Thursday, September 23, 2021

Vi Diệu Pháp 10 - Pháp Độ Trí Tuệ Balamật - TT Sán Nhiên

  Pháp Độ Trí Tuệ Balamật - Vi Diệu Pháp 10  - TT Sán Nhiên

Minh Hạnh đã được nghe để học và, xin ghi chép lại theo sự hiểu của chính mình từ video giảng "Vi Diệu Pháp 10" do TT Sán Nhiên giảng. Minh Hạnh xin chia sẻ đến qúi Thiện Tri Thức. Và xin thành kính cảm tạ ơn TT Sán Nhiên đã thuyết giảng bài pháp rất hữu ích để chúng con tu tập. Cũng xin chân thành cảm ơn đến qúi anh chị trong ban Hoằng Pháp của Trung Tâm Việtnamese American Mahasi Meditation Center.

Mọi sự copy, phát tán, in ấn xin ghi rõ nguồn gốc và tên người ghi chép là Minh Hạnh

TT Sán Nhiên: Hôm nay chúng ta tiếp tục học Pháp Độ Ba-la-mật, trước khi đi tiếp Sư ôn bài học trước.

Người hành Ba-la-mật gọi là Bồ Tát.

Tiếng Pali (Nam Phạn) là Bodhisatta.

Còn nói theo tiếng Sanskrit (Bắc Phạn) là Bodhisattva. 

Bodhi nghĩa là Bồ Đề, sattva nghĩa là tát đỏa. Khi hai từ ngữ đó kết hợp lại có từ ngữ chung là Bồ Tát. Chữ Bồ Tát chỉ là tiếng âm chứ không được dịch ra, Bồ Tát có nghĩa vị này là chúng sanh có tình cảm hay là một loại hữu tình, ta gọi vị đó là Giác Hữu Tình tức là chúng sanh có ý thức về sự giác ngộ, thì chúng ta sẽ thấy là Bodhisatta từ tiếng Pali là (Nam Phạn)

 Bodhisatta âm là Bồ Đề Tát Đỏa có nghĩa là chúng sanh có tình cảm và có ý thức về giác ngộ gọi là Giác Hữu Tình, họ có ý thức giác ngộ nhưng họ chưa giác ngộ, họ tầm cầu con đường tu tập để được sự giác ngộ, từ đó bắt đầu tu tập những pháp để phòng hộ cho chính họ đưa đến sự giác ngộ, những pháp đó gọi là Paramitta, âm là Ba La Mật Đa dịch là Đáo Bỉ Ngạn nghĩa là đến bờ an vui.

Chúng sanh nào ý thức giác ngộ phải trao dồi những pháp môn để phòng hộ cho họ được an vui không bị đắm say trong Tam Giới, do đó còn gọi là Pháp Độ độ cho chính họ đưa đến bờ an vui, còn gọi là Pháp Độ hay pháp Balamật.

Khi nói như vậy, do đâu họ có ý thức giác ngộ rồi từ sự giác ngộ đó lo tu tập Pháp Độ hay pháp Balamật?

- Đó là, khi họ thấy đời là Vô Thường, Khổ, và Vô Ngã. Thấy được 3 yếu tố này họ bắt đầu thức tỉnh, giác ngộ. Thức tỉnh rồi họ không bị lầm mê nữa và bắt đầu tu tập con đường Pháp Độ dẫn đến sự an vui giải thoát không còn ở trạng thái luân hồi trong Tam Giới. Đó chính là Balamật. 

Tuần rồi chúng ta đã nghiên cứu qua một số về pháp môn Balamật hay còn gọi là pháp môn Pháp Độ. Ta đi tuần tự lại:

1) Pháp độ thứ nhất,  xả thí.

2) Pháp độ thứ hai là, trì giới

3) Pháp độ thứ ba là, ly dục 

4) Pháp độ thứ tư là, trí tuệ

5) Pháp độ thứ năm là, tinh tấn

6) Pháp độ thứ sáu là, nhẫn nại

7) Pháp độ thứ bảy là, chân thật

8) Pháp độ thứ tám là, chí nguyện 

9) Pháp độ thứ chín là, từ ái

10) Pháp độ thứ 10 là, hành xả vi diệu 

Đó là những pháp môn tu tập là những pháp độ độ cho ta hay độ cho các bậc giác hữu tình, hay độ cho bậc Bồ Tát có con đường đi đến bờ an vui. Nói rõ hơn, 10 Pháp Độ này là con thuyền đưa chúng ta bỏ bờ mê đi đến bến giác như chúng ta qua sông đến bờ thì bỏ lại con thuyền, thì con thuyền này là con thuyền Balamật hay là con thuyền Pháp Độ đưa ta đến bến giác. 

Thì ở đây, bây giờ qúi Phật tử đang làm việc của một vị Bồ Tát.

