Tuesday, January 7, 2025

065 Paṭṭhāna - HT Sán Nhiên giảng ngày 08 tháng 7, 2023

 065 Paṭṭhāna

 HT Sán Nhiên giảng ngày 08 tháng 7, 2023  


Minh Hạnh đã nghe để học và, xin ghi chép tóm tắt theo sự hiểu của chính mình từ video giảng "065 - Paṭṭhāṇa" do HT Sán Nhiên giảng. Minh Hạnh xin chia sẻ đến qúi Thiện Tri Thức, nếu có gì sai sót xin lượng tình tha thứ, xin từ bi chỉ dạy, Minh Hạnh vô vàng cảm tạ. 

Con xin thành kính cảm tạ ơn HT Sán Nhiên đã thuyết giảng bài pháp rất hữu ích để chúng con tu tập. Cũng xin chân thành cảm ơn đến qúi anh chị trong ban Hoằng Pháp của Trung Tâm Việtnamese American Mahasi Meditation Center.

Nguyện đem công đức này hồi hướng đến tứ ân phụ mẫu, đến tất cả Chư Thiên, Vua Trời Đế Thích, các Ngài Tứ Đại Thiên Vương, và tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo. Nguyện cho vợ chồng con và các con cháu đời này và mãi mãi những đời sau có chánh tín và chánh trí.

Mọi sự copy, phát tán, in ấn xin ghi rõ nguồn gốc và tên người ghi chép là Minh Hạnh

Namo Buddhaya

Minh Hạnh

Trong Thập Phúc Hành Tông Puññakiriyavatthu, 10 việc thiện tạo ra phước báu, đầu tiên là dāna xả thí. 

Tuy nhiên, nếu mình đứng ở góc độ Thập Phúc Hành Tông là mình làm nghiệp sự. 

Nhưng đứng ở góc độ Ba La Mật (pháp toàn thiện) cũng có xả thí dāna .

2 Pháp này khác nhau chỗ nào ?

Thế nào là Toàn Thiện ? Thế nào là làm việc phước ? Thế nào là làm Ba La Mật ?

Trường hợp bậc trí giả hỏi mình, hay những người có nghiên cứu hay những người đọc kinh sách khác họ đặt câu hỏi mình không biết trả lời. 

Thì quí Phật tử nhớ khi mình xả thí dāna với tác ý manasikāra của mình là mình tạo việc thiện thì mình có quả phước và mình hưởng phước.

Quả phước có 3 tùy năng lực của mình :

1. Sinh trở lại làm người.

2. Sinh trở lại làm thiên.

3. Giải thoát.

Còn khi mình làm xả thí dāna với tác ý Ba La Mật là mình diệt một đội quân ma. Mình giải thoát và không còn luân hồi nữa.

 Trong người tôi có đội quân ma tôi phải làm Ba La Mật chứ tôi không có tạo nữa, tạo Xả thí dāna bên Thiện là tôi tạo ra để tôi hưởng là còn luân hồi, bây giờ tôi muốn chấm dứt.

Trong bài trước ta học 10 đội quân ác ma, thì đội quân ma đầu tiên là Tham Dục. 

Tôi nhìn vô Tham Dục của tôi, tôi hành Ba La Mật xả thí. Tức là dùng xả thí này để diệt đội quân ma tham dục ẩn núp ở trong con người của mình trong kiếp này để mình thoát ra.

Còn làm việc Thiện với tác ý để nhận quả phước thì mình đi theo hướng của nó, còn làm xả thí Ba La Mật thì mình đi theo hướng Ba La Mật. Vậy thi 2 cái đó. Tại sao gọi là Toàn Thiện ? Là không mong cầu gì trong việc làm Toàn Thiện mà là muốn xả, buông, chứ không muốn hưởng.

Từ đây về sau khi làm việc thiện nào mình phải tác ý là chủ chốt trong mọi hành động mình làm Thiện hay làm Toàn Thiện 

Mình gieo trồng phước thì làm Thiện tạo quả phước. Còn mình diệt kiết sử thì làm Toàn Thiện Ba La Mật.

Quí Phật tử làm xả thí tạo quả phước hay làm toàn thiện Ba La Mật ?

Vì diệt tham dục của tôi, diệt dục lậu ngủ ngầm trong tâm thì xả thí này tôi buông chứ không vọng móng gieo trồng để hưởng thì quí Phật tử đi theo hướng đó. Rồi từ mỗi việc làm đó biết là mình có Ba La Mật nhiều hay ít và có vun bồi con đường tu tập diệt những đội quân ma (kiết sử) hay pháp nghịch trong người của mình.

Vậy thì, bây giờ đứng góc độ này, quí Phật tử làm xả thí tạo quả phước hay làm toàn thiện Ba La Mật ?

 Thường thì người ta hay nói làm phước đi con, không bao giờ người ta nói tu tập đi con. Thậm chí người Phật tử tới chùa họ vẫn nói tới chùa để giúp chùa , tới chùa làm công quả, họ ban bố, chứ đâu phải họ tới chùa để tu, họ nghĩ họ đến chùa làm phước để có phước chứ không phải để tu tập.

Nhưng "Tiên trách kỷ hậu trách nhân.  Tại vì có những trường hợp vị Thầy, vị Sư đã làm như vậy,  Do đó, họ không làm Toàn Thiện mà họ làm phước Thiện để sau này được sinh Nhân, Thiên để hưởng phước. 

