.

"Người chết ta xót xa, chẳng phải vì thương tiếc tu hành chưa đạt đạo lần lượt đến phiên ta". 

Cái đó mình mới sợ. Nên qúi Phật tử nhìn thấy Sắc Pháp là bạn của Danh Sắc, nhìn xác chết của người khác không có cảm xúc, mà nhìn sắc pháp của mình mới là cảm xúc mà cảm xúc đó là Danh (Tâm)  cái biết nó mới thức tỉnh, thức tỉnh nó mới giác ngộ.

Thiền Sinh: Thưa Sư, con thấy đau con Quán cái đau đó thì ra khỏi đau nhưng không bắt được, sau đó nó đau quá con Quán là cái đau này là cái "thân đau chứ không phải tâm đau" rồi con trở lại với hơi thở, nó mới nhẹ đi, chứ không con sợ mình cuốn theo.

Thiền Sư: Sắc Pháp và Danh Pháp giống như môi hở thì răng lạnh nó liên đới với nhau chặc chẽ, nhưng thật ra nó là hai cái riêng. Giống như bàn tay của qúi Phật tử để trên cái bàn nó cũng có khoảng cách, nó không dính liền vô cái bàn, chính cái đó gọi là bất tương ưng nên nó không hoà trộn thì không thể nào thành một khối được, nó phải tách rời. Do đó mình phải tìm ra được Chân Lý. Đức Phật nói Chân Lý là Sacca là Đế là Sự Thật, mà Sự Thật rồi thì phải thức tỉnh chứ không mê nữa.

Niệm dẫn tới Định, Định dẫn tới Tuệ, mà Niệm là mình thấy được cái tê, nhức, mỏi, đau, mình nhìn sâu vô, Định mạnh lên thấy sự hoại diệt trong thân, Tuệ phát lên liền thấy Vô Thường, Khổ Đau, Vô Ngã, không chạy đâu hết.

Thiền sinh: Thưa Sư, nếu tê nhức mỏi đau hết thì làm sao? và hôm nay con không bị tê nhức mỏi đau, con cứ theo dõi hơi thở .

TT trả lờiTê, nhức, mỏi, đau, không bao giờ hết vì nó là biểu hiện của sự sanh diệt của Sắc Pháp, Sắc Pháp luôn luôn có sự sanh diệt, cả một đời mình chưa hết, khi ngồi mà không có cảm nhận được, tê, nhức, mỏi, đau, là cô đang trong Khinh An Giác Chi nhưng cô không có Định Giác Chi thì không có Tuệ phát sanh.

Pháp đến để mình thấy chứ mình không đi tìm, Pháp mình tìm là mình tưởng, Qúi Phật tử không bao giờ đi tìm Pháp, ai tìm được Pháp thì người ta giác ngộ hết chơn rồi người ta đạo quả hết chơn rồi. Đức Phật nói khai thác một hầm mỏ dễ hơn khám phá Tâm của mình, khi mình khám phá được Tâm mình là mình chinh phục cả thế gian được, không có cái gì mà mình không tìm ra được.

Thiền sinh: Thưa Sư, mình ngồi niệm hơi thở ra vô hoài, như thế nào là định?

TT trả lời: Định là khi nào mình thấy sự hoại diệt của thân phát sanh lên là mình mới có Định, còn theo dõi hơi thở ra vô hoài là Niệm chưa có Định, nó sanh lên là sanh diệt hay là  thấy hơi thở dài ngắn, nhanh chậm, thấy sự Vô  Thường, Khổ đau, Vô Ngã đó là Định. Tâm mình không có phóng dật  mình mới thấy được còn nếu không thấy sự sanh diệt trong thân là mình không có Định. Như trường hợp cô không thấy tê, nhức, mỏi, đau, bữa nay là thân mình được khinh an thì mình phải theo dõi hơi thở, dài, ngắn, vô nhanh, ra chậm, nặng, nhẹ, đó là pháp sanh diệt, đó là Định lên mà mình phải ngồi trông hoài cái tê nhức mỏi đau mới thấy nhưng thật ra hơi thở cũng là một điều để thấy.
 
Không có Định Giác Chi là vì tâm đi ra rồi. Định sâu mới sanh Tuệ, Định mạnh mới lên Tuệ, tức là sát na Định rồi tới Cận Định rồi tới Định, có Định mới lên Tuệ, cái đó mình phải nhìn sâu mới được, khi tâm mình mạnh, mình chú tâm vô đó mà không phóng tâm vô cảnh này cảnh kia mới thấy sự sanh diệt, chỉ có đó là cơ hội, mà cơ hội đó mình không nắm bắt được thì không lấy bắt được cái Tuệ.

Thiền sinh: Thưa Sư, con ngồi không bắt được cơ hội nhiều.

TT trả lời: Không có sao, tại vì có nhiều người hơi thở vào tới ngực là ra ngay, đó giờ mình không để ý khi mình để ý mới thấy hơi thở của mình, dài, ngắn, nhanh, chậm, khi mình thấy vậy mình mới hiểu được cái nghiệp của mình và kiếp sống của mình và cuộc đời của mình, mình bắt đầu đi tiếp đi tìm cái gì đang có của mình.

Thiền sinh: Thưa Sư, nếu mà Sư nói là mình theo dõi hơi thở thì lúc đó mình theo dõi hơi thở thì giống như Sư giảng là tiểu oai nghi đại oai nghi thì mình cũng theo dõi luôn một lần hay sao, thí dụ mình nhúc nhích thì sao?

TT trả lời: Không, tiểu oai nghi cô đang có thì cô mới Niệm, còn cô không có tiểu oai nghi, cô đang ngồi là đại oai nghi thì niệm đại oai nghi thôi, mình theo dõi cái hiện bày chứ không chú ý cái gì không có, mình chỉ chú ý cái mình đang có, nếu mình nhúc nhích thì mình niệm mình đang nhúc nhích, niệm cái gì mình đang có, không niệm cái không có. Khi không có thay đổi oai nghi đi, đứng, nắm ngồi thì cô niệm hơi thở, hơi thở vào, hơi thở ra, hơi thở dài, hơi thở ngắn, nhanh, chậm v.v.../.


Mọi sự copy, phát tán, in ấn xin ghi rõ nguồn gốc và tên người ghi chép là Minh Hạnh

No comments:

Post a Comment