Trong cuộc sống chúng ta đã nhìn thấy; sự già, sự bịnh, sự chết thì mình có sự thức tỉnh, như vậy mình đã có ý thức về sự Giác Ngộ. 

Ở tôn giáo khác, họ không bao giờ nói về; Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Họ nói Phật Giáo bi quan yếm thế tại vì lúc nào cũng nói đời là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Họ nói, đời sống của họ phải hồn nhiên và vui chứ không có trạng thái bi quan sầu bi. Nhưng mà, sự thật nghiệt ngã khi người ta có sự thức tỉnh thấy đời sống này là; Vô Thường, khổ đau, Vô Ngã, qua một hình ảnh nào đó của một người hay của một chúng sanh khác thì họ bắt đầu Giác Ngộ. Sự thức tỉnh này họ đã là Bồ Tát rồi.

Thực ra qúi Phật tử là Bồ Tát rồi. Sư thường nói câu:  "Người chết ta xót xa, chẳng phải vì thương tiếc, tu hành chưa đạt đạo, lần lượt đến phiên ta." Hiểu được câu này là thức tỉnh rồi, người chết ta xót xa giựt mình nghĩ tới mình, người ta chết có người lo lắng, còn tới phiên mình không biết ra sao? Người ta chết ở trong nhà còn mình chết ở đâu? Trạng thái người ta chết bình yên an lành còn nếu mình chết ra sao có được an lành không hay đau thương? Mình không biết nên mình phải chuẩn bị cho mình và lo tu tập nương vào con đường Pháp Độ. Ý thức như vậy mình là Bồ Tát rồi, mình là vị Giác Hữu Tình rồi đó, mình là người có ý thức về sự Giác Ngộ.

Khi ý thức như vậy, ta bắt đầu lo tu tập, có nhiều pháp môn tu tập nhưng gom lại những pháp môn cần đưa đến sự giác ngộ tỉnh thức để thoát ra khỏi cảnh khổ, Đức Phật đưa ra 10 điều.

Khi đi tới hướng này chúng ta nhìn thấy có 10 pháp môn để tu tập thì ở nơi đây khi qúi Phật tử sẽ thấy tại sao 10 pháp môn này chúng ta phải tu tập. 

Chúng ta thức tỉnh khi thấy sự thật: Đời là vô thường chúng ta bắt đầu bỏ tham. Đời là khổ đau chúng ta bắt đầu lìa khỏi sân. Thế gian này là vô ngã, bản chất không có chi là của tôi thì bắt đầu thức tỉnh không còn si.

Do đó 3 pháp, tham, sân, si, bây giờ mình thấy đời là vô thường mình không còn tham nữa, thấy đời là khổ đau mình không còn sân hận nữa, thấy đời là vô ngã minh không còn si mê nữa. 

Khi thức tỉnh như vậy qúi Phật tử thấy Pháp đầu tiên là:

1) Pháp độ thứ nhất,  xả thí.

1)  Xả thí là buông bỏ, là cho ra, chúng ta mất đi cái tham, thấy đời Vô Thường mình buông hết không còn dính vào đó, nếu còn dính vào cái gì thì cái đó nó cột ta lại.

Một chai nước qúi Phật tử không đụng tới nó chỉ cần tháo nắp ra thôi để chai nước đó một thời gian sau không biết bao lâu chúng ta rờ vào chai nước cảm thấy có đóng nhớt và nước đó không dùng được tại vì chất bám chất dính nó dính vào trong đó. Thì cũng như vậy, Đức Phật nói khi ở trong Tam Giới này một thời gian lâu chúng ta bám dính vào trong Tam Giới. Từ đó con người mình không buông ra được, cái gì cũng bám giữ lấy mà bám giữ không được gì cả, tại vì có cái gì ta bám được vì tất cả là Vô Thường, không gì tồn tại được. 

Do đó, pháp môn đầu tiên vị Giác Hữu Tình thức tỉnh, bước đi vào con đường họ bắt đầu buông bỏ không còn dính mắc gì cả, tài sản, gia đình, của cải, họ bỏ hết.

 Do đó xả thí là buông bỏ cho ra.

2) Pháp độ thứ hai là, trì giới

Đời sống trì giới là mình trau dồi hạnh kiểm, trau dồi đức hạnh. Sự trau dồi hạnh kiểm làm cho người mình tốt lên, trong sạch hơn, thanh tịnh hơn, hoàn hảo hoàn hơn. Mình không muốn hơn thua với đời, không bon chen với đời và không dành giựt với đời, họ buông bỏ hết và bắt đầu trau dồi đời sống tâm linh của mình.