Tất cả mấy cái đó họ sai lầm hết,  "Sư tử trùng thực sư tử nhục", những người con của Đức Phật họ làm sai, nên mới có giới luật 227 giới, mỗi một giới luật đặt ra là từng mỗi một người đệ tử của Ngài làm sai, và Ngài ban bố giới luật là dạy cho đệ tử của Ngài hoàn chỉnh lại để lo tu tập.

Nếu quí Phật tử đi góc độ Thiện quả phước thì có phước Nhân Thiên, nhưng không có tu tập Ba La Mật để diệt tham dục của mình thì không có vế bên Ba La Mật, và không đủ để chống lại đội quân ma.

Càng gieo càng hưởng, mà càng hưởng thì càng bị lún, càng bị cột trói, do đó phải hiểu làm để diệt tham dục chứ không gieo không tạo để hưởng, tôi muốn chấm dứt tôi không muốn đón nhận nữa.

 Khi quí Phật tử làm Toàn Thiện (Ba La Mật) tức là có đội quân ma trong người của quí Phật tử được diệt trừ không ? 

Thì mình làm Toàn Thiện để mình diệt kiết sử.

Thí dụ mình bệnh, mình uống thuốc để diệt căn bệnh.

Nhưng chính mình không thấy mình, trong người mình có đội quân ma mà mình cứ  nhìn ra bên ngoài.

Mình đi tới không quay lại phía sau, mình nhìn cái thiện không nhìn cái bất thiện và không có tạo tác. Nhưng trong khi đi như vậy tác ý là tôi diệt chứ không phải tôi vay. Nó không vi tế nhưng tại vì mình không nhìn ra và không ai nói cho mình biết để mình thức tỉnh.

Tôi làm việc thiện này, tôi làm xả thí này không để mong cầu mà tôi chỉ mong diệt.

Tác ý của Sư là chỉ dẫn quí Phật tử đi từng bước để đi cho đúng thì mới diệt được tham dục (mong được hưởng phước) của mình. Cái khó của mình đây là diệt được kiết sử và lậu hoặc của mình, mà quí Phật tử không nhìn ra được  kiết sử lậu hoặc của mình nên không bao giờ diệt mà tưởng rằng mình đã có diệt thật ra mình đang tạo.

Một hôm Ngài Mục Kiền Liên lên trời Đao Lợi gặp 2 người đệ tử của mình họ đứng đàng xa chỉ vẫy tay chào Ngài rồi đi liền. Ngài Mục Kiền Liên xuống nói với Đức Phật con lên trên cõi trời Đao Lợi con thấy 2 đệ tử, một ông thì còn chào, một ông chỉ vẫy tay cái đi liền. Đức Phật Ngài nói ở cõi trời họ hưởng dục lạc, họ không có thì giờ tu. Nhưng ý của Ngài Mục Kiền Liên không phải là họ không có thì giờ tu, ý của Ngài là con dạy ở dưới đây là họ tu để giải thoát mà tại sao họ lên trên trời, tại vì họ không nghĩ ra, họ cũng đắp y, họ cũng xuất gia, họ cũng hành sự nhưng họ chỉ tạo thiện để hưởng phước, chứ không phải là để họ diệt tham dục, cho nên bây giờ phước đầy rồi nên sanh lên trời hưởng phước. May là họ không rớt xuống 4 đường ác đạo ngã quỷ, xúc sinh, a tu la, họ sinh lên trời là được rồi. Nhưng cái gốc từ ban đầu họ không thấy đường đi của họ đúng hay sai.

Thành ra mình làm việc xả thí này thì tác ý của mình:

-  (Tư Tiền)  tôi gieo hay là tôi diệt,  

- (Tư Hiện) tịnh tín và có trí tuệ nhận xét, sau đó 

- (Tư Hậu) hoan hỉ.  Tư Hậu là quán tìm lại với  tác ý mà họ tạo ra. 

Còn Tư Tiền này họ nhận xét rằng là tác ý này ta làm với mục đích nào 

Tư Tiền  -  tác ý tu diệt

Tư Hiện - tác ý tịnh tín thực hiện

Tư Hậu - tác ý quán tìm việc đã thực hiện với mục đích nào

Tác ý Tu Tiền của mình là tác ý tu diệt, xả thí hay trì giới, mình hoan hỷ

Tác ý Tu Hiện là tác ý tịnh tín, trong sạch, và mình lặng lẽ thực hiện đúng tác ý của mình tạo ra, mình hoan hỷ.

Tư Hậu - tác ý quán tiền trở lại mình đã thực hiện đúng việc làm của mình, mình hoan hỷ.

3 thời mình đều hoan hỷ

 Bây giờ mình làm cái gì mình cũng phải cẩn thận.

Ngay cả Từ Ái Ba La Mật, Metta Ba La Mật đối diện với đội quân ma thứ 8 .

Metta : Từ Ái diệt  : Tâm sân độc và  ái luyến vị kỷ.

1. Từ ái diệt tâm sân của mình

2. Từ ái diệt ái luyến và vị kỷ riêng tư của mình (Thương con mình và thương cá nhân của mình).

Đội quân ác ma thứ 10 là tự khen mình, chê người, lúc đó mình không có tác ý xả thí là mình ngã liền vì lúc đó mình đang làm với tâm từ metta, chứ mình không tác ý diệt đội quân của mình, rồi mình ở trong vòng nuôi dưỡng nó và mình sẽ hưởng chứ không mất, và mình tiếp tục đi. Ngày mai, tuần sau, năm sau, kiếp sau mình không gặp người nhắc mình hay chỉ mình thì mình ở trong vòng đó và bị đội quân ma dắt đi.