3) Pháp độ thứ ba là, ly dục 

Ly dục là buông bỏ những gì ái luyến dính mắc. Dục có 3 là; tham dục, tác dục, pháp dục. Thì khi bắt đầu trau dồi đời sống hạnh kiểm hay trau dồi đời sống tâm linh thì họ buông bỏ những ái luyến dính mắc không còn đeo níu ở trong đời, họ bắt đầu; ly tham dục, ly tác dục, họ tầm cầu con đường duy nhất là pháp dục. Bỏ tất cả những điều đó để đi vào con đường pháp dục mà thôi.

Chúng ta biết tham dục có 6: sắc, thinh, khí, vị, xúc, pháp.

Tham dục về sắc, tham dục về thinh, tham dục về khí, tham dục về vị, tham dục về xúc, tham dục về pháp, họ luôn luôn dính mắc đeo đuổi trong đó không rời xa. Người ưa thích cảnh sắc dính mắc trong cảnh sắc, người ưa thích âm thanh dính mắc trong cảnh thanh, người ưa thích về mùi hơi dính mắc trong mùi hơi, người ưa thích mùi vị dính mắc trong cảnh vị, đó là tham dục.

Tác dục có hai là thiện và bất thiện. Cái gì chúng ta cũng muốn làm chúng ta đeo dính, đó là hạng người tác dục, làm thiện cũng muốn làm bất thiện cũng muốn làm.

Như vậy, khi chúng ta ly dục là không còn muốn dính mắc trong Tam Giới, muốn thoát ly, mình luôn luôn lúc nào cũng nghĩ suy phải ra khỏi căn nhà Tam Giới: Sắc Giới, Dục Giới, Vô Sắc Giới. Lúc nào cũng muốn ra đi không muốn ở trong đời cho dù ở cảnh dục, cho dù ở cảnh sắc, cho dù ở trong cảnh vô sắc giới, tất cả 3 cõi giới này còn phải sanh tử luân hồi còn khổ đau mình muốn ra khỏi nhà Tam Giới này. Hạng người ly dục là muốn tầm cầu con đường giải thoát, những người như vậy là những hạng Bồ Tát kiên cố, không còn lay chuyển trước mọi sự diễn biến ở trong Tam Giới của 6 pháp dính mắc bởi tham dục; sắc; thinh, khí, vị, xúc, pháp, họ luôn luôn muốn ra đi. 

Những người thấy được con đường dính mắc, còn trói buộc trong Tam Giới là họ còn sợ hãi trong trạng thái Khổ Khổ: sanh già đau chết, ái biệt ly, oán tắng khổ, cầu bất đắc, rồi ngũ uẩn là khổ, họ bắt đầu ra đi không còn muốn đeo dính, đó là ly dục, 

Phần trên là phần ôn bài tuần rồi chúng ta đã qua phần xả thí, trì giới và ly dục. 

Hôm nay chúng ta đi tiếp qua phần pháp độ thứ tư, và chúng ta cần nghiên cứu tìm hiểu để xem có thuận duyên với chúng ta để làm pháp độ hạnh nguyện hay không.

4) Pháp độ thứ tư là, Trí Tuệ Độ

 Trí Tuệ Độ ngược lại với vô minh. Khi chúng ta nói đến những bậc trí tuệ những hành giả Bồ Tát hạnh nguyện Trí Tuệ Độ họ luôn luôn đối diện với vô minh, họ phải thấy rõ vô minh là pháp nghịch của con đường trao dồi trí tuệ của họ. 

Người vô minh là người không biết về Tứ Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo)

Những người không biết Nhân Quả liên quan với nhau thì những người đó gọi là Vô Minh. Tất cả mọi pháp sanh khởi lên bởi duyên và chính do duyên thúc đẩy hiện bày các pháp, những người không hiểu biết những điều đó, họ là người vô mình.

Có Nhân này thì có Quả kia, có Quả này thì tất phải có Nhân hiện bày, có Nhân thì Quả trổ sanh, những người có sự hiểu biết như vậy, họ là những bậc trí tuệ. 

Như vậy, ở đây, với những hành giả Bồ Tát trau dồi Trí Tuệ Độ phải liễu tri con đường diệt Vô Minh. Vậy thì, khi chúng ta muốn phát nguyện Trí Tuệ Balamật trong đời này với kiếp này qúi Phật tử phải thấu rõ Tứ Đế, thấu rõ pháp nào là Nhân, pháp nào là Quả, pháp nào là Duyên Khởi Sanh và pháp nào là Duyên Liên Hệ pháp đang hiện bày. Qúi Phật tử sẽ thấy duyên nào khởi sanh ra pháp đó và duyên nào làm cho pháp đang hiện bày còn đang tồn tại. Điều này mới diệt được Vô Minh. 

Chẳng hạn như một trạng thái bất toại nguyện, một sự trái ý nghịch lòng, tiếng Pali là paṭigha.  Như vậy thì ở đây, nhân nào, duyên nào, khởi sanh ra trái ý nghịch lòng. Thì duyên nào làm cho trái ý nghịch lòng này không cắt đi mà để nó còn tồn tại, đó là pháp Mãnh Lực Duyên.

Đối với vị Bồ Tát hạnh nguyện về Trí Tuệ Balamật, vị đó tìm hiểu ra con đường diệt vô minh là người đó hành được Trí Tuệ Balamật. Nếu như vị đó không hành được con đường diệt vô minh người đó chưa hành được Trí Tuệ Balamật trong đời này hay kiếp này. 

Khi qúi Phật tử khởi lên trái ý nghịch lòng bất toại nguyện là do dục khởi duyên si mê, vì si mới khởi lên sân, nếu chúng ta tỉnh giác có trí tuệ thì không có trái ý nghịch lòng.

Do đó, khi bị si mê chúng ta khởi sanh tâm sân, tức là giận quá mất khôn hay là mất khôn hóa giận.

Duyên do bởi nhân là sân là si mê khởi lên cho ta quả sân đang hiện bày. Thì duyên nào làm cho pháp si mê này còn tồn tại đó là duyên thủ, không buông bỏ vì chấp thủ làm duyên cho pháp trái ý nghịch lòng này được tồn tại và không buông bỏ được. Như vậy, khi ta là một bậc Trí Tuệ Balamật chúng ta phải diệt trừ vô minh đang che ám đang bao phủ ta. 

Như vậy, tất cả mọi pháp khởi sanh lên do bởi duyên, pháp nào đang hiện bày còn tồn tại cũng bởi duyên, tìm hiểu được duyên đó là diệt được vô minh do bởi Trí Tuệ Balamật.

Nói đến Tứ Đế, Đức Phật Ngài nói có 4 sự thật là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. 

Đức Phật Ngài nói có 4 loại hiện bày, bao gồm có 2 là Khổ Đế và Diệt Đế  là Quả, Tập Đế và Đạo Đế là Nhân.

Khi chúng ta nói hai loại này, chúng ta bắt qua Pháp Nhân Quả.

khi chúng ta nói sanh lão bệnh tử, nhân nào làm ta bị sanh lão bệnh tử? Đó là nhân ái dục làm chúng ta bị sanh lão bệnh tử.

Khi chúng ta nói; ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc, làm ta khổ đau trong đời này do nhân nào làm ta bị vậy? Đó là do ái dục.

Vậy khi ta nói được điều đó là chúng ta đã có trí tuệ để diệt màn vô minh rồi từ đó ta hành pháp Trí Tuệ Balamật để tiến tu đến đạo quả là như vậy.

 Khi nào không tìm thấy được những điều đó thì chúng ta loanh quanh luẩn quẩn trong câu hỏi: "ai sinh ra tôi" đổ thừa là người mẹ người cha, rồi "ai sanh ra người mẹ người cha" đổ thừa người ông người bà v.v... bắt đầu chúng ta bị luẩn quẩn trong trạng thái hiệp thế hay trong thế gian hay là trong chế định này. Khi qúi Phật tử thấy được sự thật Tứ Đế bao gồm cả hai Nhân và Quả, thấy Nhân là thấy Quả, nhìn thấy Quả là hiểu biết về Nhân tạo tác hiện bày.

Chúng ta sẽ thấy bởi Mãnh Lực Duyên khởi sanh. Duyên nào làm sanh quả này, duyên nào làm khởi sanh nhân này, chúng ta tự tìm ra được cái nhân này hay là cái duyên của quả này là chúng ta dùng Trí Tuệ Balamật.

Như vậy, khi một hành giả là Bồ Tát hạnh nguyện về Trí Tuệ Balamật hành giả luôn luôn tìm ra pháp Tứ Đế, tìm ra pháp nhân quả, tìm pháp duyên sinh duyên hệ, và khi tìm ra 3 phương pháp đó là qúi Phật tử đang hành trau dồi Trí Tuệ Balamật. Khi qúi Phật tử trau dồi Trí Tuệ Balamật đó là con đường hưởng lợi trong sự đưa đến sự giác ngộ đắc đạo đắc quả.

Rồi bây giờ ở đây qúi Phật tử sẽ thấy mỗi pháp sanh lên trong cuộc đời của mình, qúi Phật tử thấy sự thật chắc cuộc đời này làm qúi Phật tử suy tư nghĩ ngợi thế gian này là khổ đau. 