 Bây giờ mình diệt, mình không gieo trồng thì mình bẻ gãy hay nhổ gốc thì mới an toàn trong trạng thái đã làm xong.

Vậy thì quí Phật tử làm Tâm Từ Metta để tu diệt hay để tu Thiện.

Metta thì Thiện khác, còn Metta tu diệt khác.

 Nếu như không nhìn thấy đội quân ác ma nằm sẵn trong người mình, thì mình làm việc thiện phước và việc thiện phước đó đang làm mà không được đúng như ý của mình, mình nổi sân lên liền, bất toại nguyện liền, mà mình không thấy mình đang tiêu diệt tại vì mình đang làm việc thiện và chính việc thiện đó không đem lại kết quả.

 Và bây giờ mình biết rồi thì bắt đầu nghiệm lại. Nếu thế thì một ngày quí Phật tử làm được bao nhiêu tu diệt thói hư tật xấu của mình, một ngày diệt được bao nhiêu tập khí, một ngày diệt được bao nhiêu đội quân ma, thì quí Phật tử thấy bao nhiêu việc thiện.

Mình nghiệm lại, mình thấy 2 vế mình đi. Thì vế nào quí Phật tử làm cũng có nhưng cái ý của mình đi nó đúng hay sai lúc đó mình biết kết quả.

Bữa nay bài học quí Phật tử phải hiểu, mình đừng có lầm nữa và mình đừng có tạo ra nữa và mình cứ nghĩ là mình đúng, mình đang sửa lại và từ từ mới sửa lại được. 

Buổi tối quí Phật tử rải Tâm Từ Thiện chứ Sư biết là không phải Tâm Từ Ba La Mật. Quí Phật tử phải làm lại, nếu quí Phật tử không sửa thành Tâm Từ Ba La Mật thì Sư chỉ tiếp để diệt kiết sử, diệt thói quen diệt lậu hoặc rất khó, tại vì nhìn không ra. Khi quí Phật tử nhìn ra thì bắt đầu mình học tiếp.

Mình làm việc Thiện không ai chê hay chỉ trích mà họ khen, nhưng xét cho cùng mình chưa có tu tập gì hết, còn nguyên khối, quí Phật tử phải nhìn thấy thì con đường tu của mình mới bước tiếp được.

Tại sao một số người ta tu mà sinh ngã mạn, họ kể công. Đức Phật Ngài nói Tỳ Khưu Tissa là anh họ của Ngài, là người tu sau lại thích ngồi trên cao trên tháp tòa cùng với các vị Chư Tăng khác ở xa tới đảnh lễ Đức Phật, ông nhỏ hạ, ông tu sau, Đức Phật nói trong kinh Pháp Cú: "Này chư Tỳ Khưu, việc trong việc ngoài, việc trước việc sau tôi làm hết, không ai làm bằng tôi, người đó sanh ngã mạn chứ không tu tập."

"Việc trước việc sau, việc trên việc dưới tôi làm hết, không ai làm bằng tôi", như vậy thì đâu phải là tu, mà là ngã mạn, họ không tu diệt, họ tu bồi đắp lên như phù sa đắp lên đất liền, mai mốt nó dầy lên. Nhưng không có gột rửa, còn tham, còn sân, còn si, tật đố, lận sách, cái nào cũng có đầy trong người.

Do đó, cái tu của mình nếu như mình không có thấy được để tu diệt thì mình tạo tác thiện thì sẽ ở trong ốc đảo của mình. Không ai chê trách, nhưng mình sẽ tiếc là mình không đi đúng con đường từ ban đầu với tác ý mình là tu giải thoát, không còn sinh tử, thì quí Phật tử bị kẹt trong đó.

Tới nay quí Phật tử tạo bao nhiêu việc thiện ? Quí Phật tử làm Toàn Thiện và trong Toàn Thiện có Thiện phước.

Tôi làm Toàn Thiện nhưng trong Toàn Thiện đó tôi đang có Thiện phước. Cái Toàn Thiện trùm luôn Thiện phước. Còn nếu mình ôm cái Thiện mà  không làm Toàn Thiện thì chỉ có Thiện phước thôi.

Nên người làm Ba La Mật mà họ trở lại làm người tu tiếp thì họ có vốn Ba La Mật và Thiện phước của họ được hưởng, nên : "Nay vui đời sau vui, hai đời được vui, nghĩ đến việc Thiện càng vui hơn."

Đừng bỏ cơ hội để mình diệt tập khí của mình, một lần làm như vậy là một mũi tên bắn được 2 con chim "Nhứt tiễn hạ song điểu", vừa tạo xong Ba La Mật diệt tập khí của mình và gieo việc Thiện trên con đường mình đi.

Như vậy thì khi xả thí là mình diệt tham dục. Trong Pháp nói bố thí là diệt bỏn xẻn. Thì bên Ba La Mật bố thí là diệt tham dục của mình.

Có ông bá hộ giàu có, bà vợ nuôi ông ăn uống đầy đủ mà càng ngày ông càng xanh xao ốm gầy, bà vợ nói tôi cho ông ăn đủ thứ mà sao ông ốm nhom. 

Ông nói; "tôi muốn ăn một món mà tôi không dám nói".  

Bà vợ nói : "Ông nói đi tôi làm cho ông ăn ".

Ông nói: "Tôi nói ra thì người làm họ nghe."

Bà vợ nói : "Lên lầu 7 ông nói chỉ mình tôi nghe."

Thì 2 vợ chồng lên lầu 7 và ông nói ông muốn ăn bánh đập.

Bà vợ nói để bà làm cho ông ăn cho khỏi thèm. Thì ông nói là không được nói cho con hay người làm biết, vì họ biết thì phải chia cho họ ăn, chỉ mình tôi ăn thôi.

Đức Phật Ngài ở trong chùa Kỳ Viên, buổi sáng hôm sau Đức Phật nói : "Này Chư Tỳ Khưu, sáng nay có ai để bát trong chùa cho Đức Thế Tôn và Chư Tăng không ?"

Chư Tăng trả lời : "Bạch Đức Thế Tôn, bữa nay không có thí chủ nào để bát cho Chư Tăng".

Đức Phật gọi Ngài Mục Kiền Liên tới nhà ông bá hộ lấy bánh vể cho Chư Tăng dùng.

Ngài Mục Kiền Liên đảnh lễ Đức Phật rồi đi đến nhà ông bá hộ, nhìn vô nhà không thấy gia chủ, hỏi mấy đứa con và người làm họ nói ông bá hộ ở trên lầu 7. Ngài Mục Kiền Liên vận thần thông lên lầu 7. Ông bá hộ nhìn thấy Ngài Mục Kiền Liên đứng giữa trời ôm bình bát, bà vợ kêu ông bá hộ tìm miếng bánh nhỏ nhất đem đến để vào bát Ngài Mục Kiền Liên, khi ông cầm miếng bánh nhỏ nhất để vào bát Ngài Mục Kiền Liên thì mấy miếng bánh dính với nhau một chùm không rời. Vì Ngài Mục Kiền Liên vận thần thông nên mấy miếng bánh dính vào nhau, Ngài nghe lời Đức Phật đem bánh về cho Chư Tăng ăn, mà ông bá hộ cho miếng bánh nhỏ xíu thì sao đủ cho Chư Tăng dùng. Hai ông bà bá hộ nắm chặt chùm bánh không bỏ tay ra, Ngài Mục Kiền Liên đem bánh và cả 2 ông bà về chùa Kỳ Viên đến trước mặt Đức Phật. Đức Phật nói Chư Tăng hoan hỉ phước báu bữa nay 2 vị thí chủ cho bánh. Hai ông bà đảnh lễ Đức Phật và xin cúng dường bánh cho Chư Tăng.

Hai ông bà bá hộ không có xả thí nhưng Đức Phật độ 2 ông bà diệt được tham dục.

Thiền sinh hỏi: Khi mình xả thí là mình bỏ thói hư tật xấu bỏn xẻn của mình rồi ?

HT trả lời: Mình xả thí rồi mình buông bỏ là mình bỏ thói hư tật xấu của mình, nhưng mấy cô đón nhận cái phước rồi mà không đi Toàn Thiện thì sẽ trở lại Thiện phước để hưởng phước.

Cô nói đúng là xả thí rồi là tôi bỏ rồi, tôi không còn keo kiệt rồi, tôi đã xả thí rồi, tôi không còn dính mắc là đúng rồi, mấy cô hưởng cái đó, nhưng tham dục mà đội quân ma nó còn ở trong Thiện phước, mấy cô sẽ hưởng một tòa thiên cung đầy đủ thiên vật thiên tài sản của cải nhưng mấy cô không có giải thoát.

Tới khi con đường tu của mình không phải xuông xẻ như các quí Ngài như Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên tu không bị thử thách, quí Ngài đắc đạo quả liền. ĐĐ Mục Kiền Liên đắc đạo quả trước ĐĐ Xá Lợi Phất 2 tuần, câu chuyện đó làm cho Chư Tăng thắc mắc, Đức Phật nghe được Ngài gọi Chư Tăng tới hỏi các Chư Tăng thắc mắc gì. Chư Tăng thưa là: "Bạch Đức Thể Tôn, chúng con thắc mắc là  Ngài Mục Kiền Liên là đệ nhất về thần thông, Ngài Xá Lợi Phất đệ nhất về trí tuệ, mà tại sao ĐĐ Mục Kiền Liên đắc đạo trước Ngài Xá Lợi Phất".

Đức Phật nói : "Hoàn hảo, toàn thiện, hoàn bích thì phải chậm hơn, không làm nhanh được".

Đắc thần thông Thắng Trí abhinñnña, Ngài Mục Kiền Liên là đệ nhất thần thông, mà đi con đường thần thông là Sammādhi. Làm 1 bước

Còn đệ nhất về Trí Tuệ Paññā (Insight / wisdom) phải làm 2 bước 

Tuệ Giác (Vipassanāñāṇa) Minh Sát Trí.

I/  Tuệ phân biệt danh-sắc

Có người hỏi thế nào là Insight ? Thế nào là wisdom ? Thế nào là ñāṇa ? Thế nào là paññā ?

 Tuệ thứ nhất quí Phật tử có phân biệt được cái nào là danh cái nào là sắc của người mình chưa ? Trong con người mình cái gì là thể xác, cái gì là tinh thần ?

Tôi biết phân biệt 2 thành phần trong con người của tôi. Khoa học cũng nói con người có 2 thành phần là tinh thần và thể xác. Bên Phật Pháp thì nói danh và sắc, hay là về tâm linh vể sắc thân này.