Chẳng hạn như Sư trình bày cho qúi Phật tử thấy trong phần Khổ Đế

 Khổ Đế có 3: Khổ Khổ, Hành Khổ, Hoại Khổ. Tất cả cho chúng ta thấy có 3 yếu tố là Khổ Đế, khổ nhiều lắm Đức Phật nói là Khổ Khổ, chúng ta tìm ra 8 nguyên nhân

Khổ Khổ có 8 nguyên nhân là:

1) Sanh

2) Già

3) Đau

4) Chết

5) Ái biệt ly (thương phải xa)

6) Oán tắng hội (ghét phải gần)

7) Cầu bất đắc

8) Ngũ thủ uẩn

Tám điều này gọi là Khổ Khổ, gốc mạnh nhất trong 8 cái khổ này là Ngũ Thủ Uẩn nó sanh ra cầu bất đắc, oán tắng hội, ái biệt ly, chết, đau, già, sanh đều nằm trong Ngũ Thủ Uẩn cả. Vì chấp vào ngũ thủ uẩn này là những cái gì thay đổi một cái thì mình thấy nó là khổ:

- Vì ngũ thủ uẩn làm cho cầu bất đắt không được sanh khổ, 

- vì ngũ thủ uẩn làm cho oán tắng hội không được sẽ khổ, 

- ngũ thủ uẩn làm cho ái biệt ly không được là sẽ khổ, 

- ngũ thủ uẩn thấy sự đau già chết không hoan hỉ là khổ, 

Chính Ngũ Thủ Uẩn là cội gốc của 8 cái khổ này, nói chung là vì ta có thân mạng này, vì có sự hiện hữu này chúng ta mới khổ trong đời này.

Nhưng, tại sao trong đời này ta được sanh ra lại bị già, tại sao được sinh ra lại bị bịnh, sinh ra lại bị chết, lại có những điều ta không được toại ý vừa lòng, vậy thì tại sao? Vì do sự vận hành của nó, do sự vận chuyển của nó hay ta nói do tất cả pháp đang thay đổi, như vậy mới khổ.

Khi sự vận hành như vậy nó không đứng yên, nó vận hành thì nó phải tiêu hoại mất đi, vì do sự vận hành nó bị tiêu hoại mất đi thì đó là khổ, vận hành vận chuyển thay đổi mà lại còn bị tiêu hoại đó là khổ.

Như vậy thì ở đây

- Hoại khổ là nhân cho quả Hành Khổ. 

- Hành khổ là nhân cho quả Khổ Khổ.

Chúng ta tiếp tục. Khi thấy Khổ Khổ như vậy là qúi Phật tử thức tỉnh, ta gọi là thấu hiểu được Tứ Đế:

- khi thấy Khổ Khổ này ta thức tỉnh gọi là thấu hiểu pháp Khổ,

- khi thấy Hành Khổ thay đổi qúi Phật tử thức tỉnh được pháp Vô Thường.

- Khi thấy sự Hoại Khổ này thì qúi Phật tử phát hiện được pháp Vô Ngã;

Đó là Trí Tuệ Balamật.

Sư trở lại, khi qúi Phật tử thấy khổ trong đời đó là kết quả của sự thay đổi của đời, đời thay đổi là bao cái khổ trong đời này hiện bày, thì đời mà thay đổi đó là Hành Khổ là nhân hiện bày biết bao nhiêu nhân khổ, khổ trong đời là quả mà đời đã thay đổi còn bị tiêu hoại mất mát nữa không còn tồn tại  đó là nhân hiện bày của sự thay đổi khổ trong đời, khi thấy sự tiêu hoại mất mát đó là nhân hiện bày của bao nhiêu sự thay đổi như vậy thì chúng ta thấy đó là quả hiện bày trong đời là khổ do bị thay đổi, và mất đi bởi sự khổ đau luôn luôn chi phối bởi Vô Thường và Vô Ngã, đó là Trí Tuệ Balamật, đó là Trí Tuệ Độ.

Tóm lại. Người có trí tuệ thấy được bản chất sự thật ở trong đời, khi chúng ta nói đến người hành Trí Tuệ Balamật là họ phải tìm ra con đường thấy sự Vô Minh, mà tìm ra con đường thấy được sự Vô Minh họ phải liễu tri được Tứ Đế, khi họ liễu tri được Tứ Đế ngắn gọn và tìm ra được nguồn cội của nhân quả, nguồn cội của nhân quả bởi những pháp biết và làm sinh ra những liên hệ để được tồn tại là người đó nắm được Trí Tuệ Balamật.

Thiền sinh: Thưa Sư, nếu mà tìm ra vô ngã trước, mình biết rồi mình mới tìm hiểu đến Khổ, rồi đến Vô Thường?

TT trả lời: Tìm ra Vô Ngã rất khó, mình thấy cái khổ trước, thấy được sự Hoại khổ mà sự thật đó là mình thức tỉnh rồi, chứ mình tìm Vô Ngã chưa chắc mình tìm ra được, không khi nào mình nói "thân này không phải của tôi" mình thấy khổ cái thân này mới thấy được Vô Ngã sau đó, cũng đi con đường thấy khổ trước rồi mới thấy Vô Thường rồi mới thấy Vô Ngã. Bậc Trí Tuệ Balamật là bậc tìm ra được nhân trước rồi mới ra được quả, còn đối với những người đang tu tập hay là những người phàm phu thì họ tìm thấy quả trước rồi mới tìm ra nhân, thường thường con người chúng ta tìm thấy quả trước rồi bắt đầu tìm hiểu từ đâu cho ra quả này rồi ra được nhân, từ nhân này hỏi duyên nào sanh ra nhân này ra được cái đó, qúi Phật tử đi tìm cái dễ qúi Phật tử nắm được, Balamật của qúi Phật tử không bị đứt, qúi Phật tử đi tìm cái khó mà qúi Phật tử nắm không được thì Balamật qúi Phật tử bị đứt.