Thì quí Phật tử có Tuệ Giác thứ nhất là Tuệ thân biệt danh sắc, vậy quí Phật tử có giác ngộ không ?

 Có phân biệt được danh và sắc vậy giác ngộ được chưa ? Cho tới tuệ thứ tư 

1. Nāmarūpapariccheda ñāṇa: Tuệ phân biệt danh-sắc.

2. Paccayapariggaha ñāṇa: Tuệ nhận biết nhân của mỗi sắc pháp và danh pháp cùng sự tương duyên giữa hai pháp.Tuệ phân biệt nhân duyên.

3. Sammasana ñāṇa: Tuệ thấu đạt, nhận thức danh-sắc là vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anattā). (Phổ Thông Tướng)

4. Udayabbaya ñāṇa: Tuệ quán chiếu trạng thái sanh diệt (của các hành, tức của danh-sắc). Tuệ sanh diệt.

Tôi cũng vậy, tôi làm việc Ba La Mật, trong Ba La Mật tôi có Toàn Thiện thì quí Phật tử đã được Ba La Mật chưa, mình ngồi nghiệm lại, Cái kiết sử cái lậu hoặc nó khó và nó vi tế và nó nhạy cảm không khéo là mích lòng, đụng vô là cái "Ta" cái "Tôi" nó đánh bậc ngược lại chóc gốc ông Thầy luôn không dám gặp mặt, nhưng Sư muốn dắt đi từng bước 

Mình có trí tuệ, mình có Minh Sát Trí, mình có tuệ phân biệt danh sắc, mình giác ngộ rồi.

Thế thì, mình có tu thiện hay tu diệt. Nếu mình có tuệ này, tuệ kia là mình chỉ tu thiện thôi chứ mình chưa tu diệt. Mỗi một ngày, mỗi một giờ, mỗi một lần thiền, mỗi lần qua được tuệ này đều diệt hết bản ngã của mình, diệt hết lậu hoặc của mình, diệt hết kiết sử của mình, diệt hết tập khí của mình, thì mình có giác ngộ. Còn tu thiện phước là mình lượm vô.

Nên các quí Ngài nói nếu người nào đắc tuệ thứ 2 nếu chưa giải thoát sanh trở lại họ không mất mà còn được tiểu Tư Đà Hườn, Ngài Paṇḍita nói tiểu Tư Đà Hườn, Ngài Janika nói tuệ thứ tư mới là tiểu Tư Đà Hườn. Thì tiểu Tư Đà Hườn là có phần giác ngộ rồi. Culla Sotàpanno là có phần giác ngộ rồi. Nhưng mình coi lại mình có giác ngộ không, tức là mình có diệt kiết sử của mình không.

Một lần mà mình thấy được tuệ danh và sắc mình diệt một lần kiết sử của mình, diệt một lậu hoặc của mình, chứ mình không có nuôi dưỡng thiện này để mình hưởng. Đắc tới đâu diệt kiết sử tới đó thì mới là giác ngộ.

Mình tu Tứ Niệm Xứ hay mình tu diệt kiết sử diệt lậu hoặc.

Trong mấy bài trước mình tu Tứ Niệm Xứ, chưa tu diệt kiết sử diệt lậu hoặc, bữa nay mình học.

Đức Phật nói: Có minh sát trí nhưng chưa có tuệ.

Đức Phật gặp Poṭṭhila, ông có 18 đội Chư Tăng, mà 1 tăng đoàn của ông là một ngàn vị, 18 tăng đoàn nằm trong tay của Poṭṭhila, nhưng gặp Đức Phật Ngài nói: "Này Poṭṭhila rỗng tuếch, năng thuyết bất năng hành". Ông thuyết hay nhưng ông không có hành, nên Đức Phật nói ông là rỗng tuếch, ông rung động tại vì Đức Phật nói một chân ngôn chứ không phải là mỹ ngữ, một lời nói chân thật.

 Ông về hỏi tăng đoàn của ông là: Ta có 18 tăng đoàn, tại sao Đức Phật nói ta rỗng tuếch không có gì hết ? Tại vì ông không đắc đạo quả. Đi hỏi các vị tỳ khưu khác người nào cũng từ chối, cuối cùng gặp vị sadi Alahan 7 tuổi.

Ông sadi hỏi : Ngài muốn học không ? 

- Ta thật lòng muốn học.

Ông sadi kêu Poṭṭhila lội xuống hồ sen toàn là bùn sình, Poṭṭhila nghe lời lội xuống hồ sen từ từ bùn và sình lên tới ngực, ông không có tác ý gì mà chỉ làm theo thôi, ông vừa lội vừa hỏi đủ chưa đủ chưa.

Giống như quí Phật tử tu Tứ Niệm Xứ; thân này, thọ này, tâm này, pháp này, rồi hỏi đủ chưa, nhưng mà quí Phật tử chưa gì hết.

Nên ông Sadi nói chưa, đi nữa, đi nữa, tới lúc bùn sình qua khỏi đầu Poṭṭhila thì lúc đó ông biết và đắc quả Alahan.

Tại vì ông xuống bùn lội bùn thôi chứ ông không diệt cái ngã của ông, nhưng tới khi ngập hết người dưới bùn rồi ông không còn gì nữa, lúc đó ông mất hết tất cả rồi thì ông giác ngộ và đắc Alahan. Ông lên lại bờ và không nói gì hết mà lặng lẽ đi về.

Vậy thì quí Phật tử có danh sắc nhưng chưa diệt ngã, chưa có giác ngộ.

Không cần phải ngôn từ, không cần lời nói, mà cần hành động và thực hiện và mình sẽ trải nghiệm.

Do đó, bữa nay mình ngồi nghiệm lại. Ta tu ta có Tuệ Danh Sắc mà ta chưa có Trí Tuệ Paññā, tôi có insight thôi. Insight tức là bên trong mình thôi.

Do đó mình giữ lại, tôi không làm nữa, tôi phải giác ngộ, cái nào tôi làm phải có kết quả của tôi

Cũng như, quí Phật tử làm Ba La Mật phải có kết quả Ba La Mật  chứ không phải mơ hồ không biết mình có làm.

Cho tới ngày hôm nay Sư dám bảo đảm với quí Phật tử kể cho Sư nghe có bao nhiêu Ba La Mật không ? 

Người đắc được tuệ thứ nhất Danh / Sắc, vô trong hội chúng, vô trong bàn ăn, vô trong tập thể mà người ta nói nặng mình một cái mình bừng lên, như vậy là đâu có Danh Sắc, mà là có Thủ. Thì đó là trắc nghiệm, là một bài thi là mình rớt liền. 

Còn nếu người đắc được tuệ thứ nhất về Danh / Sắc mà họ giác ngộ thì đụng vô họ thì họ không phản ứng.

Quí Phật tử nghiệm được không, nếu thấy thân này chỉ là Danh / Sắc thì không hề hấn gì với lời nói vô ra của người. Thật ra mình còn nguyên khối chẳng qua là không đụng vô thôi, rồi mình bọc mình lại mình tưởng mình có chứ thật ra mình chưa hưởng vị Giác Ngộ.

Như vậy thì khi quí Phật tử làm việc thiện phước nhưng không diệt được tham dục, thì khi đụng vô cái cửa tham dục thì mình bọc lại cái gì của mình và đánh mất bao nhiêu Thiện phước mình đã làm ra, do đó người ta nói: "một phút sân hận đốt cháy cả rừng công đức."  Và Ba la Mật mình bị đứt và mình mất hết.

Bị đánh ở tham dục thì phòng thủ ở tham dục bởi dāna xả thí, nó chọc xuống lời chê bai lời chỉ trích mình rớt xuống là tại vi lấy cái tham dục nhẩy xuống chụp giữ  lời chê bai chỉ trích, bị rớt liền. Thì đường nào cũng chết hết, tại vì mình không có Giác Ngộ, mình chỉ tu phước Thiện thôi.

Sư nhìn thấy như vậy thì Sư lo, khi quí Phật tử rời lớp học quí Phật tử sẽ không đủ sức để đấu với đội quân ác ma, chưa đủ, phải xác nhận vậy đó.

Còn quí Phật tử không có đội quân nào, đánh đâu chết đó.

Ác ma không đánh bên Ba La Mật, quí Phật tử có Ba La Mật thì ác ma không đánh được. Nên ác ma nói với Đức Phật : "ta theo dõi người 7 năm ta không thấy một khuyết điểm nào từ thân ngự ý trong mỗi phút giây". Ngài không bị khuyết điểm nào hết, nó không xâm nhập vô được. Nó theo dõi suốt 7 năm, 24/7 không rời Ngài, mà không thấy một khuyết điểm nào, nó thử đủ cách hết mà không kiếm thấy gì, Ngài chỉ nói câu : "Xương ta có tan rã, giòng máu ta có khô cạn, ta quyết không gục ngã trước mọi áp lực của ác ma." Trước sự cám dỗ của ác ma, Ngài nói đâu phải chỉ với Chư Thiên Ma, mà với phiền não ma, pháp hành ma, ngũ uẩn ma, tử thần ma, Ngài luôn luôn sống chết với nó chứ Ngài không có chễnh mãng. Còn mình đây không có.

 Quí Phật tử nói đã qua Tuệ Giác, phân biệt Danh / Sắc biết hết rồi, từ sáng đến chiều Sư hỏi mấy cô tu thấy sao ? 

mấy cô trả lời "mệt quá Sư ơi". 

- Phân biệt Danh / Sắc có gì đâu mà mệt, chỉ là Danh / Sắc thôi mà.

Trung ngôn nghịch nhĩ, lời thật mất lòng. Lời nói thật nó khó nghe, nhưng lời nói thật thì phũ phàng.

Quí Phật tử phân biệt được Danh / Sắc, cũng như nhà khoa học vô trong phòng thí nghiệm phân biệt được hóa chất này hóa chất kia, nhưng bản chất của của quí Phật tử thì còn nguyên, phân biệt được chất này chất kia phân biệt được hết, nhưng mình thì còn nguyên khối, nhiều khi mình còn bự hơn nữa, cái ta cái tôi, tôi phát minh ra được, tôi tìm ra được, tôi làm được cái này cái kia, nhưng mà không giác ngộ.

Quí Phật tử phân biệt được Tuệ Danh / Sắc chưa ?

Đề Bà Đạt Đa ném đá trúng chân Ngài, Chư Tỳ Khưu hỏi Ngài có đau không, Ngài nói đau, nhưng Ngài không bị ảnh hưởng, không có cái tôi, không có cái thủ trong này.

Quí Phật tử phân biệt được Tuệ Danh / Sắc được không, có Giác Ngộ không ?