Thiền sinh: Thưa Sư, nếu Trí Tuệ Balamật bị đứt thì mình ra sao?

TT trả lời: Trí tuệ Balamật bị đứt thì mình thành người vô minh, tức là bị mất hạnh nguyện Trí Tuệ Balamật của mình trước đó. Thí dụ như qúi Phật tử nguyện không sát sanh mà qúi Phật tử giết con gián con kiến là qúi Phật tử phạm giới sát sanh. 

Khi qúi Phật tử nguyện Trí Tuệ Balamật lúc nào cũng phải dùng trí tìm thấy được một pháp đem theo pháp Nhân Quả, pháp Tứ Đế, hay theo pháp Duyên Sinh Duyên Hành, qúi Phật tử phải dùng cái trí đó tìm, rồi do đó mình tìm ra thì trí tuệ phát triển lên và trí tuệ này là Trí Tuệ Balamật là qúi Phật tử không có duyên ở trong đời nữa, không còn thích trong đời nữa, không còn nghĩ ở trong đời nữa, trí tuệ này có rồi để giải thoát chứ không phải để làm danh làm lợi hơn thua trong đời này nữa đó là trí tuệ Balamật. Có những người phát triển con đường trí tuệ để cầu danh thơm tiếng tốt được tán thán được khen ngợi, nhưng những người mà trí tuệ Balamật này họ lấy trí tuệ họ tu tập con đường trí tuệ phát triển con đường trí tuệ họ chỉ cầu mong được giải thoát thôi họ không mong gì cả, họ không mong được danh thơm tiếng tốt, được khen ngợi, hay được tán dương trong đời này hay là họ được bổng lộc được phát sanh mà họ muốn giải thoát, đó là Trí Tuệ Balamật, những người hiểu biết như vậy họ trau dồi rốt ráo để đi ra khỏi Tam Giới, đó là trí tuệ Balamật.

Như vậy thì mỗi pháp sanh lên đầu tiên qúi Phật tử sẽ không quen, nguyện Trí Tuệ Balamật sẽ không quen, do đó qúi Phật tử làm theo tập quán hay tập khí hay là thói quen của mình, cái gì không biết thì hỏi, không biết thì tìm tòi nghiên cứu hay không biết thì phải đi tìm tòi giải đáp, nhưng đối với những bậc Trí Tuệ Balamật họ phải tìm hiểu tìm hiểu suy tư suy tư nghĩ ngợi nghĩ ngợi.

Có 3 loại trí tuệ là, Văn, Tư, Tu. 

- Những người có trí tuệ do Văn, họ phải tìm tòi học hỏi, đọc và biết lắng nghe để lấy kiến thức. 

- Tư là người đó phải suy tư nghĩ ngợi về vấn đề, tư trong tư duy. 

- Tu là tu sửa, là thực hành, sau khi có kiến thức, đã tư duy thì họ phải tu tập trau dồi thực hiện bắt tay làm, họ mới phát triển được trí tuệ. 

Người ta nói "trăm quen không bằng một khéo", qúi Phật tử làm quen nhưng không bằng một khéo, khéo hay hơn quen, quen mà chúng ta không khéo có thể sanh ra vụng về làm cho được thôi, còn làm mà khéo thì nó hay hơn là trạng thái quen tay, do đó mà quen tay là qúi Phật tử là Văn, mà khéo là do tu tập.

Như vậy thì ở trên con đường chúng ta là một hành giả Bồ Tát mà tu tập Trí Tuệ Balamật là tìm ra hướng đi của vị Bồ Tát này làm sao phải diệt màn vô minh.

Như vậy thì ở đây Sư cho qúi Phật tử một câu thí dụ.

Một ngày qúi Phật tử tu tập hết sức tinh tấn, khi chúng ta làm việc thiện tiếng tốt được loan truyền khắp nơi, được mọi người tán thán khen ngợi, danh thơm tiếng tốt được đón nhận như vậy thì nếu một người Bồ Tát hạnh nguyện Trí Tuệ Balamật có được khen cũng không dừng lại, tán thán không dừng lại, danh thơm tiếng tốt được loan truyền đi cũng không dừng lại, họ còn tiếp tục trên con đường giải thoát. 

Khi được tán thán được khen ngợi, lúc đó họ phải nhìn cả hai hướng. Nếu  qúi Phật tử không hiểu sẽ bị lầm trong trạng thái trí tuệ chỗ này, Sư chưa nói, Sư chỉ đang nói sự khen ngợi, khi chúng ta được sự khen ngợi với một đối phương nào đó hay của nhân gian cho ta một lời tán thán khen ngợi, chúng ta phải nhìn 2 hướng:

 1) Một là đúng, họ khen mình quả thật đúng với việc mình làm thiện

 2) Hai là sai, khi mình làm sai mà họ khen mình đó là hại mình, đó là giết mình.

 Qúi Phật tử phải cẩn thận. 

Khi mà đúng chúng ta có 2 hướng là:

1) Dính mắc trong đời là Hiệp Thế

2) Tán thán trong đời này chúng ta cầu giải thoát là Siêu Thế là con đường này đúng rồi chúng ta phải đi tiếp tục, chúng ta không dừng lại ở Hiệp Thế

Khi mà sai chúng ta có 2 hướng

1) Biết sai cho ta sự thức tỉnh, nếu biết họ nói gạt mình thì mình có sự thức tỉnh, còn nếu ta thức tỉnh thì ta tách ly ra khỏi sai lầm ta quay trở lại đúng

2) Sai trong sự mê lầm, nếu chúng ta không biết thì ta rớt trong mê lầm.

Chỉ một sự khen ngợi thôi chúng ta phát hiện được Đúng hay Sai và chúng ta thấy được con đường dính mắc hay con đường giải thoát. 

Hễ là sai, một là chúng ta thức tỉnh hai là ta mê lầm dính mắc trong sự sai lầm này, chúng ta thấy điều này là do bởi Trí Tuệ Balamật.

Qúi Phật tử phải cẩn thận khi qúi Phật tử ra ngoài đời sống trong xã hội này, quí Phật tử nào đang nguyện Bồ Tát Balamật những pháp môn đó là những pháp chúng ta phải dùng trí để suy nghĩ, chứ không thì chúng ta lọt vô trong trạng thái đứt Balamật, không phải chúng ta bị hỏng con đường tu, mà là bị đứt Balamật, qúi Phật tử phải cẩn thận.

Có những người họ khen mình nhưng những cái khen đó ta phải nghiệm lại, đó có phải là lời khen đúng hay là họ đang hại mình trong sự khen này. Nhưng với người có trí tuệ Balamật họ sẽ thức tỉnh được họ không bị lầm mê, còn không, những người không dùng Trí Tuệ Balamật thì họ bị dính vào lời khen, ở trong đời này họ khổ. 

Do đó, đó là một thí dụ mà Sư dẫn chứng cho qúi Phật tử hành trí tuệ Balamật. Cẩn thận vô cùng, đó là những bẫy sập bởi sự vô minh của mình mà mình bị rơi vào trong đó vì mình không có trí tuệ để phát hiện được những bẫy sập này.

Thiền sinh: Thưa Sư, nếu mình rơi vào trong tình trạng si mê và hoài nghi?

TT trả lời: Không có hoài nghi, nó lọt vào trong hai trường hợp đúng hay sai liền, thường thường rớt trong cái đúng hay là rớt trong cái sai, không khi nào mình nghi ngờ hết, dính trong cái khen ngợi là mình nghe sự khen ngợi mà không có trí phát hiện là chúng ta dính trong đó liền. Ngay cả khen ngợi mà đúng mình cũng bị dính trong đó, chứ không có hoài nghi.

Trường hợp bị chỉ trích, chỉ trích có khi đúng có khi chỉ trích sai. Nếu đúng ta sửa ta hoàn chỉnh đó là sự thức tỉnh, còn bị chỉ trích mà chúng ta không sửa ta rớt trong sự chỉ trích đó một sự si mê của chính mình, không có tiến bộ được. 

Qúi Phật tử thấy những cái đó nó đến với chúng ta rất mạch lạc, nó rất là khéo léo, rất là vi tế, qúi Phật tử sẽ tìm cái nhân nào cho quả khen ngợi, duyên nào mà sự khen ngợi này được tồn tại, nên người đời thường hay gọi là có nhân có duyên thì quả hiện bày, quả được hiện bày tương sinh với nhân và duyên tác động, người có trí tuệ tìm ra được.

Từ đây về sau mỗi khi qúi Phật tử thấy một pháp nào đến hãy tìm xem do nhân nào sẽ cho quả nào, do duyên nào sinh ra quả nào, khi nghiệm như vậy với mọi pháp trí tuệ qúi Phật tử sẽ vô lượng vô biên.

Hôm nay ta nói về Trí Tuệ Balamật qúi Phật tử sẽ thấy đó có vấn đề, thường thường chúng ta nói Tứ Đế, nói tới Khổ Đế chúng ta thường hay nói tới Khổ Khổ mà qúi Phật tử không giải đáp được.