Thì thật ra là quí Phật tử hoàn toàn  làm theo đường tu tập của mình thôi, nhưng không có Giác Ngộ hay hiểu biết việc làm của mình có kết quả ra sao, rất là tội nghiệp, mình phải thấy là mình sai rồi.

Khi Giác Ngộ rồi mà đội quân ma tấn công vô, mặt nào cũng vậy, 10 đội quân đó đánh không lủng thành trì Ba La Mật của quí Phật tử được, đường nào mình cũng nắm vững hết, tại vì đã Giác Ngộ rồi, không có "Tôi Ta" gì trong đây, không có kiết sử, không có tập khí, không có lậu hoặc gì hết, chỉ là pháp Sanh / Diệt thôi, thì mới bước ra khỏi cửa thành của nó được, chứ không nó biết mình yếu nó đến hoài.

Sư chỉ khuyên là mình không nên bỏ thì giờ tu thiện nữa mà phải tu diệt kiết sử và lậu hoặc của mình để không còn sinh tử luân hồi nữa.

Không còn cơ hội để hỏi người nào bắn mũi tên bắt vô vai của mình, không còn để thời gian hỏi mũi tên này do ai bắn.

Và quí Phật tử cũng vậy, khi pháp có trong tay quí Phật tử không còn thời giờ để mà hưởng mà phải giải thoát, giác ngộ liền, không để trở lại.

 Giác ngộ được tuệ phân biệt Danh / Sắc, ai đụng tới mình không nổi sân.

Mình tu Thiện mình chưa tu diệt, mình không diệt được hết, mình cứ lòi kiết sử của mình ra, mình đánh lại, mình phản ứng lại.

Các bậc Thánh nhân khi họ đắc đạo quả cỡ A Na Hàm trở lên A La Hán, có được Niết-bàn họ  "Singing the praises of nonexperience !" tức là "Xướng lên những thi ca tán tụng về sự phi trải nghiệm !"

Tức là các bậc Thánh nhân đắc đạo quả rồi họ hát lên những bài chánh trí, họ xướng lên những lời tán tụng họ đã thoát ra những trải nghiệm này mà họ không rớt vô trong cái mà họ trải nghiệm đó.

Ngày nào quí Phật tử còn ở trong trải nghiệm, còn sống trong bọc vỏ của trải nghiệm và nói rằng tôi đã trải nghiệm cái này tôi trải nghiệm cái kia, phải vượt qua cái đó mới được

 Những cái mà quí Phật tử còn nằm ở trong cảm giác của mình và mình còn dựa vào trong đó mình đón nhận nó nên chưa có Níp-bàn.

Quí Phật tử còn có thì còn trải nghiệm.

Các bậc Thánh nhân khi họ trải qua rồi họ không còn cái gì.

Quí Phật tử phải dừng lại phải thức tỉnh thì mình mới có tiến bộ, mình mới có thành công và mình mới có kết quả được.

Còn không, chưa có Ba La Mật, chỉ có Thiện phước sanh trở lại làm người làm trời phước báu đầy đủ, không thiếu gì hết.

Mình phải kiểm tra lại và mình xác định lại mình ở vị trí nào và ở trong chặn đường nào, đoạn đường nào đã đi qua. Mình đừng có đi nhiều quá, đừng đi nhanh quá, đừng đi xa quá rồi mình mất gốc luôn và không có ai ôn mình nhắc nhở mình hay kiểm soát kiểm tra mình thì mình cứ nghĩ là mình có hết rồi là chết trong cái ngủ say đó.

Niệm và phóng dật, nếu có niệm, mà quí Phật tử phóng dật thì mất hết.

Nếu có Minh Sát Trí mà chưa Giác Ngộ, đó là một a deep sound sleep (ngủ say) của mình, nó sẽ làm mình ngủ say và nó đánh bậc cơ hội giác ngộ của mình.

Ngài Anuradha Ngài đắc Tam Quả Ngài tới hỏi Ngài Xá Lợi Phất tại sao tôi chưa đắc A La Hán. Ngài Xá Lợi Phất nói vì cái ngã mạn của Ngài.

Ngã mạn là kiết sử. Ngài có Minh Sát Trí Ngài có thiên nhãn thông nhìn thấy các bầu trời mà Ngài ngã mạn có mình ta nhìn thấy không ai nhìn thấy, cái đó chặn con đường A La Hán của Ngài.

Trong bài kinh Vô Thường, Khổ Đau, Vô Ngã hay bài kinh Tiểu Sử Đức Phật Thích Ca của Ngài Hộ Tông "Mặc ai danh lợi bôn xu, Con nguyện giữ hạnh người tu thoát trần". Nhưng mà mình ôm hết tất cả trần gian này vào trong mình hết thì sao mình thoát. Cái khen, cái chê, cái vui, cái buồn mình cũng ôm vô, cái giận cái hờn mình cũng ôm vô thì không có cơ hội giải thoát, mà mình hiểu sai trong cái gì mình đang có và mình không có thức tỉnh, vậy là chưa giác ngộ.

 Nên khi Sư hỏi Quí Phật tử biết tuệ phân biệt Danh Sắc không, quí Phật tử trả lời biết, và có giác ngộ không, chưa, chưa giác ngộ là sao? là mình chưa diệt được cái ta cái tôi cái kiết sử của mình, mình chỉ có Minh Sát Trí thôi chứ mình chưa có trí tuệ.