-  Khổ do từ nhân hành, 

-  Hành do từ nhân hoại, hoại làm cho khổ hiện bày.

Do đó, qúi Phật tử tìm ra được như vậy lúc đó qúi Phật tử đã có Trí Tuệ Khổ Đế rồi đó.

Rồi trong khi Khổ Khổ có 8 loại khổ 1) Sanh, 2) Già, 3) Đau, 4) Chết, 5) Ái biệt ly (thương phải xa), 6) Oán tắng hội (ghét phải gần), 7) Cầu bất đắc, 8) Ngũ thủ uẩn. Thì qúi Phật tử thấy tìm gốc của Khổ Khổ là Ngũ Thủ Uẩn là hiện bày cho 7 cái khổ kia. Từ đó qúi Phật tử sẽ tìm ra được tất cả những mối liên quan liên hệ giữa nhân và duyên kết hợp hiện bày ra tính chất của cái Khổ Đế này thì qúi Phật tử sẽ ra được vấn đế trí tuệ của qúi Phật tử diệt được màn vô minh.

Trước đây Sư có nói qua một lần về pháp Tứ Đế, qúi Phật tử sẽ thấy 

- Khi qúi Phật tử mở mắt ra sau một giấc ngủ ngon một đêm, qúi Phật tử vừa mở mắt ra qúi Phật tử niệm đó là sanh,

- Thì khi qúi Phật tử niệm đó là sanh, qúi Phật tử đứng dậy thì niệm đó là già.

 Tại vì nếu còn nằm một chỗ mà chưa đứng lên là còn baby, mà đứng lên ngồi dậy là bắt đầu là già, mà đi tới đâu thì tất cả những bộ phận của ta bị đau hoại sẽ bị tiêu hoại, đó là đau và chết. Nếu qúi Phật tử thấy như vậy qúi Phật tử đang có một cái khổ, đó là liễu tri Khổ Đế. 

Mỗi buổi sáng qúi Phật tử ngồi dậy là qúi Phật tử niệm được điều đó,

-  mà mình không muốn như vậy thì qúi Phật tử đang có ái biệt ly,

-  nó vẫn hiện bày như vậy, oắn tắng hội muốn nó không hiện bày nữa nhưng nó vẫn hiện bày, 

- cầu bất đắc vì chấp vô thân này là tôi đang có mặt.

Một buổi sáng thôi, qúi Phật tử làm điều đó qúi Phật tử sẽ thấy đó là sự thật, nhưng mà đối với qúi Phật tử mình là một cái máy, làm một cách mau lẹ, vận hành một cách rất uyển chuyển khéo léo, ngồi dậy là bước ra xe ra đi liền do đó qúi Phật tử không quán sát 8 cái khổ là qúi Phật tử không muốn trau dồi một cơ sở hay một nền tảng Trí Tuệ Balamật của mình.

Qúi Phật tử thấy không, buổi sáng mở mắt ra là có sự sống này sau một giấc ngủ ngon đã chết của ngày hôm qua, ngay đó qúi Phật tử đã quán sát như vậy qúi Phật tử đã có một trí tuệ. Khi qúi Phật tử quán sát được qúi Phật tử đã từng sanh, đã từng bị già, từng bị bịnh, từng bị chết trong con người này trong từng mỗi ngày như vậy, lúc đó qúi Phật tử không còn muốn dính mắc vào những cái gì còn đeo níu trong cuộc đời này nữa, qúi Phật tử phải tìm cầu thoát ly, đó là Trí Tuệ Balamật. 

Còn nếu như qúi Phật tử không quán sát được điều đó tất cả những điều nào qúi Phật  tử đang thấy ở đây, đó là gì những thường hằng thường xảy ra thường xuyên như vậy, đó là thói quen, thì ngay đó qúi Phật tử mất dần trí tuệ, qúi Phật tử sẽ sống trở lại trong sự không hiểu biết thiếu sáng suốt, một hiện tượng của sự vô minh. Một phút thôi hay là 5 phút thôi để niệm thì qúi Phật tử thấy được sự việc như vậy, qúi Phật tử đã sống bao nhiêu lần rồi và đã chết bao nhiêu lần rồi, mình đã bị bịnh bao nhiêu lần rồi và mình đã già đi bao nhiêu lần rồi, mình đã bao nhiêu lần muốn cầu mà không được, thì cái đó làm cho qúi Phật tử có sự thức tỉnh. Thức tỉnh do bởi mình nhận thức, nhận thức đó từ suy nghĩ và mình lo tu tập để đạt được kết quả.

Đó là, hôm nay chúng ta đã giới thiệu qua phần hạnh nguyện Trí Tuệ Balamật.

Còn tiếp phần I I, Pháp Độ Tinh Tấn Balamật

---------------------------


No comments:

Post a Comment