Bây giờ mình bắt đầu trau dồi trí tuệ của mình, phải trau dồi trên trí tuệ Ba La Mật. Nên chỗ trí tuệ đây là trí tuệ Ba La Mật để diệt đội quân ma và diệt kiết sử và lậu hoặc trong mỗi Minh Sát Trí mà mình trải qua phải đi đôi. Minh Sát Trí nào có thì trí tuệ Ba La Mật ngay đó cùng diệt kiết sử và lậu hoặc thì lúc đó mình vừa có Minh Sát Trí vừa có sự Giác Ngộ.

Tôi không bị cám dỗ thì quí Phật tử ra và từ đó trong suốt thời gian ác ma đi theo.

Thiên Ma đứng ngoài phiền não ma, đứng ngoài ngũ uẩn ma, đứng ngoài pháp hành ma, đứng ngoài trong mấy tử thần ma để mà nó sai khiến cái tứ lậu, dục lậu, hữu lậu, kiến lậu, vô minh lậu của con người chúng ta, đứng ở ngoài sai khiến và quí Phật tử không thức tỉnh thì sự tu tập của quí Phật tử chỉ là tu thiện để tạo ra công đức và mình hưởng phước chứ không giải thoát được.

Con người có 2 thành phần thể xác và tâm hồn. Mình không làm chủ không làm nô lệ, mình chỉ biết thôi và mình bắt đầu chịu diệt bỏ cái này và mình không có dính mắc với nó thì lúc đó làm chức năng Ba La Mật nó mới toàn thiện được, còn một chút nào mà quí Phật tử có dù là chủ hay là tớ là thầy hay là nô lệ thì quí Phật tử vẫn còn ở trong vướng mắc của nhân quả của nó ./.

---------------------------------------

Thập Đội Quân Ác Ma              Thập Pháp Toàn Thiện (Ba La Mật)

1/ Tham dục.                                1/ Xả Thí

2/ Sự bất mãn .                             2/ Trì Giới

3/ Sự đói và khát.                         3/ Ly Dục

4/ Tham ái.                                   4/ Trí Tuệ

5/ Hôn trầm thụy miên.                  5/ Tinh Tấn

6/ Sự sợ hãi                                  6/ Nhẫn Nại

7/ Sự hoài nghi.                            7/ Chân Thật

8/ Sự phỉ báng                             8/ Chú Nguyện

9/ Sự lợi lộc                                 9/ Từ Ái

10/ Tự khen mình.                      10/ Hành Xả

----------------------------------------------

MƯỜI SÁU  TUỆ MINH SÁT - 16 Tuệ Minh Sát (Vipassanāñāṇa)

1. Nāmarūpapariccheda ñāṇa: Tuệ phân biệt danh-sắc.

2. Paccayapariggaha ñāṇa: Tuệ nhận biết nhân của mỗi sắc pháp và danh pháp cùng sự tương duyên giữa hai pháp.Tuệ phân biệt nhân duyên.

3. Sammasana ñāṇa: Tuệ thấu đạt, nhận thức danh-sắc là vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anattā). (Phổ Thông Tướng)

4. Udayabbaya ñāṇa: Tuệ quán chiếu trạng thái sanh diệt (của các hành, tức của danh-sắc). Tuệ sanh diệt.

5. Bhaṅga ñāṇa: Tuệ quán chiếu trạng thái hoại diệt của danh-sắc. Tuệ diệt.

6. Bhaya ñāṇa: Tuệ kinh sợ.

 7. Ādīnava ñāṇa: Tuệ quán chiếu hiểm họa, tức quán chiếu trạng thái nguy hiểm của các hành. Quá Hoạn Trí

8. Nibbidā ñāṇa: Tuệ quán chiếu tình trạng chán nản. Quyết Ly Trí

9. Muñcitukamyatā ñāṇa: Tuệ muốn giải thoát. Dục Thoát Trí

10. Paṭisaṅkhā ñāṇa: Tuệ suy tư.

11. Saṅkhārupekkhā ñāṇa: Tuệ xả hành, quân bình, thản nhiên đối với tất cả các hành. Hành Xả Trí

12. Saccānulomika ñāṇa: Tuệ thuận thứ (thuận theo thực tế, tức thuận theo Tứ Diệu Ðế).

13. Gotrabhū ñāṇa: Tuệ chuyển tánh, vào lúc "chuyển thay dòng dõi" (tức từ phàm trở nên Thánh).

14. Magga ñāṇa: Ðạo tuệ.

15. Phala ñāṇa: Quả tuệ.

16. Paccavekkhaṇa ñāṇa: Tuệ ôn duyệt.

-----------------------------------

Mười phước nghiệp sự, phúc hành tông (Puññakiriyavatthu), việc làm tạo phước báu:

1. Tạo bằng bố thí (Dānamaya).

2. Tạo bằng trì giới (Sīlamaya).

3. Tạo bằng tu tiến (Bhāvanāmaya).

4. Tạo bằng cung kính (Apacāyanamaya).

5. Tạo bằng phục vụ (Veyyāvaccamaya).

6. Tạo bằng hồi hướng (Pattidānamaya).

7. Tạo bằng tùy hỷ (Pattānumodanāmaya) .

8. Tạo bằng thính pháp (Dhammassavanamaya).

9. Tạo bằng thuyết pháp (Dhammadesanāmaya).

10. Tạo bằng việc cải chánh tri kiến (Diṭṭhujukatamaya).

No comments:

Post a Comment